18/10/2022 18:28 GMT+7

Tại sao bạn đọc quan tâm nhất về giờ học của con?

ĐỨC TUYÊN tổng hợp
ĐỨC TUYÊN tổng hợp

TTO - Bởi trong hàng ngàn phản hồi của bạn đọc gửi về Tuổi Trẻ Online trong ngày 18-10, đa số bạn đọc không đồng tình với việc các trường quy định giờ vào học quá sớm như hiện nay.

Tại sao bạn đọc quan tâm nhất về giờ học của con? - Ảnh 1.

Một học sinh ngủ say mặc dù đã đến cổng trường - Ảnh: HỮU KHOA

Ngoài ra đa phần bạn đọc cũng cho rằng giờ giấc học cũng như chương trình học của các em hiện nay được bố trí không khoa học, phản giáo dục. Bạn đọc cũng phản hồi nhiều về việc chọn huấn luyện viên cho đội tuyển quốc gia sau khi HLV Park Hang Seo có quyết định chia tay bóng đá Việt Nam.

Học sinh, phụ huynh và giáo viên đều khổ

Theo bạn đọc có nick name Phuong Pham, việc học sinh phải đi học quá sớm không chỉ vất vả cho phụ huynh và học sinh mà giáo viên cũng rất vất vả.

"Bạn gái tôi làm giáo viên mầm non sáng nào cũng 5h30 dậy chuẩn bị, 6h là phải có mặt ở trường dọn dẹp để đón các bé. Rất vất vả cho cả cô và trò, chưa kể mục tiêu cải thiện chiều cao ở trẻ còn bị kéo lại do ngủ không đủ.

Theo tôi, các trường ở nông thôn đa số học sinh đều đi học gần nhà và luôn có người thân ở nhà nếu cần đưa đón có thể thay đổi trước. Còn các trường ở thành phố thì có thể tính toán lại sau khi lấy ý kiến phụ huynh học sinh, cần linh động trong việc này hơn, tránh cứng nhắc như bây giờ", bạn Phuong Pham gợi ý thêm.

Kể thêm về nỗi khổ của con em mình, bạn đọc Minh Phúc cho biết bạn phải gọi bé dậy lúc 5h40 để kịp thay đồ, vệ sinh cá nhân mong kịp đến trường ăn sáng, do 7h bắt đầu học. Con thì mắt nhắm mắt mở khóc lóc kêu buồn ngủ.

Và theo bạn đọc Minh Phúc, không hiểu vì sao nhà trường không dạy hết môn vào buổi sáng, mà lại chia môn ra học cả sáng lẫn chiều. Bé nào không học bán trú thì bố mẹ đón về, xong 13h30 lại chở tới trường để học. Trẻ lớp 1 mà bắt học vất vả quá, đi học mà cứ như bố mẹ đi làm công sở 8 tiếng một ngày vậy. Quá vất vả cho trẻ, nhưng giờ biết kêu ai?

Nói thêm về việc phải đi học sớm, ăn sáng vội vàng, ngủ không đủ giấc sẽ ảnh hưởng đến thể chất của các con, bạn đọc Vân cho rằng, trẻ con cần được ngủ say ít nhất từ 10h đêm đến 7h sáng. Nghĩa là phải lên giường muộn nhất là 9h30 và thức dậy lúc sau 7h.

"Các nước phát triển sẽ ưu tiên học sinh đầu tiên. Giờ làm của người lớn phải phù hợp với học sinh, chứ không phải như ở ta là cứ sắp xếp trẻ em cho phù hợp với giờ giấc người lớn. Khi giờ học của trẻ như vậy, các dịch vụ khác tự khắc sẽ có. Như ở Nhật, không phải là bắt trẻ đến trường sớm nhất (vì để bố mẹ đưa đi) và về muộn nhất (vì còn đợi bố mẹ tan sở về đón)", bạn đọc Vân viết.

Điều chỉnh giờ học sao cho phù hợp?

Tại sao bạn đọc quan tâm nhất về giờ học của con? - Ảnh 3.

Vì phải đến lớp đúng giờ quy định nên các em không kịp ăn sáng ở nhà mà ăn vội thức ăn trước cổng trường - Ảnh: HỮU KHOA

Đa phần phụ huynh học sinh đều cho rằng cần điều chỉnh giờ vào lớp cho học sinh từ 7h30 - 8h là hợp lý nhất chứ không phải từ 7h hay 6h45 như hiện nay. Giờ học sinh vào lớp như hiện nay là bất cập nhiều năm nhưng không ai giải quyết, rất nhiều phụ huynh thắc mắc nhưng đành bất lực.

"Mong các trường cho các con buổi sáng có thêm 30 phút nữa để có thời gian nghỉ ngơi. Bởi khoa học chứng minh các con cần phải ngủ 8 tiếng/ngày, nhưng hầu như chắc chỉ được 6 tiếng. Rồi cũng khoa học chứng minh ăn sáng sau 8h là tốt nhất, nhưng lứa tuổi cần nhất thì lại toàn phải ăn sáng từ lúc chưa tới 6h sáng", bạn đọc Minh Ngọc bày tỏ mong muốn.

Và để điều chỉnh được giờ học, để con em chúng ta có thêm thời gian nghỉ ngơi, rất nhiều phụ huynh cũng đề xuất nên giảm tải chương trình học, bố trí việc học ở trường khoa học hơn.

Bởi theo bạn đọc Phương Hồ, con trẻ chủ yếu học mà chơi và quan trọng nhất là dạy chúng về đạo đức như nền giáo dục của Nhật Bản hoặc chú trọng về kỹ năng sống như các nước phương Tây.

"Chứ đặt nặng về kiến thức, đi học sớm vừa bất tiện cho phụ huynh vừa lấy đi tuổi thơ của con trẻ, sức khỏe và hạnh phúc của mấy em. Một môi trường tốt là vừa học vừa chơi hình thành đạo đức theo chiều hướng tốt. Chứ nhồi nhét kiến thức nhiều quá chỉ lấy đi hạnh phúc thật sự mà mấy em đáng có!", bạn Phương Hồ nêu quan điểm.

Đề xuất thêm về giải pháp cho việc cần thay đổi giờ học, bạn đọc Bình cho rằng cần giải quyết được vấn đề là giờ học bắt đầu, giờ học kết thúc và thời gian học trong một ngày.

Và vấn đề trên phải được giải quyết trên cơ sở khoa học. Đó là sinh lý phát triển của từng nhóm tuổi, cần số giờ ngủ khác nhau. Hai là mức độ tiếp thu kiến thức khác nhau và ba là nhu cầu kiến thức khác nhau. Do đó Bộ Giáo dục và Đào tạo nên phối hợp các chuyên gia phân tích đưa ra khung giờ phù hợp.

Ngoài ra vấn đề đảm bảo đưa rước học sinh cũng cần được đặt ra. Một nguyên nhân khiến ta luẩn quẩn giờ học vì phải tính chuyện phụ huynh đưa đón. Điều này bất khả thi và phản khoa học. Vì giờ làm việc và giờ đưa đón con không thể liên kết nhau và việc phụ huynh đi trễ về sớm là tất yếu nếu không giải quyết việc đưa đón.

Hiện nay chi phí đưa đón quá cao, giao thông tổ chức chưa phù hợp, các cháu ở xa phải dậy rất sớm vì một xe đón nhiều tuyến đường. Hơn nữa việc học ngoài địa phương, trường học xa nhà, tổ chức chưa an toàn khiến phụ huynh không an tâm. Do đó chúng ta cũng phải tính toán cho giải pháp có hệ thống xe buýt đưa đón học sinh làm sao thuận tiện, an toàn nhất.

"Rất mong lãnh đạo ngành giáo dục cầu thị, lắng nghe, có điều chỉnh hợp lý, khoa học hơn cho các cháu. Rất nhiều phụ huynh bức xúc vấn đề học sinh phải đi học quá sớm nhưng do họ ngại nói ra. Mong báo chí thường xuyên viết chủ đề này để chúng ta điều chỉnh, mong ngành giáo dục tốt hơn", bạn đọc Trọng Conic mong mỏi.

Mong muốn chọn được huấn luyện viên phù hợp

Sau khi HLV Park Hang Seo có quyết định chia tay bóng đá Việt Nam, rất nhiều bạn đọc đặt câu hỏi: Vậy Liên đoàn Bóng đá Việt Nam sẽ chọn HLV như thế nào trong thời gian tới?

Và việc chọn HLV tại châu Á, châu Âu hay khu vực Nam Mỹ… cũng được rất nhiều bạn đọc đặt ra. Theo bạn đọc Xuân Lâm, bóng đá Việt Nam đã từng thất bại với rất nhiều huấn luyện viên đến từ châu Âu, Nam Mỹ. Họ làm việc chuyên nghiệp thế nhưng họ không vừa "dạy" và vừa "dỗ" như HLV Park Hang Seo.

"Theo tôi, tốt nhất là nên chọn HLV Gong Oh Kyun vì đã được kiểm chứng. Còn U23 nên giao cho HLV Young Jin Lee", bạn Xuân Lâm đề xuất.

Tương tự, bạn đọc N.H.L cũng bày tỏ: Cá nhân tôi thích nhất HLV Gong Oh Kyun. Bởi cách triển khai lối chơi của ông rất hiện đại và đẹp mắt, tính hiệu quả thì cần rèn giũa theo thời gian. Kế đến là ngài trợ lý Lee, ông sẽ phát huy tốt hơn di sản mà HLV Park để lại.

Trái lại, bạn đọc Bùi Văn Cường cho rằng nên chọn HLV tầm cỡ, người Nhật là phù hợp nhất. Ở con người đó sẽ hội đủ các yếu tố: tầm cỡ, chuyên nghiệp, máu lửa, tận tụy, hiểu biết bóng đá châu Á.

"Ngay ở việc định hướng lựa chọn HLV cũng đã là chiến lược rồi. Tôi mong việc định hướng đúng để giúp tìm được HLV phù hợp mục tiêu nâng tầm bóng đá Việt lên mức cao mới", bạn đọc Cường mong muốn.

Bạn quan tâm và muốn chia sẻ điều gì thêm? Theo bạn, có nên điều chỉnh giờ vào học và tan trường hiện nay và cần điều chỉnh như thế nào cho khoa học và thích hợp? Và theo bạn nên chọn HLV ra sao để đội tuyển Quốc gia phát triển hơn nữa?

Mọi phản ảnh, góp ý, hiến kế... mời bạn gởi đến PHẢN HỒI TRONG NGÀY qua phần BÌNH LUẬN dưới bài viết.

Đi học sớm chẳng được lợi ích gì cho học sinh Đi học sớm chẳng được lợi ích gì cho học sinh

TTO - Đa số phụ huynh học sinh có ý kiến như trên. Đó là những phản hồi của hàng trăm bạn đọc Tuổi Trẻ Online trong sáng 18-10 sau bài viết 'Giờ vào học quá sớm: Học sinh mỗi đêm chỉ ngủ 5-6 tiếng, để làm chi vậy?'.

ĐỨC TUYÊN tổng hợp
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên