20/11/2013 16:18 GMT+7

Sống cùng Thu Bồn - Kỳ 2: Kinh đô lụa là

HUỲNH VĂN MỸ
HUỲNH VĂN MỸ

TTO - Qua những biến thiên, lưu vực những con sông lớn như một chiếc nôi lưu giữ những trầm tích văn hóa mà những người đến sau có thể từ đó khám phá ra phần nào quá khứ. Thu Bồn là một dòng sông như thế...

Kỳ 1: Cảng thị của "con đường tơ lụa trên biển"

CPNfw4AV.jpgPhóng to
Cảng cá mới hình thành trên sông Thu Bồn, đoạn dưới làng Thanh Chiêm và trên phố cổ Hội An. Hình ảnh đoàn kình ngư khiến liên tưởng đến đoàn tàu hùng hậu của thủy quân chúa Nguyễn ở dinh trấn Thanh Chiêm thuở xa xưa, cách Hội An chừng 7 km về hướng tây

Ngồi thuyền từ bến Nồi Rang hay bến An Lương để vượt Thu Bồn sang đô thị Hội An ai cũng thấy cù lao Chàm với những dãy núi cao giăng giăng trước cửa Đại. Rồi theo đường thẳng cù lao Chàm - cửa Đại nhìn lên phía tây lại cũng là những dãy núi cao với mỏm nhọn hiện ra.

Kinh thành cổ Trà Kiệu - Simhapura

Những dãy núi đó là bức tường thành của thung lũng Mỹ Sơn - nơi có khu đền tháp Chăm là di sản văn hóa thế giới. Dưới Mỹ Sơn không xa, cũng trên đường thẳng cù lao Chàm - cửa Đại - Mỹ Sơn, là di tích kinh thành cổ Trà Kiệu, có tên gọi Simhapura - kinh thành Sư tử của người Chăm xưa.

Simhapura nằm kề bờ hữu Thu Bồn được xây dựng bởi vua Bhadravarman (380-413) và chỉ mới được các học giả người Pháp phát hiện rồi khai quật vào những năm 1927-1928. Quả thực người Chăm xưa đã có một cái nhìn thông suốt về địa lý - chính trị - kinh tế khi chọn Trà Kiệu làm kinh đô với ưu thế của Thu Bồn trong việc kết nối giao thông nội vùng và cả với bên ngoài vương quốc.

Do bị cư dân xâm chiếm làm nhà cửa, công trình tôn giáo, kinh thành cổ này chỉ còn lại một đoạn thành phía Nam dài 1.500m (rộng 30m, cao 3m) còn khá nguyên vẹn. Trong khá nhiều những di vật và thông tin thu được từ cuộc khai quật đầu tiên của nhà khảo cổ học J. Y. Claeys, di vật vô giá mà Simhapura để lại cho đời là “đài thờ vũ nữ Trà Kiệu” có kích thước lớn, bằng sa thạch, được trưng bày ở Bảo tàng Chăm Đà Nẵng.

VvDEzfNn.jpgPhóng to
Nhà thờ Ngũ Xã Trà Kiệu, nơi thờ phụng 13 vị tiền hiền mở đất, là di tích lịch sử cấp quốc gia (2005) - Ảnh: H.V.M.

Sau bao biến động, đổi thay, vùng Simhapura hoang phế nằm sát núi kề sông lại mở ra trang mới với công cuộc mở đất đầy cảm động của những lớp di dân mới.

541 năm trước, 13 di dân vùng Thanh Hóa, Nghệ An đã vào Trà Kiệu khai khẩn vùng đất bên sông bãi Thu Bồn và các chân núi Tào Sơn, Hòn Bằng, Bửu Châu để lập nên xã hiệu Trà Kiệu với hơn ngàn mẫu ruộng. Bên trang sử mở đất được truyền ghi, 333 năm trước dân làng Trà Kiệu đã xây nhà tự đường chung cho 13 vị tiền hiền này.

“Làng Trà Kiệu thời vua Thành Thái (1905) được chia thành năm xã là Trà Kiệu Thượng, Trung, Đông, Tây, Nam, gọi chung là Ngũ Xã Trà Kiệu. Nhưng từ đó đến nay người Ngũ Xã vẫn tụ tập về nhà thờ chung gọi là nhà thờ Ngũ Xã Trà Kiệu, được người Ngũ Xã chung sức làm lại hồi năm 1955, còn mãi đến giờ.

Cũng nhờ còn ngôi nhà thờ, còn các sắc phong, còn các ghi chép, điền bộ xưa mà hồi năm 2000 người Trà Kiệu mình mới tổ chức Lễ hội 530 năm Ngũ Xã Trà Kiệu đó...”, ông Dương Đức Quý - cư dân Trà Kiệu, nói về mái tự đường hiếm có trong lịch sử mở cõi về Nam.

Lụa Thu Bồn

Đây chính là của báu của Thu Bồn dành cho cư dân. Sách Phủ biên tạp lục của Lê Quý Đôn viết: “Ở Quảng Nam lụa thuế chỉ lấy ở hai phủ Thăng Hoa và Điện Bàn. Phủ Thăng Hoa hàng năm nộp thuế lụa là 1.545 tấm. Thuộc Hoa Châu của phủ Thăng Hoa hằng năm nộp 809 tấm lụa thuế và 11 tấm lụa lễ, tất cả chứa trong 17 hòm để nộp”.

Khó có thể nói một lượng lụa thuế lớn như thế thời bấy giờ lại không được lấy từ vùng dâu tằm lớn dọc hai bên bờ Thu Bồn vốn nằm trong hai địa hạt nói trên. Và ngày nay những người làm tằm tơ canh cửi bên sông không chỉ giữ được nghề xưa mà còn vươn đến công nghiệp dệt từ di sản lụa Thu Bồn của mình.

Giữa trưa, trong trại nuôi tằm của mình, ông Trịnh Anh ở làng dệt lụa Mã Châu miệt mài nhặt những con tằm già bỏ lên chà bủa dể chúng làm kén, kết thúc một lứa tằm. “Tính ra cũng sống được với nghề. Cái đất bên sông chịu cây dâu, cái nghề tằm tơ canh cửi này là nghề cha truyền con nối của dân Thu Bồn mình mà"... , ông Anh nói.

cXOGDL0u.jpgPhóng to
Ươm tơ tại một xưởng ươm ở Chiêm Sơn, xã Duy Trinh - Ảnh: H.V.M.
Vkv653cG.jpgPhóng to
Kén tằm chín vàng nong đang chờ ươm - Ảnh: H.V.M.
fSX7BN28.jpgPhóng to
Dệt vải từ sợi cotton ở xưởng dệt Hùng Sương (44 máy dệt) ở làng Mã Châu, thị trấn Nam Phước, toàn thị trấn có trên 2.000 máy dệt gỗ, sắt

Những người trồng dâu nuôi tằm lấy kén dọc sông Thu Bồn giờ còn lại không nhiều vì lụa tơ tằm không cạnh tranh nổi với các loại lụa làm bằng tơ nhân tạo ngoại nhập có giá rẻ. Kén tằm của người nuôi tằm Thu Bồn nay đang thiếu, được bán cho các lò ươm tơ trong vùng để kéo thành sợi cung cấp cho hai làng dệt lụa còn lại của vùng Thu Bồn là Mã Châu và Đông Yên (đều thuộc huyện Duy Xuyên).

Tặng vật lớn mà Thu Bồn trao tặng cư dân nơi nó đi qua có lẽ là những bãi biền thấm đẫm phù sa nằm dọc hai bờ ở vùng trung và hạ nguồn. Hiệp Thuận, Trà Linh, Tý, Sé, Bình Yên, Đại Bình, Duy Tân, Đại Thạnh, Đại Phước, Duy Châu, Chiêm Sơn, Thi Lai, Hà Mật, Bảo An, Xuân Đài... là những bãi biền từng ngút xanh cây dâu của các huyện Hiệp Đức, Nông Sơn, Duy Xuyên, Đại Lộc, Duy Xuyên, Điện Bàn thời xưa cũng như những năm 1980 với hơn ngàn héc-ta, Thu Bồn chính là dòng sông tơ lụa!

Bên cạnh nghề dệt lụa, các xã dọc bờ Thu Bồn (nhiều nhất là ở huyện Duy Xuyên) nhiều chục năm qua đã chuyển thành những làng, những hợp tác xã, những công ty dệt bán công nghiệp và công nghiệp - “một hiện tượng về công nghiệp dệt ít có ở vùng nông thôn trong nước” như nhiều người nhận xét.

Những năm cuối thập niên 1950 và đầu thập niên 1960, một số người ở các làng dệt lụa dọc Thu Bồn đã tìm đến định cư ở Sài Gòn. Nghề dệt lụa mang theo như hành trang, không chỉ giúp họ kiếm sống và vươn lên nơi đô thành mà còn giúp được quê nhà, đã lôi cuốn thêm nhiều lớp di dân từ quê nhà vào đó sống với nghề dệt lụa, dệt vải.

Một “dấu ấn” độc đáo của những thợ dệt Thu Bồn định cư ở Sài Gòn là họ đã lập nên một làng thuần rặt người Quảng Nam giữa Sài Gòn với đại đa số người sống bằng nghề dệt và các dịch vụ nghề dệt - làng dệt Bảy Hiền nay thuộc P.11, Q.Tân Bình, TP.HCM - một tương tác với sự phát triển của nghề dệt quê nhà Thu Bồn.

Có lẽ ít có dòng sông nào trên đất nước đến nay còn giữ được nghề dệt lụa ngay trên biền bãi phù sa của mình như Thu Bồn. Và có lẽ cũng không có mấy vùng cư dân đã chuyển hóa chiếc khung dệt lụa sang chiếc khung dệt các loại sợi khác để tồn tại và đi lên với dòng sông quê mình như những người dệt lụa đất này.

HUỲNH VĂN MỸ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên