23/10/2004 11:53 GMT+7

Stockholm - viên ngọc trên mặt biển

MINH LUÂN (Theo Le Figaro)
MINH LUÂN (Theo Le Figaro)

TTCN - Stockholm, Thành phố trên biển hay biển trong thành phố thủ đô của Thụy Điển quả xứng đáng với biệt danh “Venice phương Bắc”. Stockholm còn là điển hình của một sự lai tạp thành công. Ánh sáng phương bắc càng sinh động hơn khi chiếu rọi lên sắc màu của một thành phố đột nhiên giống với nước Ý.

96lyE2N7.jpgPhóng to

Đối với các du khách đến từ phương nam, Stockholm quá lạ lẫm nên sự so sánh sẽ thật khôi hài. Cả hai thành phố đều nhô lên từ biển, nhưng trái với Venice vốn luôn hoài vọng về quá khứ, Stockholm muốn chống đỡ với tương lai. Stockholm sống với quá khứ xưa cũ cộng hưởng với những lĩnh vực của sự toàn cầu hóa. Tại Gamla Stan, các mặt tiền của thế kỷ 17 xỉn màu đất, còn của thế kỷ 18 lại có sắc thủy tiên. Ở khu phố Kungsholmen, đó là màu da trời hay ngọc lục bảo.

Trên Gamlan Stan, hòn đảo nhỏ mà giờ đây là một thành phố lớn với 700.000 dân, người ta đi ngược về quá khứ khi dạo bước trên con đường lát đá Branda Tomte. Dưới ánh sáng lung linh của đèn đường, người ta chờ đợi sẽ gặp một bà phù thủy với cái mũ nhọn xuất hiện cùng lũ ma quỉ nhăn nhở. Nhưng ở giữa khu phố Norrmalm, tòa thư viện quốc gia hình tròn được xây dựng vào năm 1928 là điển hình rõ nhất cho trường phái kiến trúc chức năng. Khi gạt bỏ kiến trúc cổ truyền để chọn sự thuần lý, Thụy Điển đã phát minh ra ngành design.

GQ2D7uPK.jpgPhóng to
Vươn cao trên quảng trường Kindstragatan với năm băng ghế gỗ chung quanh một cây dẻ, ngôi nhà thờ Đức Sainte-Gertrude gợi nhắc rằng vào thế kỷ 17, người Đức rất đông đúc nên vua Charles IX cho phép họ lập giáo xứ riêng. Nhưng tương phản mạnh mẽ với kiến trúc baroque đó, nhà hàng Bon Lloc trên đảo Sodermalm chứng tỏ khả năng thích nghi của Thụy Điển. Từ lâu bị hạn chế trong thực đơn cá - khoai tây và gia cầm -khoai tây, đất nước này đã biết tưởng tượng ra lối ẩm thực tổng hợp các sản phẩm Bắc Âu và cách nấu nướng Latin. Nhờ vậy bếp trưởng Mathisa Dahlgren đã đoạt được giải thưởng quốc tế.

Để biện minh cho việc tiêu thụ rượu thái quá, các quán bar Krog buộc phải bán thêm thức ăn theo luật định. Và người dân Stockholm cũng chen nhau đến các hàng quán chỉ bán fika, loại cà phê được họ tiêu thụ nhiều nhất (10kg/năm/người) với hơn bốn tách mỗi ngày, trong khi người Ý chỉ uống được chưa đến hai tách. Còn các khách sạn ở Stockholm rõ ràng có khuynh hướng tưởng tượng.

Cho đến thế kỷ 19, khách sạn Langholmen còn là một nhà tù, với các phòng là những phòng giam cũ. Còn có các con tàu cũ được sửa đổi thành khách sạn, chẳng hạn chiếc tàu ba cột buồm Flaggmansvagen của năm 1888. Và có cả những khách sạn được biến thành con tàu, như khách sạn Victory lấy hứng từ chiếc tàu của lord Nelson với các phòng ngủ là cabin.

Trong sự qua lại thường xuyên giữa di sản và hiện đại, Bảo tàng Vasa là một bằng chứng khác cho khả năng hoán chuyển của Stockholm. Thủ đô đã dành riêng bảo tàng, vốn là một xưởng máy kỹ thuật cao, cho một con tàu gỗ bị chìm năm 1628 đúng vào ngày hạ thủy. Dài 70m và cao đến mức những cột buồm chui cả qua mái, chiếc Vasa được bao bọc trong tòa nhà sáu tầng mà mỗi tầng là một bảo tàng mini: cuộc sống trên tàu, những trận đánh trên biển Baltique, Thụy Điển vào thế kỷ 17. Ánh sáng và độ ẩm được kiểm soát thường xuyên bởi các bộ cảm biến để con tàu được trục vớt lên sau ba thế kỷ nằm im dưới đáy biển không bị tan rã. Bên dưới sống tàu, hàng dãy máy vi tính sẽ giúp khách tham quan làm quen với kỹ thuật đóng tàu vào thời kỳ đó.

Trong thời kỳ 1860, một phần ba dân số Stockholm đã di dân sang Mỹ để trốn sự nghèo đói, nhưng giờ đây đất nước này có 1 triệu rưỡi công dân gốc nước ngoài trên tổng số 9 triệu dân. Điều này giải thích cho tính chất đa tạp của Stockholm: tài xế taxi người Ethiopia, nhà sách thì đa ngôn ngữ... Điển hình còn đến từ trên cao: hoàng hậu Sophie (1836-1913, vợ vua Oscar II) là người Brazil gốc Đức, còn người dựng lên vương triều vào năm 1810 là một trong các thống chế của Napoléon: Jean-Baptiste Bernadotte, tức vua Karl XIV (1763-1844).

Sự khác biệt lớn nhất giữa Stockholm và Venice là cách sử dụng môi trường nước. Mục đích của Venice trước tiên là lợi ích. Còn với Stockholm lại là thú vui. Giữa biển Baltique và hồ Malaren, người ta đều được phép câu cá hồi trên 52 cây cầu của thành phố và bơi lội trong vô số các vịnh biển. Bởi vì trái với Venice, sự ô nhiễm của thủ đô Thụy Điển đã được chế ngự. Người ta trượt băng vào mùa đông và bơi thuyền buồm vào mùa hè, vì một phần ba dân cư thành phố đều có thuyền.

Và Stockholm còn có một ưu thế cuối cùng so với Venice: thành phố có diện tích khoảng xanh gấp ba lần diện tích xây dựng. Đó là một thành phố được xây dựng ở miền nông thôn.

MINH LUÂN (Theo Le Figaro)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên