16/12/2016 14:20 GMT+7

Thả nhiều cá trê lai ra môi trường, nên không?

GIÁNG HƯƠNG ghi
GIÁNG HƯƠNG ghi

TTO - Tại kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè (TP.HCM), theo quan sát của người dân, nơi này thường được thả nhiều cá trê lai.

Tuy nhiên, một số người cảm thấy quan ngại về quản lý nguồn gen, ảnh hưởng đến môi trường sống lâu dài của những loài cá bản địa. Khía cạnh môi trường này cũng được khuyến cáo, đề cập trong một nghiên cứu liên quan gần đây. Những vấn đề như vậy được lý giải như thế nào dưới góc độ chuyên môn?

Với phản ảnh nói trên, PGS.TS Vũ Cẩm Lương (khoa thủy sản Trường ĐH Nông lâm TP.HCM) phản hồi:

- Cá trê lai là con lai giữa cá trê phi đực và cá trê vàng cái. Loài cá này được lai tạo thành công ở Việt Nam từ năm 1990, và trước đó là ở Thái Lan từ năm 1988. Do cá tăng trưởng nhanh và khả năng kháng bệnh cao nên nghề nuôi cá trê lai phát triển nhanh chóng ở nước ta.

Hiện ở đồng bằng sông Cửu Long có khoảng 11 trại cá bột và 30 trại ương cá giống đang hoạt động, sản lượng nuôi thương phẩm đạt hơn 4.000 tấn/năm.

Cá trê lai giống hiện nay cũng đang được bán phổ biến ở một số điểm buôn bán loại cá này tại TP.HCM.

Trên quan điểm khoa học, con lai khác loài không được khuyến khích thả ra ngoài các thủy vực tự nhiên. Ở thời điểm hiện tại, cá trê lai được xem là bất thụ (không có khả năng sinh sản).

Tuy nhiên, đã có thông tin về việc lai tạp của cá trê lai với loài bản địa ở Thái Lan, mặc dù nghiên cứu hiện nay ở Trường ĐH Cần Thơ chưa phát hiện ra hiện tượng tạp gen này ở Việt Nam.

Ngoài ra, cũng cần lưu ý là hiện tượng bất thụ trên con lai của giới động vật trên cạn vẫn có những ngoại lệ riêng đối với động vật thủy sản.

Điển hình là cá la hán được lai tạo giữa hai loài khác giống trong họ cá rô phi vào thập niên 1990 ở Malaysia, và được nhập nội vào Việt Nam từ năm 2001 với mục đích nuôi cảnh.

Sau khi chơi cảnh, nhiều người đã thả cá la hán ra ngoài tự nhiên và con lai này đã sinh sản ngoài tự nhiên, tiếp tục gây ra hiện tượng tạp gen trên nhóm cá rô phi - vốn trước đó đã có phép lai giữa cá rô phi đen và rô phi vằn.

Tóm lại, đối với các loài cá có sự can thiệp nhân tạo về di nhập, lai tạo, biến đổi gen... cần được quản lý theo đúng mục đích can thiệp nhân tạo ban đầu đã xác định, như để sản xuất thực phẩm, nuôi cảnh hay nghiên cứu, không nên thả đại trà ra ngoài tự nhiên.

GIÁNG HƯƠNG ghi
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên