10/02/2015 08:40 GMT+7

​Tết về vẫn khắc khoải nợ lương

Q.PHƯƠNG - TH.NHƠN - TH.TÚ
Q.PHƯƠNG - TH.NHƠN - TH.TÚ

TT - Bị nợ lương từ nhiều tháng trước, nay tết đến - xuân về, nhiều công nhân (CN) vẫn chưa biết ngày nào mới có thể nhận được phần nào công sức của mình.

Bà Nguyễn Thị Thu, chủ tịch Liên đoàn Lao động TP.HCM, trao vé xe cho công nhân tại chương trình “Tấm vé nghĩa tình”, hỗ trợ công nhân về quê ăn tết do Liên đoàn Lao động TP.HCM thực hiện - Ảnh: Quang Phương
Bà Nguyễn Thị Thu, chủ tịch Liên đoàn Lao động TP.HCM, trao vé xe cho công nhân tại chương trình “Tấm vé nghĩa tình”, hỗ trợ công nhân về quê ăn tết do Liên đoàn Lao động TP.HCM thực hiện - Ảnh: Quang Phương

Trong khi đó, cách giải quyết nợ lương cũng chỉ mang tính tình thế.

Muôn kiểu nợ lương

Công ty cổ phần nhựa Trường Thịnh (Khu công nghiệp (KCN) Tân Phú Trung, Củ Chi, TP.HCM) đã ngưng hoạt động khoảng sáu tháng, gần 200 CN vẫn chưa đòi được tiền lương bị nợ.

Từ những ngày đầu tháng 9-2014, các CN của công ty này đã tập trung về trụ sở công ty nhiều ngày liền. Các CN cho biết từ tháng 2 đến tháng 4-2014 công ty không trả lương, mỗi tháng chỉ cho CN tạm ứng 400.000-900.000 đồng/người.

Tháng 5-2014, công ty trả đủ lương tháng. Nhưng hai tháng 6 và 7-2014, công ty “quên” luôn việc trả lương cho CN. Đến ngày 24-7, công ty đóng cửa không hoạt động nhưng cũng không thông báo gì cho CN. Nhiều CN bị nợ cả chục triệu đồng. Từ ngày công ty ngưng hoạt động đến nay, CN không biết đến đâu để đòi tiền lương.

Anh Phan Trịnh Giang, một CN, cho biết hiện số tiền công ty còn nợ anh khoảng 19 triệu đồng. “Tết tới nơi rồi, chúng tôi chỉ mong sao công ty trả số nợ trên để có ít tiền lo cho gia đình được tươm tất dịp tết.

Đi làm CN chỉ trông chờ vào đồng lương, cuối năm thì mong thưởng nhưng tình hình của chúng tôi bây giờ không biết đón tết thế nào bởi lương không có thì đừng mơ thưởng tết” - anh Giang nói.

Tương tự, tại Công ty cổ phần thuộc da Hào Dương (KCN Hiệp Phước, Nhà Bè), hơn 300 CN cũng đang bị nợ lương. Hơn 100 CN của Công ty TNHH Thái Thuận (Khu chế xuất - KCX - Linh Trung 1) hiện vẫn chưa có lương tháng 12-2014.

Tại buổi họp báo thông tin về tình hình chăm lo Tết Nguyên đán Ất Mùi 2015 cho CN tại KCX-KCN trên địa bàn TP.HCM, bà Nguyễn Võ Minh Thư, trưởng phòng quản lý lao động của Ban quản lý các KCX-KCN TP.HCM, cho biết có khoảng 15 doanh nghiệp khó khăn có nguy cơ không thưởng tết cho hơn 700 CN. 

Trong khi đó, tại Bến Tre, những ngày qua hàng chục lao động Công ty cổ phần Xây dựng công trình giao thông Bến Tre đã tập trung về trụ sở công ty để phản đối tình trạng bị công ty nợ lương, nợ bảo hiểm xã hội nhiều tháng qua. Các CN phản ảnh họ bị nợ lương kéo dài từ đầu năm 2014 đến nay.

Sau nhiều lần CN phản đối, công ty mới tiến hành trả lương nhưng nhỏ giọt. Đến đầu tháng 7-2014, công ty ngưng hẳn việc trả lương cho lao động khiến nhiều CN lâm vào hoàn cảnh khó khăn. Anh Nguyễn Hoàng Phú, nhân viên lái xe của công ty, cho biết: “Công ty nhiều lần hứa sẽ giải quyết dứt điểm nhưng vẫn cố tình trì hoãn”.

Chủ doanh nghiệp đùn đẩy nhau

Quanh vấn đề nợ lương CN tại Công ty Trường Thịnh, chúng tôi đã nhiều lần liên lạc với lãnh đạo công ty. Tuy nhiên, giám đốc và hội đồng quản trị (HĐQT) đều đùn đẩy trách nhiệm cho nhau.

Nhiều lần liên lạc với ông Phạm Mạnh Thường, phó tổng giám đốc Công ty Mua bán nợ và tài sản tồn đọng của doanh nghiệp (thuộc Bộ Tài chính, hiện giữ 60% cổ phần Công ty Trường Thịnh) đều được ông Thường trả lời ngắn ngọn: “Tất cả những chuyện đó là chuyện trước đây, tôi đã ủy quyền cho anh Thịnh” (tức ông Trần Tiến Thịnh, tổng giám đốc cũ công ty - PV) rồi tắt máy.

Khi liên lạc với ông Trần Tiến Thịnh thì chỉ nhận lại được tin nhắn: “Tôi là giám đốc nhưng hiện nay công ty đang thuộc diện kiểm soát đặc biệt do HĐQT trực tiếp chỉ đạo, tôi không thể tự giải quyết, thông cảm!” hoặc: “Thông cảm và đừng làm lớn chuyện của công ty chúng tôi nữa. Chúng tôi đã cố gắng liên hệ nhiều cơ quan ban ngành và ngân hàng để nhờ can thiệp giúp đỡ...”.

Trong khi đó ông Tăng Văn Đức, chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần thuộc da Hào Dương, cũng cho biết “đang kiếm tiền để phát cho CN ăn tết”. Tuy nhiên khi được hỏi khi nào phát thì ông Đức trả lời: “Cái này thì... thôi nhé! Để anh em hành chính họ làm” rồi cúp máy.

Lý giải về nguyên do nợ lương CN, ông Dương Văn Phê, phó tổng giám đốc Công ty cổ phần Xây dựng công trình giao thông Bến Tre, cho biết do một số công trình đã hoàn thành, bàn giao nhưng chậm quyết toán nên công ty gặp khó khăn tài chính, không thể trả lương đúng hẹn cho người lao động.

“Đầu tháng 12 công ty có tạm ứng cho người lao động mỗi người từ 500.000-1 triệu đồng. Công ty sẽ cố gắng giải quyết dứt điểm tình trạng nợ lương vào tháng 4-2015. Hiện tại tình hình tài chính của công ty đang gặp khó khăn, người lao động cũng phải thông cảm”, ông Phê giãi bày.

Trong khi đó ông Đinh Văn Vượng, chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Xây dựng công trình giao thông Bến Tre, cho biết công ty hoạt động theo mô hình công ty mẹ - công ty con (có bảy công ty con), mỗi đơn vị đều có hạch toán, quyết toán riêng. Phần nợ lương CN là do ở công ty phụ trách thi công công trình.

“Từ nay đến Tết Nguyên đán, nếu công ty này không trả nợ cho CN thì công ty chúng tôi sẽ ứng tiền trả cho CN” - ông Vượng đưa ra hướng giải quyết.

Công đoàn tìm cách hỗ trợ

Các CN bị nợ lương, không có thưởng tết chỉ biết trông chờ vào sự hỗ trợ, giúp đỡ từ phía công đoàn các cấp.

Để hỗ trợ CN bị nợ lương tại Công ty cổ phần Xây dựng công trình giao thông tỉnh Bến Tre, bà Phạm Ngọc Lệ cho hay: “Liên đoàn Lao động tỉnh đã hỗ trợ 52 lao động của công ty có hoàn cảnh khó khăn với mức 300.000 đồng/người. Sắp tới liên đoàn cũng sẽ tiếp tục phối hợp với Sở Lao động - thương binh và xã hội, Bảo hiểm xã hội tỉnh làm việc với lãnh đạo công ty để giải quyết các khó khăn cho CN. Nếu phía công ty vẫn không giải quyết, Liên đoàn Lao động sẽ hỗ trợ người lao động khởi kiện ra tòa”.

Trong khi đó, trao đổi với Tuổi Trẻ, bà Nguyễn Trần Phượng Trân, phó chủ tịch Liên đoàn Lao động TP.HCM, cho biết đối với các doanh nghiệp có tổ chức công đoàn, CN đều được quan tâm chăm lo tết. Riêng chỉ có Công ty TNHH xuất nhập khẩu Osia Vina (Củ Chi) còn nợ lương tháng 12-2014 của 190 CN. Đa số CN đã tìm việc làm khác, còn 70 công nhân làm việc đã được Liên đoàn Lao động huyện Củ Chi chăm lo mỗi phần quà 300.000 đồng.

Trách nhiệm phải là của chung

* Doanh nghiệp nợ lương CN kéo dài như tại Công ty cổ phần nhựa Trường Thịnh, liên đoàn có phương án nào để hỗ trợ, giúp đỡ CN khởi kiện đòi lương không? Kết quả hiện nay ra sao?

- Bà Nguyễn Trần Phượng Trân (phó chủ tịch Liên đoàn Lao động TP.HCM): về vấn đề khởi kiện, hiện công đoàn KCX-KCN thành phố đã hướng dẫn người lao động viết đơn khởi kiện nhưng hiện nay có người lao động đã tìm việc làm mới, mỗi người mỗi nơi và thời gian giải quyết kéo dài nên người lao động không làm đơn.

Hiện tại liên đoàn đã vận động và được Công ty TNHH sản xuất Duy Lợi hỗ trợ 100 triệu đồng để chăm lo cho 198 công nhân Công ty cổ phần nhựa Trường Thịnh có hoàn cảnh khó khăn, không có điều kiện về quê đón tết, mỗi người 500.000 đồng tiền mặt.

Ngoài ra, công đoàn KCX-KCN thành phố vận động chăm lo thêm quà 200.000 đồng/phần.

* Trong thời gian tới, Liên đoàn Lao động TP.HCM có phương án, đề xuất gì để tránh tình trạng doanh nghiệp nợ lương CN không?

- Vấn đề nợ lương của người lao động không chỉ là chuyện của riêng tổ chức công đoàn mà còn là trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước.

Đối với tổ chức công đoàn, chúng tôi sẽ tăng cường công tác giám sát thực hiện quy định pháp luật của doanh nghiệp, nếu phát hiện dấu hiệu vi phạm hoặc chủ bỏ trốn sẽ kịp thời báo cáo UBND thành phố và đề nghị biện pháp giải quyết và xử lý.

Q.PHƯƠNG - TH.NHƠN - TH.TÚ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên