29/07/2017 21:55 GMT+7

Sri Lanka ký trao cảng cho Trung Quốc lấy 1,12 tỉ USD

TRẦN PHƯƠNG
TRẦN PHƯƠNG

TTO - Chính quyền Sri Lanka ngày 29-7 ký thỏa thuận trị giá 1,12 tỉ USD cho phép một công ty Trung Quốc điều hành cảng nước sâu Hambantota trong 99 năm, bất chấp các phản đối và lo ngại về an ninh.

Cảng Hambantota nằm ở vị trí chiến lược nhìn ra Ấn Độ Dương - Ảnh: AFP
Cảng Hambantota nằm ở vị trí chiến lược nhìn ra Ấn Độ Dương - Ảnh: AFP

Theo thỏa thuận ký kết tại Colombo, cơ quan quản lý cảng Sri Lanka đồng ý bán 70% cổ phần cảng Hambantota cho công ty China Merchants Ports Holdings. Công ty Trung Quốc sẽ được phép điều hành cảng nước sâu của Sri Lanka trong 99 năm.

Trước đó, thỏa thuận bị hoãn trong nhiều tháng do làn sóng phản đối lo ngại quân đội Trung Quốc có thể sử dụng cảng này.

Các liên đoàn thương mại Sri Lanka hồi đầu tuần đã tổ chức đình công để phản đối thỏa thuận, cho rằng nó sẽ giúp Trung Quốc có lợi thế về điểm tiếp tế nhiên liệu trên tuyến hàng hải quan trọng nối châu Âu và châu Á.

Số tiền từ thỏa thuận sẽ được Colombo thanh toán một phần khoản nợ 6 tỉ USD đối với Bắc Kinh.

Cảng Hambantota nằm ở phía đông nam Sri Lanka được xây dựng bằng chính tiền vay từ Trung Quốc. Tuy nhiên kể từ khi hoạt động từ 2011, cảng này liên tục thua lỗ khiến Colombo phải cầu cứu Bắc Kinh.

Cảng Hambantota nằm trên vị trí chiến lược nhìn ra Ấn Độ Dương.

Theo giới phân tích, cảng là một phần của chiến lược “một vành đai, một con đường” của Trung Quốc, trong đó Bắc Kinh đã chi hàng chục tỉ USD để xây cảng, đường cao tốc, mạng lưới điện tại nhiều quốc gia để kết nối Trung Quốc với khắp châu Á, châu Âu và đến tận châu Phi.

Trước đó, Trung Quốc đã phát triển nhiều cảng ở Myanmar và Pakistan.

Chính phủ Sir Lanka khẳng định công ty Trung Quốc chỉ điều hành các hoạt động thương mại của cảng trong khi chính quyền vẫn kiểm soát an ninh. Tuy nhiên giới phân tích e rằng Bắc Kinh có thể đòi hỏi nhiều thứ hơn.

“Vấn đề là Trung Quốc sẽ phản ứng thế nào nếu các khoản đầu tư khổng lồ của mình bị đe dọa trong tương lai” - nhà phân tích Anbarasan Ethirajan của BBC nhận định.

Dưới thời cựu tổng thống Mahinda Rajapaksa, khi vừa bước ra khỏi cuộc nội chiến, Sri Lanka dựa nhiều vào tiền từ Trung Quốc để phát triển hạ tầng từ sân bay, cảng biển, đường cao tốc cho đến nhà máy năng lượng.

Ảnh hưởng của Trung Quốc tại Sri Lanka khiến nước láng giềng Ấn Độ nhiều lần lên tiếng bày tỏ lo ngại.

TRẦN PHƯƠNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên