04/04/2024 14:52 GMT+7

Thăm làng rèn đỏ lửa 300 năm được công nhận làng nghề OCOP 3 sao

Làng rèn Minh Khánh, xã Tịnh Minh, huyện Sơn Tịnh, Quảng Ngãi trải qua 300 năm tồn tại. Những sản phẩm búa, liềm, dao, rựa... rất nổi tiếng của làng nghề từng độc chiếm thị trường. Nay chỉ khoảng 65 hộ theo nghề, họ hy vọng phục hưng thuở huy hoàng.

Thợ rèn Lương Kim Hải kiểm tra độ sắc bén lưỡi dao mình làm ra - Ảnh: TRẦN MAI

Thợ rèn Lương Kim Hải kiểm tra độ sắc bén lưỡi dao mình làm ra - Ảnh: TRẦN MAI

Dẫu không còn thống trị thị trường dao, rựa và các nông cụ như thuở trước. Nhưng làng rèn mở Minh Khánh vẫn tồn tại, cạnh tranh với sản phẩm hiện đại.

Lò than làng rèn đỏ lửa trăm năm

Vừa đến làng Minh Khánh đã nghe tiếng gõ "bưng bưng" vọng ra từ các lò rèn trong ngõ nhỏ. Âm thanh búa nện và đe ấy là nét đặc trưng của nghề rèn.

Ông Nguyễn Tòng (65 tuổi), trưởng Ban quản lý làng nghề rèn truyền thống Minh Khánh, nói theo cha học nghề rèn từ khi 10 tuổi. Đến nay, ông có hơn nửa thế kỷ làm nghề rèn.

Theo ông Tòng, nghề rèn ở Minh Khánh trải qua hơn 300 năm tồn tại. Nhiều gia phả trong làng còn lưu lại cuộc di cư của người "đàng ngoài" thuở xưa, mang theo nghề rèn vào dải đất bên sông Trà Khúc trú thân hành nghề.

"Lý do chọn nơi này bởi gần sông lớn. 300 năm trước phía hạ nguồn có thương cảng Thu Xà sầm uất thuyền buôn, việc bán sản phẩm làng làm ra rất thuận tiện", ông Tòng lý giải.

Câu chuyện của ông Nguyễn Hoàng (76 tuổi) hòa cùng mùi nồng nồng của than, tiếng búa chan chát, tiếng xè xè của máy móc... từ các lò rèn vây lấy làng Minh Khánh.

Ông Nguyễn Hoàng là thợ rèn có thâm niên nhất nhì Minh Khánh, chỉ tay về gò đất giữa cánh đồng, bảo đó là mộ tổ, người đưa nghề rèn về ngôi làng bên tả ngạn sông Trà Khúc.

Lật cuốn gia phả họ Nguyễn đã hoang hoải thời gian, ông Hoàng nói cụ tổ gốc ở phía Bắc. Cụ tổ tên Đinh Khắc Nhơn, hơn 300 năm trước di cư vào đây lập làng, khai nghề.

"Gia phả ghi tại đây, cụ tổ gia đình cũng là tổ nghề rèn chọn sống mai danh ẩn tích nên đổi từ họ Đinh sang họ Nguyễn và lấy tên là Nguyễn Khắc Nhơn. Sau đó, chẳng hiểu biến cố gì mà lại đổi thành Nguyễn Công Sơn", ông Hoàng nói.

Lửa lò làng rèn Minh Khánh rực đỏ đã hơn 300 năm - Ảnh: TRẦN MAI

Lửa lò làng rèn Minh Khánh rực đỏ đã hơn 300 năm - Ảnh: TRẦN MAI

Cũng giống như ông Tòng, ông Hoàng nói những người đầu tiên khai ấp lập làng, phát triển nghề rèn ở đây một phần dựa vào giao thương đường sông thuận tiện.

Ông Nguyễn Minh Lý (51 tuổi) nhớ lại cái thời cha nền búa, con quạt lửa, vợ mài dao... cả nhà quần quật bên lò rèn đã trôi qua. Cảm giác nuối tiếc thuở huy hoàng hiện rõ trong lời nói. "Trước năm 2000, cả làng sản xuất nông cụ ra không đủ bán. Người ta tới mua sỉ, chở lên các tỉnh Tây Nguyên và dọc miền Trung và ra các tỉnh phía Bắc bán", ông Lý nói.

Công đoạn

Công đoạn "nước tôi" rất quan trọng, đây là yếu tố để có lưỡi dao sắc bén, bền - Ảnh: TRẦN MAI

Giữ lửa nghề rèn

Theo những gia đình nối nghiệp nghề rèn, sở dĩ có một thuở huy hoàng bởi thợ rèn ở đây được truyền nối bí quyết gia truyền. Những sản phẩm làm ra đảm bảo độ sắc bén và cứng cáp. Bí quyết lớn nhất nằm ở khâu "nước tôi".

"Nước tôi" có nghĩa là cho sản phẩm qua lửa lần cuối rồi nhúng vào nước lạnh. Sau khi nhúng xong, người thợ mang đi mài lần cuối để hoàn chỉnh sản phẩm. Nước tôi già hay non ảnh hưởng đến độ sắc của dụng cụ.

"Nước tôi đúng độ thì sản phẩm cực kỳ sắc bén, không thì sứt mẻ khi sử dụng", thợ rèn Lương Kim Hải nói.

Thuở làng nghề đi xuống nhất là sau năm 2000, những sản phẩm công nghiệp ồ ạt ra đời với số lượng lớn, giá rẻ hơn, làng nghề gặp phải đối thủ cạnh tranh quá lớn.

Hiện tại, người dùng trở lại với sản phẩm rèn thủ công ngày một nhiều. Ông Hải lý giải sản phẩm của làng nghề thua bởi không đẹp và rẻ như hàng công nghiệp, còn độ sắc và bền thì "ăn đứt". "Bây giờ, nhiều người đặt hàng cho chúng tôi làm những con dao, dụng cụ phù hợp với công việc của họ. Như dao chặt xương, ra thịt trong các lò mổ bán rất chạy", ông Hải nói.

Rửa cháy đỏ rực, thanh sắt nung đỏ được đưa và búa máy đập bưng bưng. Những người thợ nhúng thanh sắt rực đỏ vào nước, bằng đôi mắt tinh nghề sẽ nhận ra "nước tôi" tới độ, non, già. Chỉ cần sai lệch lập tức vứt lại vào than đỏ, nung và làm lại từ đầu.

Những sản phẩm của làng rèn Minh Khánh - Ảnh: TRẦN MAI

Những sản phẩm của làng rèn Minh Khánh - Ảnh: TRẦN MAI

"Ở đây, mỗi nhà có mỗi bí quyết gia truyền để tạo ra sản phẩm tốt nhất. Nhờ vậy mà làng vẫn tồn tại cho đến ngày nay", ông Hải nói. Ngày nay, người thợ rèn đã khỏe hơn cha ông mình, khi những công việc nặng nhọc như tiện, cắt, dập, mài... đã có máy móc hỗ trợ, khác với thuở xưa làm thủ công từ đầu đến cuối. Cũng nhờ máy móc mà sản phẩm của làng làm ra nhanh và nhiều hơn.

Thời gian đi qua trở thành lịch sử, thăng trầm lùi đi. Làng rèn Minh Khánh vẫn âm thầm tồn tại. Mới đây, làng được Cục Sở hữu trí tuệ, Bộ Khoa học và Công nghệ chứng nhận nhãn hiệu tập thể và được UBND tỉnh Quảng Ngãi công nhận làng nghề truyền thống.

Sản phẩm của làng nghề được công nhận OCOP 3 sao. Chương mới của làng nghề đang mở ra, thuở vàng son được kỳ vọng...

Đôi tay người thợ rèn chai sần - Ảnh: TRẦN MAI

Đôi tay người thợ rèn chai sần - Ảnh: TRẦN MAI

Nghề rèn, chồng làm vợ cũng làm chung - Ảnh: TRẦN MAI

Nghề rèn, chồng làm vợ cũng làm chung - Ảnh: TRẦN MAI

Những người phụ nữ cả đời mài giũa đã thành thục đến độ chỉ cần nhìn qua biết dao đạt độ sắc bén hay chưa - Ảnh: TRẦN MAI

Những người phụ nữ cả đời mài giũa đã thành thục đến độ chỉ cần nhìn qua biết dao đạt độ sắc bén hay chưa - Ảnh: TRẦN MAI

Người cựu binh vực dậy làng nghề chạm bạcNgười cựu binh vực dậy làng nghề chạm bạc

Con đường dẫn vào làng chạm bạc Đồng Xâm (xã Hồng Thái, huyện Kiến Xương, tỉnh Thái Bình) giữa ban trưa vắng vẻ, bình yên. Cuối con phố nhỏ là ngôi nhà của nghệ nhân Đinh Quang Thắng (sinh năm 1958) được tận dụng làm xưởng chạm bạc.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên