13/05/2022 21:04 GMT+7

Tăng mức đóng bảo hiểm y tế, có thêm gánh nặng cho người dân?

VŨ THỦY - N.T
VŨ THỦY - N.T

TTO - Nhiều người bày tỏ lo ngại như vậy trước thông tin Bộ Y tế đang lấy ý kiến về dự thảo sửa đổi Luật bảo hiểm y tế (BHYT), trong đó đề xuất phương án tăng mức đóng BHYT của người lao động, người tham gia bảo hiểm theo diện hộ gia đình.

Tăng mức đóng bảo hiểm y tế, có thêm gánh nặng cho người dân? - Ảnh 1.

Người dân đến khám BHYT tại Bệnh viện Nhân dân Gia Định, TP.HCM - Ảnh: DUYÊN PHAN

Như Tuổi Trẻ Online đã thông tin, theo dự thảo, mức đóng BHYT đối với người lao động tại các đơn vị, doanh nghiệp là 6% tiền lương hằng tháng, trong đó người sử dụng lao động đóng 2/3 và người lao động đóng 1/3. 

Với hộ gia đình, dự thảo đề xuất mức đóng của người thứ nhất bằng 6% mức lương cơ sở, người thứ hai trở đi đóng bằng 80% mức đóng của người đầu tiên.

Tốn thêm tiền cho BHYT

Theo quy định hiện hành, mức đóng BHYT đối với người lao động là 4,5% tiền lương hằng tháng, trong đó người lao động trực tiếp đóng 1,5% và 3% còn lại do doanh nghiệp đóng. Như vậy, nếu theo dự thảo, sắp tới người lao động phải chi thêm 0,5% tiền lương tháng cho BHYT trong khi khoản doanh nghiệp phải nộp thêm là 1%. 

Hiện tại người tham gia BHYT hộ gia đình phải đóng mỗi tháng bằng 4,5% mức lương cơ sở và người thứ hai đóng bằng 70% người thứ nhất. Tuy nhiên, mức đóng của những người tiếp theo giảm dần và từ người thứ năm trở đi chỉ phải đóng bằng 40% mức đóng của người thứ nhất. 

Nếu mức đóng như đề xuất của dự thảo được thông qua thì tới đây người dân tham gia BHYT hộ gia đình hằng tháng cũng sẽ phải tốn thêm một khoản tiền cho BHYT. Trong đó, những người từ thứ hai trở đi sẽ phải đóng thêm 10-40% so với mức hiện hành.

"Cũng không biết 0,5% là bao nhiêu, chắc vài chục ngàn đồng. Từ sau Tết đến giờ, cái gì cũng tăng chóng mặt, tiền xăng, tiền chợ đều tăng, ăn uống ngày càng đắt đỏ. Lương thì vẫn chưa tăng mà lại đã có tin tăng đóng BHYT thì đâu ai muốn" - chị Trần Thị Ngọc Bích (46 tuổi), công nhân giày da, cho biết. 

Theo chị, một trong những lý do công nhân không muốn tăng đóng BHYT bởi "một năm có đi khám được mấy lần" và mỗi lần đi khám đều phải chờ đợi rất lâu. "Nếu tăng đóng mà đi khám chữa bệnh vẫn khó khăn thì chẳng ai muốn", chị nói thêm.

Phản hồi trên Tuổi Trẻ Online, nhiều bạn đọc cho rằng việc tăng mức đóng BHYT trước mắt sẽ làm tăng gánh nặng cho người dân, người lao động, nhất là trong điều kiện các chi phí cho ăn uống, đi lại, sinh hoạt đều tăng chóng mặt. 

Liên hệ với thực tế hiện càng có nhiều người lao động vì khó khăn phải xin hưởng bảo hiểm xã hội một lần, có bạn đọc khuyến cáo phải cân nhắc kỹ mức tăng BHYT để không đẩy người lao động vào cảnh khó khăn hơn. 

Đồng thời, nếu tăng mức đóng BHYT mà chất lượng khám chữa bệnh không được nâng lên tương ứng thì sẽ là một thiệt thòi cho những người dân vốn lâu nay chưa được hưởng lợi từ chính sách này chỉ vì không chịu được những phiền toái trong khâu phục vụ.

Thêm áp lực cho doanh nghiệp

Đáng chú ý, với đề xuất theo dự thảo, mỗi tháng doanh nghiệp sẽ phải tốn thêm 1% tiền lương để đóng BHYT cho người lao động. Nhiều chủ doanh nghiệp cho rằng đây sẽ là một áp lực không nhỏ đối với các doanh nghiệp sản xuất sử dụng nhiều lao động, nhất là những doanh nghiệp có tới hàng chục ngàn lao động.

Ông Đào Quốc Cường - giám đốc thường trực Công ty TNHH Juki Việt Nam - cho biết đến thời điểm này đa số doanh nghiệp vẫn đang phải nỗ lực để phục hồi sau COVID-19. Theo đó, các doanh nghiệp vẫn đang gặp khó khăn về nguyên liệu, nhiều chi phí phát sinh do những khó khăn về thủ tục, vận chuyển… khi mà nhiều nước vẫn đang thực hiện những chính sách kiểm soát COVID-19.  

"Sắp tới doanh nghiệp cũng phải điều chỉnh lương khi lương tối thiểu tăng lên. Lần tăng này cũng nhiều hơn so với các năm trước đó. Lương tăng, mức đóng BHYT cũng tăng sẽ là một thách thức cho doanh nghiệp", ông Cường nói.

Ông Nguyễn Mạnh Dũng, - tổng giám đốc Công ty CP Thiết bị nhà bếp Vina (Namilux) - cho biết điều lo lắng nhất của doanh nghiệp hiện nay là sức mua nội địa giảm và xuất khẩu cũng bị ảnh hưởng lớn sau đại dịch. 

"Nếu tăng mức đóng BHYT thêm 1% thì sẽ tăng thêm một khoản chi phí trả lương nữa. Tăng lương là tăng chi phí cho sản xuất và sau đó doanh nghiệp phải tăng giá thành sản phẩm, lại càng khiến sức mua giảm nhiều hơn", ông Dũng lo lắng.

Tin sáng 13-5: Mức đóng BHYT hộ gia đình sẽ tăng; CĐV không được ném giấy vệ sinh trận gặp Myanmar Tin sáng 13-5: Mức đóng BHYT hộ gia đình sẽ tăng; CĐV không được ném giấy vệ sinh trận gặp Myanmar

TTO - Mức đóng bảo hiểm y tế hộ gia đình dự kiến tăng; TP.HCM, Bình Dương họp bàn tăng kết nối hạ tầng giao thông; Bộ Y tế đề xuất tạm dừng yêu cầu xét nghiệm COVID-19 trước khi nhập cảnh... là những tin đáng chú ý sáng nay.

VŨ THỦY - N.T
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên