12/04/2021 06:49 GMT+7

Sứa đỏ cuối xuân đầu hạ

VŨ THỊ TUYẾT NHUNG
VŨ THỊ TUYẾT NHUNG

TTO - Nói sứa đậu là một món quà cổ truyền của người Hà Nội thì thật chưa đúng hẳn. Bởi chính sứa là một thứ sản vật của miền biển. Hằng năm, khi những cơn gió nồm nam bắt đầu dậy, ấy chính là mùa sứa.

Sứa đỏ cuối xuân đầu hạ - Ảnh 1.

Món sứa được ưa chuộng lúc cuối xuân đầu hạ - Ảnh: NAM TRẦN

Một ngày cuối xuân đầu hạ của chị Bích, một người bán hàng quà ở chợ Mơ, một ngôi chợ cổ phía nam Hà Nội, bao giờ cũng bắt đầu như thế. Lịch kịch dọn mấy cái ghế thâm thấp quanh chiếc bàn nhỏ, cẩn thận kê cho chắc chiếc chậu sành ngập thứ nước trong vắt, đỏ sẫm...

Tại sao lại là một ngày cuối xuân đầu hạ? Nghe thi vị quá, hình như là nó chẳng ăn hợp gì với cái nghề bán quà vặt rất đỗi bình dị của chị.

Nhưng thực thế, chỉ mỗi khi đất trời chuyển mùa xuân hạ thì thức quà đặc biệt này mới xuất hiện. Chao ôi, món gì mà lạ thế? Xin đoan chắc rằng rất nhiều người vẫn chưa kịp nhận ra đó là thức quà gì.

Thức quà từ biển

- Sứa đây, tôi bán sứa, nào các anh, các chị ăn thử một đĩa mở hàng cho tươi tốt nào - chị Bích mau miệng mời khách vừa sắp thêm rổ rau thơm kinh giới, tía tô thơm ngát đặt bên rổ đậu Mơ nướng vàng tươi và khay dừa miếng trắng muốt.

Sứa đậu, đó chính là một trong những thức quà cổ truyền của người Hà Nội. Đậu nướng chứ không phải đậu rán đâu. Thế rồi dừa bánh tẻ, thế rồi mắm tôm chanh ớt, thế rồi rau gia vị. Và đầu vị là những miếng sứa muối chua. Có vậy thôi. Món sứa này tuyệt đối thanh mát, tịnh không dính một chút mỡ màng nào.

Nói sứa đậu là một món quà cổ truyền của người Hà Nội thì thật chưa đúng hẳn. Bởi chính sứa là một thứ sản vật của miền biển. Hằng năm, khi những cơn gió nồm nam bắt đầu dậy, ấy chính là mùa sứa.

Những con sứa, một loài nhuyễn thể đặc biệt ở biển. Thân hình kềnh càng có khi như một cái nong phơi thóc sinh sôi nảy nở khá nhanh. Hàm lượng nước trong thân thể mỗi con sứa thường rất lớn.

Ngư dân vùng biển Quảng Ninh, Hải Phòng thường vớt chúng lên, đem muối vào trong những chiếc chum vại lớn với thứ nước đặc chế bằng vỏ cây sú, cây vẹt thường mọc ven biển.

Sau khi muối, thân hình những con sứa ngót đi rất nhiều. Và từ đó, người miền biển chở sứa đã muối lên Hà Nội bán cho các hàng quà rong.

Sứa đỏ cuối xuân đầu hạ - Ảnh 2.

Một hàng sứa đỏ ở 70 Hàng Chiếu

Chả tốn mấy tiền bạc

Lưng lửng trưa, có ông khách quen nhà ở tận làng Tương Mai, mé dưới quận Hai Bà Trưng đã nhớ lệ tìm lên gian hàng sứa duy nhất trong chợ Mơ của chị Bích. Ông gọi một suất sứa đậu. Và cô hàng đã sắp sẵn ngay.

Đầu tiên, bao giờ cô cũng múc một chén mắm tôm đặt trước, cái mùi mắm tôm vắt chanh tươi thơm dậy nghe nó khơi gợi làm sao! Sau đó, cô cắt tiếp một bìa đậu nướng. Thế rồi, cô mới chọn đến miếng sứa.

Không biết các vị khách có để ý không, con dao cắt sứa của cô hàng được làm từ một thanh nứa chẻ, thứ dao truyền thống tối cổ của người Việt. Một đĩa nhỏ rau tía tô kinh giới làng Láng nữa là đủ.

Mời ông xơi! Nhưng khoan đã. Mỗi năm mới có một mùa sứa nổi, vậy thì sao mà có thể ăn uống vội vàng đến thế. Để ông lão nhẩn nha nhắm nhót một chút chứ.

Và thế là chỉ cần có dăm bảy ngàn đồng bạc là ông khách đã có được một món đưa cay khoái khẩu. Người lạ khó có thể hiểu được sự thích thú ấy:

- Thời tiết giao mùa oi oi nồng nồng người ngợm khó chịu lắm. Ăn được miếng sứa giòn thơm với tí đậu tí dừa, tí rau kinh giới, tía tô, nó thú vị lắm. Thêm chén rượu nhấm nháp nó rất vui. Mà chả tốn mấy tiền bạc gì.

Sứa đỏ cuối xuân đầu hạ - Ảnh 3.

Món sứa được ưa chuộng lúc cuối xuân đầu hạ - Ảnh: NAM TRẦN

Ông cha bà đã ăn sứa như thế...

Nhưng với bà Đỗ Thị Thái, một người nội trợ sành sỏi, thì khi vừa mua xong mớ rau, miếng thịt, gói nhộng cho bữa ăn gia đình và tạt vào hàng sứa đậu là cô hàng đã biết ý lựa ngay một miếng chân sứa và một miếng diềm sứa dọn lên đĩa. Bởi vì sao vậy?

- Trông miếng chân miếng diềm nó nhăn nheo xấu xí, nhưng cô ăn thử một miếng xem nào, nó giòn mà đậm vị lắm. Không phải ai cũng biết đâu nhé. Nào cho tôi thêm múi chanh nữa, đánh bát mắm tôm cho nó nổi bọt lên nào. Ớt đâu, thêm mấy lát nữa đi.

Thế đấy, bà lão Thái nghiện ăn sứa từ hồi còn con gái. Chả thế mà bây giờ nhà ở mãi tận phố Lạc Trung, khi nào muốn ăn đĩa sứa bà lại phải sang tận chợ Mơ bên này. Một lá rau kinh giới, một lá tía tô, một miếng đậu rán, răng còn tốt thì thêm một miếng cùi dừa mỏng và một miếng sứa nhỏ.

Chấm với mắm tôm chanh ớt. Thế là đầy đủ. Nào là giòn khau kháu, nào là bùi ngầy ngậy, nào là thơm sừng sực, nào là mát rười rượi... Ông cha bà cũng dùng món sứa như thế. Mà rồi con cháu bà cũng theo cách như thế thôi.

Bây giờ muốn ăn món quà sứa, ta chỉ có thể tìm đến những khu chợ cổ của Hà Nội như chợ Hàng Bè, chợ Hàng Da hay chợ Hôm, Ngọc Hà, phố Hàng Chiếu, phố Đường Thành...

Ăn nó thanh mát và nhẹ bụng, rất thích hợp với tiết trời dở oi dở nồng cuối xuân đầu hạ. Bây giờ, có nhiều người Hà Nội không còn biết đến những miếng ngon nghìn năm như trám, như nhộng, như sứa, như rươi... Thật đáng tiếc biết bao!

Rau rừng Cù Lao Chàm, nấu cua ăn cạn nồi cơm Rau rừng Cù Lao Chàm, nấu cua ăn cạn nồi cơm

TTO - Rau rừng ở đảo Cù Lao Chàm có thể dùng để ăn nhiều món khác nhau. Nhưng nếu "đúng chuẩn" nhất phải là dùng rau để nấu canh cua, ghẹ. Nếu nấu canh này với cua đá trên đảo Cù Lao Chàm thì ăn cạn nồi cơm.

VŨ THỊ TUYẾT NHUNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    Chủ đề: sứa sứa đỏ