Tết đến, đám trẻ thành phố xúng xính váy áo mới đi khoe bạn bè. Còn với những đứa trẻ vùng lũ đến cái ăn còn chẳng đủ, chúng chẳng dám nghĩ đến việc vòi vĩnh bố mẹ mua cho bộ quần áo mới diện Tết.

Hơn một năm về trước, ngôi nhà của gia đình em Chảo Lở Mẩy (14 tuổi, thôn Sủng Hoảng 2, xã Phìn Ngan, huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai) bị cuốn trôi theo dòng nước lũ. Gia tài, ruộng nương, trâu bò mất trắng. 

Sau lũ, gia đình Lở Mẩy cùng 34 hộ dân được chuyển về nơi tái định cư mới cách bản cũ bị xóa sổ khoảng 10km. Họ đứng lên tái thiết cuộc sống từ hai bàn tay trắng.

Tết trong mắt trẻ: Cũng chỉ cần gia đình là đủ - Ảnh 1.

Đàn ông trai tráng, phụ nữ khỏe mạnh trong thôn rời căn nhà tái định cư mới mà trở về nơi lũ quét dựng lán ở tạm. Ở đó họ bắt tay vào sản xuất, trồng lại đồi sa nhân tím, nương thảo quả từng bị nhấn chìm trong dòng nước lũ. Những đứa trẻ ở Sủng Hoảng 2 được gửi gắm lại cho ông bà chăm sóc.

Bố mẹ Lở Mẩy cũng lên lán sản xuất. Còn Lở Mẩy ở nhà phải ra dáng người chị, một tay chăm sóc cho hai đứa em, một đứa học tiểu học, một đứa mới lên bốn.

Anh Chảo Láo Lù (28 tuổi, bố của Lở Mẩy) tin tưởng vào con gái ở nhà sẽ chăm sóc tốt cho hai đứa em khi bố mẹ vắng nhà. "Trẻ con trên này lớn lên là biết làm hết, không như ở dưới xuôi đâu. Nó đi học về tự nấu cơm cho hai em, chăm cho hai em" - anh Lù khoe đứa con gái lớn đảm việc nhà.

4h sáng, Lở Mẩy dậy thật sớm chuẩn bị cơm nước, đến 5h thì gọi hai em dậy sửa soạn quần áo, sách vở. 6h, cả ba bị em cuốc bộ khoảng 30 phút đến trường.

Lở Mẩy học THCS, em thứ hai học Tiểu học, còn em nhỏ bốn tuổi học lớp mẫu giáo. Chiều tan học, Mẩy đi đón các em về và chuẩn bị bữa cơm tối. Khi các em ngủ hết, Mẩy sẽ sửa soạn sách vở và tranh thủ ôn bài.

Mẩy tâm sự, hai đứa em ngoan lắm, chúng không khóc, không đòi mẹ, đi học về thường sà vào chơi cùng với đám trẻ trong thôn cũng qua ngày. Với ba đứa trẻ này, vui nhất là mỗi lần bố mẹ từ lán về nhà mới sẽ mang theo thịt, theo quà bánh về cho chúng.

Dù không đủ đầy như đám trẻ con thành phố nhưng tết này ở nơi tái định cư mới, đám trẻ con trong thôn Sủng Hoảng 2 vui hơn vì bố mẹ có bánh chưng, có thịt lợn. Chúng chỉ mong có thêm manh áo mới, gia đình đoàn viên đón một cái tết ấm cúng.

Tết trong mắt trẻ: Cũng chỉ cần gia đình là đủ - Ảnh 3.

Lở Mẩy rất thương em gái 4 tuổi, thường xuyên bế em đi chơi vòng vòng quanh nơi tái định cư mới

Tết trong mắt trẻ: Cũng chỉ cần gia đình là đủ - Ảnh 4.

Nhà từng bị lũ cuốn trôi, Lở Mẩy cũng như các em nhỏ Sủng Hoảng 2 chỉ mong có quần áo mới đón Tết

Tết trong mắt trẻ: Cũng chỉ cần gia đình là đủ - Ảnh 6.

Quê nội ở Thái Bình, quê ngoại ở Đăk Lak nhưng hai chị em Bùi Nguyễn Kathy (12 tuổi) và Bùi Nguyễn Hà Thy (7 tuổi) nhiều năm liền ăn Tết ở Sài Gòn.

"Mọi năm mẹ con cũng làm bánh mứt, ông bà nội gói và nấu bánh chưng. Con thích nhất là phụ mẹ khuấy đường làm mứt, mùi dậy lên, rất thơm. Ông bà nội chỉ cách gói bánh, mà con chỉ nhìn không hiểu cách làm. Nhưng mọi người nói, đó là không khí Tết, chỉ tồn tại trong một khoảng thời gian ngắn.

Tết trong mắt trẻ: Cũng chỉ cần gia đình là đủ - Ảnh 7.

Hai chị em Kathy - Hà Thy

Thời khắc giao thừa, con có cảm giác rất lạ, nhất là khi đứng từ cửa sổ lầu 11 của chung cư nhìn thấy pháo hoa bắn từ trung tâm thành phố…"- Kathy chia sẻ về những cái Tết Sài Gòn đã qua.

Còn cô bé Hà Thy rất hồn nhiên. Với bé, Tết là được lì xì, được nghỉ học, ở nhà chơi đồ chơi thỏa thích.

"Đứa con nít nào cũng thích lì xì, nhưng vui nhất là hai chị em được đi chúc tết ở nhà bạn của ba mẹ. Mọi người gặp nhau thật khác, vui vẻ, chúc nhau những lời tốt đẹp. Con thấy mọi người vui như vậy, tự mình cũng thấy niềm vui được trân trọng hơn ngày thường. Sáng mồng 1, ba mẹ chúc Tết ông bà mạnh khỏe, con chúc ba mẹ năm mới vui vẻ…" -  Kathy thích thú nhất.

Tết trong mắt trẻ: Cũng chỉ cần gia đình là đủ - Ảnh 8.

Kathy phụ bà nội rửa lá chuẩn bị gói bánh chưng- Ảnh: DIỆU NGUYỄN

Chị Mỹ Dung (mẹ của Kathy) cho biết, có những năm, gia đình chỉ ngủ và ăn hết ba ngày Tết, không đi đâu. Có năm họ về quê ngoại 1-2 ngày, có năm đi du lịch xa nhất là ở Vũng Tàu, vì bà nội bị say xe. Còn lại, gia đình ra các đường hoa, siêu thị, trung tâm thành phố một lúc, chán rồi về.

Theo chị Dung, Sài Gòn vẫn đông những ngày Tết, nhưng người thân quen của mình về quê, tranh thủ đi du lịch nghỉ dưỡng, chỉ còn mình nên cảm thấy Tết Sài Gòn hơi buồn, không có không khí như Tết ở quê.

Trong khi đó, bé Kathy lại cho rằng cũng đã từng về quê ngoại ăn Tết, mỗi nơi đều có một nét đẹp, điều hay riêng. "Ở quê, mọi người tập trung lại vui chơi đông đúc hơn. Còn ở Sài Gòn, con vẫn có thể gặp những anh chị em họ lâu thật lâu mới gặp, xếp hàng để được ông bà, người lớn lì xì… Con thấy quý những giây phút anh chị em gặp nhau đó", Kathy chia sẻ.

Bà nội Kathy cũng chia sẻ, nhiều năm rồi ăn Tết ở Sài Gòn, nhưng mâm cúng vẫn đủ đầy, vẫn dạy cho con cháu Tết truyền thống. "Ngày 23 Tết, gia đình cúng Ông Táo; ngày 25-26 Tết chuẩn bị gói giò thủ, thịt đông; ngày 28-29 gói bánh chưng, cúng tất niên… Con cháu, họ hàng gần đây cũng về ăn uống, dù mệt nhưng rất vui, cho con cháu cái Tết đầm ấm".

Cũng giống như bất kỳ một cái Tết của các gia đình Việt Nam khác, cũng tất bật chuẩn bị đồ ăn thức ăn cho năm mới sung túc, bánh chưng, mứt Tết cho không khí thêm rộn ràng, gia đình Kathy cũng đi lễ chùa ngày mồng 1 Tết, chúc tuổi ông bà bố mẹ, lì xì cho con nhỏ.

"Tết là dịp gia đình sum họp, vui vẻ, ấm áp mà ngày thường không dễ có được"- bé Kathy nói. Điểm khác biệt lớn nhất đó là không dễ dàng đến nhà nhau chúc Tết đột ngột như ở quê, các gia đình họ hàng không tụ tập ăn uống ngày này qua ngày khác, hàng xóm không có thói quen đến với nhau chúc tết thân tình.

Tết trong mắt trẻ: Cũng chỉ cần gia đình là đủ - Ảnh 10.

HÀ THANH - DIỆU NGUYỄN
THÙY TRANG
BẢO SUZU
14/02/2018
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên