"Tẩy trắng" quá khứ cho nạn nhân tín dụng đen

HOA KIM 19/11/2022 05:01 GMT+7

TTCT - Tại Nigeria và nhiều nước châu Phi khác, lãi suất trên trời cộng với các biện pháp thu hồi nợ kiểu bôi nhọ danh dự từ các app cho vay trực tuyến kiểu "tín dụng đen" đang khiến nhiều người khốn đốn.

Tẩy trắng quá khứ cho nạn nhân tín dụng đen - Ảnh 1.

Một số ứng dụng vay trực tuyến ở Kenya. Ảnh: AFP

Tại Nigeria và nhiều nước châu Phi khác, lãi suất trên trời cộng với các biện pháp thu hồi nợ kiểu bôi nhọ danh dự từ các app cho vay trực tuyến kiểu "tín dụng đen" đang khiến nhiều người khốn đốn. Một dịch vụ phi chính thức đã ra đời với mục tiêu giúp các nạn nhân của tín dụng đen xóa bỏ quá khứ, làm lại cuộc đời.

Dịch vụ này đã cứu được nhiều người, nhưng có vẻ nó cũng nằm trong vùng xám, và không được khuyến khích, theo phóng sự của trang Rest of World.

Cùng đường gặp "Tướng quân"

Năm 2020, Titiola (tên nhân vật đã thay đổi) vay một khoản tiền từ ứng dụng FairMoney - một app cho vay được cấp phép hoạt động ở Nigeria - nhằm trang trải chi phí trang bị máy POS cho công việc kinh doanh sắp sửa đi vào hoạt động. Ứng dụng không yêu cầu thế chấp thứ gì, nhưng phải trả cả gốc và lãi 30% trong vòng 1 tháng.

Khi hạn chót đã đến mà vẫn chưa xoay đủ tiền trả nợ, Titiola bèn vay tiếp từ một nền tảng khác tên Ocash - lần này là một ứng dụng không phép - mà cô thấy quảng cáo trên Facebook với lãi suất lên đến 50% và phải trả trong 2 tuần. Để trả nợ cho Ocash, Titiola tiếp tục vay từ một ứng dụng khác là Easemoni. Rồi để trả nợ cho Easemoni, cô lại vay thêm từ 2 ứng dụng khác nữa. Cứ như vậy mà chẳng mấy chốc Titiola đã thấy mình lạc vào ma trận tín dụng đen không hồi kết ở quốc gia Tây Phi.

Điểm chung của các ứng dụng này là cung cấp các khoản vay có giá trị tương đối thấp trong một khung thời gian ngắn, thường dao động từ 1.500 đến 500.000 naira (85.000 đến 28,3 triệu đồng) và có thời hạn trả nợ từ 1 tuần đến 2 tháng với lãi suất cao ngất ngưởng.

Đến cuối năm 2021, số nợ của Titiola ngày càng chồng chất và các nền tảng cho vay đe dọa sẽ gửi tin nhắn đến những số điện thoại trong danh bạ của cô để tố cáo cô là kẻ quỵt nợ - một chiến thuật được các app tín dụng đen sử dụng phổ biến để bôi nhọ danh dự và gây áp lực buộc con nợ phải trả tiền. 

Cùng đường, Titiola tìm đến các hội nhóm trên Facebook để cầu cứu. Sau bài đăng mô tả tình thế tiến thoái lưỡng nan mình gặp phải, một thành viên gợi ý cô liên hệ với Chukwuemeka Ogbu - một người đàn ông có biệt danh "Tướng quân" được giới thiệu là chuyên cung cấp các dịch vụ giúp đỡ những người trót sa chân vào tín dụng đen.

Với các dịch vụ có giá chỉ từ 1.500 đến 4.500 naira (từ 85.000 đến 255.000 đồng), Ogbu cam kết giúp khách hàng giảm thiểu thiệt hại về danh tiếng do các tin nhắn bêu xấu gây ra. Đầu tiên anh hướng dẫn khách hàng cách sao lưu danh bạ ra một nơi khác rồi xóa sạch thông tin lưu trữ trên điện thoại. Việc làm này giúp bảo vệ thông tin liên hệ của người thân, bạn bè khỏi tầm với của các ứng dụng cho vay.

Anh cũng dùng chiến thuật gây nhiễu bằng cách gửi hàng loạt tin nhắn đến các địa chỉ nằm trong danh bạ, giả làm chính các app đó để "đính chính" thông tin bôi xấu nhằm cứu vớt uy tín cho người bị hại. 

Ogbu còn điều hành một nhóm chat trên mạng xã hội WhatsApp quy tụ các khách hàng của mình thành một cộng đồng gắn kết hỗ trợ nhau vượt qua khó khăn. Anh khuyến khích các thành viên tham gia vào chương trình tiết kiệm tập thể với cách thức hoạt động gần giống một dây hụi: mọi người cùng góp tiền vào một quỹ chung và số tiền này được giữ xoay tua bởi lần lượt từng người trong nhóm.

Tẩy trắng quá khứ cho nạn nhân tín dụng đen - Ảnh 2.

Nhóm Facebook nói không với app tin dụng đen của Nigeria.

Vùng xám pháp lý

Trả lời phỏng vấn Rest of World, Ogbu cho biết anh bắt đầu cung cấp dịch vụ này sau trải nghiệm của chính bản thân khi vay tiền qua app tín dụng đen LCredit - mới đây đã bị gỡ khỏi cửa hàng ứng dụng Play Store do vi phạm chính sách của Google.

Trong năm 2019, anh thường xuyên vay tiền từ LCredit và trả nợ đúng hạn, giúp nâng hạn mức cho vay lên khá cao. Lần gần đây nhất Ogbu sử dụng LCredit là lúc anh vay 500.000 naira với lãi suất 50% và thời hạn 2 tuần. 

"Đó là khoản vay mà tôi không thể hoàn trả" - anh thừa nhận. Khi Ogbu không thể trả tiền đúng hạn, LCredit bắt đầu nhắn tin làm phiền các số điện thoại nằm trong danh bạ của anh, thậm chí tuyên bố với họ rằng anh đã chết. 

Ogbu cho biết sau đó anh đã tìm cách xóa tên mình khỏi cơ sở dữ liệu của LCredit thành công, nhưng từ chối giải thích rõ hoặc cung cấp bằng chứng về cách mình làm điều đó. Sau khi vượt qua biến cố của bản thân, Ogbu nhận ra anh có thể giúp những con nợ khác làm điều tương tự.

Một trong những khách hàng của Ogbu là một doanh nhân kinh doanh nhà hàng quán bar ở thành phố Enugu miền đông nam Nigeria. Khi công việc kinh doanh gặp khó khăn vào đầu năm 2022, người này vay nóng từ 5 app khác nhau để xoay xở các khoản chi, và tới tháng 4-2022 thì bắt đầu sống với cơn ác mộng tín dụng đen khi không còn sức gồng nợ.

Người đàn ông này nhìn thấy bài viết giới thiệu dịch vụ của Ogbu và đồng ý trả 4.000 naira (226.000 đồng) để xóa tên mình khỏi các ứng dụng cho vay. Vài tuần sau đó, đúng là những app mà anh mắc nợ đã ngừng nhắn tin cho anh. Khi kiểm tra các ứng dụng này, anh nhận thấy hồ sơ của mình dường như đã bị thay bằng tên và thông tin của người khác?!

Ngoài "Ông tướng", một người cung cấp dịch vụ tương tự sử dụng tài khoản Facebook tên Onye Ocha tự xưng là lập trình viên phát triển phần mềm có khả năng xâm nhập và chỉnh sửa cơ sở dữ liệu của các ứng dụng cho vay. Onye Ocha khẳng định anh làm việc này vì lợi ích cộng đồng và chỉ tính "tiền mạng" mà anh sử dụng trong khi giúp đỡ những khách hàng của mình.

Theo Ogbu và Onye Ocha, các dịch vụ họ cung cấp có giá cao nhất là 10.000 naira (565.000 đồng). Không như bộ đôi này, nhiều người khác trong nghề từ chối nói chuyện với báo chí vì lo ngại thông tin được tiết lộ có thể ảnh hưởng cần câu cơm hoặc được sử dụng để xác minh họ là ai.

Những người cung cấp dịch vụ xóa nợ tín dụng đen hoạt động trong một vùng xám pháp lý. "Không có luật cụ thể nào điều chỉnh các hoạt động tẩy sạch danh tiếng" - luật sư tội phạm tài chính Theophilus Oladipo nói với Rest of World. 

Dù cách tốt nhất để khôi phục danh dự bị bôi nhọ là đệ đơn kiện vì tòa án có thẩm quyền yêu cầu bên vi phạm xin lỗi công khai, hầu hết các app cho vay không đăng ký hoạt động và không được cấp phép khiến việc xác định ai đứng sau chúng để kiện cũng không dễ.

Ogbu thừa nhận biết một số việc mình làm có thể vi phạm pháp luật, nhưng cho rằng điều đó là để bảo vệ mọi người chống lại những kẻ cho vay nặng lãi. Onye Ocha có cùng quan điểm: "Có một cơ quan chính phủ từng nói rằng họ đã cấm các app tín dụng đen. Vậy giờ chúng đã ngừng hoạt động chưa? Nếu bạn muốn cứu một mạng người, điều đó đáng giá hơn bất cứ thứ gì khác. Đó là mục tiêu chính của tôi" - Ogbu nói.■

App tín dụng đen thì tất nhiên là xấu, nhưng cũng có nhiều trường hợp con nợ lợi dụng việc giải ngân dễ dãi của những ứng dụng này để vay tiền vô tội vạ với mục tiêu ngay từ đầu là "xù".

Tài khoản Twitter Adasbillions chỉ mánh quỵt nợ mà không phải chịu hậu quả: "Sau khi nhận được tiền, hãy vào phần cài đặt ứng dụng và tắt toàn bộ quyền mà trước đó bạn đã cấp cho nó. Sau đó dùng ứng dụng Truecaller để chặn hết cuộc gọi và tin nhắn từ số lạ. Cẩn thận hơn nữa thì bạn có thể đến ngân hàng đóng thẻ ATM đã dùng để nhận tiền từ app rồi mở thẻ mới".

Kuda, một công ty fintech của Nigeria, báo lỗ hơn 6 triệu naira (339 triệu đồng) trong năm 2021 bao gồm các khoản nợ xấu từ hoạt động cho vay qua app. Tỉ lệ người không trả nợ khi vay qua app tại Nigeria nhiều đến nỗi tháng 9-2022 Ngân hàng trung ương Nigeria phải ra chỉ thị cho phép trừ tiền thẳng vào tài khoản của con nợ để thu hồi nợ.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận