Sơn La: bản sắc nhạt phai

PHAN CẨM THƯỢNG 12/07/2014 05:07 GMT+7

TTCT - LTS: Họa sĩ, nhà nghiên cứu văn hóa Phan Cẩm Thượng vừa có chuyến đi khảo sát vùng Tây Bắc. Dưới đây là ghi nhận của ông từ vùng Sơn La và những biến đổi của miền đất này sau ba thập niên.

Những phụ nữ Thái Đen bán hàng ở chợ Sơn La - Ảnh: Vũ Hiếu

Sau 30 năm tôi mới quay lại Sơn La. Những cánh rừng già và những nếp nhà sàn người Thái to rộng đã biến mất, đó là một thực tế phải chấp nhận, cũng như thay vì đi từ Hà Nội - Sơn La mất hai ngày đường xưa kia thì bây giờ mất tám giờ thôi.

Thành phố Sơn La thay đổi hoàn toàn khiến tôi không nhận được ra những vẻ cũ, trừ di tích nhà tù Sơn La trên ngọn đồi cao có thể nhìn thấy toàn cảnh thành phố dưới những dãy núi đá rất đẹp. Ban đêm thành phố vẫn còn nhiều quán ăn và nhiều thanh niên đi chơi.

Nhà sàn chỉ cho một thế hệ

Những nếp nhà sàn bản người Thái Đen ở gần thành phố và những huyện xung quanh có lẽ thuộc thế hệ năm 2000. Chúng nhỏ hơn, xộc xệch, lợp bằng mái tôn hoặc fibrô ximăng, chỉ dùng cho một thế hệ - tức là một gia đình nhỏ, chứ không phải đại gia đình người Thái như xưa kia. Xen lẫn đó là những nhà xây.

Đời sống của những người dân Thái cũng không đồng đều, có người giàu, rất giàu, xe ôtô đẹp đắt tiền, còn phần lớn nghèo, có người nghèo hơn mức tưởng tượng, đó cũng là kết quả tất yếu của nền kinh tế thị trường, không thể bình quân như thời đầu hòa bình (năm 1955) hay thời bao cấp.

Ở thành phố Sơn La và những bản lân cận, hiếm thấy một phụ nữ Thái nào ăn mặc hoàn toàn truyền thống. Họ chỉ mặc váy theo lối cũ, còn trên là áo kiểu thông thường, duy chỉ có cái tằng cấu là vẫn thế, tức những phụ nữ đã có chồng thì búi tóc cao thành một búi lớn trên đỉnh đầu (người chưa có chồng thì búi sau gáy).

Người có chồng thường phải làm ăn buôn bán, chạy chợ, họ đi xe máy, đội mũ bảo hiểm nhưng thòng dây dài để đội cho cả tằng cấu, nên thực chất mũ bảo hiểm che cho cái búi tóc nhiều hơn. Đó là tập tục, người phụ nữ Thái Đen không muốn thay đổi. Tôi thấy rất nhiều phụ nữ Thái Đen gánh chút hàng ra chợ, vài mớ rau, vài bắp ngô, đòn gánh chỉ là một cây bương nhỏ, họ đi lại rất thong thả.

Phụ nữ Thái đội mũ bảo hiểm trên tằng cấu - Ảnh: Vũ Hiếu

Tôi không tưởng tượng được nếu chỉ có chút hàng kia thôi thì họ thu được bao nhiêu tiền, có lẽ là một hai chục cho một buổi đi chợ. Một người Thái thì thầm với tôi: nếu những cô này bị phạt một lần về giao thông thì đi toi cả nương ngô.

Gốm Thái qua thời cực thịnh

Vùng Mường La nơi có đập thủy điện Sơn La rất vắng vẻ, hầu như không có người ở. Mùa này nước cạn trơ ra những mép nước bên sườn núi. Gần đập vài cây số là thị trấn huyện, tên là Ít Ong, có lẽ là một tên tiếng Thái, không rõ nghĩa gì, mặc dù vậy đây là vùng rất nhiều ong. Thị trấn cũng đơn sơ nghèo nàn, những chủ hàng cơm người xuôi rất đon đả niềm nở mời ăn và mua mật ong. Giống ong ruồi mật trong và có vị mát chứ không đậm đặc như mật ong thông thường.

Vùng Mường Chanh, nơi quý tộc Thái ở cũ, đường đi quanh co rất ngoạn mục, làng bản gần nhau và nghèo. Chúng tôi tìm đến nghệ nhân làm gốm Thái duy nhất tên là Hoàng Văn Nam.

Ông năm nay chừng ngoài 70 tuổi, nhưng còn khỏe, hình như hằng tháng được trợ cấp 250.000 đồng để duy trì nghề này, tuy vậy sản phẩm ông làm ra không nhiều ý nghĩa sử dụng, mà thường được mua làm kỷ vật sưu tập, giá cũng đắt, một đồ gốm cỡ trung bình khoảng 300.000 đồng. Với số tiền đó, người ta mua được năm, bảy món đồ nhựa, nên gốm Thái tự nhiên chết.

Gốm Mường Chanh hoàn toàn là gốm đất nung không men, có màu đen. Lò gốm của ông Nam đào và nung ngay bên sườn đồi. Gốm Mường Chanh có làm bàn xoay, nhưng hình dáng cũng không cân đối lắm do bàn xoay thô sơ, quay không ổn định... Nghề này vốn không thông dụng ở người Thái, mà chỉ được làm thi thoảng.

Năm 1977, do thời bao cấp quá khó khăn nên nhiều nghề cổ phục hồi để tự cung tự cấp, nhiều gia đình bản Thái cùng nhau làm đồ gốm. Khoảng năm 1986 việc làm gốm lại suy thoái do đồ nhựa, đồ sắt nói chung toàn quốc rẻ hơn, tiện dùng hơn chiếm ưu thế. Mười năm đó là thời cực thịnh của gốm Mường Chanh.

Bản sắc xa vời

Dẫn đường cho chúng tôi đi là một bạn nhà báo cũ tên Sơn, rất thông thạo quê hương mình và trước có nhiều bài phóng sự về Sơn La. Hiện hằng năm anh chỉ làm vài món thịt hun khói theo truyền thống ẩm thực Thái. Món thịt hun khói của anh đã nổi tiếng không chỉ ở Sơn La và rất đắt hàng vào dịp tết.

Trên đường về chúng tôi tạt vào một gia đình nông dân dưới xuôi, lưu lạc lên Sơn La lập nghiệp. Gia chủ cho biết ở quê anh rất nghèo, khi mất hết đất nông nghiệp bèn bán nhà được hơn 30 triệu đồng, đưa ba con lên Sơn La thuê nhà gần một trường học, vợ đi bán xôi cho học sinh, chồng bán tạp hóa rong.

Trời đất phù hộ, vùng này cũng dễ sống, anh mua được mảnh đất nhỏ, dựng nhà, sau năm năm kiếm được mảnh đất to hơn nuôi ong lấy mật, hiện kinh doanh mật ong hoàn toàn với hơn 200 tổ. Con cái đã trưởng thành và có cháu để bế bồng hằng ngày. Vợ chồng anh chừng 50 tuổi.

Một quầy hàng quần áo di động do người miền xuôi bán ở Mường Chanh - Ảnh: Vũ Hiếu

Trên đường vào các bản Thái, tôi thấy nhà buôn dưới xuôi mang xe tải nhỏ chở quần áo, rồi dựng cửa hàng tạm ngoài đường làng bán rong, vài chục ngàn đồng một áo sơmi. Đời sống cứ thế, không ai chết đói cả, nhưng ai cũng vất vả, còn bản sắc văn hóa có lẽ là câu chuyện ngày càng xa vời.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận