28/02/2022 08:57 GMT+7

Sống chung với Omicron ở xứ tuyết trắng

HẢI YẾN (từ Canada)
HẢI YẾN (từ Canada)

TTO - Thời dịch giã này, không phải cứ có tiền là muốn gì cũng được. Bạn có tiền, nhưng bạn không có passport vaccine 2 doses (hai mũi chích), bạn sẽ chẳng được vào nhà hàng, rạp chiếu phim, hồ bơi hoặc các khu mua sắm tại Canada.

Sống chung với Omicron ở xứ tuyết trắng - Ảnh 1.

Tác giả Hải Yến. Hoạt động nhóm nhỏ ngoài trời không bị quy định đeo khẩu trang như trong nhà - Ảnh: HẢI HUỲNH

Bạn cũng không được đi máy bay, xe lửa và xe buýt liên tỉnh nếu thiếu passport quyền lực này...

1. Passport vaccine là một trong những biện pháp mà Chính phủ Canada kêu gọi toàn dân chích ngừa vắc xin.

Ngoài hệ thống y tế của chính phủ, bạn có thể chích ngừa ở các nhà thuốc tư nhân ngay cạnh nhà, thậm chí có cả những bàn chích ngừa "dã chiến" đặt ngay trong khu mua sắm để thuận tiện cho dân đi lượn shopping mà... không có thời gian đi chích ngừa.

Với trẻ em dưới 12 tuổi, đa số cha mẹ đăng ký cho chích ngừa tại trường. Khi chích xong, các em được tặng quà kèm với bằng khen "Diplôme de l’enfant courageux" (Bằng khen cho trẻ em dũng cảm) nên các em rất hào hứng và vui vẻ chích ngừa.

Đến nay, 80% dân số Canada đã chích ngừa được 2 mũi, có khoảng 50% dân số đã chích ngừa mũi thứ 3. Lý do mũi thứ 3 vẫn chưa chích được nhiều vì đợt nghỉ lễ cuối năm 2021 vừa qua có quá nhiều người bị dương tính do Omicron lây lan nhanh, đỉnh điểm là ngày 29-12 có đến 18.372 ca trên toàn Canada.

Gia đình và một số bạn bè của tôi cũng không thoát khỏi con Omicron quá nhanh này. Người bị nặng thì sốt 3-4 ngày, uể oải và nhức mỏi như bị cảm cúm. Người bị nhẹ chỉ hơi đau họng và ho khan như triệu chứng viêm họng khi trời trở lạnh.

Có những người 2 vạch đậm lè nhưng không hề có bất kỳ triệu chứng gì. Thật sự bản thân tôi cũng không chắc mình có từng bị dương tính hay không vì những người thân tôi tiếp xúc trực tiếp ngày hôm trước thì ngay hôm sau họ báo tin: "Nhà này 2 vạch rồi, thấy có triệu chứng gì là phải test liền nhe".

Tôi hết sức cẩn thận "giữ mình" theo đúng quy định của ngành y tế: đeo khẩu trang, rửa tay thường xuyên, giãn cách nơi công cộng nên đến nay vẫn chưa 2 vạch, còn khi nào dính 2 vạch chỉ có... trời mới biết.

Hiện nay, 20% dân số Canada vẫn không chịu chích ngừa, với lý do chung chung là thuốc này còn quá mới, chưa đủ thời gian để thử nghiệm và chưa biết tác dụng phụ sau này ra sao. Một số người lại cho rằng... cộng đồng chích nhiều rồi thì họ không cần chích nữa vì sẽ không ai còn bệnh để mà lây qua họ.

Chị Thanh Ngọc, học chung lớp tiếng Pháp với tôi, là một trong số đó. Chị dứt khoát không chịu chích ngừa dù chồng con năn nỉ suốt cả năm nay. Chính vì không chích ngừa nên khi chấm dứt học online để quay lại trường học thì chị "thà nghỉ học chứ không chích ngừa".

Còn chồng con chị thường xuyên rủ nhau đi thăm thú những nơi buộc phải có passport cho chị... tức chơi, nhưng chị chỉ cười vào các quy định của chính phủ: "Không cho ăn ở nhà hàng thì đặt Uber Eats, shopping online cho rẻ, cần quái gì phải có passport cho mệt xác".

2. Thật ra việc kiểm tra passport vaccine ở Canada rất đơn giản, bạn chỉ cần trình code đã chích ngừa (đa số mọi người lưu trong điện thoại cho tiện) và trình thêm thẻ ID có tên trùng khớp với tên trên code vaccine là được.

Đơn giản vậy nhưng mất thêm thời gian để chờ đợi vào cửa, nhất là những ngày cuối tuần. Đặc biệt khi có chương trình giảm giá, lối vào cửa luôn xếp hàng rồng rắn vì mỗi người phải tốn ít nhất 1 phút để nhân viên kiểm tra passport và thẻ ID, nên có khi xếp hàng cả 30 phút mới được vào cửa là chuyện thường tình.

Thêm quy định giãn cách "2m2/người", vì vậy khi cửa hàng đó đã đủ số khách thì cứ một khách bước ra ngoài, nhân viên mới tiếp tục mời khách khác bước vào. Nhiều lúc chờ đợi lâu ngoài trời mùa đông, mọi người chỉ biết nhìn nhau "On s’ habitue" (Quen rồi).

Khổ nhất là đi vệ sinh cũng phải xếp hàng. Thường khi cơ thể... báo động, lúc đó mới đi tìm nhà vệ sinh thì hỡi ôi hàng dài lê thê vì các phòng vệ sinh cũng... giãn cách. Ví dụ khu vệ sinh trước đây mở cửa 10 phòng thì do dịch phải đóng cửa hết 5 phòng để bảo đảm không... ngồi sát nhau khi đi vệ sinh.

Sống chung với Omicron ở xứ tuyết trắng - Ảnh 2.

Người dân Canada vẫn phải đeo khẩu trang nghiêm ngặt trên các phương tiện giao thông công cộng - Ảnh: HẢI YẾN

3. Thêm điểm khác biệt của dân Á và dân Tây nữa là việc đeo khẩu trang. Trong khi dân Á ngoan ngoãn đeo khẩu trang mọi lúc mọi nơi thì dân Tây nhiều lần biểu tình phản đối đeo khẩu trang. Tôi đã chứng kiến cảnh xô xát trên chuyến metro: một cô Tây rất trẻ đeo khẩu trang nhưng để hở mũi.

Một bà lớn tuổi người Việt nhắc cô ta kéo khẩu trang lên để giữ an toàn cho mọi người. Chuyện chỉ có thế, nhưng cô ta gào thét lên là cô ta đã chích ngừa, cô ta không sốt, không ho bla bla... và cô ta sấn tới, gỡ khẩu trang ra, đưa mặt mình gí sát vào mặt bà nọ chửi thề và đạp lên giày của bà mấy đạp thật mạnh...

Khi đi học, các con tôi đều đeo khẩu trang trong lớp nhưng đến giờ ăn tại cafeteria là chúng tự do tháo khẩu trang để ăn uống và chuyện trò, mặc dù sáng nào tôi cũng dặn dò phải giữ khoảng cách. Giờ học thể dục cũng vậy, con trai tôi vẫn đeo khẩu trang để đá banh nhưng khẩu trang chỉ che miệng vì "che mũi sao mà con thở được".

Bản thân tôi thấy khẩu trang không có gì là quá phiền phức, thậm chí trời lạnh có khẩu trang che mặt ấm hơn rất nhiều, nhưng cô bạn Bolivian làm chung với tôi thì ghét cay ghét đắng cái khẩu trang vì nó... che mất lớp trang điểm kỹ lưỡng của cô ấy. Thật thảm họa cho phụ nữ thích làm đẹp.

Thêm một vấn đề nữa là nước sát trùng. Mùa đông ở Canada, tay đã khô cộng thêm phải sát trùng liên tục nên nhiều chị em tay khô đến nỗi nứt chảy máu mà không có loại kem bôi tay thần thánh nào chữa được. Đến bất cứ nơi nào cũng phải rửa tay, đi chục cái cửa hàng trong khu thương mại là phải rửa đủ cả chục lần.

Chính vì phải đảm bảo sức khỏe cho bệnh nhân nên các phòng khám bệnh tiến hành sát trùng tối đa có thể. Trước đây, nếu thư ký lấy hẹn 30 phút cho một bệnh nhân thì giờ phải trừ hao thêm 15 phút để xịt khuẩn và lau dọn các dụng cụ cũng như bàn ghế mà bệnh nhân vừa sử dụng xong. Các dịch vụ như tiệm nail hay nhà hàng cũng thế, luôn phải trừ hao thời gian để vệ sinh sạch sẽ cho khách đến sau.

Mới vài ngày trước, tin vui từ Bộ trưởng Y tế tỉnh bang Québec Christian Dubé: "Từ ngày 14-3-2022, Québec sẽ bãi bỏ hoàn toàn passport vaccine. Tuy nhiên, khẩu trang vẫn bắt buộc tại tất cả các không gian công cộng trong nhà trên địa bàn bang". Tin này làm cho chị bạn Thanh Ngọc của tôi... hả hê nhất: "Đấy, đã bảo không nghe! Trước sau gì cũng phải bỏ passport thôi, cứ bày thêm cho rách việc...".

Tuy nhiên, những người như tôi vẫn luôn ủng hộ... chích và chích.

Dịp cuối năm vừa rồi, cả nhà bay đi chơi vì chưa bao giờ vé máy bay nội địa rẻ như năm nay, chị Thanh Ngọc vẫn... già mồm: "Kiểm tra passport phiền phức quá ai mà thèm đi, giờ vé ế nên nó phải hạ giá thôi".

Chẳng biết chị có chạnh lòng khi thấy chồng con đi chơi hay không, chỉ biết là hằng ngày chị vẫn miệt mài ôm máy tính và làm việc với nhóm... giải cứu thế giới khỏi COVID-19 mà không cần vắc xin(!).

Năm ngoái khi Canada lockdown, phải học online thì đa số các em không hào hứng, thậm chí chán nản buồn ngủ. Năm nay mọi nơi mở cửa nên các em thoải mái đi lại, chỉ khác là trẻ em trên 6 tuổi bắt buộc phải đeo khẩu trang khi chơi bên trong nhà.

Vợ chồng Mai Hân và Thanh Bình, bạn của tôi, có hai con ở tuổi cấp I. Tuần nào họ cũng lái xe 1 giờ 30 phút để đưa hai con đi trượt tuyết trên núi "để cho con thoải mái cởi bỏ khẩu trang sau 5 ngày bắt buộc phải đeo khẩu trang ở trường".

Thêm một hoạt động mùa đông mà trẻ em rất mê là pêche sur la glace (câu cá trên băng). Mỗi năm hoạt động này chỉ có khoảng 5 tuần (vào tháng 1 và tuần đầu của tháng 2), lúc mặt sông đóng băng bảo đảm đủ dày và cứng.

Ở nơi đó, dịch vụ họ dựng sẵn từng cabin và đục lỗ trên băng cho du khách thả câu mà không sợ con virus. Có cả bàn ghế và lò sưởi bên trong cabin cho các ngư dân thong thả chờ cá đớp mồi.

Bên ngoài cabin là khu vui chơi cho trẻ em đánh hockey, trượt phao hoặc nặn tượng bằng tuyết... "Không phải lúc nào cũng câu được cá, nhưng là dịp để người lớn họp mặt, con cái vui chơi thoải mái trong mùa dịch" - Mai Hân chia sẻ rất thật.

Sẽ phải sống chung với Omicron? Sẽ phải sống chung với Omicron?

TTO - Các quốc gia tại Đông Nam Á đã ghi nhận từ vài chục cho tới vài trăm và vài ngàn ca nhiễm Omicron trong những tuần qua. Tại Thái Lan, dự báo Omicron sẽ chiếm 97-98% ca nhiễm cộng đồng vào cuối tháng này.

HẢI YẾN (từ Canada)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên