19/12/2020 18:00 GMT+7

Tây Ninh hướng tới phát triển nông nghiệp công nghệ cao bền vững

TUẤN ANH
TUẤN ANH

Nhiều năm trước, không ai có thể tin rằng vùng đất phía tây ven sông Vàm Cỏ Đông bị nhiễm phèn nặng, cây cối không thể sống nổi, lại được hồi sinh kỳ diệu như bây giờ.

Tây Ninh hướng tới phát triển nông nghiệp công nghệ cao bền vững - Ảnh 1.

Lão nông Nguyễn Văn Sáu mạnh dạng đầu tư 50ha trồng khóm trên đấy nhiễm phèn tại xã Bình Thạnh, thị xã Trảng Bàng, tỉnh Tây Ninh - Ảnh: TUẤN ANH

Hồi sinh từ vùng đất chết

Năm 2016, khi biết thông tin tỉnh có chủ trương phát triển nông nghiệp theo hướng nâng cao chuỗi giá trị nông sản, lão nông Nguyễn Văn Sáu (xã Bình Thạnh, thị xã Trảng Bàng, tỉnh Tây Ninh) đã mạnh dạng đầu tư chuyển đổi 50ha trồng lúa "xấu" sang cây khóm.

Nhờ ứng dụng các tiến bộ khoa học, kỹ thuật, cây khóm đã sinh trưởng và phát triển tốt trên đất nhiễm phèn, trung bình mỗi ha khóm sau 3 năm trồng sẽ có sản lượng khoảng 60 tấn. Với giá trung bình 6.000 đồng/kg, trừ đi chi phí, cho lãi trên 70 triệu đồng/ha/năm, cao gấp nhiều lần so với cây lúa trước đây.

Ông Sáu cũng cho biết đầu năm 2019, nhà máy Tanifood tại Tây Ninh đã đi vào hoạt động; để có nguồn nguyên liệu, doanh nghiệp này đã tìm đến nông dân trồng khóm để liên kết bao tiêu sản phẩm.

Theo Sở Nông nghiệp và phát triển nông thông tỉnh Tây Ninh, hiện nay toàn tỉnh có tổng diện tích trồng khóm khoảng 300ha (phổ biến là giống Queen) với năng suất bình quân khoảng 25 tấn/ha, tập trung chủ yếu tại các huyện Bến Cầu và Trảng Bàng.

Xác định cây ăn trái là luồng gió mới trong phát triển nông nghiệp công nghệ cao và tái cơ cấu ngành nông nghiệp, Tây Ninh đã phân vùng cây trồng chuyên canh với diện tích khoảng 300.000 ha (hơn 69% đất tự nhiên của tỉnh) ở các huyện Tân Châu, Tân Biên, Châu Thành, Bến Cầu với các loại cây trồng chủ lực.

Còn tại các huyện Dương Minh Châu, Gò Dầu; thị xã Trảng Bàng, Hòa Thành và thành phố Tây Ninh sẽ tập trung cho sản xuất nông nghiệp đô thị, ứng dụng công nghệ cao hướng đến xuất khẩu.

Phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao

Theo ông Nguyễn Đình Xuân, giám đốc Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Tây Ninh, hiện Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Tây Ninh đã hoàn tất đề án về chính sách khuyến khích đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp.

Trong đó có nhiều gói hỗ trợ đầu tư, như hỗ trợ tối đa 2 tỉ đồng/dự án đầu tư sấy nông sản (lúa, bắp, khoai, công suất ít nhất 150 tấn sản phẩm/ngày); hỗ trợ không quá 60% chi phí (tối đa 5 tỉ đồng/dự án) đầu tư cơ sở chế tạo, bảo quản, chế biến nông, lâm, thủy sản...

Trong đó, tỉnh hiện cũng đã chuẩn bị 800ha đất sạch (chủ yếu trồng cây ăn trái) để chủ động mời gọi các nhà đầu tư tìm đến xây dựng những dự án quy mô. Với kỳ vọng mỗi ha đất nông nghiệp sẽ thu lợi 130 triệu đồng/năm, cùng tỉ trọng giá trị sản xuất nông nghiệp công nghệ cao chiếm hơn 30% tổng giá trị sản xuất nông nghiệp.

Tây Ninh hướng tới phát triển nông nghiệp công nghệ cao bền vững - Ảnh 2.

Đồng khóm của ông Nguyễn Văn Sáu, tại xã Bình Thạnh, thị xã Trảng Bàng, tỉnh Tây Ninh. Ảnh: Tuấn Anh

Trong thời gian qua, tỉnh đã thu hút đầu tư các dự án nông nghiệp gắn phát triển chuỗi giá trị, nông nghiệp công nghệ cao được 24 dự án với tổng vốn trên 1.652 tỉ đồng; thu hút xây dựng và đưa vào hoạt động 1 nhà máy chế biến rau quả Tanifood với tổng mức đầu tư 1.820 tỉ đồng, có công suất chế biến 500 tấn/ngày và 1 trang trại bò sữa Vinamilk Tây Ninh đạt tiêu chuẩn GlobalGAP với tổng đàn 8.000 con.

Triển khai đồng bộ, có nhiều chính sách thu hút các doanh nghiệp nông nghiệp mạnh làm đầu tàu dẫn dắt; phát triển nông sản giá trị cao, ứng dụng kỹ thuật tiên tiến để góp phần tăng năng suất, chất lượng nông sản nhất là các mặt hàng chủ lực, thế mạnh của tỉnh.

Ông Nguyễn Thanh Ngọc (chủ tịch UBND tỉnh Tây Ninh):

Cần có sự đột phá về phát triển nông nghiệp

Trong nhiệm kỳ mới, Tây Ninh xác định đẩy mạnh phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.

Trọng tâm là quy hoạch các vùng ứng dụng công nghệ cao để thu hút các nhà đầu tư chiến lượt, nhà đầu tư có năng lực, tâm huyết, trách nhiệm với nông nghiệp để xây dựng các mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, ứng dụng nông nghiệp sạch theo hướng gia tăng chuỗi giá trị, gắn sản xuất, bảo quản, với chế biến và xuất khẩu, để tạo lan tỏa cho người nông dân, đặc biệt là tạo ra đột phá về năng suất, chất lượng và nâng cao giá trị trong một đơn vị diện tích.

Đây cũng là sự đòi hỏi, sự nổ lực rất lớn để đưa Tây Ninh trở thành một trong những tỉnh mà người nông dân có thể sống và làm giàu được từ nông nghiệp.

TUẤN ANH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên