20/09/2020 12:05 GMT+7

Thăng trầm chiếc nón Việt

MINH TỰ - NHẬT LINH  - THIÊN ĐIỂU
MINH TỰ - NHẬT LINH - THIÊN ĐIỂU

TTO - Nón lá cùng áo dài đã tạo thành bộ trang phục biểu trưng của người Việt. Áo dài nam nơi công sở vừa thử nghiệm ở Huế vẫn còn gặp trắc trở, nhưng áo dài lâu nay đã thăng hoa ở vị trí đầu bảng thời trang Việt. Còn chiếc nón Việt ở đâu bây giờ?

Thăng trầm chiếc nón Việt - Ảnh 1.

Chợ nón Dạ Lê (xã Thủy Văn, thị xã Hương Thủy, Thừa Thiên Huế) năm 2005, lúc vẫn còn đông người mua kẻ bán - Ảnh: PHẠM VĂN TÝ

Bộ trang phục của người Việt từ thuở Hùng Vương dựng nước đến hôm nay có không biết bao nhiêu là áo quần, mũ mão, hài hia; nhưng nay người các nước cứ nhìn thấy áo dài - nón lá là biết ngay Việt Nam. 

Dù là trang phục đại diện bản sắc Việt, chiếc nón lá đang vắng bóng dần trong đời sống thường nhật. Liệu nón lá có biến mất như những thứ mũ mão, hài hia, guốc dép, váy xống... một thời vang bóng?

Lơ thơ làng nón bài thơ

Thôn Tây Hồ (xã Phú Hồ, huyện Phú Vang, Thừa Thiên Huế) là nơi sinh ra chiếc nón bài thơ nổi tiếng xứ Huế. 

Khoảng năm 1959 - 1960, ông Bùi Quang Bặc - nghệ nhân chằm nón lá ở làng nón Tây Hồ - đã nảy ra sáng kiến ép những câu thơ vào giữa hai lớp lá để tạo thêm vẻ đẹp của chiếc nón. 

Ông Bặc đã ép vào chiếc nón câu thơ lục bát: Ai ra xứ Huế mộng mơ / Mua về chiếc nón bài thơ làm quà. Không chỉ ép thơ, các nghệ nhân Huế còn ép vào nón hình ảnh cầu Trường Tiền, chùa Thiên Mụ, núi Ngự Bình, cửa Ngọ Môn... "Chiếc nón bài thơ xứ Huế" ra đời từ đó và lưu truyền đến hôm nay.

Thế nhưng những ngày này, tìm mỏi con mắt mới thấy được một nhà còn chằm nón lá. Ông Bùi Quang Đấu (trưởng thôn Tây Hồ) nét mặt đượm buồn khi nghe chúng tôi nhắc về nghề truyền thống của làng mà chính ông cũng không còn giữ được. Cả thôn hơn 400 hộ nhưng hiện chỉ còn hơn 10 hộ giữ nghề chằm nón. 

Cũng vì công sức đổ ra nhiều mà thu nhập quá thấp nên phần đông đã bỏ nghề. Có chăng chỉ vài nhà còn làm lúc nông nhàn hoặc là người đau ốm, mất sức lao động. 

Ông Đấu, cũng là người chằm nón, kể mấy chục năm trước, thời còn là học sinh ông đã chằm được những chiếc nón bài thơ tuyệt đẹp. 

"Hồi nớ cả làng từ người già đến con nít ai cũng biết chằm nón. Nhà mô cũng vừa làm ruộng vừa chằm nón. Nhưng thời gian sau này nghề chằm nón bạc bẽo quá, không còn được như xưa nên dân làng dần bỏ, tìm nghề khác kiếm sống" - ông Đấu thở dài nói.

Theo hướng dẫn của ông trưởng thôn, chúng tôi tìm đến nhà ông Dương Văn Thuận (giáp Trung An, thôn Tây Hồ) - một trong số hơn 10 hộ của thôn còn giữ được nghề chằm nón truyền thống. 

Ông Thuận kể rằng lâu nay ông đi làm phụ hồ, sau khi bị tai nạn, sức khỏe không còn ông mới trở lại chằm nón. Hai vợ chồng già làm suốt cả ngày được 3 chiếc nón, trừ hết chi phí thì kiếm được 30.000 đồng. 

"Ngày trước, có người sắm được cả vàng từ nghề chằm nón. Chừ thì đi bán vé số còn khá hơn chằm nón. Lớp già như tui còn giữ được, chứ lớp trẻ sau này không còn ai biết chằm" - ông Thuận nói.

Thăng trầm chiếc nón Việt - Ảnh 2.

Hàng nón ở chợ Đông Ba (TP Huế) vắng khách - Ảnh: NHẬT LINH

Còn ai làm nón?

Về làng Chuông (xã Phương Trung, huyện Thanh Oai, Hà Nội), ngôi làng lịch sử hàng trăm năm làm nón, trước chợ nhộn nhịp người mua bán nón. 

Nhưng hiện sự nhộn nhịp đã giảm đi nhiều từ hơn chục năm trở lại đây khi nghề làm nón chỉ còn là nghề phụ cho người già, phụ nữ sức yếu khó làm các công việc khác.

Không còn sôi động, nhưng về làng nón, góc nào của làng cũng có thể bắt gặp những người phụ nữ ngồi mải miết khâu nón. 

Như chị Tươi gặp buổi chợ vắng (chị bán quần áo ở chợ Chuông) ngồi khâu nón trong nắng chiều. Hay chị Thảo ôm cả chồng nón ngồi trên gian gác chuông chùa làng, vừa khâu nón vừa "tiếp thị" bán hàng cho khách phương xa. 

41 tuổi nhưng chị Thảo đã có 35 năm gắn bó với nghề nón. Chị chưa già, cũng không yếu, nhưng bận chăm ba đứa con, lại giỏi nghề, làm được những chiếc nón kỳ công, bán được giá cao nên chị vẫn chọn ở lại với nghề. 

Mấy năm nay chị Thảo học được thêm mặt hàng mới là làm nón phủ lụa, lớp lá nón ngoài cùng được thay bằng lớp lụa đủ sắc màu. Chị bảo mặt hàng mới này bán rất chạy, khách đặt làm quà tặng rất nhiều, trước khi có dịch chị làm không đủ bán vì cả làng có mình chị làm được.

Vừa rũ lá nong phơi trên con đê làng cùng vợ, anh Hưởng vừa cho biết nghề nón làng Chuông trước mười phần thì giờ chỉ còn hai. 

Chỉ tay lên con đê mướt mát chạy qua làng, anh Hưởng bảo ở cái thời nghề chằm nón chưa xuống dốc, đoạn đê qua làng những ngày nắng bạt ngàn là nón, chứ không chỉ có mỗi vợ chồng anh đang phơi như bây giờ. 

Thế rồi hơn chục năm trước, khi các nhà máy mọc lên, người dân trong làng đi làm công nhân, đi làm các cơ quan, công ty... chỉ người già, phụ nữ yếu mới chịu ở nhà khâu nón.

Nhưng vợ chồng anh vẫn bám nghề cung cấp lá nón đã theo mình mấy chục năm qua, bởi anh cũng không biết làm việc gì hơn nghề này.

Thăng trầm chiếc nón Việt - Ảnh 3.

Chị Thảo vừa khâu nón vừa giới thiệu mặt hàng nón phủ lụa mới cho khách - Ảnh: T.ĐIỂU

Ế ẩm hàng nón

Chúng tôi đến chợ Đông Ba, khu chợ nổi tiếng và là đầu mối mua - bán nón ở Huế. Khu hàng nón ở trung tâm chợ, những bà chủ quầy hàng ngồi thẫn thờ nhìn nhau vì ế khách. 

Bà Văn Thị Sung (chủ quầy nón Cô Sung), người đã hơn 40 năm buôn bán nón, cho biết vì người dân không sử dụng nhiều nên nón lá giờ không còn thịnh hành như trước. 

"Ra đường thì người ta đội mũ bảo hiểm, đi chơi thì đội mũ vải cho tiện. Người bán nón hiện chủ yếu sống nhờ vào khách du lịch, mà gặp phải dịch bệnh như hiện nay thì bó tay" - bà Sung nói. 

Bà Sung cũng cho biết chợ Đông Ba ngày trước có khoảng 72 hàng bán nón lá, nhưng hiện chỉ còn hơn chục hàng.

Theo bà Sung, nón lá được tập trung về chợ Đông Ba rồi phân phối về các chợ quê ở khắp tỉnh Thừa Thiên Huế, Quảng Trị, Quảng Bình... 

Tuy nhiên thời gian gần đây nón càng ít người dùng, cộng thêm khoản phí vận chuyển nên giá chiếc nón tăng lên nhiều so với giá bán ban đầu. "Ngày trước buôn nón là khá giả, còn chừ thì kiếm cơm qua ngày mà cũng nhiều người bỏ nghề rồi" - bà Sung thở dài.

Ở hầu hết các chợ truyền thống lớn tại Hà Nội đều vẫn có thể tìm được một chồng nón lá khép mình trong một gian hàng ở góc chợ khuất lấp nhất. Riêng chợ Hôm còn ba hàng, chợ Đồng Xuân hiện còn hai hàng bán nón lá nhưng nằm ngay cửa vào.

Là một trong ba nhà còn bán nón ở chợ Hôm, ông Thắng kể nón lá đã được bán từ thời mẹ ông còn bán hàng. 

Ông xúc động nhớ lại cái thời nón lá người ta thường mua cả xấp bởi các cơ quan thường mua làm quà tặng cho nhân viên, thời ấy ở Hà Nội phụ nữ vẫn đi xe đạp và đội nón lá. Giờ thì ngày đắt ông bán được chục chiếc, ngày ế được vài ba cái cho những người già hàng phố đội đi chợ.

Hai hàng nón chợ Đồng Xuân lọt thỏm giữa bạt ngàn cả khu rộng chuyên bán các loại mũ vải. "Bây giờ ai đội nón mà bán, chỉ bán cho khách du lịch thôi", chủ một gian hàng bán mũ vải ở chợ Đồng Xuân nói. 

Nhưng chị chủ gian hàng nón lá Hương Anh vẫn lạc quan với mặt hàng nón lá chị đã bán hơn 30 năm qua ở chợ Đồng Xuân, bởi ít người còn đội nón nhưng chợ cũng ít người bán hơn và những năm gần đây lại có "mối" mới là khách du lịch.

Thăng trầm chiếc nón Việt - Ảnh 4.

Người ta có thể bắt gặp rất nhiều phụ nữ đội nón lá ngay bên hồ Gươm - Ảnh: T.ĐIỂU

Thăng trầm chiếc nón Việt - Ảnh 5.

Hàng nón ở chợ Đông Ba vắng thưa khách - Ảnh: NHẬT LINH

Thăng trầm chiếc nón Việt - Ảnh 6.

Giữa phố phường Hà Nội dễ bắt gặp những chiếc nón lá cùng với những người phụ nữ bán hàng rong - Ảnh: T.ĐIỂU

Thăng trầm chiếc nón Việt - Ảnh 7.

Ảnh Hưởng phơi lá nón bên triền đê làng Chuông - Ảnh: T.ĐIỂU

Thăng trầm chiếc nón Việt - Ảnh 8.

Nón lá vẫn được nông dân sử dụng nhiều ở các miền quê, trong ảnh là nông dân huyện Thanh Oai, Hà Nội phơi lúa - Ảnh: T.ĐIỂU

Thăng trầm chiếc nón Việt - Ảnh 9.

Nhà Dương Văn Thuận là một trong 10 hộ còn làm nón ở thôn Tây Hồ - Ảnh: NHẬT LINH

Mức giá dao động

Tại TP.HCM, vùng đất Củ Chi có làng chằm nón Tằm Lanh nhưng thực sự mà nói, không nhiều người biết tới làng nghề này.

Một người dân sống ở ấp Tằm Lanh cho biết hầu như không còn nhiều hộ ở đây làm nghề nón truyền thống vì thu nhập thấp trong khi thị trường tiêu thụ lại hẹp dần.

Tại chợ Bến Thành, nón lá được bày bán ở các gian hàng đồ lưu niệm. Các loại nón được in nhiều hoa văn, hình ảnh bắt mắt, có các kích cỡ khác nhau với mức giá dao động 40.000 - 200.000 đồng.

Trong đó, những chiếc nón thêu tranh bằng tay, vẽ tranh phong cảnh hay đan bằng nan tre là những mẫu được yêu thích. Những loại nón có phong cách cổ trang, kiếm hiệp thường được dùng làm đạo cụ biểu diễn có giá bán cao nhất: 200.000 - 300.000 đồng.

Tại một số cửa hàng thời trang cao cấp, mức giá này có thể tăng theo cấp số nhân nhưng cũng chưa bao giờ là món hàng được ưa chuộng.

Chị Thanh Tuyết - tiểu thương ở chợ Bến Thành - cho biết: "Người tới mua nón lá chủ yếu là khách du lịch, họ mua để làm kỷ niệm khi tới Việt Nam. Còn người Việt thì cũng có nhưng không đáng kể, thỉnh thoảng các đoàn văn nghệ biểu diễn mua số lượng lớn".

Chị Tuyết cũng cho biết nguồn hàng chủ yếu nhập từ một số nơi vẫn còn giữ nghề chằm nón lá truyền thống như ấp Thới Tân A (Cần Thơ), ấp An Phú hay làng nón lá Ninh Sơn (Tây Ninh).

TIẾN VŨ

Bàn tay tài hoa làm nên thương hiệu Bàn tay tài hoa làm nên thương hiệu 'nón lá bàng'

TTO - Những chiếc lá bàng rừng qua đôi bàn tay tài hoa của người đàn ông đam mê sáng tạo nghệ thuật đã làm nên chiếc nón cách điệu ấn tượng.

MINH TỰ - NHẬT LINH - THIÊN ĐIỂU
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên