13/06/2022 18:21 GMT+7

'Sợ thanh tra lạm quyền nên vô tình trói chân họ, đến thanh tra phải báo trước'

THÀNH CHUNG
THÀNH CHUNG

TTO - "Không phải vì sợ tiêu cực mà lựa chọn cách dễ nhất là đến hẹn lại lên, mỗi năm có thông báo trước với doanh nghiệp tới ngày đó, giờ đó đến thanh tra”, đại biểu Phạm Khánh Phong Lan, trưởng Ban quản lý an toàn thực phẩm TP.HCM, bình luận.

Sợ thanh tra lạm quyền nên vô tình trói chân họ, đến thanh tra phải báo trước - Ảnh 1.

Đại biểu Phạm Khánh Phong Lan (TP.HCM) - Ảnh: Quochoi.vn


Kiểm tra doanh nghiệp luôn là chủ đề nóng

Nêu ý kiến thảo luận về dự án Luật thanh tra (sửa đổi) chiều 13-6, đại biểu Phan Đức Hiếu (Thái Bình) nhận định thanh tra, kiểm tra có thể tạo ra những gánh nặng không cần thiết đối với nhiều doanh nghiệp, khi nội dung thanh tra, kiểm tra trùng lặp, có hiện tượng cán bộ lợi dụng công tác thanh tra, kiểm tra để nhũng nhiễu doanh nghiệp hay một số doanh nghiệp bị thanh tra, kiểm tra quá mức...

Hệ quả, các doanh nghiệp phải dành nhiều thời gian, bỏ dở công việc kinh doanh chỉ để xoay xở với những yêu cầu của cán bộ thanh tra, kiểm tra. Vấn đề thanh tra, kiểm tra doanh nghiệp luôn là chủ đề nóng trong các đối thoại với cơ quan chính quyền.

Theo ông Hiếu, Chính phủ và Thủ tướng đã yêu cầu các cơ quan nhà nước khi tiến hành việc thanh tra, kiểm tra phải theo hướng lồng ghép, phối hợp và kế thừa kết quả hoạt động giữa các cơ quan. Công khai trước kế hoạch thanh tra, kiểm tra và kiểm toán doanh nghiệp để tránh trùng lặp, chồng chéo; không thanh tra, kiểm tra khi không có căn cứ theo quy định của pháp luật...

Qua đó, ông đề nghị Chính phủ bổ sung đánh giá đầy đủ về tình hình thanh tra, kiểm tra doanh nghiệp, làm cơ sở cho hoàn thiện quy định trong luật về thanh tra chuyên ngành/thanh tra doanh nghiệp.

Tranh luận lại, đại biểu Phạm Khánh Phong Lan (TP.HCM) chia sẻ từ thực tế công tác trong lĩnh vực quản lý an toàn thực phẩm ở TP.HCM, bà nhận thấy trong thanh tra phải vừa theo kế hoạch vừa phải đột xuất.

Bà Lan nói trong những lĩnh vực có nhiều vi phạm kéo dài hàng năm liền, luôn bị dư luận đặt câu hỏi tại sao trong báo cáo thanh tra tỉ lệ phát hiện vi phạm rất thấp, chính là vì cách thanh tra theo kế hoạch, lại còn báo trước, "người ta sẽ chuẩn bị hết 'vở sạch chữ đẹp' để đón tiếp đoàn thanh tra".

“Tôi nói thẳng với đội ngũ thanh tra của mình là phải phát huy tất cả mặt mạnh, đặc biệt là phát hiện sai phạm qua thông tin của quần chúng, báo chí, và khi làm phải bất ngờ thì mới thực sự nắm được thực tế”, đại biểu TP.HCM nói.

"Chúng ta sợ đội ngũ thanh tra lạm quyền, lợi dụng chức vụ tiêu cực cho nên vô hình trung 'trói tay trói chân' thanh tra. Việc nào ra việc đó, tiêu cực phải có cơ chế giám sát của các cơ quan chức năng, của thủ trưởng, phải có đào tạo răn đe, trong trường hợp sai phạm thì xử lý. Không phải vì sợ tiêu cực mà chúng ta lựa chọn cách dễ nhất là đến hẹn lại lên mỗi năm có thông báo trước với doanh nghiệp tới ngày đó, giờ đó đến thanh tra”.

Sợ thanh tra lạm quyền nên vô tình trói chân họ, đến thanh tra phải báo trước - Ảnh 2.

Đại biểu Trịnh Xuân An (Đồng Nai) - Ảnh: Quochoi.vn

Huyện nào cũng nhất thiết phải có thanh tra?

Cho ý kiến về hệ thống thanh tra, đại biểu Trương Xuân Cừ (Hà Nội) đồng tình giữ lại thanh tra cấp huyện, tuy nhiên ông băn khoăn có phải huyện nào cũng phải có thanh tra không, vì trong 705 đơn vị hành chính cấp huyện, các quận, huyện ở thành phố, thị xã khác biệt rất xa với nhiều huyện miền núi, về quy mô, tính chất trong quản lý nhà nước...

Ông dẫn chứng một quận ở Hà Nội thu ngân sách năm 2021 là 12.000 tỉ đồng, trong khi một huyện miền núi thu 15 tỉ đồng. Do đó, cứ đơn vị hành chính cấp huyện là phải có thanh tra thì khó nhất quán.

Tranh luận lại, đại biểu Trịnh Xuân An (Đồng Nai) cho rằng xác định tiêu chí thu ngân sách cấp huyện để xem có hay không tổ chức thanh tra cấp huyện là việc cần đánh giá thật kỹ. Thực tế chỗ nào có cơ quan quản lý, cấp quản lý, chỗ đó có thanh tra, cấp huyện là cấp quản lý nhà nước nên có cơ quan thanh tra là hợp lý.

Ông An cũng chia sẻ khi theo dõi lực lượng thanh tra và các lực lượng khác về trang phục, ông nhận thấy có sự lạm dụng trang phục lực lượng vũ trang cho cơ quan công quyền, đặc biệt trong ngành thanh tra, ví dụ trang phục của một chánh thanh tra cấp bộ có quân hàm đeo giống hệt thiếu tướng công an.

Đại biểu Đồng Nai đề nghị rà soát lại trang phục của lực lượng thanh tra, kiểm lâm, quản lý thị trường, kiểm toán… và cảnh báo xu hướng "vũ trang hóa" trang phục các lực lượng này.

Phó thủ tướng Vũ Đức Đam: Phó thủ tướng Vũ Đức Đam: 'Chắc chắn phải quản lý giá dịch vụ y tế dù công hay tư'

TTO - Quản lý giá dịch vụ y tế để không buông lỏng nhưng cũng phát huy mạnh mẽ hơn tính tự chủ của y tế tư nhân. Công khai minh bạch các khoản thu trong liên doanh liên kết bệnh viện công lập.

THÀNH CHUNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên