17/03/2008 08:15 GMT+7

Sự đồng cảm không chỉ dành cho Mỹ Lai

UYÊN LY
UYÊN LY

TT (Quảng Ngãi) - Lễ tưởng niệm 504 nạn nhân vụ thảm sát Mỹ Lai diễn ra sáng 16-3 trước tượng đài khu chứng tích Sơn Mỹ (Quảng Ngãi) đã diễn ra trong không khí buồn thương với sự hiện diện của hơn 1.000 người, đa số là người dân, gia đình của người đã khuất và những nạn nhân sống sót sau vụ thảm sát.

40 năm vụ thảm sát Mỹ Lai (16-3-1968 - 16-3-2008)

8ShGPpRq.jpgPhóng to
Đoàn nạn nhân sống sót sau thảm họa bom nguyên tử Hiroshima và Nagasaki (Nhật) đến đặt vòng hoa tưởng niệm các nạn nhân của vụ thảm sát Mỹ Lai
Nghe đọc nội dung toàn bài:

Đây cũng là dịp để bạn bè quốc tế đến và chia sẻ tình đồng cảm. Bên cạnh sự xuất hiện của những hãng tin và đài truyền hình lớn từ Mỹ, Pháp, Anh, nhiều tổ chức nhân đạo và xã hội nước ngoài như Tổ chức y tế từ thiện Madison Quaker, nhóm nạn nhân bom nguyên tử Hiroshima (Nhật Bản), Tổ chức Cựu chiến binh vì hòa bình (Mỹ), Hội Phụ nữ mới (Nhật Bản), Tổ chức Hòa bình và hòa giải (Nhật Bản), các sinh viên, giáo sư người Nhật và những cựu chiến binh Mỹ đã tới dâng hương dưới chân tượng đài.

Một trong những người đã may mắn bò ra khỏi căn nhà bị sập sau trận bom nguyên tử tại Hiroshima - nhà vật lý học, giáo sư đại học Nagoya, giám đốc đại diện của Ủy ban phòng chống bom nguyên tử và bom hydro Nhật Bản, ông Yoshi Sawada - chia sẻ với Tuổi Trẻ: "Đây là lần đầu tiên tôi đến VN, chúng tôi quyết định đến đây để cùng lên án chiến tranh và cảnh báo với thế giới rằng đừng để xảy ra những thảm họa như bom nguyên tử ở Nhật, thảm sát ở Mỹ Lai và rải chất độc da cam ở VN. Chúng tôi ủng hộ các nạn nhân da cam VN đòi lại công lý”.

Một cựu thành viên của Tổ chức Madison Quaker, bà Marjorie E. Nelson - từng giúp chữa trị thương tích cho người dân Quảng Ngãi trong những năm 1967-1969, đã kể với Tuổi Trẻ câu chuyện đặc biệt của mình. Bà từng bị bộ đội giải phóng bắt giữ trong dịp Tết Mậu Thân khi từ Quảng Ngãi đến Huế ăn tết cùng gia đình người bạn. Sau khi bị bắt, các sĩ quan quân giải phóng biết được bà là thành viên tổ chức từ thiện, và họ đã chăm sóc bà hơn cả chăm sóc chính bản thân họ.

Trong vòng hai tháng, các cán bộ đã cho bà quần áo, giày để đi, chữa bệnh cho bà và cấp một giấy thông hành đặc biệt, giúp bà quay trở lại Huế và sau đó trở về Quảng Ngãi tiếp tục làm công việc chăm sóc bệnh nhân.

Sau này khi trở thành giảng viên ngành dược tại đại học bang Ohio (Mỹ), trong suốt 30 năm bà luôn luôn kể về VN và truyền tinh thần chống chiến tranh cho sinh viên của mình.

Trở lại Sơn Mỹ lần này là lần thứ hai, bà Marjorie vừa khóc vừa nói: "Chứng kiến lễ tưởng niệm, tôi đã nhớ tới không chỉ Mỹ Lai, mà còn dành sự tưởng nhớ cho tất cả những chiến sĩ giải phóng tôi từng gặp, họ đã không bao giờ được trở về nhà, xương cốt của họ còn nằm đâu đó trong núi rừng. Tôi hiểu rằng đối với gia đình VN, việc người thân có một nơi an nghỉ là quan trọng vô cùng. Lúc nãy, khi cắm nén hương dưới chân tượng đài, tôi đã thầm nhủ rằng chừng nào tôi còn sống, người Mỹ sẽ không bao giờ được phép quên Mỹ Lai".

wfw8360q.jpgPhóng to
Ông Phạm Thành Công - giám đốc Ban quản lý khu chứng tích Sơn Mỹ, nhân chứng sống sót trong vụ thảm sát Mỹ Lai - bắt tay cựu chiến binh Mỹ Kenneth Schiel - người từng tham gia vụ thảm sát Sơn Mỹ vào sáng 16-3-1968
TT - Hãng truyền hình nổi tiếng của vùng Vịnh - Al Jazeera - đã đến Quảng Ngãi để làm phim về vụ thảm sát Mỹ Lai - Sơn Mỹ vào đúng dịp người dân nơi này tưởng niệm 40 năm (16-3-1968 - 16-3-2008) ngày tang tóc đó.
Nghe đọc nội dung toàn bài:

Đoàn phóng viên của Đài truyền hình Al Jazeera (trụ sở đặt tại Qatar) bắt đầu bấm máy những cảnh quay đầu tiên cho bộ phim tài liệu dài sáu tập mang tên On wars (Những cuộc chiến) được thực hiện ở sáu nước: Mỹ, Jordan (Trung Đông), Lào, Peru, Iraq và bắt đầu từ vụ thảm sát ở Mỹ Lai, VN.

Dự kiến bộ phim tài liệu này sẽ công chiếu trên kênh toàn cầu vào tháng 10-2008. Những nhà làm phim cho biết: "Chúng tôi không quay ngược về quá khứ đau thương mà muốn đi sâu vào hậu quả của mỗi cuộc chiến để lại cho từng dân tộc, làng quê..., gửi đi thông điệp ước vọng vì thế giới hòa bình".

Sơn Mỹ yên bình

Cùng với Al Jazeera, nhiều hãng thông tấn, truyền hình các nước như Kyodo, Akahata (Nhật Bản), AFP (Pháp), Đài Wisconsin Public Radio, Wort - FM Radio (Mỹ), Đài truyền hình Ukraine, Reuters (Anh)... đã đến Sơn Mỹ để làm phóng sự và đưa tin lễ tưởng niệm nhân 40 năm xảy ra vụ thảm sát Sơn Mỹ.

Trong suốt hơn một tuần từ ngày 9 đến 16-3, đoàn làm phim lần lượt tiếp xúc với nhiều nhân chứng sống sót trong vụ thảm sát Mỹ Lai. Họ kể nỗi đau trong giàn giụa nước mắt khi nằm lẫn dưới xác chết của ông, bà, cha, mẹ, anh, em trong gia đình. Quá khứ đau thương đã theo họ trong từng giấc ngủ, theo từng bước chân trên đồng quê nhọc nhằn, nghèo khó.

Phỏng vấn bà Phạm Thị Thuận - nhân chứng sống sót trong vụ thảm sát Mỹ Lai, đoàn làm phim hỏi: Nếu có một lính Mỹ trực tiếp tham gia vụ thảm sát Mỹ Lai ngày ấy, bây giờ họ có mặt tại nơi này thì bà sẽ nói gì với họ? Bà Thuận đưa tay áo gạt nước mắt: "Gia đình tôi có năm người bị giết chết trong vụ thảm sát, mất mát đau thương không gì có thể bù đắp được nhưng mọi chuyện đã qua rồi, gặp họ tôi sẽ nói tha thứ với điều kiện anh ta biết được đó là tội ác, tự bản thân mình sám hối".

Tháng ba, ruộng lúa Sơn Mỹ xanh mênh mông dọc lối vào từng ngõ xóm. Phóng viên David M. Lom tỉ mỉ quay cận cảnh, đặc tả trên từng lối nhỏ vào xóm Khê Thuận, thôn Tư Cung; xóm Khê Hội, thôn Cổ Lũy, xã Tịnh Khê - nơi xảy ra vụ thảm sát. Từng bờ tre, gốc rơm, ruộng lúa cho đến chú chó vô tư ngủ ngoài sân... lần lượt được thu vào ống kính. 40 năm sau, dẫu còn nhiều khó khăn vất vả nhưng cuộc sống của người dân Sơn Mỹ đã đổi thay. Phóng viên Josh Rushing nói: "Tôi vô cùng cảm phục nhân dân Sơn Mỹ, nỗi đau quá lớn là vậy nhưng từ trong đau thương tột cùng họ đã gượng dậy, làm cho mầm sống hồi sinh trên mảnh đất này".

Tha thứ cho kẻ sát nhân

Bí mật đến giờ phút chót, sự xuất hiện của cựu chiến binh Mỹ Kenneth Schiel, người đã từng tham gia vụ thảm sát Mỹ Lai, mới được tiết lộ. Đoàn phóng viên Đài truyền hình Al Jazeera đã bố trí một cuộc gặp sau 40 năm giữa ông Phạm Thành Công - giám đốc Ban quản lý khu chứng tích Sơn Mỹ, nhân chứng sống sót trong vụ thảm sát Mỹ Lai - với Kenneth Schiel. Buổi sáng tháng ba ngày ấy, Mỹ đổ quân từ trực thăng xuống đồng lúa, bắt gom bà con lại rồi bắn giết. "Lúc đó tôi mới 11 tuổi, gia đình tôi sáu người đang ăn cơm thì lính Mỹ bắt lùa vào hầm rồi xả súng bắn giết. Tôi nằm dưới những xác chết của người thân nên mới thoát chết", ông kể trong nước mắt.

Ông Công hỏi: "Lúc qua VN tham chiến ông đã lập gia đình chưa, khi về Mỹ ông có kể gì về vụ thảm sát ở Mỹ Lai với gia đình ?". Ông Kenneth Schiel ngập ngừng: "Lúc sang VN tôi chưa có vợ. Khi trở về Mỹ tôi cũng không nói gì về chiến tranh ở VN. Nhưng tôi luôn tự hỏi: Tại sao? Tại sao việc này xảy ra? Tôi không thể nào lý giải được".

Kết thúc câu chuyện, ông Công đứng lên bắt tay người cựu binh Mỹ: "Cảm ơn ông đã trở lại mảnh đất Sơn Mỹ đau thương này, đã can đảm đối diện với sự thật. Đã đến lúc chúng ta khép lại quá khứ đau buồn để hướng đến cuộc sống tốt đẹp ở hiện tại và tương lai. Người dân Sơn Mỹ hôm nay sống trong ấm no, hạnh phúc, hơn bao giờ hết họ biết trân trọng từng giây, từng phút được sống giữa làng quê yên bình". Ông Kenneth Schiel bày tỏ: "Một lần nữa cho tôi gửi lời xin lỗi đến nhân dân Sơn Mỹ và nhân dân VN...". Phóng viên quay phim David M. Lom quay cận cảnh hai bàn tay siết chặt, một kẻ từng là sát nhân và một người là nhân chứng sống sót sau cuộc thảm sát, hình ảnh kết thúc tập phim đầu tiên trong bộ phim tài liệu dài sáu tập On wars.

MINH THU

--------------------------------

Học trò Sơn Mỹ đến trường

VtQgvTdd.jpgPhóng to

Học sinh Trường THPT Sơn Mỹ trên đường đến trường

40 năm sau vụ thảm sát, nhắc lại nghe lòng vẫn xót xa. Song ở miền đất tang thương này giờ đây còn có một Sơn Mỹ khác, nhọc nhằn mà phơi phới tương lai...
Nghe đọc nội dung toàn bài:

Nhà bà Phạm Thị Nhành - người may mắn thoát chết trong vụ thảm sát - ở xóm Khê Hội, xã Tịnh Khê. Đôi mắt bà vẫn còn hiện nét kinh hoàng khi nhớ lại buổi sáng đầy máu và xác chết... Chồng bà từ sau ngày quân đội Mỹ gây nên vụ thảm sát đau thương đó đã đi đánh giặc "trả thù cho quê hương", sau hòa bình vẫn công tác trong quân đội.

Nhưng rồi cũng đôi mắt đó dịu lại và nụ cười vui rạng rỡ khi bà nói về chuyện học hành của những đứa con mình. Ông theo binh nghiệp, bà ở nhà một nách ba con, thay chồng cày cấy.

Con chữ từ nhọc nhằn

Thương mẹ, những đứa con ráng học hành. Rồi đứa lớn vào cao đẳng công nghệ thực phẩm, ra trường đi làm thì đứa kế cũng tốt nghiệp trường sĩ quan công an.

Ông Quảng Tố, con trai bà Phạm Thị Nhung, nguyên là hiệu trưởng Trường THCS Sơn Mỹ, kể: "Hồi nghe tin mẹ may mắn thoát chết trong vụ thảm sát, tôi đang học Đại học Luật Sài Gòn. Hòa bình về, nghe lời mẹ, tôi về quê dạy học".

Ở trường, ông Tố cùng đồng nghiệp thường nói với các em: Quê mình mất mát, nghèo khó quá, muốn có một sự đổi thay chỉ còn một cách là cố gắng học hành. Cả xã Sơn Mỹ giờ đây có trên 800 em vào đại học, cao đẳng.

Ông Trương Dưỡng, nhà ở phía sau khu chứng tích Sơn Mỹ - thuộc xóm Khê Thuận, thôn Tư Cung - tâm điểm của vụ thảm sát Sơn Mỹ. Ông Dưỡng có mẹ bị mất trong buổi sáng khủng khiếp đó, giờ là bố của ba đứa con . Ông nói: "Hồi đó, mình vào đội du kích cầm súng nên không có điều kiện học hành. Bây giờ phải cố gắng vì con". Ông cùng vợ cấy cày trên đồng ruộng. Để lo chuyện học cho con, ông bán vườn tược, mua nhà nhỏ hơn để ở. Các con ông giờ đã vào đại học.

Thầy Võ Trọng Khai, nguyên hiệu trưởng Trường THPT Sơn Mỹ trong những năm khó khăn đó, kể: "Khi hầu như tất cả nữ sinh THPT ở các huyện đồng bằng đi học với tà áo dài thướt tha thì ở Sơn Mỹ, nữ sinh cũng chỉ quần tây xanh, áo trắng. Nhiều nữ sinh đề nghị nhà trường cho các em mặc áo dài vào ngày thứ hai trong tuần. Lời đề nghị này cũng làm nhà trường phân vân, bởi có một bộ phận học sinh nghèo lấy đâu ra tiền may sắm. Thế là các thầy cô lại bàn bạc, rủ nhau đóng góp những đồng lương còm và trích tiền quĩ của trường để hỗ trợ các em...".

Sơn Mỹ ân tình

Từ sự quan tâm của các tổ chức xã hội, của cộng đồng, ở Sơn Mỹ ngày càng có nhiều học sinh vào đại học, cao đẳng. Nhiều em biết quê nhà nghèo khó nên đến cổng trường đại học là cố gắng làm thêm nhiều nghề như làm công cho cơ sở làm bánh, chạy bàn... để kiếm tiền tự trang trải. Theo thống kê, ở xã đã có trên 800 học sinh tốt nghiệp đại học, cao đẳng. Nhiều học sinh của trường bây giờ khá thành đạt ở Quảng Ngãi và nhiều nơi trong cả nước. Như một lẽ thường tình ở đất nghèo miền Trung, trong những gia đình có con em học hành thành đạt thì đứa lớn quay lại giúp cha mẹ nuôi em ăn học, và một khi các em kiếm được việc làm thì tất cả cùng quay lại giúp mẹ cha trong những năm tháng xế chiều.

Không chỉ giúp người thân, nhiều cựu học sinh của Trường THPT Sơn Mỹ làm ăn thành đạt nơi xa vẫn đau đáu về nguồn cội, có trách nhiệm với quê hương và thế hệ đàn em. Đã có một quĩ học bổng của cựu học sinh Trường THPT Sơn Mỹ được hình thành để giúp đỡ học sinh nghèo hiếu học. Nhiều cựu học sinh của trường thành đạt ở TP.HCM, bên cạnh việc gửi tiền về góp quĩ, hằng năm cứ đến mùa thi lại đón những học sinh nghèo ở quê về nhà để tạo điều kiện cho các em thi. Anh Đỗ Võ Huy Hùng, giám đốc Công ty dược phẩm Hùng Lợi ở TP.HCM, nói: "Cũng từ nỗi đau và sự quan tâm của quê hương mà mình lớn khôn. Bây giờ phải có trách nhiệm giúp đỡ các thế hệ đàn em".

Nhiều năm qua đã có nhiều cơ quan đơn vị trong, ngoài nước giúp đỡ học trò ở Sơn Mỹ. Báo Tuổi Trẻ TP.HCM đã xây tặng bốn phòng học cho Trường tiểu học số 2 Tịnh Khê, giúp nhiều giáo viên còn khó khăn mượn vốn để sản xuất, tặng học bổng cho trẻ em nghèo học giỏi. Hội công nhân Việt kiều Pháp xây tặng năm phòng học ở Trường tiểu học số 2; một tổ chức phi chính phủ ở nước ngoài xây tặng Trường tiểu học số 1 Tịnh Khê hai dãy phòng học và nhà làm việc với tổng giá trị trên 2,5 tỉ đồng. Mới đây tiến sĩ Lê Ngọc Trà cũng thành lập quĩ học bổng mang tên Quê hương, tặng mỗi năm mười suất học bổng cho các em nghèo học giỏi.

UYÊN LY
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên