25/01/2021 06:51 GMT+7

Tết xưa - tết nay: Dẫy mả, nấu bánh, kho thịt, chưng bông thọ mà nhớ cha, nhớ má

TRẦN VĂN TÁM
TRẦN VĂN TÁM

TTO - Tôi nhớ những ngày áp tết đi dẫy mả cùng cha, nhớ nồi thịt kho, nồi bánh tét, lảnh mào gà, bông thọ ngày còn má. Bây giờ tuổi gần kề 60, ngồi ôn lại đời mình, thắp nén nhang, nhìn khói bay từng sợi trên bàn thờ mà lòng nhớ cha, nhớ má da diết.

Tết xưa - tết nay: Dẫy mả, nấu bánh, kho thịt, chưng bông thọ mà nhớ cha, nhớ má - Ảnh 1.

Dẫy cỏ và đốt xung quanh mộ ngày 25 tháng chạp - Ảnh: TRẦN VĂN TÁM

Dẫy mả tổ tiên

Từ lúc tôi lên 10 tuổi, năm nào cũng vậy, đến sáng 25 tháng chạp là ba gọi tôi theo ba lên nghĩa trang của gia đình để dẫy mả. Ba đi phía trước vác cuốc, còn tôi chỉ cầm trên tay bịch kẹo thèo lèo, vài cái bánh in cùng phong pháo chuột nhỏ xíu, lúp xúp chạy theo ba.

Nghĩa trang của dòng họ tôi có khoảng mười ngôi mộ. Ba tôi bày bánh in, kẹo thèo lèo đốt bó nhang khấn vái xong rồi bảo tôi mang nhang cắm trên tất cả các mộ. Rồi ba tôi dùng cuốc dẫy cỏ xung quanh, tém cỏ trên từng ngôi mộ, chỗ nào đất bị sụp thì đắp thêm cho ngôi mộ được thằng thớm.

Ba dẫy cỏ xong mộ nào thì bảo tôi dùng cây chổi làm từ cây mấy nhánh trúc quét cỏ tắp lên mộ cho sạch sẽ. Khi công việc gần như hoàn tất, ba bảo tôi đốt phong pháo chuột cho ông bà vui mà cùng về sum họp ăn tết với mình.

Ba tôi mất sau cơn bạo bệnh hơn 10 năm trước, công việc dẫy mả nghĩa trang gia đình hàng năm do tôi đảm trách. Cũng giống ba, tôi gọi hai con trai theo tôi về nghĩa trang gia đình để dẫy mả cho ông bà.

Mấy cha con vừa dẫy cỏ, vừa chặt cây dại, vừa quét gom cỏ đốt cho xung quanh các ngôi mộ được sạch sẽ, có điều bây giờ các ngôi mộ thường được xây cất kiên cố, xung quanh mộ lót bằng gạch men lúc nào trông cũng sạch sẽ, tươm tất nên công việc dẫy cỏ tương đối nhẹ nhàng.

Món thịt heo kho tàu làm sao quên

Bây giờ tuổi gần kề 60, ngồi ôn lại đời mình, hương vị quê nhà bỗng quay quắt lạ thường. Trong đó có một mùi đã bám vào tâm trí, len lỏi vào từng hơi thở, con tim, đó là mùi món thịt heo kho tàu má kho những ngày giáp tết.

Thời ấy, người ta nuôi heo bằng cám gạo trộn với rau xanh hoặc cháo gạo với rau dền, rau muống xắt nhuyễn, trộn thêm xác củ mì. Nhà ai nấu rượu thì lấy bã hèm trộn cho heo ăn cho heo hơi say ngủ nhiều để mau lớn. Heo nuôi cả năm mới lấy thịt nên thịt heo luôn săn chắc, ngon.

Sáng 29 ết, má đi chợ thật sớm lựa khổ thịt heo khoảng 3, 4 ký. Để thịt kho ngon, má thường lựa thịt mỡ dày, nạc ít. Thịt mua về rửa sạch, xắt miếng to ướp gia vị thấm đều rồi bắc lên bếp củi cho lửa cháy riu riu.

Chờ nước dừa tươi trong nồi thật sôi, má cho thêm vào nồi kho chừng hơn chục quả trứng vịt luộc đã bóc vỏ. Nước dừa tươi làm vị của thịt heo thêm ngọt, khi ăn không có cảm giác ngấy vì béo.

Nồi thịt heo kho tàu của của má kho hơn 50 năm trước lúc nào cũng đậm đà trong ký ức vì được má kho đi kho lại nhiều lần, đến khi thịt mềm ra ăn càng ngon.

Tết xưa - tết nay: Dẫy mả, nấu bánh, kho thịt, chưng bông thọ mà nhớ cha, nhớ má - Ảnh 2.

Bánh tét và bánh chưng - Ảnh: TRẦN VĂN TÁM

Nấu bánh tét cúng giao thừa

Khi má tôi còn sống, khoảng 28, 29 tết má sẽ cùng mọi người tất bật chuẩn bị nguyên vật liệu nấu bánh tét. Lá dứa gai hay lá chuối được má cắt rọc từ hôm trước đem phơi cho dịu dịu để khi gói bánh dễ dàng và lá không bị rách.

Nếp dẻo được má gút nước vài ba bận cho thật sạch rồi chế nước vắt từ rau bồ ngót giã nhuyễn đựng trong miếng vải mùng cho vào thúng nếp, xóc cho nếp trong thúng trộn thật đều với nước rau bồ ngót để khi bánh chín, nếp có màu xanh bắt mắt.

Nhân bánh tét má nấu làì thịt mỡ heo trộn đậu phộng, hạt điều thêm chút hành lá xắt nhuyễn. Để bánh ngon, má phải buộc lạt thật chặt, khi nấu bánh sẽ không bị nở bung nếp ra. Bánh gói xong cho vào nồi, đổ nước ngập bánh bắc lên bếp nấu lửa thật to khi thấy nước trong nồi cạn thì tiếp tục chế nước lạnh vào, nấu chừng 4, 5 tiếng đồng hồ là bánh chín.

Má sẽ vớt bánh ra thúng cho ráo nước rồi treo bánh lên cao để bánh nguội. Khi bánh nguội, dùng lạt trúc gỡ ra từ đòn bánh, cắt ra từng khoanh đem lên bàn thờ cúng gia tiên, cúng xong mọi người trong gia đình cùng thưởng thức chờ giao thừa và đón chào năm mới.

Tết xưa - tết nay: Dẫy mả, nấu bánh, kho thịt, chưng bông thọ mà nhớ cha, nhớ má - Ảnh 3.

Bông thọ và hoa mào gà trong những ngày tết - Ảnh: TRẦN VĂN TÁM

Chưng bông thọ nhớ má

Như là truyền thống và thói quen, cứ đúng vào ngày rằm tháng 10 âm lịch là má tôi chuẩn bị thật kỹ khoảnh đất nhỏ trong vườn. Đất được má tôi cuốc xới lên phơi nắng và đánh cho tơi xốp, má nhặt thật sạch các gốc cỏ để chuẩn bị gieo bông thọ, mào gà.

Hạt bông thọ và mào gà gieo xong, hằng ngày má cặm cụi tưới bằng cái vỉ được đang bằng nan trúc để đất êm và không bị xói. Bông thọ và mào gà được má chăm kỹ mỗi ngày lớn lên thấy rõ. Đúng một tháng là má nhổ cây bông thọ con, mào gà đem cấy ra hai lảnh riêng biệt.

Đến khoảng rằm tháng chạp là cây bông thọ bắt đầu ra nụ, còn bông mào gà đã nhú ra chuỗi bông. Khoảng 27, 28 tết, má nhổ cây bông thọ và mào gà ươm vào cái giỏ đan bằng trúc rồi gánh mang ra chợ bán cho người ta chưng ba ngày tết.

Nếu năm tan buổi chợ má bán được hết bông thọ thì thế nào má tôi cũng mua cho tôi chiếc áo hay là đôi dép mới cùng vài ký thịt heo để chuẩn bị cho gia đình ăn tết.

Năm nào cũng vậy, dù bông thọ và mào gà bán được nhiều hay ít thì má cũng phải chọn mỗi loại hai cây thật đẹp, tán rộng xum xuê, có nhiều nụ và bông trổ nhiều nhất, tươi nhất cho vào chậu kiểng, phía ngoài dán miếng giấy hồng đơn vuông để nhà chưng.

Má bảo: "Ngày tết, ai cũng thích chưng mấy chậu bông thọ, mào gà nguyện cầu ông bà tổ tiên, trời đất phù hộ độ trì. Sắc hoa bông thọ vàng và bông mào gà đỏ trông vừa ấm cúng, vừa thanh bình làm sao!"

Má đi xa, mỗi chiều 30 tết tôi chuẩn bị bông thọ trang trí trước nhà như hồi má còn sống, trên bàn thờ gia tiên cũng chưng bình bông thọ. Tôi thắp nén nhang, nhìn khói bay từng sợi dài trên bàn thờ mà lòng nhớ má da diết.

980x320 (1)

Diễn đàn Tết xưa - Tết nay do báo Tuổi Trẻ tổ chức, với sự đồng hành của hệ thống bán lẻ FPT Shop và Hãng hàng không Vietjet Air.

Diễn đàn gồm các bài viết, bài dự thi của cuộc thi Tết xưa - Tết nay về những ký ức tết xưa, khát vọng ngày xuân hay những khoảnh khắc sum họp, cảnh đẹp trên đường về quê đón tết của bạn đọc.

Diễn đàn mong nhận được nhiều ý kiến đóng góp, bài dự thi trên cả nước. Thời gian nhận bài từ ngày 15-1-2021 đến hết ngày 20-2-2021.

Cách thức tham gia:

Bài viết dự thi gửi đến theo 2 cách:

Gửi qua địa chỉ email: tet@tuoitre.com.vn

Gửi qua đường bưu điện theo địa chỉ: báo Tuổi Trẻ - 60A Hoàng Văn Thụ, P.9, Q.Phú Nhuận, TP.HCM. Ngoài bì thư ghi rõ tham gia cuộc thi viết Tết xưa - Tết nay.

Bạn đọc vui lòng cung cấp địa chỉ, số tài khoản, số CMND để chúng tôi chuyển nhuận bút.

Các bài vào vòng sơ kết sẽ được thông báo sau.

Cơ cấu giải thưởng:

• 1 giải nhất: 10 triệu đồng (hiện kim) + quà tặng là: điện thoại Samsung A31 của FPT Shop; 02 vé khứ hồi G1 của Vietjet Air.

• 2 giải nhì: mỗi giải gồm 5 triệu đồng (hiện kim) + quà tặng là: điện thoại Xiaomi Note 9 hoặc Oppo A53 của FPT Shop; 01 vé khứ hồi G1 của Vietjet Air.

• 3 giải ba: mỗi giải gồm 5 triệu đồng (hiện kim) + quà tặng là: điện thoại Realme C12 hoặc VSmart Joy 4 hoặc Vivo Y20 của FPT Shop; mô hình máy bay Vietjet size lớn.

• 10 giải khuyến khích: mỗi giải gồm 2 triệu đồng (hiện kim) + quà tặng là sạc dự phòng UMETRAVEL 10.000 mAh của FPT Shop; mô hình máy bay Vietjet size nhỏ.

• 20 phần quà tặng dành cho bạn đọc trên mạng xã hội là: balô FPT Shop + voucher giảm 10% khi mua laptop tại hệ thống cửa hàng FPT Shop; gấu bông + túi du lịch Vietjet.

Lễ trao giải dự kiến diễn ra trước 28-2-2021.

Tết xưa - Tết nay: Sẽ nhanh thôi, Tết năm sau, chúng con sẽ về hái nho cùng mẹ Tết xưa - Tết nay: Sẽ nhanh thôi, Tết năm sau, chúng con sẽ về hái nho cùng mẹ

TTO - Ngày Hai nhập ngũ, vườn nho nhà tôi cũng trĩu quả như bây giờ. Năm đó, đêm trước ngày anh lên đường chẳng khác gì đêm 30 Tết. Mấy mẹ con tôi ngồi tâm sự thâu đêm, chỉ thiếu tiếng củi lửa của nồi bánh chưng tí tách.

TRẦN VĂN TÁM
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên