06/07/2022 08:53 GMT+7

Sốt xuất huyết gia tăng: Không để dịch chồng dịch!

THÙY DƯƠNG
THÙY DƯƠNG

TTO - Đến nay, TP.HCM đã có gần 22.000 ca sốt xuất huyết, trong đó có 11 ca tử vong. Các chuyên gia cho rằng hiện vẫn chưa là đỉnh dịch, dịch có thể kéo dài đến quý 3 năm nay.

Sốt xuất huyết gia tăng: Không để dịch chồng dịch! - Ảnh 1.

Bệnh nhi điều trị sốt xuất huyết tại Bệnh viện Nhi đồng 1 (quận 10, TP.HCM) - Ảnh: DUYÊN PHAN

Phát biểu tại Hội nghị lần thứ 15 Ban chấp hành Đảng bộ TP.HCM khóa XI sáng 5-7, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên cho biết bên cạnh dịch COVID-19 xuất hiện biến chủng BA.4 và BA.5 của Omicron, sốt xuất huyết tại TP.HCM tăng gấp đôi so với cùng kỳ năm ngoái. 

Ông đề nghị các cấp phải ra quân quyết liệt hơn nữa, phòng chống sốt xuất huyết như phòng chống dịch COVID-19. "Nếu để dịch chồng dịch thì nguy cơ quá tải hệ thống y tế là hiện hữu, nguy cơ đứt gãy hệ thống y tế là khó tránh khỏi", ông nói.

Một tuần gần 2.500 ca, 175 ổ dịch

Liên tục trong những tuần gần đây, theo số liệu của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM (HCDC), tuần nào TP.HCM cũng có ít nhất 1 ca sốt xuất huyết tử vong. Trong đó từ ngày 24 đến 30-6, TP.HCM ghi nhận 2.428 ca, tăng 158 ca (6,9%) so với trung bình 4 tuần trước. Số ca tăng ở cả các trường hợp nhập viện điều trị nội trú và khám ngoại trú.

Ca tử vong mới nhất là một học sinh lớp 5, ngụ ở quận 12. Theo bác sĩ Đỗ Châu Việt - trưởng khoa hồi sức nhiễm Bệnh viện Nhi đồng 2, cháu bé được chuyển lên cấp cứu tại Bệnh viện Nhi đồng 2 vào ngày thứ tư của bệnh trong tình trạng sốc nặng. Cháu có bệnh nền Thalassemia (bệnh máu tán huyết) cộng với nhập viện trễ nên sau đó đã tử vong. Bác sĩ Việt cho biết số trẻ mắc sốt xuất huyết nhập viện Bệnh viện Nhi đồng 2 vẫn có xu hướng gia tăng, trong đó có nhiều trường hợp nặng. Chỉ trong sáng 5-7, tại khoa hồi sức nhiễm Bệnh viện Nhi đồng 2 đã có 12 trường hợp sốt xuất huyết nặng.

Tại Bệnh viện Nhi đồng 1, trong ngày 5-7 có 114 bệnh nhi sốt xuất huyết nằm điều trị, trong đó có 23 trường hợp nặng. Cùng ngày, số trẻ sốt xuất huyết nhập viện nằm điều trị tại Bệnh viện Nhi đồng TP.HCM ở mức cao với 152 ca. Việc điều trị cho bệnh nhi sốt xuất huyết tại các bệnh viện này khá "căng" khi số ca nhập viện luôn cao. Các bác sĩ cũng dự báo số ca nhập viện vẫn có thể tăng thời gian tới.

Sốt xuất huyết gia tăng: Không để dịch chồng dịch! - Ảnh 2.

Nhân viên Trạm y tế xã Vĩnh Lộc A, huyện Bình Chánh, TP.HCM ghi lại thông tin và hướng dẫn cách phòng chống sốt xuất huyết cho gia đình có 3 người mắc sốt xuất huyết, trong đó 2 người đang nằm viện - Ảnh: THU HIẾN

Phun thuốc là cấp thời, căn cơ phải diệt lăng quăng

Bà Lê Hồng Nga, phó giám đốc HCDC, cho biết TP.HCM đang triển khai kế hoạch tổng vệ sinh, triệt nơi sinh sản của muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết (muỗi vằn). Vừa qua các quận huyện đã diệt muỗi đồng thời tại ba khu vực là các hộ gia đình, trụ sở cơ quan đơn vị và nơi công cộng. Sắp tới sẽ tăng cường giám sát và khi nào cần thiết thì sẽ có những chiến dịch phun hóa chất diệt muỗi.

Đối với các ổ dịch, TP đều tiến hành phun hóa chất. Ngoài ra, ở những nơi có muỗi nhiều thì vẫn được phun hóa chất diệt muỗi. Bà Nga cho hay hiện nay TP không thiếu hóa chất diệt muỗi. Tuy nhiên, biện pháp phun hóa chất diệt muỗi chỉ là cấp thời. 

Phun hóa chất diệt muỗi là kỹ thuật phun không gian nên hóa chất chỉ lơ lửng trong không gian 2 giờ và chỉ có tác dụng với muỗi đang bay trong khi phun xịt. Những hóa chất này sẽ bị lắng xuống và phân hủy nên những lứa muỗi được hình thành sau đó sẽ không bị ảnh hưởng. Do vậy, việc diệt lăng quăng vẫn là căn cơ và lâu dài.

Vì sao TP.HCM đã có nhiều cuộc họp, triển khai nhiều biện pháp phòng chống dịch mà hiện số ca mắc sốt xuất huyết vẫn tăng, số ca tử vong vẫn tăng? Trả lời câu hỏi này, bà Nga cho rằng "không có lăng quăng sẽ không có sốt xuất huyết" nhưng lăng quăng lại có trong từng gia đình, có trong từng vật chứa nhỏ nhất trong nhà ví dụ như bình bông, ly nước bỏ quên, mảnh chén bỏ quên... Như vậy muốn số ca giảm phải có hành động quyết liệt không chỉ của ngành y, chính quyền địa phương mà còn từ mỗi người dân.

Do vậy, để giảm số ca sốt xuất huyết thì mỗi người dân phải dọn vệ sinh, không để có nơi bị đọng nước sạch. Dù hiện tại TP vẫn áp dụng các biện pháp xử phạt những trường hợp vi phạm, không tuân thủ quy định phòng chống sốt xuất huyết nhưng ngành y tế cũng chỉ đi giám sát ổ lăng quăng và báo cáo lại cho chính quyền địa phương chứ ngành y tế (trạm y tế, trung tâm y tế...) cũng không thể xử phạt những trường hợp này.

Theo bà Nga, vai trò của UBND các cấp rất quan trọng và nhìn nhận thời gian qua hầu hết chính quyền địa phương đều quan tâm, thực hiện kế hoạch của TP.HCM, ra quân rất rầm rộ. Tuy nhiên, bà Nga nhấn mạnh sự quan tâm đó cần phải có sự định hướng đúng, tức là triệt nơi sinh sản của muỗi, xử lý những vật chứa để không còn bị đọng nước sạch hơn là chỉ quét dọn, sạch nhà, sạch ngõ...

Sốt xuất huyết gia tăng: Không để dịch chồng dịch! - Ảnh 3.

Bệnh nhi mắc sốt xuất huyết điều trị tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương sau khi từ phía Nam ra - Ảnh: ĐỖ THANH

Người dân có thể cộng tác gì?

Theo HCDC, đến nay sốt xuất huyết chưa có vắc xin và chưa có thuốc điều trị đặc hiệu. HCDC khuyến nghị một số giải pháp phòng bệnh sốt xuất huyết cho người dân như sau:

- Dành 10 - 15 phút mỗi tuần dọn dẹp nơi mình làm việc, sinh sống, từ trong nhà đến xung quanh nhà, không để đọng nước làm phát sinh lăng quăng, muỗi như lật úp các xô, lọ, chai cũ không dùng đến; cọ rửa và thay nước lọ hoa, chén nước cúng ít nhất 1 lần/tuần, dọn dẹp mái hiên, nóc nhà, máng xối...

- Đậy kín lu, hồ, phuy chứa nước khi không dùng đến. Những nơi chứa nước không dùng để uống, sinh hoạt có thể thả cá để diệt lăng quăng.

- Sử dụng bình xịt muỗi, nhang muỗi, kem thoa xua muỗi, mặc áo quần dài tay... và ngủ màn kể cả ban ngày.

- Tích cực phối hợp ngành y tế trong các chiến dịch diệt lăng quăng và các đợt phun hóa chất phòng chống dịch.

- Trường hợp bị sốt hoặc nghi ngờ mắc sốt xuất huyết phải đến ngay cơ sở y tế để được khám, tư vấn điều trị và không tự ý điều trị tại nhà.

Mệt mỏi vì dịch COVID-19 vừa lắng thì đến sốt xuất huyết

Điều dưỡng Hoàn Kiếm - nhân viên chống dịch tại Trạm y tế xã Vĩnh Lộc A, huyện Bình Chánh (TP.HCM) - cho biết sốt xuất huyết bắt đầu căng thẳng từ tháng 4-2022, nhiều nhân viên y tế tại trạm phải làm việc liên tục từ thứ hai đến chủ nhật, thường kết thúc công việc lúc 22h, như thời chống dịch COVID-19.

Ông Đặng Bá Đạt - tổ trưởng tổ dân phố 33, ấp 4, xã Vĩnh Lộc A - cho hay ngay sau dịch COVID-19 tạm lắng, sốt xuất huyết đã nhanh chóng ập tới. Tổ COVID-19 cộng đồng gồm 5 - 7 người đã chuyển qua chống sốt xuất huyết. "Biết được độ nguy hiểm của sốt xuất huyết, chúng tôi nhanh chóng chuyển mục tiêu nhưng cũng không quên nhiệm vụ chống COVID-19. Do đã thông thuộc với địa bàn, tôi biết được hộ dân, từng người dân trong khu phố, khi phối hợp với cán bộ y tế người dân sẽ tin tưởng hơn", ông Đạt nói.

Điều dưỡng Trần Thị Thanh Nguyệt, phụ trách Trạm y tế phường Đa Kao (quận 1), chia sẻ may mắn hiện tại nhân lực của trạm vừa đủ để triển khai vừa chống dịch sốt xuất huyết vừa tiêm vắc xin COVID-19 cho người dân. Tuy nhiên đã hơn 1 tháng trôi qua, đều đặn mỗi ngày bắt đầu từ 6h các nhân viên y tế đi kiểm tra, tuyên truyền vận động bà con diệt trừ lăng quăng, muỗi, khoảng hơn 8h thì về lại trạm bắt đầu tiêm vắc xin cho người dân. Nhiều nhân viên y tế đã có dấu hiệu mệt mỏi và kiệt sức.

THU HIẾN - LƯU DUYÊN

Tính đến ngày 4-7,
toàn quốc có 92.000 ca sốt xuất huyết, 36 ca tử vong.

kiem tra lang quang mien tay 1(Read-Only)

Cán bộ CDC Cần Thơ kiểm tra lăng quăng tại nhà dân ở huyện Thới Lai - Ảnh: T.LŨY

* ĐBSCL: thêm ca nhiễm sẽ thiếu thuốc

Đến nay, các địa phương có số ca mắc sốt xuất huyết tăng cao là An Giang, Đồng Tháp, Sóc Trăng, Cần Thơ... Trong đó Đồng Tháp ghi nhận 6 ca tử vong, Long An 3 ca, Sóc Trăng 2 ca, Tiền Giang 2 ca, Vĩnh Long và Bạc Liêu mỗi tỉnh 1 ca. Bác sĩ Ông Huy Thanh, phó giám đốc Bệnh viện Nhi đồng Cần Thơ, cho hay khoa sốt xuất huyết của bệnh viện hiện trong tình trạng quá tải, hằng ngày có trên 120 bệnh nhi sốt xuất huyết điều trị nội trú, trong khi số giường thực kê chỉ có 80 giường. Áp lực của bệnh viện do còn là nơi tiếp nhận điều trị ca bệnh nặng từ một số tỉnh lân cận chuyển đến, tuy nhiên đến nay công tác điều trị hiện tại vẫn đáp ứng được.

Bác sĩ Huỳnh Minh Trúc, giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Cần Thơ, cho biết đến nay toàn thành phố ghi nhận 120 ổ dịch sốt xuất huyết. Cần Thơ là một trong số các địa phương vẫn kiên trì tổ chức xử lý công tác phun thuốc, diệt lăng quăng xử lý các ổ dịch.

Ông Dương Ân Hận, phó giám đốc CDC Đồng Tháp, cho biết số ca tử vong nhiều là do một số nguyên nhân, trong đó chủ yếu vì người dân không kịp thời nhận biết được bệnh sốt xuất huyết để đến cơ sở y tế chữa trị. Ngoài ra, do dịch đến sớm so với cùng kỳ 2021, người dân không ngờ tới dễ nhầm với các loại bệnh có sốt khác. "Hiện các bệnh viện chưa có hiện tượng quá tải, tuy nhiên thuốc và vật tư y tế cũng còn ít, nếu dịch phức tạp hơn có thể thiếu", ông Hận nhận định.

T.LŨY - Đ.TUYẾT

* Đồng Nai lo lắng vì thiếu nhân viên y tế

Ngày 5-7, ông Lê Quang Trung, phó giám đốc phụ trách Sở Y tế Đồng Nai, cho biết tỉnh vừa ghi nhận 1 bệnh nhân mắc COVID-19 tử vong sau gần 2 tháng. Bệnh nhân là nam, 61 tuổi, có bệnh tiểu đường và mới tiêm 2 mũi vắc xin.

Tại tỉnh Đồng Nai, số ca nhiễm COVID-19 cũng có xu hướng tăng với 8 - 10 ca/ngày và thực tế có thể còn cao hơn.

Ngoài bệnh COVID-19, suốt gần 2 tháng nay Đồng Nai đang căng mình chống dịch sốt xuất huyết.

Theo CDC Đồng Nai, toàn tỉnh đã ghi nhận hơn 8.600 ca sốt xuất huyết, tăng hơn 5.000 ca so với cùng kỳ năm 2021, ghi nhận 7 ca tử vong (tăng 6 ca so với cùng kỳ 2021). CDC Đồng Nai đã phát hiện tổng cộng 1.182 ổ dịch, tăng 24,03% so với cùng kỳ 2021.

Phó giám đốc Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai Nguyễn Trọng Nghĩa cho biết hiện bệnh viện đang điều trị cho gần 200 bệnh nhi mắc sốt xuất huyết, trong đó có khoảng 50 ca nặng, sốc, tổn thương cơ các quan... Bệnh viện phải huy động lực lượng từ nhiều khoa phòng khác nhau tăng cường hỗ trợ điều trị cho bệnh nhi sốt xuất huyết, trong khi đội ngũ y bác sĩ vừa trải qua đợt đại dịch COVID-19, nhiều y bác sĩ nghỉ việc dẫn tới quá tải ở hầu hết các khoa phòng.

Tương tự, Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai hiện cũng phải kê thêm ghế bố tại khoa nhiễm cho bệnh nhân sốt xuất huyết song khả năng vẫn không đáp ứng do lượng bệnh nhân ngày càng đông. Bên cạnh đó, một số bác sĩ trong khoa xin nghỉ khiến tình trạng càng thêm khó.

Theo thống kê của Sở Y tế Đồng Nai, từ tháng 11-2021 đến nay toàn tỉnh có 79 bác sĩ và 151 điều dưỡng tại các cơ sở y tế công lập xin nghỉ việc. Trước đó, năm 2019 có 104 bác sĩ và 156 điều dưỡng nghỉ việc, năm 2020 có thêm 80 bác sĩ và 131 điều dưỡng nghỉ việc. Ông Lê Quang Trung cũng nhìn nhận đây là một trong số các nguyên nhân khiến công tác phòng chống dịch gặp những khó khăn nhất định.

A LỘC

Bệnh nhân tránh nhầm lẫn những gì?

PGS.TS Đỗ Duy Cường, giám đốc Trung tâm Bệnh nhiệt đới (Bệnh viện Bạch Mai, Hà Nội), cho biết ở phía Bắc cũng đã xuất hiện lẻ tẻ các ca bệnh, đa số là do đi du lịch hoặc di chuyển từ khu vực phía Nam ra. Dự báo số ca nhập viện sẽ tăng trong thời gian tới. Điều đáng nói, những ca bệnh đều không được phát hiện sớm mà thường nhầm lẫn với một số bệnh cảm cúm, sốt thông thường dẫn đến bệnh diễn biến nặng, khó khăn trong việc điều trị.

Theo các bác sĩ, sốt xuất huyết mới bắt đầu xuất hiện các ca và dự báo đỉnh dịch vào tháng 8. Chính do những ca bệnh xuất hiện sớm khiến nhiều cơ sở y tế bỏ qua xét nghiệm, chẩn đoán sốt xuất huyết. Vì thế, cần theo dõi chặt chẽ người trở về từ các vùng dịch có xuất hiện các triệu chứng như sốt cao đột ngột, đau đầu, đau mỏi người... không được tự uống acid acetylsalicylic (aspirin), mefenemic acid (ponstan), ibuprofen; các chất chống viêm không-steroid khác (NSAID) hay các thuốc steroid. Nếu đã uống thuốc này, người bệnh cần tới bác sĩ để thăm khám, kiểm tra ngay.

DƯƠNG LIỄU

Dấu hiệu chuyển nặng của sốt xuất huyết và COVID-19 khác nhau ra sao? Dấu hiệu chuyển nặng của sốt xuất huyết và COVID-19 khác nhau ra sao?

TTO - Sốt xuất huyết nặng gây sốc giảm thể tích, xuất huyết và tổn thương đa cơ quan. COVID-19 nặng chủ yếu là tổn thương phổi, não, và một số hậu quả của phản ứng viêm, còn gọi là cơn bão cytokine.

THÙY DƯƠNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    Chủ đề: sốt xuất huyết