17/01/2021 16:09 GMT+7

Tết xưa - Tết nay: Nhớ cái tết mượn gạo, mượn dầu

NGUYỄN THANH NAM
NGUYỄN THANH NAM

TTO - Ba ngồi bên thềm hè, nhìn xa xăm rồi thở dài thườn thượt: "Nhà mình còn gạo không?". Má chạy xuống nhà bếp. Mở hũ gạo. Trơ trọi. "Hết rồi ông!", ánh mắt buồn hoe, má thẫn thờ đáp lại. Anh em chúng tôi lắng tai nghe, nước mắt cứ lăn dài trên má.

Tết xưa - Tết nay: Nhớ cái tết mượn gạo, mượn dầu - Ảnh 1.

Trưa 30 tết, má phải đi mượn gạo, mượn dầu... - Ảnh: GIA TIẾN

Bao cái Tết đến rồi đi, đều để lại trong tôi những dư vị khó quên. Nhưng có lẽ, cái Tết năm tôi vừa tròn 6 tuổi, mãi vẹn nguyên trong ký ức...

Sáng 30 Tết, xóm làng chộn rộn. Những tiếng í ới của bà con lối xóm gọi nhau đi chia thịt. Bếp nhà nào nhà nấy cũng nghi ngút khói tỏa, cũng sực nức những mùi thơm. 

Ba ngồi bên thềm hè, nhìn xa xăm rồi thở dài thườn thượt: "Nhà mình còn gạo không?". Má chạy xuống nhà bếp. Mở hũ gạo. Trơ trọi. "Hết rồi ông!", ánh mắt buồn hoe, má thẫn thờ đáp lại.

Và rồi, nép sau vách nhà bằng đất trộn lẫn phân trâu, hai anh em chúng tôi lắng tai nghe, nước mắt cứ lăn dài trên má. Chúng tôi khóc, không phải vì tủi thân, chạnh lòng với bè bạn. Chúng tôi khóc, vì thương ba má, dẫu quanh năm suốt tháng dãi nắng dầm sương làm lụng vất vả, nhưng nhà vẫn nghèo.

Trưa 30 Tết, khi ba lau lại trần nhà, còn anh em chúng tôi tỉa hai hàng hoa vạn thọ đang khoe sắc, thì má mang cái nồi lớn đen xì, lật đật bước đi. Là má đi mượn gạo. Thoáng chốc má trở về với nồi gạo tràn ngập. Má nhoẻn miệng cười với ba: "Được 20 lon vun ông à. Hẹn sau rằm tháng giêng trả lại". Ba nghe, mà thở phào nhẹ nhõm.

Năm đó, ở quê chưa có điện như thời bấy giờ. Cũng chẳng có đèn cầy thắp sáng. Nhà nào cũng vậy, cũng chỉ dùng đèn dầu hỏa. Lúc ba dọn dẹp, lau chùi bàn thờ tổ tiên. Bất giác nhìn hai đèn dầu đã cạn.

Ba gọi má: "Can dầu hỏa còn không bà"? Má lại lắc đầu. Má lục cái túi áo đã bạc màu, chỉ còn vỏn vẹn bốn ngàn tám. Bốn tờ một ngàn và bốn tờ hai trăm đồng. Gương mặt má buồn rười rượi.

Má lại lủi thủi lấy can dầu tất tả bước đi. Má đi mượn dầu hỏa nhà hàng xóm. Lúc trở về, má thủ thỉ với ba, rằng: "Ông coi còn thiếu gì, tôi đi mượn luôn. Chứ ngày mai Tết, không mượn được".

Ba đi một vòng trong nhà, từ nhà trên xuống nhà dưới. Từ phòng lồi vào trong buồng. Ngắm nghía. Những mảng tường đất bị bong tróc. Mái tranh che loang lổ khắp nơi. Khắp nhà trơ trọi, chẳng có vật gì đáng giá. Ba cất giọng: "Thôi, có gì dùng nấy, khỏi mượn nữa, chứ cái gì cũng mượn, mắc lòng bà ơi".

Má như sực nhớ điều gì đó, lại rảo bước đi thật nhanh. Hóa ra, má đi mượn củi. Má ôm về 4 bó củi thật to, chất phía sau bếp.

Quả thật, Tết năm đó, là cái Tết nghèo nhất mà tôi đã từng chứng kiến...

Có thể, những cái Tết trước đó, khi tôi chỉ là đứa trẻ chập chững chào đời, cũng cơ hàn, bi đát, nhưng tôi còn quá nhỏ nên chẳng cảm nhận được. Và khi đã là đứa trẻ lên 6, lại sống ở vùng quê nghèo, nên đã thấu hiểu được mọi điều.

Nghèo đến mức, dường như thiếu thốn mọi thứ. Anh em chúng tôi chẳng có quần áo mới để mặc Tết. Nhà cũng chẳng có bánh trái kẹo mứt. Vì ngay cả củi, dầu hay gạo cũng phải đi mượn, thì làm sao dám mơ ước những thứ cao xa?

Chiều 30 Tết, khói tỏa nhiều hơn ở những chái bếp khắp xóm. Những mùi thơm càng lúc càng ngào ngạt hơn. Anh em chúng tôi chạy đi quanh xóm. Nhìn những sợi khói bay lên.

Nghe những tiếng lửa bập bụng, những tiếng sôi lục bục. Anh em chúng tôi ngửi ngửi, hít hà. Rồi cùng dò đoán, đó là mùi bánh tét. Đó là mùi thịt kho. Đó là mùi tương đậu... Chúng tôi nhìn mà thèm, mà ao ước bếp nhà mình cũng được như vậy. Nhưng, ước mơ vẫn chỉ là mơ ước...

Đêm 30 Tết, trời tối sẫm. Tiếng cô hàng xóm vang lên từ đầu cổng. Tiếng chó vang lên. Má đang lúi húi trong bếp, vội chạy ra. Thoáng nhìn, người má run lên bần bật. Má nghĩ, người ta đến đòi nợ.

Nhưng không phải vậy. Cô hàng xóm đem theo ký thịt heo, bao gạo, bao muối. Cô cười, rằng mang qua biếu, để cả nhà có mà ăn Tết. Biếu, chứ không phải cho mượn. Cô dặn, nhớ đổ đầy thùng, để năm mới sắp đến không còn nghèo khó mà sẽ dư dả, thịnh vượng, đủ đầy. Nghe mà lòng ba tôi, má tôi, anh em tôi, đều mừng vui khấp khởi.

Đêm ấy, má nấu bữa cơm tất niên, là nồi cơm độn bắp với củ lang. Má kho thêm món thịt. Ba dọn lên bàn thờ, thắp cây nhang, khấn vái. Ba bật lửa thắp sáng hai chiếc đèn dầu. Ba bảo, thắp sáng đèn như vậy để nhắn gửi những thông điệp tâm linh, cầu nguyện đến ông bà, tổ tiên ở miền cực lạc.

Cúng xong, cả nhà dọn ra mâm rồi cùng ngồi ăn bằng đòn gỗ dưới nền đất. Đó là bữa ăn mà anh em chúng tôi xem là ngon nhất cả năm. Chan từng miếng nước thịt kho đổ quanh chén cơm trắng. Rồi gắp ăn từng miếng thịt kho đưa lên đầu lưỡi.

Chúng tôi có cảm giác ngon không thể cưỡng. Vậy là sau bao nhiêu thòm thèm chúng tôi cũng thỏa ước mơ được ăn cơm với thịt. Anh em chúng tôi thi nhau ăn "no cong bụng". Mỗi đứa ăn cả 6, 7 chén cơm...

Đến nay, cũng đã hơn 30 năm kể từ cái Tết đó. Và cũng đã gần 20 năm, anh em chúng tôi phiêu dạt đời người để bôn ba khắp chốn mưu sinh. Chúng tôi đã trải qua biết bao cái Tết, có những cái Tết đủ đầy, cũng có cái Tết thiếu thốn.

Cuộc đời cũng không ít lần lên thác, xuống ghềnh với vô vàn những bổng trầm, thăng giáng. Có những kỷ niệm chợt đến, chợt đi. Nhưng riêng ký ức về cái Tết mượn gạo, mượn dầu của ngày xưa ấy vẫn còn đọng lại vẹn nguyên trong tâm khảm của chúng tôi.

Mà mỗi lần nhớ lại, khóe mắt lại cay cay. Ký ức ấy không chỉ giúp chúng tôi cố gắng hơn, nỗ lực hơn trong bước đường sự nghiệp. Mà còn là sợi dây hoài niệm, nhắc nhớ chúng tôi luôn nghĩ về tình làng nghĩa xóm với những lon gạo thơm thảo, những cây củi nghĩa tình.

980x320 (1)

Diễn đàn Tết xưa - Tết nay do Báo Tuổi Trẻ tổ chức, với sự đồng hành của hệ thống bán lẻ FPT Shop và Hãng hàng không Vietjet Air.

Diễn đàn gồm các bài viết, bài dự thi của cuộc thi Tết xưa - Tết nay về những ký ức Tết xưa, khát vọng ngày xuân hay những khoảnh khắc sum họp, cảnh đẹp trên đường về quê đón Tết của bạn đọc.

Diễn đàn mong nhận được nhiều ý kiến đóng góp, bài dự thi trên cả nước. Thời gian nhận bài từ ngày 15-1-2021 đến hết ngày 20-2-2021.

Cách thức tham gia:

Bài viết dự thi gửi đến theo 2 cách:

Gửi qua địa chỉ email: tet@tuoitre.com.vn

Gửi qua đường bưu điện theo địa chỉ: Báo Tuổi Trẻ - 60A Hoàng Văn Thụ, P.9, quận Phú Nhuận, TP.HCM. Ngoài bì thư ghi rõ tham gia cuộc thi viết Tết xưa Tết nay.

Các bài lọt vào vòng sơ kết sẽ được thông báo sau.

Cơ cấu giải thưởng:

• 1 giải nhất: 10 triệu đồng (hiện kim) + quà tặng là: điện thoại Samsung A31 của FPT Shop; 02 vé khứ hồi G1 của Vietjet Air.

• 2 giải nhì: mỗi giải gồm 5 triệu đồng (hiện kim) + quà tặng là: điện thoại Xiaomi Note 9 hoặc Oppo A53 của FPT Shop; 01 vé khứ hồi G1 của Vietjet Air.

• 3 giải ba: mỗi giải gồm 5 triệu đồng (hiện kim) + quà tặng là: điện thoại Realme C12 hoặc VSmart Joy 4 hoặc Vivo Y20 của FPT Shop; mô hình máy bay Vietjet size lớn.

• 10 giải khuyến khích: mỗi giải gồm 2 triệu đồng (hiện kim) + quà tặng là sạc dự phòng UMETRAVEL 10.000 mAh của FPT Shop; mô hình máy bay Vietjet size nhỏ.

• 20 phần quà tặng dành cho bạn đọc trên mạng xã hội là: balô FPT Shop + voucher giảm 10% khi mua laptop tại hệ thống cửa hàng FPT Shop; gấu bông + túi du lịch Vietjet.

Lễ trao giải dự kiến diễn ra trước 28-2-2021.

Tết xưa - Tết nay: Sân chơi mùa tết chở tâm tư bạn đọc tới muôn phương Tết xưa - Tết nay: Sân chơi mùa tết chở tâm tư bạn đọc tới muôn phương

TTO - Báo Tuổi Trẻ tổ chức diễn đàn 'Tết xưa - Tết nay', một sân chơi mùa tết. Bạn đọc có thể gửi đến diễn đàn những tâm tư về ngày tết của mình, các bài được chọn đăng sẽ có nhuận bút, tổng kết diễn đàn sẽ có nhiều giải thưởng giá trị được trao.

NGUYỄN THANH NAM
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên