15/08/2019 10:07 GMT+7

Tàu khảo sát và mưu đồ đường chín đoạn phi pháp

Ths PHẠM NGỌC  MINH TRANG  (giảng viên khoa quan hệ quốc tế, ĐH KHXH&NV  TP.HCM)
Ths PHẠM NGỌC MINH TRANG (giảng viên khoa quan hệ quốc tế, ĐH KHXH&NV TP.HCM)

TTO - Trong thời gian gần đây, Trung Quốc đã liên tục đưa các tàu khảo sát địa chất vào vùng biển của các quốc gia ASEAN bao gồm Việt Nam, Philippines và Malaysia cùng với sự hộ tống của các tàu hải giám, phi quân sự.

Phía sau động thái này cho thấy các ý đồ từ phía Trung Quốc, trước hết đó là việc muốn thực tế hóa yêu sách đường chín đoạn hay còn gọi là đường lưỡi bò phi pháp của nước này trên thực địa tại khu vực Biển Đông. 

Các vùng nước mà Trung Quốc đưa tàu vào là các vùng nước nằm trong đường chín đoạn mà họ luôn tuyên truyền thuộc về họ.

Do đó, nếu các quốc gia liên quan không lên tiếng phản đối hay có các biện pháp chống trả cứng rắn, Trung Quốc sẽ đạt được mục tiêu chiếm ưu thế trên thực địa, tạo bàn đạp cho việc khẳng định yêu sách đường chín đoạn, đồng thời tạo ưu thế khi đàm phán các vấn đề Biển Đông với các quốc gia liên quan.

Bên cạnh đó, hiện giờ có vẻ như Trung Quốc đang mong muốn thông qua Bộ quy tắc ứng xử tại Biển Đông (COC). Để có COC có lợi cho mình, Bắc Kinh đang tạo nên những sức ép thực địa với từng quốc gia để đạt được mục tiêu trên bàn đàm phán.

Mặt khác, việc Trung Quốc cho các tàu không phải là tàu quân sự của mình vào vùng biển của các quốc gia khác còn là một bài toán thử thách sự chịu đựng và khả năng ứng phó của các quốc gia liên quan.

Cuối cùng, hành động này của Trung Quốc còn cho thấy sự nguy hiểm của việc xây dựng các đảo nhân tạo của Trung Quốc tại Biển Đông. 

Các đảo này là nơi tiếp tế nhiên liệu, phòng thủ và phụ trợ đắc lực cho Trung Quốc trong việc thực hiện các hành vi xấm lấn vùng biển của các nước khác trong khu vực.

Việc sử dụng vũ lực để đối phó với các tàu Trung Quốc xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế của các quốc gia ASEAN là một hành động không khôn ngoan nhìn từ góc độ tương quan lực lượng và tính chính danh của hành động này. Do vậy, cần phải tập trung vào mặt trận ngoại giao và pháp lý.

Ở mặt trận pháp lý, cần bám sát vào Công ước Luật biển 1982 (UNCLOS), đây là cơ sở pháp lý cơ bản nhất và quan trọng nhất cho tất cả các hành động của các quốc gia ASEAN để đối phó với Bắc Kinh. 

Ngoài ra, các quốc gia ven Biển Đông trong đó có Việt Nam cần ủng hộ giá trị của phán quyết của Tòa trọng tài trong vụ kiện giữa Philippines và Trung Quốc.

Đây là văn bản pháp lý duy nhất hiện giờ bác bỏ tính hợp pháp của đường chín đoạn. Bên cạnh đó, sử dụng các cơ quan tài phán quốc tế cũng là một phương án cần được cân nhắc trong thời điểm thích hợp.

COC phải phù hợp luật quốc tế

Tại Singapore ngày 14-8, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Quốc Dũng và Bí thư thường trực Bộ Ngoại giao Singapore Chee Wee Kiong đồng chủ trì cuộc họp tham khảo chính trị Việt Nam - Singapore lần 12.

Theo Bộ Ngoại giao Việt Nam, đề cập các diễn biến gần đây ở Biển Đông, hai bên kêu gọi kiềm chế, không đe dọa vũ lực hoặc sử dụng vũ lực, giải quyết tranh chấp bằng các biện pháp hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế, trong đó có UNCLOS 1982, triển khai đầy đủ và hiệu quả Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) và thúc đẩy đàm phán để sớm đạt được Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) hiệu quả, thực chất và phù hợp với luật pháp quốc tế.

D.AN

Tàu Trung Quốc Hải Dương 8 đã xâm phạm thềm lục địa Việt Nam Tàu Trung Quốc Hải Dương 8 đã xâm phạm thềm lục địa Việt Nam

TTO - Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng tối 19-7 xác nhận tàu khảo sát Hải Dương 8 của Trung Quốc đã có hành vi vi phạm vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam ở khu vực phía nam Biển Đông.

Ths PHẠM NGỌC MINH TRANG (giảng viên khoa quan hệ quốc tế, ĐH KHXH&NV TP.HCM)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên