07/07/2021 13:34 GMT+7

Tài xế xông pha chống dịch

THU DUNG - KIM ÚT
THU DUNG - KIM ÚT

TTO - Vừa nhận được lời kêu gọi tham gia hỗ trợ chống dịch do Hợp tác xã (HTX) vận tải 19-5 chia sẻ, tài xế Nguyễn Minh Tâm (36 tuổi, ngụ huyện Củ Chi, TP.HCM) đã đăng ký tham gia và lên đường đến điểm phong tỏa tại thị trấn Hóc Môn.

Tài xế xông pha chống dịch - Ảnh 1.

Anh Nguyễn Minh Tâm lên đường đến hỗ trợ điểm phong tỏa tại thị trấn Hóc Môn - Ảnh: KIM ÚT

Thất nghiệp vì dịch COVID-19

Anh Nguyễn Minh Tâm quê ở An Giang, anh cùng vợ lên TP.HCM lập nghiệp đến nay cũng được 8 năm. Vợ anh Tâm làm việc tại công ty giày, còn anh làm tài xế cho HTX 19-5 đến nay cũng hơn 4 năm.

Trước đây anh Tâm chạy xe buýt tuyến số 94 cho HTX, mỗi ngày rời nhà lúc 4h sáng, đến hơn 20h tối mới về nhà. Tài xế Tâm đã quen với việc đi lại và tiếp xúc với nhiều người. Từ 1-6, khi các xe buýt dừng hoạt động để chống dịch, tài xế Tâm bị thất nghiệp và phải ở trong nhà trọ gần 1 tháng ròng. Nằm thui thủi trong nhà, mỗi ngày chỉ đối mặt với chiếc điện thoại khiến anh Tâm mệt mỏi và ngán ngẩm. Anh chỉ mong mỏi sớm được quay lại với công việc của mình.

Tài xế xông pha chống dịch - Ảnh 2.

Tài xế Tâm là người đăng ký đầu tiên ngay khi nhận được lời kêu gọi của HTX - Ảnh: KIM ÚT

Xông pha chống dịch không nghĩ ngợi nhiều

Ngày 26-6, vừa nhận được thông báo của HTX: "HTX cần 1 lái xe chở F1 và dụng cụ y tế. Trên xe có vách ngăn và khử khuẩn đầy đủ, khi đi thì sẽ ăn uống, ở cùng nhân viên y tế và hạn chế về nhà. Anh em nào thấy hợp thì đăng ký", anh Tâm đã mạnh dạn đăng ký ngay.

"Mình không quan tâm nhiều, chỉ muốn góp chút sức vào chống dịch, vả lại mình cũng đã được tiêm 1 mũi vắc xin nên đỡ lo phần nào. TP sớm hết dịch thì mình mới có thể đi làm lại, chứ như bây giờ nằm nhà đợi thì biết bao giờ hết dịch", anh Tâm chia sẻ.

Từ ngày đăng ký đến nay, anh Tâm dọn đến ở tại Trung tâm Y tế thị trấn Hóc Môn. Không có quy định bắt buộc ở lại nhưng anh Tâm lo mình đi nhiều, tiếp xúc nhiều về sẽ ảnh hưởng đến vợ. Vì thế những ngày này anh Tâm quyết định không về nhà cho đến khi tình hình dịch bệnh ổn hơn.

Ngay sau khi đăng ký, tài xế Nguyễn Minh Tâm nhanh chóng có mặt lái xe phục vụ công tác chống dịch COVID-19. Cũng trên chiếc xe buýt thân thuộc nhưng nay, thay vì chở hành khách thì sau tay lái của anh Tâm là những F1.

Trong ngày đầu tiên tham gia, tài xế Tâm đã ngay lập tức nhận nhiệm vụ chở các F1 đến khu cách ly ở ký túc xá ĐH Quốc gia. Sau khi mặc đồ bảo hộ và sát khuẩn kỹ càng, anh Tâm bắt đầu hành trình lúc 8h30 tối. Khi vừa nhận được thông báo của lực lượng y tế, tài xế Tâm đã đến từng nhà để đón 15 F1 vào khu cách ly. Ở mỗi điểm, tài xế phải dừng lại đợi các F1 chuẩn bị quần áo, vật dụng cá nhân. Đón xong 15 F1 phải tới 3h30 sáng anh Tâm mới về đến trung tâm y tế.

"Đi đón các F1 dù lâu, mất thời gian nhưng mình luôn sẵn sàng chờ đợi họ. Vì họ bị cách ly bất ngờ, vật dụng cá nhân cũng không chuẩn bị kịp", anh Tâm chia sẻ.

Tài xế xông pha chống dịch - Ảnh 3.

Sau mỗi chuyến xe, anh Tâm thường khử khuẩn thêm 1 lần để đảm bảo an toàn - Ảnh: KIM ÚT

Sau chuyến xe, các y tá đều phun sát khuẩn cho xe, nhưng lần nào anh cũng phun thêm lần 2 để bảo đảm an toàn. Cái khó khăn nhất của anh Tâm là thời tiết TP nóng nực nhưng lúc nào cũng phải trang bị đồ bảo hộ kỹ càng. Xe buýt vốn có máy lạnh nhưng hiện nay để đảm bảo an toàn, cả anh cùng mọi người đều cố gắng chịu nóng để giảm nguy cơ lây lan dịch.

Trao đổi với Tuổi Trẻ, đại diện Trung tâm Quản lý giao thông công cộng TP.HCM cho biết việc tài xế trở thành tình nguyện viên hỗ trợ chở người đi cách ly hay người nghi nhiễm COVID-19 là một hành động đẹp. Giữa thời gian dịch bệnh khó khăn, xe buýt phải tạm ngưng hoạt động, tài xế và tiếp viên cũng gặp nhiều khó khăn trong cuộc sống. Tuy nhiên, đại diện trung tâm cũng yêu cầu tài xế luôn luôn thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19, thông điệp 5K... để đảm bảo an toàn, tránh lây lan dịch bệnh.

Tài xế xông pha chống dịch - Ảnh 4.

Có hai xe trong HTX 19-5 được cải tạo phục vụ công tác chống dịch - Ảnh: KIM ÚT

10 thói quen văn minh giao thông

Theo bạn, câu chuyện của anh Tâm có phải là văn minh giao thông? Đừng tiếc một hành động chia sẻ để những câu chuyện văn minh được lan tỏa rộng rãi, từ đó truyền cảm hứng đến cộng đồng cùng thực hiện những hành động giao thông văn minh và phòng chống dịch COVID-19.

Ngoài câu chuyện kể trên, vừa qua, báo Tuổi Trẻ và Grab Việt Nam đã triển khai chương trình "10 thói quen văn minh giao thông" với thông điệp "Thay thói quen nhỏ, tạo ý nghĩa to" để lan tỏa những thói quen giao thông trong cộng đồng.

Để them gia chia sẻ "10 thói quen văn minh giao thông" của chương trình, độc giả chỉ cần truy cập vào đường link https://bit.ly/3lmEAMZ và thực hiện 3 bước sau:

Bước 1: Đăng nhập và điền đầy đủ thông tin được yêu cầu.

Bước 2: Từ top "10 thói quen được quan tâm", độc giả sẽ chọn 1 thói quen mà bạn mong muốn mọi người thực hiện tốt và bấm nút "Chia sẻ". Màn hình sẽ hiện ra bài chia sẻ với hình thức tấm postcard có hình ảnh của bạn, thói quen bạn muốn chia sẻ và chữ ký điện tử của bạn.

Bước 3: Chia sẻ tấm postcard này lên trang Facebook cá nhân ở chế độ "Công khai" và kêu gọi người thân, bạn bè cùng tham gia chia sẻ.

'Chuyến xe 0 đồng' chở F1 đến khu cách ly

TTO - Khi nhận được cuộc gọi từ các trung tâm y tế trên địa bàn TP.HCM, bất kể là 12h trưa hay 3-4h sáng, “chuyến xe 0 đồng” của nhóm thiện nguyện Nhất Tâm cũng xuất hiện để chở các F1 đi cách ly.

THU DUNG - KIM ÚT
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên