16/08/2023 11:31 GMT+7

Tái hiện di sản với tăm giang

Kiến trúc sư Hoàng Tuấn Long, người tái hiện nhiều di sản kiến trúc bằng nghệ thuật Boarc, vừa kết thúc hành trình thu hút 10.000 người tham gia hoàn thiện bản đồ Việt Nam với những cây tăm giang.

Học sinh Trường THCS&THPT Nguyễn Siêu (Hà Nội) tham gia hoàn thiện bản đồ Việt Nam - dự án do KTS Hoàng Tuấn Long khởi xướng  - Ảnh: Vĩnh Hà

Học sinh Trường THCS&THPT Nguyễn Siêu (Hà Nội) tham gia hoàn thiện bản đồ Việt Nam - dự án do KTS Hoàng Tuấn Long khởi xướng - Ảnh: Vĩnh Hà

Ông trò chuyện với Tuổi Trẻ về hành trình của mình.

Bản đồ Việt Nam của 10.000 người tham gia

* Hành trình tạo nên tấm bản đồ Việt Nam của ông thế nào?

- Thường những tác phẩm tôi làm với nghệ thuật Boarc, riêng việc tạo mô hình cũng khoảng 3 - 6 tháng. Tôi có khoảng sáu tháng để làm mô hình bản đồ Việt Nam và trống đồng Đông Sơn. Nó có kích thước 1,8x2,8m được kết hợp giữa công nghệ laser và cây tăm làm từ giang, một vật liệu sẵn có ở Việt Nam. Để hoàn thiện, cần cắm lên mô hình đó 100.000 cây tăm.

Khác với những tác phẩm trước đây, bản đồ Việt Nam và trống đồng Đông Sơn nằm trong dự án cộng đồng - thiện nguyện, dự kiến có 10.000 người cùng làm.

Dự án khởi động ở TP.HCM vào tháng 4-2023, sau đó ra Huế và điểm tiếp theo là Hà Nội. Những người tham gia sẽ cùng cắm những cây tăm lên mô hình, tấm bản đồ cũng được hoàn thiện dần trên hành trình từ Nam ra Bắc.

* Đó sẽ là một kỷ lục mới?

- Chúng tôi đã hoàn thiện hồ sơ gửi tác phẩm đăng ký đến tổ chức Kỷ lục Việt Nam (VietKings) và Liên minh Kỷ lục thế giới (WorldKings) để xác lập kỷ lục quốc gia và thế giới về bản đồ Việt Nam có nhiều người tham gia nhất.

Thực ra khi đã có 5.000 người tham gia, nó đủ điều kiện để công nhận kỷ lục này rồi nhưng tôi muốn hành trình trọn vẹn từ Nam ra Bắc. Tới Hà Nội, đã có khoảng 8.000 người tham gia. Tới đây khi quay về TP.HCM, sẽ đạt được mục tiêu 10.000 người cùng làm nên bản đồ này.

* Với 10.000 người tham gia, ngoài việc đạt kỷ lục về số lượng người, còn có ý nghĩa gì khác?

- Mỗi người góp một chiếc tăm giang là góp thêm một chút năng lượng tích cực. Ngoài ra nó còn có ý nghĩa khác: Những người tham gia ở mọi lứa tuổi, địa vị xã hội, vùng miền nhưng sự đóng góp đều như nhau. Không có sự phân biệt. Ở đây có những chiếc tăm của các lãnh đạo, các nhà trí thức hay học sinh, sinh viên, hay các cô lao công. Tất cả đều giống nhau.

Khi tấm bản đồ Việt Nam này được trưng bày bên cạnh đó sẽ có một bức ảnh lớn ghép từ những bức ảnh nhỏ của những người đã tham gia tạo nên nó. Điều này rất đặc biệt.

Trải nghiệm có ý nghĩa giáo dục

KTS Hoàng Tuấn Long - Ảnh: Vĩnh Hà

KTS Hoàng Tuấn Long - Ảnh: Vĩnh Hà

* Ngoài chất liệu, tác phẩm này còn có những điểm nhấn khác biệt thế nào?

- Tôi đưa hình trống đồng Đông Sơn vào bản đồ Việt Nam. Bên cạnh hình đất nước thì trống đồng tượng trưng cho hồn Việt. Ở tác phẩm này, bản đồ Việt Nam sẽ thể hiện được rõ địa hình cao thấp, khác với những bản đồ trên giấy.

Môn địa lý trong nhà trường dạy địa hình nước ta thấp dần từ Bắc đến Nam và từ Tây qua Đông, học sinh có thể nhận ra ngay điều này khi nhìn bản đồ này. Trống đồng Đông Sơn có hoa văn khắc chìm, nhưng ở đây tôi để những hoa văn nổi dễ nhìn, dễ hình dung, cũng là cách mới.

* Tại sao lại là tăm giang?

- Cây giang, cây tre là vật liệu truyền thống, gắn bó với đời sống thường ngày của người Việt. Đó là hồn Việt. Những cây tăm này tôi đặt ở một làng nghề truyền thống của Hà Nội.

* Vì sao anh muốn tạo nên một bản đồ Việt Nam đặc biệt như vậy?

- Tôi nuôi mấy chục bé mồ côi ở một ngôi chùa. Một ngày, tôi chợt nghĩ cái mình đóng góp cho tụi trẻ chẳng đáng kể. Tôi nghĩ phải làm một tác phẩm nào đó có tiếng vang, sau đó bán đấu giá để gây quỹ giúp đỡ được nhiều hơn cho những đứa trẻ mồ côi. Nhưng quá trình thực hiện thì thấy ý nghĩa của nó lớn hơn những gì tôi nghĩ trước đây rất nhiều.

Tôi muốn bằng sự tham gia tạo nên tác phẩm, mọi người sẽ hiểu hơn, tự hào về đất nước, về những giá trị truyền thống. Tinh thần ấy được lan tỏa.

Và dĩ nhiên tác phẩm này và những tác phẩm có giá trị khác của tôi sẽ bán đấu giá để gây quỹ cho trẻ mồ côi. Tôi mong muốn mình và những người cùng tham gia có thể góp phần nào đó nuôi dưỡng hay giúp các bé có thể đi học, học những môn năng khiếu - điều mà hiện thời các bé không có điều kiện được tiếp cận.

* Phản hồi của mọi người tham gia thế nào?

- Rất hào hứng, đặc biệt là trẻ em. Khi ra Hà Nội, tôi chọn Trường Nguyễn Siêu là điểm duy nhất để có nhiều học sinh được tham gia. Nó sẽ là trải nghiệm có ý nghĩa giáo dục với tụi trẻ.

Mang di sản đến gần hơn với mọi người

* Ông từng được WorldKings cấp Kỷ lục thế giới với các công trình di sản Việt Nam và thế giới bằng nghệ thuật Boarc. So với nhiều kiến trúc sư, ông chọn một lối đi khác biệt.

- Từ năm 2012, tôi bắt đầu sáng tạo các mô hình kiến trúc nổi tiếng bằng nghệ thuật Boarc. Ban đầu tôi làm để thỏa mãn sự đam mê thôi, không ngờ những tác phẩm tôi làm ra lại có sức hút với nhiều người. Chính điều đó khiến tôi nhận ra một ý nghĩa khác là tái hiện những giá trị di sản của thế giới và Việt Nam.

* Những tác phẩm ông tâm đắc nhất?

- Lần đầu tôi làm một công trình lớn bằng nghệ thuật Boarc là mô hình kiến trúc chùa Một Cột. Lần đó mất nhiều công sức vì phải làm tỉ mỉ, chi tiết, khó nhất là thiết kế. Tác phẩm này cũng sử dụng đến hơn 100.000 cây tăm giang. Sau công trình này, tôi có kinh nghiệm hơn để làm những tác phẩm khác. Và đây cũng là tác phẩm để nhiều người biết đến nghệ thuật Boarc.

Sau này tôi làm nhiều cái khác như công trình Ngọ môn Huế, chợ Bến Thành, tháp đồng hồ BigBen (Anh), đền Taj Mahaj (Ấn Độ), trụ sở Quốc hội Mỹ...

* Có ước mơ nào lớn hơn trong hành trình phía trước của ông?

- Tôi muốn thực hiện một dự án tái hiện di sản Việt Nam bằng loại hình nghệ thuật Boarc. Trong đó Hoàng thành Thăng Long là công trình tôi mong chờ được làm nhất.

Có giá trị lâu dài cho cộng đồng

Nhiều tác phẩm của kiến trúc sư Hoàng Tuấn Long đã dự triển lãm ở trong nước và nước ngoài. Đặc biệt hai tác phẩm tái hiện kiến trúc trụ sở Quốc hội Mỹ và Nhà Trắng bằng tăm giang hiện được trưng bày tại Bảo tàng Ripley Believe it or Not (Mỹ).

Những tác phẩm đạt kỷ lục Việt Nam và thế giới của Hoàng Tuấn Long gồm: Chùa Một Cột bằng tăm lớn nhất, Cây thông Noel bằng đồ chơi Funlo lớn nhất, Tác phẩm tâm linh - cộng đồng Vũ trụ Mandala...

Năm 2020, ông Hoàng Tuấn Long được Liên minh Kỷ lục thế giới - WorldKings cấp Kỷ lục thế giới với các công trình di sản Việt Nam và thế giới bằng nghệ thuật Boarc.

Năm 2021 ông nhận giải thưởng Đĩa vàng cống hiến của Viện Nội dung kỷ lục thế giới (WRCA) dành cho các kỷ lục gia có những cống hiến xuất sắc, có ý nghĩa sâu sắc, có giá trị lâu dài cho cộng đồng.

Nghệ thuật Boarc là gì?

Boarc được viết tắt từ Bamboo Acrylic Art - là một loại hình nghệ thuật kết hợp giữa vật liệu truyền thống là những chiếc tăm làm từ cây giang (một loại cùng họ với cây tre) với công nghệ laser trên các tấm acrylic nhằm tạo nên sự gắn kết.

Kỹ thuật cắt laser đòi hỏi độ chính xác cao và phải có tư duy thiết kế hiện đại, tinh tế.

Năm 2012, kiến trúc sư Hoàng Tuấn Long bắt đầu làm những tác phẩm đầu tiên, đến nay nhiều người đã biết đến nghệ thuật Boarc qua những tác phẩm của ông được trưng bày ở nhiều nơi.

Sang Anh tìm tấm bản đồ cổ mang hai chữ Việt NamSang Anh tìm tấm bản đồ cổ mang hai chữ Việt Nam

TTCT - “Việt Nam địa dư đồ” là một tấm bản đồ cổ do tác giả Trung Quốc Xa Khâu Từ Diên Húc ở đời Thanh biên soạn.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên