13/11/2021 17:04 GMT+7

Sở Công thương TP.HCM kiến nghị: Mở lại hàng quán có rượu bia toàn TP.HCM

THẢO LÊ - Theo Trung tâm báo chí TP.HCM
THẢO LÊ - Theo Trung tâm báo chí TP.HCM

TTO - Sở Công thương kiến nghị UBND TP cho hàng quán kinh doanh ăn uống có rượu bia ở TP.HCM được phục vụ rượu bia trở lại trong điều kiện có kiểm soát. Giám đốc Sở Du lịch đồng tình. Lãnh đạo Sở Y tế: Tiếp tục thí điểm.

Sở Công thương TP.HCM kiến nghị: Mở lại hàng quán có rượu bia toàn TP.HCM - Ảnh 1.

Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên phát biểu tại cuộc họp - Ảnh: TRUNG TÂM BÁO CHÍ

Ngày 13-11, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên họp giao ban với các địa phương về công tác phòng, chống dịch và góp ý dự thảo của UBND TP về triển khai thực hiện nghị quyết 128 của Chính phủ.

Phát biểu tại cuộc họp, ông Nên cho biết số F0 trên địa bàn TP đang tăng và thực tế còn nhiều hơn số liệu đã thống kê. Mặc dù đã phát hiện các ca dương tính qua tầm soát nhưng không thể nắm hết được mầm bệnh đang lưu hành trong cộng đồng.

Ca tử vong tăng là không ổn

Tại cuộc họp, Sở Y tế cho biết tỉ lệ bệnh nhân trở nặng và tử vong có tăng nhẹ. Đặc biệt, số ca nhập viện cao hơn số ca xuất viện.

"Nếu tình trạng này cứ kéo mãi thì không ổn. Do đó, từng địa bàn cần tính toán lại con số này để có phấn đấu, điều chỉnh bằng hành động", ông Nên nói.

Ông Nên nhận định tình hình F0 hiện tại của TP đang tương tự thời kỳ đầu TP thực hiện chỉ thị 10. Nhiều nước trên thế giới dù có nền tảng y tế, tốc độ tiêm vắc xin tốt nhưng khi mở cửa, nới lỏng giãn cách thì dịch bệnh lại bùng phát. Do đó, các địa phương cần lưu ý và nhìn lại để có tính toán hợp lý.

Nói về lý do khiến số lượng F0 gia tăng, ông Nên cho rằng nguyên nhân rõ nhất là TP không còn thực hiện biện pháp giãn cách xã hội như trước. Thống kê cho thấy, nguồn lây chủ yếu từ nguồn người lao động dịch chuyển tại các khu công nghiệp, doanh nghiệp, lao động tự do hoạt động tại các chợ tự phát…

Vì vậy, Sở Y tế cần tiếp tục nghiên cứu, phân tích đánh giá. Riêng các địa phương khi phát hiện F0 phải điều tra nguồn lây để có biện pháp kéo giảm.

Trước diễn biến dịch bệnh như hiện tại, có 2 vấn đề buộc TP phải suy nghĩ. Thứ nhất, số lượng F0 có thể tăng đến mức độ nào? Thứ 2, tỉ lệ ca tử vong TP có thể chấp nhận là bao nhiêu?

Người đứng đầu Thành ủy cho rằng so với giai đoạn thực hiện chỉ thị 10, TP đã có tỉ lệ phủ vắc xin cao hơn, có thuốc điều trị, có kinh nghiệm phòng chống dịch cùng các điều kiện đáp ứng tốt hơn. Tuy nhiên, chính quyền TP không được vì thế mà chủ quan và lan rộng sự chủ quan đó ra ngoài cộng đồng.

Bí thư Thành ủy cũng yêu cầu nhóm thuộc về kinh tế xã hội cần quan tâm, bám sát đời sống, nhu cầu thực tế của người dân, đặt người dân là mục tiêu, trung tâm để phục vụ. Từ đó, tạo thuận lợi trong đời sống, sản xuất, kinh doanh cho cộng đồng.

Đề xuất ăn uống có đồ uống có cồn được hoạt động trở lại

Phát biểu tại hội nghị, giám đốc Sở Công thương Bùi Tá Hoàng Vũ cho biết về thí điểm sử dụng thức uống có cồn tại các quán ăn ở TP Thủ Đức và quận 7.

Theo đó, 2 địa phương này triển khai tốt công tác kiểm tra, giám sát và không để phát sinh các vấn đề tiêu cực. Đồng thời, cả 2 địa phương cũng đề xuất cho phép mở rộng và kéo dài thời gian thực hiện hoạt động trên.

Xét các yếu tố về bao phủ vắc xin, sức khỏe tinh thần, Sở Công thương lấy ý kiến của một số chuyên gia, từ đó nhận thấy, việc ngồi cùng bạn bè cũng là cách thức giải tỏa căng thẳng, tác động tiêu cực từ dịch bệnh.

Do vậy, Sở Công thương kiến nghị UBND TP cho phép các đơn vị kinh doanh dịch vụ ăn uống có sử dụng thức uống có cồn trên địa bàn TP được hoạt động trở lại trong điều kiện có kiểm soát.

Cụ thể, khách hàng phải tiêm đủ 2 mũi vắc xin; cơ sở kinh doanh hoạt động tối đa 50% công suất, đóng cửa trước 21h...

Đồng tình với Sở Công thương, giám đốc Sở Du lịch Nguyễn Thị Ánh Hoa cho rằng với nguyên tắc "thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19", đồng thời ý thức của người dân và doanh nghiệp cũng tăng cao, TP có thể đánh giá theo cấp độ dịch và mở cửa có lộ trình đối với các hoạt động ăn uống kèm theo hoạt động ăn uống có sử dụng đồ uống có cồn.

Lãnh đạo Sở Y tế cũng cho biết trong thời điểm này, TP nên tiếp tục cho thí điểm mở rộng và có kiểm soát hoạt động sử dụng thức uống có cồn tại hàng quán. Tức là, mở rộng, thí điểm thêm ở một số quận, huyện và có kiểm soát chặt.

Tình hình F0 tại TP.HCM khá giống Singapore

Phân tích tình hình tử vong do COVID-19, giám đốc Sở Y tế Tăng Chí Thượng cho biết số ca tử vong tại TP dao động trong khoảng 40 ca/ngày. Trong đó, trường hợp tử vong trên 65 tuổi chiếm 52%, tử vong do COVID-19 kèm bệnh nền chiếm 85%. TP Thủ Đức, quận Gò Vấp, huyện Bình Chánh, quận Tân Bình, quận 12 là các địa phương có số ca tử vong cao nhất trong 3 ngày qua.

Bí thư Thành ủy TP.HCM nhận định tình hình F0 hiện tại của TP.HCM đang tương tự thời kỳ đầu TP thực hiện chỉ thị 10 (cuối tháng 6-2021), khá giống tình trạng Singapore giai đoạn tháng 7, tháng 8 cũng như xu hướng diễn biến dịch bệnh của thế giới hiện nay.

Tức là, nhiều nước dù có nền tảng y tế, tốc độ tiêm vắc xin tốt nhưng khi mở cửa, nới lỏng giãn cách thì dịch bệnh lại bùng phát. Do đó, các địa phương cần lưu ý và nhìn lại để có tính toán hợp lý.

Bí thư Nguyễn Văn Nên: Quan tâm đến đời sống công nhân bên cạnh đảm bảo an toàn phòng dịch Bí thư Nguyễn Văn Nên: Quan tâm đến đời sống công nhân bên cạnh đảm bảo an toàn phòng dịch

TTO - Chiều 9-11, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên dẫn đầu đoàn công tác TP thăm và làm việc tại Công ty TNHH Pouyuen Việt Nam về phương án khôi phục sản xuất và công tác phòng chống dịch COVID-19.

THẢO LÊ - Theo Trung tâm báo chí TP.HCM
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên