22/03/2022 11:37 GMT+7

Tách riêng đường bộ, đường sắt theo phương án kiến trúc của dự án cầu Đuống mới

TUẤN PHÙNG
TUẤN PHÙNG

TTO - Bộ Giao thông vận tải vừa chọn phương án kiến trúc “Giao Duyên” để thiết kế, xây dựng cầu Đuống mới thuộc dự án nâng cấp tuyến vận tải thủy sông Đuống.

Tách riêng đường bộ, đường sắt theo phương án kiến trúc của dự án cầu Đuống mới - Ảnh 1.

Phương án kiến trúc mang tên Giao Duyên của cầu đường bộ và đường sắt sông Đuống được chọn - Nguồn: Ban quản lý dự án 6

Theo Ban quản lý dự án 6 - chủ đầu tư dự án nâng cấp tuyến vận tải thủy sông Đuống, đơn vị này đã tổ chức thi thiết kế kiến trúc công trình cầu Đuống đường bộ và cầu Đuống đường sắt thuộc dự án theo quy định của Luật kiến trúc với cầu từ cấp 2 trở lên nằm trong đô thị.

Qua kết quả chấm điểm các phương án của hội đồng do chủ tịch Hội Kiến trúc sư Việt Nam làm chủ tịch đã chọn 3 phương án kiến trúc cầu Đuống mới.

Trên cơ sở đó, Bộ Giao thông vận tải vừa phê duyệt phương án có mã hiệu N02: Giao Duyên đoạt giải nhất.

Đây là phương án do Liên danh Công ty cổ phần tư vấn thiết kế Cầu lớn - hầm và Công ty cổ phần tư vấn đầu tư và xây dựng Giao thông vận tải thực hiện đoạt giải nhất. Phương án kiến trúc này được lựa chọn đầu tư xây dựng công trình cầu đường bộ, đường sắt Đuống.

Tách riêng đường bộ, đường sắt theo phương án kiến trúc của dự án cầu Đuống mới - Ảnh 2.

Cầu Đuống hiện tại được người Pháp xây dựng từ năm 1902 - Ảnh: TUẤN PHÙNG

Phương án Giao Duyên có ý tưởng thiết kế là những bông hoa trắng mọc lên từ dòng sông, tượng trưng cho những điều đẹp đẽ, tốt đẹp mà trời đất ban cho dòng sông, con người. Ý tưởng này xuất phát từ tên của dòng sông Đuống chính là sông Thiên Đức. Thiên có nghĩa là trời, đức có nghĩa là điều tốt đẹp.

Phương án này cũng có sự giao hòa giữa 2 hình ảnh đối lập của cây cầu đường bộ và cây cầu đường sắt, giữa cái "cũ" và cái "mới" tạo nên một quần thể kiến trúc cặp đôi hài hòa, ấn tượng và mạnh mẽ.

Cầu đường sắt tái hiện hình ảnh của cây cầu thép được xây dựng từ thời Pháp thuộc. Cầu đường bộ mới có công nghệ làm cầu tiên tiến, tạo hình mềm mại, thanh thoát và hướng đến tương lai.

Cây cầu như hình ảnh ẩn dụ của sợi dây, của dòng nước, của khúc hát, liên kết, thắt chặt duyên trời, duyên đôi lứa, duyên của sự vật và duyên của những làn điệu dân ca… Vì thế đồ án có tên là Giao Duyên.

Tách riêng đường bộ, đường sắt theo phương án kiến trúc của dự án cầu Đuống mới - Ảnh 3.

Phối cảnh phương án kiến trúc Giao Duyên của cầu đường bộ, đường sắt Đuống được chọn - Nguồn: Ban quản lý dự án 6

Trên cơ sở kết quả thi tuyển kiến trúc được duyệt, Ban quản lý dự án 6 sẽ triển khai các bước tiếp theo như lập báo cáo nghiên cứu khả thi, thiết kế kỹ thuật theo đúng quy định của pháp luật để phấn đấu khởi công dự án quý vào quý 1-2023.

Cầu Đuống (địa phận Hà Nội) được xây dựng từ năm 1902 (120 tuổi), vừa là cầu đường bộ của quốc lộ 1 cũ và là cầu đường sắt tuyến Hà Nội - Đồng Đăng.

Nhiều năm qua, cầu Đuống luôn phải sửa chữa và là điểm nghẽn trên tuyến hành lang đường thủy số 1 của Đồng bằng Bắc Bộ dài 250km, bắt đầu từ Quảng Ninh đi qua sông Đuống tới cảng Việt Trì trên sông Lô. Tuyến này đã được đầu tư, nâng cấp, luồng tàu cơ bản đạt cấp 2 cho tàu đến 800 tấn đi lại.

Tuy nhiên, tĩnh không của cầu Đuống chỉ đạt 2,8m tại thời điểm nước cao; bề rộng khoang thông thuyền nhịp giữa chỉ khoảng 26m. Do vậy, chỉ tàu trọng tải đến 600 tấn, sà lan chở container sức chở 24 Teu (chỉ xếp được 2 lớp) mới lưu thông được qua cầu với điều kiện phải chờ nước xuống.

Để giải quyết nút thắt này, Bộ Giao thông vận tải đã phê duyệt dự án nâng cấp tuyến vận tải thủy sông Đuống giai đoạn 2021-2025.

Dự án sẽ đầu tư xây mới cầu đường sắt Đuống chiều dài dự kiến khoảng 330m cách phía thượng lưu cầu Đuống hiện hữu 16,5m (vị trí quy hoạch đường sắt đô thị tuyến số 1) đảm bảo thông thuyền cấp 2 phù hợp với tuyến đường thủy số 1.

Đồng thời xây mới cầu đường bộ theo quy hoạch dài khoảng 472m, cách cầu Đuống hiện hữu 100m về phía hạ lưu.

Sau khi xây xong 2 cầu trên, cầu Đuống hiện tại sẽ được tháo dỡ các dầm và đập các mố trụ để đảm bảo giao thông đường thủy thông suốt. Tổng mức đầu tư của dự án khoảng 1.877 tỉ đồng từ vốn đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025.

Nâng tĩnh không cây cầu 117 tuổi, gỡ nút thắt đường thủy trọng yếu Nâng tĩnh không cây cầu 117 tuổi, gỡ nút thắt đường thủy trọng yếu

TTO - Bộ Giao thông vận tải vừa kiến nghị Thủ tướng xem xét cân đối nguồn vốn 10% dự phòng kế hoạch đầu tư công trung hạn 2016 - 2020 cho dự án nâng cấp tĩnh không cầu Đuống nhằm gỡ nút thắt trên tuyến vận tải thủy từ Quảng Ninh đến Việt Trì.

TUẤN PHÙNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên