09/02/2018 14:39 GMT+7

Tết treo tim mình lên tay áo

NGUYỄN PHI VÂN
NGUYỄN PHI VÂN

TTO - Vậy là Tết. Giữa những ngổn ngang và hoang mang của người trẻ trong cái thế giới thay đổi nhanh như tàu siêu tốc hyperloop, có ai trong chúng ta chợt nhìn thấy cành hoa xuân rồi dừng lại?

Tết treo tim mình lên tay áo - Ảnh 1.

Tranh: Ry Nguyễn

Trí tuệ nhân tạo có trộm nhìn thấy giọt nước mắt lặng lẽ của bà, khi cháu dán mắt vào chiếc điện thoại thông minh? Máy in 3D có in được những nghẹn ngào của những người mẹ quê, khi con cái khẽ ôm cánh tay họ sau một năm dài làm việc, mưu sinh ở thị thành, nay kịp đón chuyến xe đò 30 Tết về nhà vui xuân cùng gia đình?

Vậy là Tết. Lau cái lư đồng trên bàn thờ, cắt mấy cành hoa sau nhà cắm vào chiếc lọ xinh xinh, nghe tiếng rúc rích cười của nơi ấy gia đình, ta lao đi trong thế giới lạ lẫm này cuối cùng là để làm gì nhỉ?

Hôm trước, sau một buổi họp công việc, tôi nói sẽ mang trà ghé qua thăm một anh bạn. Anh ngạc nhiên hỏi: "Để làm gì?". Tôi đáp: "Đâu để làm gì. Chỉ thăm nhau, uống một tách trà. Thế thôi. Cuối cùng, mình sinh ra đâu phải để làm robot".

Tại Diễn đàn kinh tế thế giới ở Davos tháng 1-2018, có một thông điệp mà tôi quan tâm nhất, đó là cách chúng ta cần giáo dục thế hệ tiếp nối trong thế kỷ 4.0. Bạn biết không, robot có thể thay thế khoảng 800 triệu việc làm vào năm 2030. Khi trí tuệ nhân tạo lên ngôi, khi máy có thể học và sử dụng thuật toán để đưa ra giải pháp tối ưu hơn, nhanh hơn, thông minh hơn con người, ta khác máy ở chỗ nào? Đây là vấn đề lớn và thử thách hàng đầu đối với ngành giáo dục trên toàn thế giới.

Cách giáo dục của chúng ta là dạy kiến thức. Mà kiến thức thì kiểu gì cũng không khiến cho con người cạnh tranh lại máy. Những kiến thức đang dạy trong trường học là kiến thức từ… 200 năm qua. Cần phải dạy cho thế hệ tiếp nối những phẩm chất "rất người" mà robot chẳng bao giờ có thể chạy theo kịp. Chúng ta cần dạy những kỹ năng để người lại là người, vẫn luôn luôn là người.

Những thứ mà con người cần học nhất thật ra chẳng ở đâu xa. Đó là giá trị cốt lõi (values). Là niềm tin (belief). Là cách làm việc đội nhóm (teamwork). Là cách suy nghĩ độc lập. Là treo trái tim mình lên tay áo để quan tâm đến mọi người xung quanh.

Mà ta có bao giờ quan tâm đến ai chưa nhỉ? Hôm trước, một bạn trẻ nhắn tôi: "Chị ơi, em còn chưa biết làm sao để yêu thương chính mẹ của mình, làm sao em tập yêu thương người khác?".

Tôi ngỡ ngàng. À thì ra tác động của 4.0 có khi như thế, khi mọi thứ dường như dừng lại ở những thuật toán và những dòng số một một không không dài dài, lạnh lẽo. Phải chăng, đã đến lúc ta cần quay về với tình cảm mộc mạc nhất trong đời? Phải chăng, thứ ta cần dạy là thể thao, là âm nhạc, là vẽ tranh, để nghệ thuật đưa ta về với cái gốc rất người, đẹp ngỡ ngàng khi giọt nước mắt mỏng manh của con chạm vào vạt áo bà ba của mẹ?

Vậy là Tết. Gia đình ta có còn quây quần, kể cho nhau nghe chuyện dài chuyện ngắn? Xuân có còn thơm mùi thịt kho thơm nức mũi từ bếp nhà của mẹ? Và ta có trở về chỉ để được yêu thương? Ngoài kia, đường còn dài, dài lắm. Robot đã hiện diện từ lâu và được lập trình ngày một thông minh siêu phàm hơn. 

Cành mai nhà bạn ngày một già đi, và sẽ có lúc chẳng còn nhìn thấy mẹ tỉa lá, ngắm hoa khoe sắc. Ta sinh ra trên đời này cuối cùng là để làm gì nhỉ? Ta có đến để yêu thương và ra đi trong những yêu thương? Tết rồi, mùa nở hoa của bao hạt giống yêu thương, hạt mầm hạnh phúc. Hãy quay về bạn nhé.

EQ giúp bạn thành công. IQ giúp bạn thành công nhanh hơn. Nhưng thế giới này cần cả LQ - tức Love Quotient (trí tuệ yêu thương) - để con người sẽ vẫn mãi là người.

NGUYỄN PHI VÂN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên