18/10/2019 11:55 GMT+7

Tại sao TP.HCM chưa thành trung tâm tài chính?

TRẦN VŨ NGHI - TRẦN MẠNH
TRẦN VŨ NGHI - TRẦN MẠNH

TTO - Tỉ trọng vốn hóa của các công ty niêm yết ở sàn giao dịch chứng khoán TP HCM là 217% GDP của thành phố, Singapore là 243%, Bangkok 120%…Trong khi đó, tỉ lệ ngân sách thành phố giữ lại từ 26% giai đoạn 2007-2010 xuống 18% (2017-2020).

Tại sao TP.HCM chưa thành trung tâm tài chính? - Ảnh 1.

Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân cùng Phó thủ tướng Vũ Đức Đam tham quan các gian hàng trưng bày sản phẩm của doanh nghiệp tại Diễn đàn Kinh tế TP.HCM năm 2019 tổ chức ngày 18-10 - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Đề án phát triển TP.HCM trở thành trung tâm tài chính khu vực và quốc tế đang được kỳ vọng giúp thành phố chuyển đổi mô hình phát triển từ chiều rộng sang chiều sâu, bứt phá trong thời gian tới.

Với chủ đề “Phát triển Thành phố Hồ Chí Minh trở thành trung tâm tài chính khu vực và quốc tế", Diễn đàn Kinh tế TP.HCM năm 2019 diễn ra ngày 18-10 đã thu hút gần 800 đại biểu, doanh nghiệp trong và ngoài nước tham dự.

Theo ông Nguyễn Thành Phong - chủ tịch UBND TP.HCM, ngay từ năm 2002 nhằm bắt kịp với xu thế thời đại, thành phố đã có khát vọng biến mình trở thành Trung tâm tài chính của khu vực và từng bước hội nhập toàn cầu.

Do đó, ngay từ năm 2001, thị trường tài chính đã được xác định là một trong 9 ngành dịch vụ chủ yếu của thành phố và từ năm 1998, Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM đã được thành lập tại thành phố, dù biết rõ việc trở thành Trung tâm tài chính" là một quá trình phức tạp, khó khăn do thành phố có điểm xuất phát thấp", ông Phong nói.

Trong số 400.000 doanh nghiệp đăng ký hoạt động trên địa bàn, có hơn 98% doanh nghiệp vừa và nhỏ, đồng thời bình quân cứ 5 năm dân số thành phố tăng thêm 1 triệu người, trong khi mật độ đường giao thông, nhà ở không theo kịp.

Không những thế, tỉ lệ ngân sách thành phố được giữ lại giảm từ mức 26% giai đoạn 2007-2010 xuống còn 18% giai đoạn 2017-2020.

Tại sao TP.HCM chưa thành trung tâm tài chính? - Ảnh 2.

Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong phát biểu khai mạc Diễn đàn Kinh tế TP.HCM năm 2019 tổ chức ngày 18-10 - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Thách thức của vùng kinh tế động lực TP.HCM tỉ lệ ngân sách được giữ lại ngày càng giảm làm giảm động lực phát triển của địa phương và thực tế cho thấy vai trò và vị thế của các đô thị lớn như TP.HCM ngày càng giảm.

Cùng với đó, quá trình tái cơ cấu thị trường tài chính còn chậm, tỉ trọng vốn hóa của của các công ty niêm yết ở sàn giao dịch chứng khoán TP HCM trên GDP của thành phố đạt 217%, trong khi tại Singapore là 243%, tại Kuala Lumpur là 143%, tại Bangkok là 120% và tại Manila là 92%…

Ông Phong thừa nhận tình trạng khan hiếm nguồn lực phát triển vốn khiến cho tốc độ tăng trưởng kinh tế giảm sút, cơ sở hạ tầng quá tải và xuống cấp, môi trường sống trở nên ô nhiễm và thiếu an toàn. "Những yếu tố này cùng nhau làm giảm sức hấp dẫn của TP.HCM, tác động tiêu cực đến triển vọng phát triển thành phố trở thành trung tâm tài chính khu vực và quốc tế" - ông Phong nói.

Tuy nhiên, theo ông Phong, những hạn chế đó không làm thành phố chùn bước mà càng thôi thúc thành phố mơ ước và khát vọng cao hơn, đó là khát vọng mãnh liệt để thành phố phát triển nhanh và bền vững hơn.

Tại sao TP.HCM chưa thành trung tâm tài chính? - Ảnh 3.

Tiến sĩ Vũ Thành Tự Anh - giám đốc Trường Chính sách công và quản lý Fulbright (Đại học Fulbright VN), nêu ý kiến tại Diễn đàn Kinh tế TP.HCM năm 2019 tổ chức ngày 18-10 - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Trong khi đó, dưới góc nhìn của tiến sĩ Vũ Thành Tự Anh - giám đốc Trường Chính sách công và quản lý Fulbright (Đại học Fulbright) - một thực tế không thể phủ nhận là tỉ lệ ngân sách mà TP.HCM được giữ lại ngày càng giảm, từ đó làm giảm động lực phát triển của địa phương, dẫn đến thực trạng vai trò và vị thế của các đô thị lớn như TP.HCM ngày càng giảm.

Trong khi đó, vị thế của TP.HCM trong chiến lược tổng thể phát triển hệ thống tài chính nói chung và thị trường tài chính nói riêng của Việt Nam khó tách rời.

Với đặc trưng của hệ thống tài chính Việt Nam là các ngân hàng đóng vai trò chủ đạo, đặc biệt là các ngân hàng thương mại cổ phần nhà nước, còn các doanh nghiệp nhà nước, đặc biệt là các tập đoàn, tổng công ty có quy mô lớn hoặc vẫn chưa cổ phần hóa, hoặc đã cổ phần hóa nhưng với tỉ lệ thấp.

Các chính sách thuế và phí (thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân, phí giao dịch tài chính…) đều ở tầm quốc gia, nhưng nhiều chính sách liên quan đến môi trường kinh doanh ở tầm quốc gia chưa thực sự tạo điều kiện cho sự phát triển năng động của thị trường tài chính.

Đặc biệt, đồng tiền Việt Nam chưa có khả năng chuyển đổi và tài khoản vốn chưa được tự do hóa.

Để việc định hướng phát triển dịch vụ tài chính và dịch vụ kinh doanh cho trung tâm tài chính của thành phố phục vụ vùng Nam bộ và quốc gia, từ đó tiến ra khu vực và thế giới, ông Tự Anh khuyến nghị thành phố cần một cách tiếp cận khác, theo cách "nương theo biến động và xu thế của khu vực và thế giới, không theo lối mòn truyền thống"

Nếu cần, tiến sĩ Vũ Thành Tự Anh gợi ý có thể tính đến tìm kiếm một số "thị trường ngách" để tạo sự khác biệt và đột biến, cũng như cần giải pháp tổng thể, kết hợp chính sách trung ương và nỗ lực địa phương đồng lòng thực hiện.

TP.HCM muốn TP.HCM muốn 'trở lại' thành trung tâm tài chính

TTO - Xây dựng một thị trường tài chính luôn là chính sách quan trọng của Chính phủ, tuy nhiên sau gần 20 năm ấp ủ, đến nay TP. HCM mới bắt đầu lại kế hoạch này, yếu tố nào đã cản trở TP xây dựng trung tâm tài chính trong nhiều năm qua?

TRẦN VŨ NGHI - TRẦN MẠNH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên