25/06/2016 14:14 GMT+7

Tàu qua cầu Ghềnh, công nhân vẫn tất bật

HÀ MI - ĐỨC TRONG
HÀ MI - ĐỨC TRONG

TTO - Dù đã được thử tải trước đó, khi có tàu qua cầu Ghềnh, đơn vị thi công vẫn cử người giám sát, theo dõi các vị trí bêtông được lắp đặt sát ở các thanh ray ven đường tàu.

Khi vắng tàu, các công nhân tranh thủ di chuyển nguyên vật liệu để hoàn thiện các hạng mục quanh chân cầu - Ảnh: HÀ MI
Công nhân chuyển vật liệu để hoàn thiện các hạng mục quanh chân cầu - Ảnh: HÀ MI

Sau khi cho đoàn tàu khách đầu tiên đi trên cầu Ghềnh mới, sáng 25-6, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam cho hay các đoàn tàu SPT2, SE8, SE6… đi từ ga Sài Gòn đã chạy lại bình thường trên tuyến đường sắt Bắc - Nam, đi qua cầu Ghềnh để vào ga Biên Hòa (Đồng Nai) nhưng khi di chuyển qua đây, tốc độ rất chậm để đảm bảo an toàn thi công.

Theo ghi nhận, khi đoàn tàu đi qua, đơn vị thi công cử người giám sát, theo dõi các vị trí bêtông được lắp đặt sát các thanh ray ven đường tàu.

Trong khi đó, phía hai đầu cầu Ghềnh, hàng trăm kỹ sư, công nhân vẫn đang tất bật hoàn thiện kè đá ven đường vào chân cầu, mắc điện và hàn nối… để hoàn thiện các phần việc còn lại.

Trả lời Tuổi Trẻ việc thi công rút ngắn thời gian và huy động nhiều lực lượng, máy móc hiện đại có làm đội vốn đầu tư, ông Đới Sỹ Hưng - phó tổng giám đốc Tổng công ty Đường sắt VN (trưởng ban chỉ đạo thi công cầu Ghềnh) - cho biết: “Kinh phí xây dựng gần 300 tỉ đồng như dự kiến ban đầu và tiết kiệm được thời gian. Nếu tính thời gian đường sắt gián đoạn là 96 ngày được thông trở lại. Còn thời gian khởi công cho đến lúc hoàn thành công trình để thông tàu là 85 ngày. Đây là thời gian kỷ lục trong việc xây dựng cầu ở VN”.

Theo ông Hưng, công nhân vẫn đang khẩn trương làm các việc còn lại quanh chân cầu nhưng phải tuyệt đối đảm bảo an toàn, chất lượng để cuối tháng 6-2016 phải hoàn chỉnh tất cả các hạng mục còn lại.

Theo ghi nhận của Tuổi Trẻ, trong buổi sáng đầu tiên cho thông đường tàu Bắc - Nam, người dân đã chấp hành các tín hiệu ở chốt chắn ngang chợ Đồn (TP Biên Hòa) để đảm bảo an toàn cho các  đoàn tàu đi qua. Người dân ở khu vực này cũng ùa ra xem và ngắm cầu Ghềnh mới.

Ông Phương - nhà ở gần gác chắn chợ Đồn - nói: “Trước đây nghe tiếng còi tàu quen tai rồi nên vắng cũng thấy thiếu thiếu. Tàu chạy ra rồi, tạo thuận lợi cho dân cũng mừng nhưng tôi mong muốn sao phải đảm bảo an toàn giao thông”.

Như trút được nỗi mệt mỏi sau nhiều ngày đêm chở khách di chuyển bằng đường bộ để ra vào ga Biên Hòa, anh Ngô Xuân Vinh - nhóm trưởng nhóm tài xế Công ty xe khách Sài Gòn - tâm sự: “Hơn 3 tháng qua, anh em tài xế được tăng cường chở khách bằng đường bộ đến ga Sài Gòn, Sóng Thần, Biên Hòa suốt ngày suốt đêm cũng rất vất vả. Nay nhìn cây cầu mới, có đường sắt thông qua cầu Ghềnh rồi thì người đi lại bằng tàu đỡ vất vả hơn rất nhiều. Anh em tài xế cũng bớt một phần gánh nặng, có thời gian gần gũi hơn với gia đình”.

Kể lại khoảnh khắc chứng kiến chuyến tàu đầu tiên chạy qua cầu Ghềnh mới an toàn, kỹ sư xây dựng công trình cầu đường Trần Văn Hải nói: “Cảm giác đoàn tàu chở những hành khách đầu tiên đi qua rồi vẫy tay chào, chúc mừng lại các anh em tại công trường là món quà tinh thần vô giá. Những hình ảnh đó đối với tôi là rất sung sướng sau những ngày đêm thi công ba ca tại công trường, kể cả những hôm mưa to gió lớn”.

Anh Hải nói thêm cảm giác các đoàn tàu đầu tiên đi qua là rất hồi hộp, đến khi qua khỏi cầu an toàn và đảm bảo các yêu cầu kỹ thuật rồi thì mới vỡ òa sung sướng. Một đêm gần như thức trắng để chuẩn bị cho việc thử tải và chạy thử, anh Hải cùng những đội ngũ thi công cầu Ghềnh lại hồ hởi tiếp tục công việc để kịp hoàn tất những phần còn lại.

Còn ông Phạm Đình Tân (81 tuổi), một người sống từ nhỏ tại vùng đất Biên Hòa, tâm sự: “Ngày cầu bị sà lan tông sập, tôi cũng như bao người dân Biên Hòa như đứt từng khúc ruột. Khi xây cầu mới ngày nào tôi cũng đến nhìn các công nhân thi công, không thể ngờ cầu Ghềnh mới lại xây dựng nhanh đến như vậy”.

Buổi sáng đầu tiên người dân đi qua gác chắn chợ Đồn đã phải dừng lại nhìn tàu sau hơn 3 tháng bị gián đoạn - Ảnh: HÀ MI
Buổi sáng đầu tiên người dân đi qua gác chắn chợ Đồn đã phải dừng lại nhìn tàu sau hơn 3 tháng bị gián đoạn - Ảnh: HÀ MI
Kĩ sư tiếp tục túc trực để theo dõi các thanh ray khi đoàn tàu đi qua - Ảnh: HÀ MI
Kỹ sư tiếp tục túc trực để theo dõi các thanh ray khi đoàn tàu đi qua - Ảnh: HÀ MI
Công nhân dừng tay theo dõi đoàn tàu khách đi vào cầu Ghềnh mới - Ảnh: HÀ MI
Công nhân dừng tay theo dõi đoàn tàu khách đi vào cầu Ghềnh mới - Ảnh: HÀ MI
Công nhân vẫn tất bật để hoàn thiện các phần việc còn lại sau khi nối lại đường tàu Bắc-Nam vào sáng 25-6 - Ảnh: HÀ MI
Công nhân vẫn tất bật để hoàn thiện các phần việc còn lại sau khi nối lại đường tàu Bắc - Nam vào sáng 25-6 - Ảnh: HÀ MI
Thợ hàn tiếp tục hoàn chỉnh làm việc ở khu vực quanh chân cầu Ghềnh mới - Ảnh: HÀ MI
Thợ hàn tiếp tục hoàn chỉnh công việc ở khu vực quanh chân cầu Ghềnh mới - Ảnh: HÀ MI
Ở một vị trí khác, thợ điện đấu nối các đường dây điện chiếu sáng hệ thống cầu để đảm bảo an toàn cho tàu chạy - Ảnh: HÀ MI
Ở một vị trí khác, thợ điện đấu nối các đường dây điện chiếu sáng hệ thống cầu để đảm bảo an toàn cho tàu chạy - Ảnh: HÀ MI
Thợ điện đấu nối các đường dây điện chiếu sáng hệ thống cầu để đảm bảo an toàn cho tàu chạy - Ảnh: HÀ MI
Thợ điện đấu nối các đường dây điện chiếu sáng hệ thống cầu để đảm bảo an toàn cho tàu chạy - Ảnh: HÀ MI
Cầu Ghềnh mới nhìn từ mặt sông Đồng Nai - Ảnh: HÀ MI
Cầu Ghềnh mới nhìn từ mặt sông Đồng Nai - Ảnh: HÀ MI
Phía chân cầu, công nhân kè đá để bảo vệ chân cầu - Ảnh: HÀ MI
Công nhân kè đá để bảo vệ chân cầu - Ảnh: HÀ MI

Cầu Ghềnh mới có 3 nhịp dài 225m

Theo chủ đầu tư, cầu Ghềnh mới có kết cấu vòm thép chia 3 nhịp (mỗi nhịp dài 75m, cao 13m), có tổng chiều dài 225m. Cầu đáp ứng tĩnh không thông thuyền cấp 3 (cao hơn 3m so với tĩnh không thông thuyền của cầu cũ). Cầu cũng được thiết kế 2 hành lang (mỗi bên rộng 1,2m) phục vụ người đi bộ và các phương tiện xe máy, xe đạp qua lại.

Diễn biến khắc phục sự cố sập cầu Ghềnh

- Trưa 20-3, một chiếc sà lan tông trụ cầu Ghềnh bắc qua sông Đồng Nai (thuộc xã Hiệp Hòa, TP Biên Hòa, Đồng Nai) làm 2 nhịp cầu bị gãy, 3 người rơi xuống cầu nhưng được cứu sống. Vụ tai nạn giao thông đường thủy khiến tuyến đường sắt Bắc - Nam bị tê liệt hoàn toàn.

- Sau sự cố, Chính phủ đồng ý giao Tổng công ty Đường sắt VN làm chủ đầu tư xây dựng cầu Ghềnh mới theo lệnh khẩn cấp của Chính phủ. Kinh phí xây dựng dự kiến 298,5 tỉ đồng được lấy từ nguồn dự phòng ngân sách trung ương năm 2016 để thực hiện đầu tư công trình.

- Sau khi trục vớt thanh thải trụ cầu cũ, ngày 1-4, dự án xây mới cầu Ghềnh bắc qua sông Đồng Nai (xã Hiệp Hòa, TP Biên Hòa, Đồng Nai) được khởi công.

- Ngày 3-4, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc kiểm tra công tác khắc phục cầu Ghềnh và chỉ đạo việc thi công phải khẩn trương nhưng bảo đảm chất lượng, tiến độ với phương châm “thiết kế tại chỗ, phương tiện tại chỗ, thiết bị tại chỗ” và rút ngắn thời gian 15 ngày để tiết kiệm được 150 tỉ đồng (theo tính toán, sự cố sập cầu Ghềnh làm thiệt hại mỗi ngày khoảng 10 tỉ đồng nên yêu cầu phải làm xong trước 1-7).

Yêu cầu ngành giao thông vận tải rà soát lại hệ thống cầu yếu trên tuyến đường sắt, đảm bảo lưu thông hàng hóa, vận chuyển hành khách…

- Trong ngày 24-6, các đơn vị thi công đã lắp xong các nhịp cầu và công nhân tiến hành lắp đặt tà vẹt, ray, các phụ kiện trên mặt cầu, kết nối các mối ray lại với nhau.

Sau khi cho thử tải nhiều lần, gần 4g sáng 25-6, Tổng công ty Đường sắt VN chính thức cho đoàn tàu khách TN1 đi qua cầu Ghềnh mới, khép lại nhiều tháng hành khách đi tàu Bắc - Nam phải di chuyển bằng đường bộ về ga Biên Hòa.

HÀ MI - ĐỨC TRONG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên