09/07/2021 09:51 GMT+7

Tăng mua online, giao hàng tận nhà: Hàng nhập về nhiều hơn dịp tết

NHƯ BÌNH - NGUYỄN TRÍ
NHƯ BÌNH - NGUYỄN TRÍ

TTO - Hôm qua 8-7, ngày trước khi TP.HCM áp dụng giãn cách theo chỉ thị 16, các siêu thị, cửa hàng kinh doanh thực phẩm đã tăng gấp 3 - 7 lần lượng hàng tươi sống, rau củ quả...

Tăng mua online, giao hàng tận nhà: Hàng nhập về nhiều hơn dịp tết - Ảnh 1.

Shipper giao hàng đặt mua online cho khách ở quận Phú Nhuận, TP.HCM - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Các siêu thị, cửa hàng cũng đẩy mạnh 5 - 6 hình thức bán hàng khác nhau, trong đó tiếp tục đầu tư cho hệ thống bán hàng online. 

TP.HCM có 17 hệ thống siêu thị đang triển khai bán hàng giao tận nơi với hàng ngàn điểm bán, đó là chưa kể các cửa hàng thực phẩm, tiệm tạp hóa cũng đã triển khai bán trực tuyến.

Nhiều cách mua hàng online

Trong ngày 8-7, kênh mua hàng online đã bị quá tải, nhiều gian hàng phải đóng cửa và điều chỉnh thời gian giao hàng đến nhiều ngày sau nhưng đây vẫn là kênh bán hàng ưu tiên của các nhà bán lẻ.

Đại diện AEON Việt Nam cho hay đã phải tăng thêm số điện thoại tiếp nhận đơn hàng tại các siêu thị và giao trong vòng 3 ngày. Siêu thị tăng nhân lực chuẩn bị đơn hàng, phối hợp với các đơn vị vận chuyển nhưng vẫn không tránh khỏi cảnh đơn hàng bị ứ đọng. 

Chỉ riêng webiste của một siêu thị trong ngày 8-7 đã tồn đến gần 1.000 đơn hàng chờ xử lý. Nhiều cửa hàng phải đóng ứng dụng, ẩn các mặt hàng trên nền tảng online vì không phục vụ khách kịp.

Đại diện Bách Hóa Xanh cho hay đơn vị tăng áp dụng giải pháp đặt mua hàng qua Zalo hoặc số điện thoại từng cửa hàng, khách có thể tới lấy hàng theo lịch hẹn sau khi đặt hàng hoặc cửa hàng sẽ giao hàng tận nhà. Trên trang online, đơn hàng được hiển thị ngày giờ giao hàng cụ thể để khách chủ động hơn.

Tương tự, Vinmart/Vinmart+ cho biết bên cạnh đặt mua qua online, đơn vị đã đẩy mạnh dịch vụ "đi chợ hộ" cho người dân trong 15 ngày giãn cách sắp tới. 

Đại diện Lazada cũng cho biết đã triển khai nhiều phương án, bao gồm việc sắp xếp nhân sự giao hàng liên tục trong 7 ngày/tuần, ứng dụng công nghệ AI thiết kế lộ trình di chuyển của shipper để có thể giao được nhiều đơn hàng trong thời gian nhanh nhất.

Hàng nhập về nhiều hơn dịp tết

Trong ngày 8-7, các siêu thị, cửa hàng đã tăng lượng hàng nhập lên nhiều lần; tuy vậy, trong nhiều thời điểm, tình trạng trống quầy kệ vẫn xảy ra. Ngoài ra, việc nhiều điểm bán phải đóng cửa cũng khiến khách đổ dồn vào các siêu thị còn lại. "Dự kiến ngày 9-7, khi bắt đầu giãn cách, việc giao nhận thuận lợi hơn nhờ đường sá thông thoáng" - giám đốc một siêu thị cho biết.

Ông Nguyễn Quý Nhơn - đại diện AEON Việt Nam - cho biết đã làm việc với các nhà cung cấp để tăng cường nguồn hàng gấp nhiều lần. Các loại thực phẩm tươi sống như rau củ quả, thịt, cá... tăng 5 - 7 lần, thực phẩm khô tăng 3 - 4 lần. "Sản lượng thịt trong ngày 8-7 còn cao hơn giai đoạn tiêu thụ của Tết Nguyên đán" - ông Nhơn khẳng định.

Tương tự, đại diện Công ty Vissan cho hay lượng hàng đưa ra thị trường ngày 8-7 tăng lên gấp 2 - 2,5 lần so với bình thường, hàng chở về các điểm bán sớm hơn. "Công ty đang gia tăng vận chuyển, tăng số lượt giao hàng đến các điểm bán nên sẽ kịp thời đáp ứng nhu cầu người dân trong đầu giờ chiều" - vị này khẳng định.

Cũng theo đơn vị này, khả năng sức mua các ngày tới sẽ giảm dần so với ngày 8-7 khi tâm lý người dân ổn định hơn, không lo mua gom dự trữ, do đó nguồn cung nhiều thời điểm có thể dư thừa.

Nhiều mặt hàng bán ra ở chợ lẻ, bách hóa tăng giá

Theo Sở Công thương TP.HCM, tổng lượng hàng ngày 8-7 về 3 chợ đầu mối đạt 2.100 tấn, giảm 34% so với ngày trước qua nhiều hình thức khác nhau. Giá phần lớn các mặt hàng ổn định, trừ rau củ giá tăng 2-5% so với ngày trước đó.

Ngoài ra, giá nhiều mặt hàng tại các cửa hàng như bún, miến, mì gói, phở từ 4.000 - 10.000 đồng/gói tùy loại, tăng 10-15% so với ngày trước đó; đặc biệt rau củ tăng 20-40% như bắp cải, cải thảo 45.000 - 50.000 đồng/kg; khoai tây, cà rốt 55.000 đồng/kg; bầu bí, mướp 30.000 - 40.000 đồng/kg tùy loại.

Theo người bán, lượng hàng về chợ giảm do chợ đầu mối đóng cửa, trong khi sức mua tăng, nên giá nhiều mặt hàng nhập về tăng, bán ra phải tăng giá theo.

Sức mua ở siêu thị tăng 50% so với hai ngày trước và tăng gấp 2 lần so với ngày thường, các chợ tăng khoảng 30%. Các mặt hàng có sức mua tăng cao chủ yếu tập trung vào ngành hàng tươi sống như rau củ quả, thịt cá.

TP.HCM có 6/106 siêu thị đang tạm ngừng hoạt động vì COVID-19, 85/2.616 cửa hàng tiện lợi và 148/234 chợ truyền thống cùng ba chợ đầu mối cũng phải đóng cửa.

Chợ đầu mối đóng cửa, nông sản miền Tây "kẹt" đầu ra

mt_rau 1 1(read-only)

Thu hoạch rau tại tỉnh Tiền Giang - Ảnh: M.TRƯỜNG

Hàng nông sản miền Tây vốn đã chật vật vận chuyển do hạn chế đi lại để phòng dịch, nay với việc nhiều chợ đầu mối ở TP.HCM đóng cửa, việc tiêu thụ càng khó khăn hơn.

Toàn xã Thuận An, thị xã Bình Minh (Vĩnh Long) có 346ha trồng màu, trong đó 147ha trồng xà lách xoong, tập trung nhiều ở các ấp Thuận Phú A, Thuận Phú B, Thuận Thành và Thuận Tân A.

Ông Bùi Văn Hiếu - chủ tịch UBND xã Thuận An - cho biết cách nay hơn 10 ngày, giá xà lách xoong ở mức hơn 30.000 đồng/kg, nay còn khoảng 10.000 đồng/kg mà vẫn không có thương lái mua.

Theo ghi nhận, dọc tuyến đường Thuận An - Rạch Sậy (xã Thuận An) hiện có nhiều rẫy trồng xà lách xoong tới lứa thu hoạch, nhưng thương lái không đến mua, nhiều điểm thu mua xà lách xoong đã đóng cửa im ỉm khiến nông dân như ngồi trên đống lửa.

Mặt hàng thủy sản cũng chung cảnh ngộ. Ông P., một hộ dân nuôi nhiều ao cá tra tại TP Cần Thơ, cho biết sức mua cá tra "ngộp" (cá tra được lọc ra trong quá trình bán cho thương lái) đã giảm nhiều do sức tiêu thụ giảm và vận chuyển khó khăn. Từ mức giá 17.000 đồng/kg, còn 14.000 đồng/kg, và đến nay thương lái không mua luôn.

Một lãnh đạo Hiệp hội Cua Năm Căn (Cà Mau) cho biết hơn 1 tháng nay không còn chở đến các chợ đầu mối của TP.HCM do hạn chế đi lại mà chỉ bán theo đơn đặt hàng. Nay các chợ đầu mối bị đóng cửa, tình hình sẽ căng thẳng hơn và các hội viên đã thông báo ngưng mua cua trong dân.

Trong khi đó, một chủ vựa cua ở TP Bạc Liêu (tỉnh Bạc Liêu) cho biết mấy ngày qua các điểm mối đầu ra ở TP.HCM đã ngưng hoạt động khiến sức mua cua suy giảm, vì vậy vựa của chị chỉ bán được ở thị trường trong tỉnh và một ít ở các tỉnh lân cận.

Tuy nhiên, những ngày qua dịch bệnh xảy ra ở nhiều tỉnh thành lân cận nên việc bán cua hầu như "đứng im tại chỗ". Theo chủ vựa cua này, tình hình chung do dịch bệnh bùng phát thì các vựa cua đành phải chấp nhận bán tại địa phương và chỉ mong dịch bệnh sớm được kiểm soát.

C.HẠNH - M.TRƯỜNG - C.QUỐC - S.LÂM

TP.HCM: Cửa hàng tạp hóa bán hàng thiết yếu được hoạt động, còn lại ngừng TP.HCM: Cửa hàng tạp hóa bán hàng thiết yếu được hoạt động, còn lại ngừng

TTO - Tối 8-7, UBND TP.HCM tổ chức họp báo để cung cấp thông tin về triển khai thực hiện chỉ thị 16 của Thủ tướng tại TP.HCM và kỳ thi tốt nghiệp THPT vừa diễn ra.

NHƯ BÌNH - NGUYỄN TRÍ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên