12/10/2020 00:13 GMT+7

Tại sao nữ điều tra viên ma túy nói dối gia đình?

DANH TRỌNG
DANH TRỌNG

TTO - Thiếu tá Trần Thị Hồng Lai chia sẻ để trấn an tinh thần người thân khi đi làm nhiệm vụ trấn áp tội phạm ma túy, chị thường phải nói dối. Vì nếu biết được, không ai dám đồng ý cho chị tham gia những nhiệm vụ nguy hiểm đến vậy.

Tại sao nữ điều tra viên ma túy nói dối gia đình? - Ảnh 1.

Những người phụ nữ đại diện tiêu biểu trong phòng chống ma túy toàn quốc được tôn vinh - Ảnh: DANH TRỌNG

Tối 11-10, Bộ Công an tổ chức chương trình gặp mặt, tôn vinh phụ nữ tiêu biểu trong phòng chống ma túy toàn quốc.

Chương trình có sự tham dự của 208 phụ nữ tiêu biểu thuộc lực lượng Công an nhân dân, Bộ đội biên phòng, Cảnh sát biển, Hải quan và biết bao nữ công dân trên toàn quốc. Đây là những bông hoa đẹp nhất, tiêu biểu nhất cho sự hi sinh thầm lặng để bảo vệ cuộc sống bình yên, hạnh phúc của nhân dân.

Chia sẻ tại chương trình, thiếu tá Trần Thị Hồng Lai, điều tra viên về ma túy Công an tỉnh Điện Biên, cho biết khi làm công tác trinh sát ma túy trên địa bàn, chị và đồng đội phải thực hiện các nhiệm vụ đeo bám, thâm nhập vào sào huyệt của các nghi phạm ở những khu vực đồi núi, đi lại rất khó khăn.

Có những chuyên án di chuyển đến địa điểm phá án phải đi đường rừng, trên những vách núi rất nguy hiểm, mất 1 - 2 ngày. Điều này khiến công tác trinh sát trên địa bàn càng khó khăn hơn rất nhiều.

Bên cạnh đó, địa bàn tỉnh có nhiều dân tộc thiểu số, hiểu biết về mặt xã hội, pháp luật hạn chế, họ hoạt động buôn bán ma túy mang tính chất liều lĩnh... dẫn đến việc trinh sát rất khó khăn, nguy hiểm.

Tại sao nữ điều tra viên ma túy nói dối gia đình? - Ảnh 2.

Thiếu tá Trần Thị Hồng Lai (bên phải) chia sẻ về những khó khăn khi thực hiện nhiệm vụ trấn áp tội phạm ma túy - Ảnh: DANH TRỌNG

Hơn 23 năm trước, Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm về ma túy và hệ lực lượng công an chuyên trách phòng chống tội phạm ma túy các địa phương được thành lập.

Đến nay, lực lượng cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy không ngừng lớn mạnh, nỗ lực vượt bậc, sắt son với lời tuyên thệ "Sẵn sàng vượt qua mọi khó khăn, gian khổ, hi sinh, đấu tranh không khoan nhượng với tội phạm ma túy".

Mỗi năm lực lượng phát hiện, khám phá thành công hàng chục nghìn chuyên án; bắt giữ hàng chục nghìn đối tượng phạm tội về ma túy; thu giữ lượng lớn các chất ma túy, cùng nhiều tài sản giá trị hàng nghìn tỉ đồng nộp ngân sách nhà nước; triệt xóa và vô hiệu hóa hàng nghìn tụ điểm mua bán và tổ chức sử dụng ma túy phức tạp.

Đặc biệt, đã điều tra khám phá nhiều chuyên án lớn, đặc biệt phức tạp xuyên quốc gia, góp phần giữ vững an ninh chính trị, ổn định trật tự an toàn xã hội được Đảng, Nhà nước và nhân dân ghi nhận, bạn bè quốc tế đánh giá cao.

Tại sao nữ điều tra viên ma túy nói dối gia đình? - Ảnh 3.

Phó thủ tướng Vũ Đức Đam trao tặng kỷ niệm chương cho các nữ chiến sĩ tiêu biểu trong công tác phòng chống ma túy - Ảnh: DANH TRỌNG

Góp phần vào những chiến công, thành tích đó, có sự đóng góp tích cực, bền bỉ, sự hi sinh thầm lặng của các thế hệ cán bộ, chiến sĩ nữ trong lực lượng công an, bộ đội biên phòng, cảnh sát biển, hải quan và các nữ công dân ưu tú.

Họ luôn phải gác lại tình riêng, vì nghĩa lớn, tạm xa những giây phút quây quần bên gia đình để bám tuyến, địa bàn, đối tượng phạm tội ma túy, đem lại bình yên cho cuộc sống.

Trong đó, đến hôm nay có 208 phụ nữ - những "bông hoa" tiêu biểu cho sự hi sinh thầm lặng. Những phụ nữ này luôn tự tin, tự trọng, mưu trí, dũng cảm tham gia triệt phá và truy bắt nhiều đối tượng nguy hiểm trong các đường dây, tụ điểm sản xuất, mua bán, vận chuyển trái phép chất ma túy.

Tội phạm ma túy được xác định là tội phạm của các loại tội phạm. Các trinh sát thường xuyên phải đi công tác xa nhà, chịu áp lực về nhiệm vụ, đối mặt với hiểm nguy, những cuộc băng rừng hàng chục cây số trong trời mưa rét, những cuộc đấu súng sống còn và những chuyến công tác biền biệt.

"Để trấn an tinh thần người thân và gia đình, tôi thường phải nói dối họ. Nói dối về cả những thương tích sau khi hoàn thành nhiệm vụ. Có những người đồng chí, đồng đội của tôi bị phơi nhiễm HIV sau khi làm nhiệm vụ nhưng không dám tiết lộ với gia đình mà phải lặng lẽ tự chiến đấu.

Nếu để gia đình biết, tôi nghĩ không một người chồng, bố mẹ, người thân nào đồng ý cho chúng tôi tham gia những nhiệm vụ mang tính chất nguy hiểm đến thế", thiếu tá Lai nói.

Trao bằng Tổ quốc ghi công cho sĩ quan biên phòng hi sinh khi đánh án ma túy Trao bằng Tổ quốc ghi công cho sĩ quan biên phòng hi sinh khi đánh án ma túy

TTO - Ngày 7-8, tại xã Bát Mọt, huyện Thường Xuân, Bộ chỉ huy Bộ đội biên phòng Thanh Hóa đã trao bằng Tổ quốc ghi công cho liệt sĩ Vi Văn Nhất - sĩ quan điều tra thuộc Phòng phòng chống ma túy và tội phạm, Bộ đội biên phòng Thanh Hóa.

DANH TRỌNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên