06/05/2021 08:30 GMT+7

Tăng cường ngăn dịch ở biên giới khi Campuchia gỡ lệnh phong tỏa

SƠN LÂM - BỬU ĐẤU - KHOA NAM
SƠN LÂM - BỬU ĐẤU - KHOA NAM

TTO - Trước việc Campuchia có thể kết thúc đợt giãn cách xã hội, các tỉnh biên giới Tây Nam đã lên phương án tăng cường siết chặt thêm 'lá chắn' COVID-19 ở biên giới.

Tăng cường ngăn dịch ở biên giới khi Campuchia gỡ lệnh phong tỏa - Ảnh 1.

Tỉnh Long An tăng cường thêm quân số để kiểm soát đường biên giới - Ảnh: S.LÂM

Trong khi đó, nói về việc phòng dịch theo nguyên tắc 5K, ông Nguyễn Thanh Bình - chủ tịch UBND tỉnh An Giang - thẳng thắn: "Tôi yêu cầu các địa phương không nhắc nhở đeo khẩu trang nơi công cộng nữa mà phải xử phạt vì đã tuyên truyền nhiều rồi. Địa phương nào xử phạt nhiều sẽ được khen thưởng. Các huyện phải xây dựng nhiều đội xử phạt, có kế hoạch ai lập biên bản ai xử phạt rõ ràng...".

Tăng quân, lập "sở chỉ huy" ở biên giới

Tại Long An, đại tá Đoàn Văn An - chính ủy Bộ đội biên phòng tỉnh Long An - cho biết vừa tiếp nhận thêm gần 70 sĩ quan, chiến sĩ, dân quân tự vệ từ Bộ chỉ huy quân sự tỉnh này để tăng cường thêm việc siết chặt biên giới. 

Hiện tại, gần 133km đường biên giới tỉnh Long An có tất cả 36 chốt, 12 trạm, 9 tổ tuần tra lưu động với gần 700 người ngày đêm canh giữ từng đường mòn, lối mở.

Trong khi đó, chiều 5-5 UBND tỉnh An Giang cũng đã có buổi họp khẩn để bàn các phương án đối phó với trường hợp nhiều người Việt đang ở Campuchia sẽ trở về sau khi nước này tháo lệnh phong tỏa.

Đại tá Bùi Trung Dũng - phó chỉ huy trưởng Bộ chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh An Giang - cho biết với nhóm người gốc Việt thì các ngành chức năng tích cực vận động, tuyên truyền họ quay trở lại Campuchia, không thể đưa họ vào khu cách ly. 

Với người Việt Nam nhập cảnh về nước chỉ có 2 đường cửa khẩu quốc tế là Vĩnh Xương và Tịnh Biên. 

"Nếu người dân về nhiều mà không kịp khai báo y tế thì không thể đưa họ vào chung nhóm cách ly hiện tại được mà phải có khu riêng hoặc phải lập tổ, chốt ở khu vực có nhiều bà con từ Campuchia về để họ khai báo y tế, tiếp nhận" - đại tá Dũng nói.

Đại tá Đinh Văn Nơi - giám đốc Công an tỉnh An Giang - cho biết thêm công an tỉnh này sẽ chọn địa bàn TP Châu Đốc làm "sở chỉ huy" để chỉ huy hàng trăm công an sẵn sàng sát cánh cùng lực lượng biên phòng tuần tra, kiểm soát và tiếp nhận người khi có tình huống xấu xảy ra. 

Hiện tại, Công an tỉnh An Giang đã chuẩn bị hàng trăm quân để sẵn sàng đi đến các địa phương dự báo có đông người về nước, nhằm tiếp sức lực lượng y tế và biên phòng. Xe cứu thương vận chuyển người không nên đưa sâu vào nội địa mà ưu tiên cho 5 huyện biên giới.

Ông Từ Quốc Tuấn - giám đốc Sở Y tế tỉnh An Giang - cũng cho biết đã quyết định chọn Trung tâm Y tế huyện Châu Thành làm bệnh viện dã chiến vì nơi này mới xây dựng gần đây, có đủ cơ sở và trang thiết bị y tế nên rất phù hợp làm bệnh viện dã chiến. 

Đặc biệt, khu vực này có quỹ đất rộng nên có thể tăng giường hay nâng cấp lên để mở rộng giường điều trị cho người bị nhiễm bệnh.

An Giang cũng chỉ đạo mỗi huyện biên giới phải chuẩn bị sẵn sàng tiếp nhận được 300 trường hợp và tìm cách dự phòng thêm 100 trường hợp phải tiếp nhận người bên kia biên giới trở về.

Phối hợp nước bạn cùng chống dịch

Trong khi đó, ở Kiên Giang, đại tá Nguyễn Thế Anh - chỉ huy trưởng Bộ chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh - cho hay hiện lực lượng biên phòng tỉnh này đang phối hợp tuần tra chung với các lực lượng bảo vệ biên giới của nước bạn Campuchia.

Theo đại tá Nguyễn Thế Anh, việc phối hợp tuần tra chung giữa các lực lượng 2 nước Việt Nam - Campuchia đã được triển khai từ lâu. 

Khi dịch COVID-19 tái bùng phát ở nước láng giềng, công tác phối hợp được thắt chặt trên nhiều mặt. Và tới nay mới chỉ có tỉnh Kiên Giang phối hợp tuần tra chung đường biên với phía bạn.

Ngoài việc trao đổi thông tin về các nhóm người có ý định vượt biên trái phép từ cả 2 phía, công tác tuyên truyền, vận động được đặt lên hàng đầu. 

Tuyên truyền trong nội địa là một phần, phần quan trọng là tuyên truyền ngoại biên để bà con kiều bào và người dân nước bạn hiểu về tình hình dịch bệnh. 

Bộ đội biên phòng tỉnh Kiên Giang đã in hàng ngàn tờ rơi bằng 2 thứ tiếng Việt - Khmer hướng dẫn kiều bào khu vực giáp biên, hoặc khi đi đến khu vực giáp biên phải tuân thủ các biện pháp phòng dịch.

Các chiến sĩ thuộc đồn biên phòng Hà Tiên, Giang Thành còn triển khai nhiều hoạt động tuyên truyền thiết thực khác như: tiếng loa biên phòng (dùng xe máy, xuồng máy lắp loa phóng thanh tuyên truyền song ngữ - PV), cấp khẩu trang y tế miễn phí, cấp dung dịch sát khuẩn miễn phí...

Ông Lê Quốc Anh - bí thư Thành ủy, chủ tịch UBND TP Hà Tiên - cho biết vừa ký công văn yêu cầu các lực lượng chức năng đóng trên địa bàn, các phường xã khu vực giáp biên tiếp tục duy trì công tác bảo vệ biên giới. 

Sở Y tế Kiên Giang cũng đã thành lập các tổ công tác tiền phương gồm nhiều bác sĩ giỏi, kể cả sự hỗ trợ từ tuyến trên, để tăng cường cho tuyến đầu chống dịch.

Hiện tại, các địa bàn giáp biên của Kiên Giang có năng lực tiếp nhận, cách ly khoảng 2.000 người, khi cần sẽ huy động cơ sở y tế từ tuyến sau tăng cường. 

Việc xây dựng bệnh viện dã chiến đã gần như hoàn tất, sẵn sàng tiếp nhận cách ly và điều trị cho bệnh nhân COVID-19 nặng, nguy kịch.

Ngày 5-5, theo Phnom Penh Times, đến nay đã có tổng cộng 16.416 ca nhiễm liên quan tới sự kiện cộng đồng ngày 20-2. Còn theo Khmer Times, tỉnh Sihanoukville đã ghi nhận thêm 118 ca nhiễm mới trong sáng 5-5, nâng tổng số ca nhiễm tại tỉnh này lên 2.141.

Là khu vực có số ca COVID-19 cao thứ 2 tại Campuchia, sau Phnom Penh, nhưng tỉnh trưởng Sihanoukville Kouch Chamroeun đã quyết định bỏ yêu cầu cách ly với du khách bay từ Phnom Penh và Siem Reap tới đây.

Theo Khmer Times, Sihanoukville áp dụng yêu cầu cách ly từ ngày 29-4 đến cuối ngày 5-5 để giới hạn dịch bệnh lây lan. Tuy nhiên, chính quyền tỉnh này đã dỡ bỏ quy định này cùng lúc với lệnh phong tỏa tại đây hết hiệu lực.

VŨ NGUYÊN

Cùng biên giới chống dịch COVID-19

Đại dịch COVID-19 bùng phát mạnh ở nhiều quốc gia, trong đó có các nước giáp Việt Nam. Lực lượng bảo vệ biên giới, ngăn chặn những người nhập cảnh trái phép vào Việt Nam đang túc trực 24/24 giờ, nỗ lực hết mình trong nhiều khó khăn.

Báo Tuổi Trẻ sẽ hỗ trợ khẩn cấp trang thiết bị, nhu yếu phẩm cho các lực lượng tham gia phòng chống dịch tuyến biên giới. Đặc biệt, chương trình sẽ hỗ trợ những cư dân ở biên giới có hoàn cảnh khó khăn đang hỗ trợ lực lượng chức năng vùng biên cùng phòng chống dịch COVID-19.

Bạn đọc ủng hộ chương trình "Cùng biên giới chống dịch COVID-19" có thể ủng hộ kinh phí hoặc các sản phẩm thiết yếu (trang thiết bị y tế phòng chống dịch: khẩu trang, nước sát khuẩn; nhu yếu phẩm, thực phẩm...), trang thiết bị hỗ trợ tuần tra (chăn, màn; lều trại di động; đèn soi sáng...) cho chương trình.

Quà tặng, kinh phí ủng hộ chương trình, các công ty, đơn vị và bạn đọc có thể đóng góp trực tiếp tại phòng tiếp bạn đọc báo Tuổi Trẻ (60A Hoàng Văn Thụ, P.9, Q.Phú Nhuận, TP.HCM - ĐT: 028.39973838) hoặc văn phòng đại diện báo Tuổi Trẻ tại các khu vực.

Ngoài ra, có thể chuyển khoản vào tài khoản báo Tuổi Trẻ: 113000006100, Ngân hàng Công thương chi nhánh 3 TP.HCM. Nội dung chuyển tiền: "Cùng biên giới chống dịch COVID-19".

Bạn đọc, doanh nghiệp ở nước ngoài có thể chuyển khoản về chủ tài khoản báo Tuổi Trẻ: tài khoản USD 007.137.0195.845 Ngân hàng Ngoại thương TP.HCM; tài khoản EUR 007.114.0373.054 Ngân hàng Ngoại thương TP.HCM với Swift code BFTVVNVX007.

Biên phòng Bình Phước lại bắt nhóm người Trung Quốc đang vượt biên sang Campuchia Biên phòng Bình Phước lại bắt nhóm người Trung Quốc đang vượt biên sang Campuchia

TTO - Lực lượng Bộ đội biên phòng tỉnh Bình Phước lại vừa bắt 6 người nhập cảnh trái phép vào Việt Nam đang tìm cách cố vượt biên sang Campuchia tìm việc làm.

SƠN LÂM - BỬU ĐẤU - KHOA NAM
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên