01/06/2021 10:04 GMT+7

Tấm lòng thơm thảo của cô giáo về hưu

TAM XUÂN
TAM XUÂN

TTO - Về hưu đáng ra chọn cho mình cuộc sống an nhàn, nghỉ ngơi thế nhưng cô Đào Thị Nhung (65 tuổi, quận Hải Châu, Đà Nẵng) lại đứng ra mở lớp để chăm lo cho lũ trẻ có hoàn cảnh khó khăn.

Tấm lòng thơm thảo của cô giáo về hưu - Ảnh 1.

Cô Đào Thị Nhung ân cần chỉ dạy từng nét chữ, con số cho học trò tại lớp học - Ảnh: TAM XUÂN

Đến đường Trưng Nữ Vương (Đà Nẵng) hỏi cô giáo Nhung dạy học miễn phí cho trẻ em có hoàn cảnh khó khăn thì ai cũng biết. Một người dân còn nói vui rằng, nếu hỏi các bác xe ôm hay chị bán hàng rong sẽ được tận tình chỉ dẫn đến tận nơi. Bởi lẽ con cái họ cũng chính là những học trò trong lớp học của cô Nhung.

Lớp học đầy ắp tình thương

Chúng tôi tìm đến lớp học của cô Nhung nằm sâu trong một con hẻm nhỏ. Vừa bước vào cổng đã nghe tiếng đọc chữ ê a "O tròn như quả trứng gà, ô thì đội mũ, ơ thì có râu…" rôm rả cả một góc nhà.

Hiện ra trước mắt chúng tôi khi bước vào bên trong là căn phòng dạy học rộng khoảng hơn 20m2, bên dưới có chừng 20 em học sinh ngồi học chăm chú. Cô Nhung với mái tóc lấm tấm bạc, khuôn mặt hiền hậu và nụ cười luôn nở trên môi đang cần mẫn cầm tay một cậu bé nắn nót viết từng con số.

Cô Nhung tâm sự về lý do mở lớp học đặc biệt này: Cô vốn là giáo viên dạy Ngữ văn tại trường THCS Lê Độ (quận Sơn Trà), gắn bó với nghề nhà giáo hơn 30 năm cô quyết định về hưu để tham gia công tác xã hội ở địa phương và mở một lớp học phụ đạo tại nhà.

Tình cờ trong một lần đi khảo sát tình hình tại khu dân cư, cô đã nghe được những trăn trở của người dân tại đây về việc nhiều em học sinh có hoàn cảnh khó khăn, ba mẹ các em hằng ngày phải tất bật mưu sinh, không có thời gian kèm cặp, bổ trợ kiến thức nên sức học của các con em họ ngày càng giảm sút. Thấu hiểu và đồng cảm với những khó khăn đó cô đã quyết định đi đến gặp bố mẹ từng em để vận động đưa các em đến lớp để cô chỉ dạy.

"Tôi thấy các con tội nghiệp lắm nên tôi nhận dạy học miễn phí. Tôi muốn giúp các cháu tiến bộ hơn trong học tập để các gia đình có hoàn cảnh khó khăn yên tâm mưu sinh" - cô Nhung mĩm cười hiện hậu nói.

Lớp học của cô Nhung mở cửa vào lúc 17g từ thứ 2 đến thứ 6 hàng tuần. Lớp học của cô hiện dao động từ 15 - 20 em và đều từ mức học trung bình, yếu vươn lên khá, giỏi chỉ sau một thời gian được cô Nhung kèm cặp.

Cô Nhung cho biết, học sinh của cô có đủ độ tuổi nhưng nhiều nhất là các em tiểu học từ lớp 1 đến lớp 5. Với các em tiểu học, cô dạy tất cả các môn, còn các em cấp 2, cô chủ yếu dạy môn Ngữ văn.

Vì cùng một lúc phải dạy cho nhiều khối lớp nên cô Nhung phải chia nhóm học sinh theo từng khối để giảng dạy. Xong việc đánh vần của học sinh lớp 1, cô Nhung lại chạy sang chỗ các em lớp lớn hơn để hướng dẫn giải toán. Chiếc bảng nhỏ cũng được cô chia làm 2 phần để giảng bài theo nội dung phù hợp với các khối lớp khác nhau.

Không chỉ dạy những kiến thức trong sách vở, cô còn dạy các em biết lễ phép, đi thưa về chào, dạy những điều hay lẽ phải. Trước mỗi buổi học, các em được dạy đến sớm để vệ sinh lớp học, kê lại bàn ghế, tập thói quen tự giác, tự lập và biết lao động.

Tấm lòng thơm thảo của cô giáo về hưu - Ảnh 2.

Trong quá trình dạy, các em thiếu dụng cụ học tập, sách, vở, bút...hay cần hỗ trợ gì, cô Nhung đều sẵn sàng đáp ứng - Ảnh: TAM XUÂN

"Học trò là đứa con tinh thần của đời tôi"

Suốt 3 năm nay, không kể ngày nắng hay mưa, hai anh em ruột Vũ Trọng Bình (học sinh lớp 5) và Vũ Trọng Khang (học sinh lớp 3, Trường Tiểu học Bạch Đằng) vẫn đều đặn đến lớp học của cô Nhung.

Gia đình của hai em thuộc diện khó khăn. Bố mẹ ly hôn, hai em sống với ông bà ngoại lớn tuổi, lại đau ốm thường xuyên nên hai em cũng không có điều kiện để học thêm và không ai kèm cặp nên thời điểm đó kết quả học tập của hai anh, em rất yếu.

Nghe tin cô giáo Nhung mở lớp dạy miễn phí cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn, người nhà của Bình và Khang đã xin cô cho hai anh em theo học. Từ sự chỉ dạy tận tình của cô Nhung cộng với tinh thần hiếu học của bản thân, từ thành tích học tập yếu, hai anh em Bình va Khang đã vươn lên trở thành học sinh khá trong năm học vừa qua. Những chữ viết nguệch ngoạc ban đầu cũng dần trở nên nắn nót và đẹp hơn. "Học lớp của cô Nhung đã giúp con tiến bộ rất nhiều. Con rất biết ơn tấm lòng của cô Nhung" - em Khang nở một nụ cười tươi nói.

Chị Lê Thị Hồng Vân (42 tuổi, phụ huynh của hai em Bình và Khang) cảm kích chia sẻ: "Tôi đi làm bận bịu quá, không có nhiều thời gian để chỉ dạy cho con, may gặp cô Nhung rồi nghe cô nói về chuyện dạy miễn phí nên tôi cho con đi học. Nhờ sự kèm cặp của cô Nhung, hai con tôi từ học kém nay đã tiến bộ rất nhiều. Cô Nhung không những dạy miễn phí, cô còn thường xuyên chu cấp sách vở, bút mực cho các cháu suốt thời gian qua".

Bên cạnh cô Nhung, lớp học còn có sự tham gia giảng dạy của cô Đào Thị Tuyết (66 tuổi, chị ruột cô Nhung). Dù cô Tuyết đang mang trong mình căn bệnh hiểm nghèo quái ác, sức khỏe giảm sút nhưng bằng tình cảm và tấm lòng yêu nghề giáo cô Tuyết vẫn cần mẫn đứng lớp chỉ dạy cho các em. Cô phụ trách ôn tập kiến thức tổng hợp của các môn Toán, Tiếng Việt từ lớp 1 đến lớp 5 và hướng dẫn các em làm bài tập để củng cố kiến thức trên trường.

"Đối với tôi, được dạy học là những giây phút thấy mình có ích, hạnh phúc vô cùng. Mỗi ngày được gặp học trò như được gặp đứa con của mình nên bao nhiêu tâm huyết tôi cứ dồn vào đó mà quên hết bệnh tật. Tôi mong mình có đủ sức khỏe để mãi đồng hành cùng lớp học này" - cô Tuyết bày tỏ với ánh mắt nhìn về phía cô học trò đang chăm chú đọc bài.

Em Lê Hà Duy (học sinh lớp 3) chia sẻ: "Cô Tuyết dạy rất học tận tình, chỗ nào em không hiểu cô đều chỉ dạy cặn kẽ. Trong giờ học cô nghiêm khắc lắm, không chỉ dạy kiến thức mà còn chỉ bọn em biết điều hay lẽ phải. Đến lớp học của cô em đã tiếp thu được nhiều kiến thức".

Trong quá trình giảng dạy, em nào thiếu dụng cụ học tập, sách, vở, bút...hay cần hỗ trợ gì, cô Nhung đều sẵn sàng đáp ứng. Những dịp lễ, tết, lớp học của cô Nhung đều tổ chức liên hoan cho các em tại lớp, tặng quà bánh để các em mang về nhà.

Cô bảo, những thứ này với nhiều người chẳng đáng là bao nhưng với các em học sinh khó khăn, những phần thưởng rất ý nghĩa, khích lệ tinh thần giúp các em cố gắng học tập.

"Những đứa học trò này là đứa con tinh thần và là niềm vui của cuộc đời tôi. Tôi thương các em như chính con ruột của mình vậy. Được nhìn các em hứng thú trong học tập, trưởng thành hơn từng ngày đó là động lực để hai chị em tôi duy trì lớp học" - cô Nhung tâm sự.

TAM XUÂN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên