05/03/2022 09:44 GMT+7

Số ca cộng đồng tăng nhanh nhưng tỉ lệ tử vong giảm rất mạnh

TTXVN
TTXVN

TTO - Do tỉ lệ bao phủ vắc xin cao trên phạm vi toàn quốc, đặc biệt là đã có sự chăm sóc đối tượng nguy cơ cao nên tỉ lệ tử vong/số ca mắc trên phạm vi toàn quốc giảm sâu.

Số ca cộng đồng tăng nhanh nhưng tỉ lệ tử vong giảm rất mạnh - Ảnh 1.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch COVID-19, chủ trì phiên họp lần thứ 13 của Ban Chỉ đạo - Ảnh: VGP

Sáng 5-3, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch COVID-19, chủ trì phiên họp lần thứ 13 của Ban Chỉ đạo.

Tham dự cuộc họp tại điểm cầu trụ sở Chính phủ có các ủy viên Bộ Chính trị: Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Phan Văn Giang; các phó trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia: Bí thư Trung ương Đảng, Phó thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái, Phó thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam, Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định; lãnh đạo các bộ, ngành, cơ quan trung ương.

Tham dự cuộc họp tại các điểm cầu địa phương có Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên; các bí thư, chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.

Báo cáo của Bộ Y tế cho thấy, đến nay dịch bệnh cơ bản đang được kiểm soát trên phạm vi cả nước. Tất cả các địa phương đều đã chuyển sang trạng thái "Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19" theo nghị quyết 128/NQ-CP của Chính phủ.

Số mắc mới có xu hướng gia tăng nhanh tại hầu hết các tỉnh, thành phố trong tháng qua (với khoảng 50.000-75.000 ca mỗi ngày, ngày cao nhất là hơn 125.000 ca), số trường hợp mắc tăng nhiều hơn ở nhóm chưa tiêm vắc xin, nhất là nhóm dưới 12 tuổi (tháng 1 là 18,4% và tháng 2 là 24,3%).

Biến thể Omicron có xu hướng gia tăng lây nhiễm nhanh trong thời gian gần đây, phổ biến ở các tỉnh, thành phố, nhất là TP Hà Nội và TP.HCM, thay thế dần biến thể Delta.

Tuy nhiên, do tỉ lệ bao phủ vắc xin cao trên phạm vi toàn quốc, đặc biệt là đã có sự chăm sóc đối tượng nguy cơ cao nên tỉ lệ tử vong/số ca mắc trên phạm vi toàn quốc giảm sâu.

Tỉ lệ tử vong/số ca mắc của 30 ngày qua là 0,2%, giảm so với tháng trước (1%), ngày 1-2 là 0,9% và ngày 3-3 là 0,1%. So với tháng trước, số ca cộng đồng cả nước tăng 197,9% nhưng số ca tử vong giảm 47,1%, số ca đang điều trị tại bệnh viện giảm 24,5%, số ca nặng, nguy kịch giảm 43,1%.

Phân bố tỉ lệ nhiễm theo độ tuổi trong tháng 2-2022 so với tháng trước: nhóm 18-49 tuổi chiếm 54,3% (871.083 ca) tăng 2,5 lần so với tháng trước; nhóm 50-65 tuổi chiếm 10,8% (173.254 ca) tăng 2,2 lần so với tháng trước; nhóm trên 65 tuổi chiếm 4,5% (72.189 ca) tăng 2 lần so với tháng trước.

Số ca cộng đồng tăng nhanh nhưng tỉ lệ tử vong giảm rất mạnh - Ảnh 2.

Cũng theo Bộ Y tế, đến ngày 3-3, Việt Nam đã tiếp nhận 218 triệu liều vắc xin; phân bổ 204,4 triệu liều (còn khoảng 13,6 triệu liều chưa phân bổ đang tiến hành các thủ tục kiểm định chất lượng, xuất xưởng), tiêm được hơn 196 triệu liều.

Về tỉ lệ tiêm chủng, với đối tượng từ 18 tuổi trở lên, tỉ lệ mũi 1, mũi 2, mũi 3 lần lượt là 100%, 98,4% và 37,4%. Với đối tượng từ 12-17 tuổi, tỉ lệ mũi 1, mũi 2 lần lượt là 98,8% và 93,5%.

Trong 30 ngày triển khai Chiến dịch tiêm chủng mùa xuân (từ 29-1-2022 - 28-2-2022), cả nước tiêm được hơn 14 triệu liều, chủ yếu là liều bổ sung và liều nhắc lại (hơn 12 triệu liều), góp phần vào việc tăng cường tỉ lệ tiêm chủng đầy đủ 2 liều vắc xin cơ bản và tiêm mũi 3 trên toàn quốc.

Như vậy nước ta cơ bản đã bao phủ 2 liều vắc xin cho người từ 12 tuổi trở lên. Đến nay, tỉ lệ tiêm mũi 3 là 37,4% (ước khoảng hơn 75% đối tượng đến lịch tiêm mũi 3 đã được tiêm chủng). Đến hết quý 1-2022, ước khoảng 60% người từ 18 tuổi trở lên đủ thời gian để tiêm mũi 3 vì có khoảng 23,4 triệu người cần tiêm liều bổ sung để hoàn thành lộ trình tiêm đủ liều cơ bản chủ yếu được tiêm từ tháng 1-2022 do đó thời gian tiêm mũi 3 cho các đối tượng này là từ tháng 4.

Trong thời gian tới, với nhu cầu đi lại và mùa lễ hội năm 2022, mở cửa trở lại hoạt động giáo dục đào tạo trực tiếp, nhất là thời gian tới Việt Nam nới lỏng cách ly y tế, giảm các hạn chế đối với hoạt động vận chuyển hành khách trên tất cả các phương tiện, lượng khách quốc tế đi, đến Việt Nam gia tăng mạnh sẽ không tránh khỏi gia tăng nguy cơ lây nhiễm, nguy cơ tiếp tục gia tăng áp lực lên hệ thống y tế.

Triển vọng chẩn đoán COVID-19 qua ảnh chụp X-quang Triển vọng chẩn đoán COVID-19 qua ảnh chụp X-quang

TTO - Để chữa trị cho những người nghi mắc COVID-19, điều đầu tiên là phải xác định họ có thực sự nhiễm virus SARS-CoV-2 hay không.

TTXVN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    Chủ đề: Số ca COVID Covid19