06/02/2015 09:05 GMT+7

​Sinh viên vào mùa làm tết

P.TUẦN - T.THẢO - P.THÀNH - P.NGA
P.TUẦN - T.THẢO - P.THÀNH - P.NGA

TT - Những ngày cuối năm với nhiều khoản chi tiêu: tiền vé tàu xe, tiền mua sắm tết, tiền học phí kỳ II... nhiều sinh viên (SV) bắt đầu đi kiếm việc làm thêm để có thêm tiền trang trải cuộc sống.

Sinh viên giới thiệu sản phẩm cho doanh nghiệp tại hội chợ thương mại Xuân Ất Mùi (tổ chức ở nhà thi đấu Phú Thọ, TP.HCM) với mức lương 150.000 đồng/ca (8 tiếng) - Ảnh: PhướcTuần
Sinh viên giới thiệu sản phẩm cho doanh nghiệp tại hội chợ thương mại Xuân Ất Mùi (tổ chức ở nhà thi đấu Phú Thọ, TP.HCM) với mức lương 150.000 đồng/ca (8 tiếng) - Ảnh: Phước Tuần

Việc làm mùa vụ tết năm nay rất đa dạng và thù lao tăng khoảng 10% so với năm ngoái.

Đa dạng công việc tết

Nỗi lo bị quỵt tiền

Trong khi nhiều SV khá yên tâm với công việc làm thêm tết với mức lương, thưởng cao và gặp chủ tốt bụng thì một số SV gặp phải trường hợp “cười ra nước mắt” vì bị quỵt tiền công.

Nguyễn Cẩm Lệ (quê Quảng Nam, SV năm cuối ngành sinh học ĐH Sư phạm Đà Nẵng) kể gia đình khó khăn, cả ba mẹ đều ra Đà Nẵng thuê trọ và sống bằng nghề phụ hồ, bán trái cây để nuôi ba chị em Lệ ăn học.

Thương ba mẹ nên tết năm trước Lệ xin làm thêm ở một quán cà phê, được chủ hứa trả 200.000 đồng/ngày.

Đến ngày nhận lương mới tá hỏa vì chủ không chịu trả như đã thỏa thuận.

“Mấy hôm nữa thi xong em cũng sẽ đi vào khu trung tâm Đà Nẵng xin việc làm thêm để phụ ba mẹ lo cho mấy em, nhưng vẫn thấy sợ nếu gặp cảnh như tết năm trước lắm” - Lệ tâm sự.

Cùng chung cảnh ngộ với Lệ, SV Trần Thị Hà (quê Thanh Hóa, năm 2 Trường CĐ Kinh tế - kế hoạch Đà Nẵng) cho hay năm ngoái thấy mấy bạn cùng dãy trọ đi làm thêm ngày tết lương cao nên cũng chạy đi xin làm.

Hà được nhận vào bán ở một tiệm giày, chủ hứa trả 100.000 đồng/ngày, thế nhưng đến lúc về tết thì chủ “lật kèo” trả 50.000 đồng/ngày. “Không có hợp đồng nên đành chịu, nuốt nước mắt mà nhận tiền còn hơn trắng tay không có gì hết” - Hà ấm ức.

Năm nay Hà yên tâm hơn khi được người quen nhận vào bán trái cây với lương gần 2 triệu đồng cho nửa tháng giáp tết.

Những ngày này Trung tâm Hỗ trợ học sinh, SV TP.HCM tiếp nhận và giới thiệu hơn 200 đầu việc bán thời gian cho SV. Đa số đầu việc tập trung vào dịch vụ làm đẹp nhà, bán hàng, gói quà và phục vụ nhà hàng.

Trung tâm cũng đang rao tuyển 400 SV làm bảo vệ đường hoa xuân Ất Mùi trong dịp tết. Theo anh Nguyễn Trọng Hoàng, trưởng phòng chăm sóc đời sống của trung tâm, còn hơn 1.500 đầu việc làm thêm để giới thiệu cho SV với mức lương 12.000-30.000 đồng/giờ, phụ thuộc vào công việc và địa điểm.

Mức thù lao năm nay có cao hơn mọi năm, đặc biệt là dịch vụ dọn nhà đón tết, việc làm gắn với chuyên môn như bán hàng cho người nước ngoài, làm MC hội chợ...

Những ngày cuối tuần không có lịch học, nhiều SV đi bán bảo hiểm xe máy trên các tuyến đường, thời gian bán bắt đầu từ 7g-17g. Lương “cứng” một ngày là 140.000 đồng và kèm theo “hoa hồng” tùy số lượng bảo hiểm bán được.

Những SV có khả năng ăn nói lưu loát thường chọn làm nghề quảng cáo, giới thiệu sản phẩm cho các nhãn hàng. Việc này có mức lương cao hơn phục vụ, bán quần áo. 

Bạn Bùi Thị Lệ Phương, SV đang làm nghề này, cho biết: “Khi nào có chương trình thì người ta gọi mình. Thời gian làm của mình tùy từng chương trình, có khi làm hết tuần, có khi làm vài ngày. Một ca mình làm sáu giờ và được trả ít nhất là 120.000 đồng/giờ”.

Nhiều SV lại tìm đến các gian hàng tại hội chợ thương mại cuối năm để phát tờ rơi, giới thiệu sản phẩm, bán hàng với mức lương 150.000 đồng/ca (tám giờ).

Những việc làm chỉ có ở mỗi mùa tết như ngắt lá mai, gắn mai giả, vẽ trang trí cửa kính, gói quà ở siêu thị... cũng thu hút khá đông SV.

Tại Đà Nẵng, dạo quanh một số khu vực như chợ Cồn, chợ Hàn, những shop thời trang, giày dép trên đường Lê Duẩn... nhiều SV làm thêm tết khá tất bật với công việc.

Bạn Nguyễn Thị Nguyệt (SV năm 4 ĐHSP Đà Nẵng) đang bán giày dép tại chợ Hòa Khánh cho hay ngay sau khi kết thúc môn thi cuối cùng đã đi tìm việc để kiếm ít tiền phụ giúp gia đình trong những ngày tết.

“Do nhà ở Quảng Nam, khá gần mà lại nghỉ sớm nên em quyết định ở lại làm thêm kiếm chút tiền phụ ba mẹ mua một vài đồ dùng trong những ngày tết sắp đến”, Nguyệt nói.

Một ngày làm thêm như vậy Nguyệt được trả công 100.000 đồng, ngoài ra còn có thưởng thêm nếu bán được nhiều hàng.

Khác với Nguyệt, chàng SV năm cuối ngành kiến trúc Trường ĐH Bách khoa Đà Nẵng Hồ Văn Tuấn (quê ở Phú Vang, Thừa Thiên - Huế) khá tất bật với đồ án để kết thúc khóa học nhưng vẫn tranh thủ “cày thêm” kiếm tiền. Công việc của Tuấn là nhận thiết kế lịch trên máy tính.

“Năm nào cũng thế, đến dịp này mình đều nhận hình ảnh từ các tập thể, gia đình về làm. Tùy yêu cầu của khách, mình thiết kế, đóng khung theo các mẫu để bàn, treo tường... Mỗi ngày như vậy cũng kiếm được 150.000-200.000 đồng” - Tuấn hồ hởi.

Toàn bộ số tiền đó được Tuấn trích ra mua quà cho các em và giữ lại một phần để ra tết chuẩn bị cho việc bảo vệ đồ án tốt nghiệp. 

Trong khi đó bạn Cao Thị Phương Thương (SV năm 3 ĐH Sư phạm Đà Nẵng) vẫn chưa kết thúc kỳ thi học kỳ nhưng đã đăng ký làm thêm vào hai ngày cuối tuần ở một hiệu thời trang trên đường Tôn Đức Thắng (Q.Liên Chiểu).

Thương tâm sự: “Công việc mệt nhưng được cái lương cao, trung bình được chủ trả trên 100.000 đồng/ngày. Dự định 23 âm lịch được nghỉ tết, mình sẽ xin làm luôn đến chiều 30 tết rồi đón xe về nhà”.

Kiếm tiền và nâng cao kỹ năng

Bạn Nguyễn Thị Bích Nga, SV Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn (ĐH Quốc gia TP.HCM), phụ bán một shop quần áo ở chợ đêm khu đô thị ĐH Quốc gia TP.HCM hơn một tháng nay, cho biết: “Mình làm từ 17g-22g mỗi ngày với mức lương 10.000 đồng/giờ. Những ngày gần tết sẽ được tăng lương tùy theo sản phẩm bán được”. 

Còn bạn Nguyễn Thị Yến, SV năm 2, ở chung phòng trọ với Nga, cũng phụ bán quần áo ở shop áo quần kế bên, chia sẻ: “Mình làm ở đây hơn hai tháng rồi, về rủ thêm bạn đi làm. Mình bán đến 27 tết mới về quê. Cũng muốn về quê sớm nhưng gắng bán thêm vài ngày kiếm ít tiền mua chút quà cho ba mẹ ở nhà. Chị chủ nói ở lại bán phụ chị mấy ngày cuối năm, tiền xe về quê chị chịu”.

Trong lúc nhiều bạn tranh thủ làm thêm để kiếm tiền mua vé xe, chút quà xuân thì không ít trường hợp SV quyết định ở lại thành phố đón tết để làm thêm. Tết nhu cầu việc làm nhiều nhưng ít người làm việc là cơ hội cho các bạn kiếm thêm một khoản tiền trang trải nhiều khoản phải chi cho học kỳ sau. 

Hai cái tết rồi, Bùi Văn Thế (SV năm 3 khoa du lịch ĐH Văn hóa TP.HCM) không về quê ăn tết mà quyết định ở lại thành phố kiếm việc làm thêm. Quê Thế ở tận huyện ven biển Tiền Hải (Thái Bình), mỗi lần về quê, đặc biệt là dịp tết, cũng tốn hơn 3 triệu đồng tiền xe.

Thế kể tết năm ngoái xin được chân giữ xe cho nhà hàng, mấy ngày tết lương cao hơn ngày thường nên cũng đủ đóng học phí. Lần đầu tiên đón tết xa nhà, đi làm về nhà trọ vắng tanh, buồn đến mức ngồi khóc một mình. 

Thế chia sẻ: “Tết SV về nhiều nên đây là cơ hội mình kiếm việc làm thêm lương cao. Làm khoảng 2-3 tuần thời vụ tết, mình cũng có ít tiền đóng học phí rồi. Năm ngoái ở thành phố buồn lắm, nên năm nay rất mong về nhà với gia đình nhưng ngoài tiền học còn phải có thêm tiền đi tour thực tế với lớp nên đành ở lại thêm một năm”.

Vừa thi học kỳ xong, Thế xin được “chân” cộng tác viên cho một công ty tổ chức sự kiện vào ban ngày và đang kiếm thêm một công việc ban đêm.

Đi làm trong những ngày cận tết và tết tất nhiên đem lại nguồn thu nhập đáng kể cho SV, nhưng với nhiều SV thì làm thêm mang lại rất nhiều kinh nghiệm, kỹ năng cần thiết cho bản thân. Đi làm thêm, tiếp xúc với nhiều người, nhiều đối tượng nên SV sẽ dần tự tin, khéo léo hơn trong giao tiếp.

Tâm lý sợ bị la, sợ bị đuổi việc nên các bạn luôn cố gắng đúng giờ, tập trung làm việc. Lâu dần tạo thành thói quen tốt để có thể làm việc chuyên nghiệp hơn. Những va chạm, rắc rối trong lúc làm việc cũng là những cơ hội để SV có thể học cách xử lý những tình huống.

“Mình làm giới thiệu sản phẩm, môi trường làm việc khá năng động, vui vẻ. Từ việc trò chuyện, giao lưu với khách hàng, kỹ năng ứng xử của mình được cải thiện và khiến bản thân tự tin hơn” - Bùi Thị Lệ Phương chia sẻ.

Còn đối với Nga, sau một tháng phụ bán quần áo ở chợ đêm, Nga tự nhận mình nói nhiều hơn và tự tin hơn: “Mình bán quần áo nên phải rao để mọi người chú ý, khi khách thử đồ mình phải lựa lời khen để khách mua. Lúc mới làm mình cũng ngại nhưng dần dần thì quen. Sau những lần bán, mình rút được một vài kinh nghiệm để nắm bắt tâm lý người mua, ứng xử khéo léo hơn trong giao tiếp”.

P.TUẦN - T.THẢO - P.THÀNH - P.NGA
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên