11/12/2023 10:39 GMT+7

Sinh viên làm dự án nghệ thuật

Các dự án nghệ thuật do sinh viên tự tổ chức hiện ngày càng nhiều, mang một dáng dấp trẻ trung và đầy năng lượng, nhất là được tự do "quậy" với ý tưởng theo cách riêng của mình.

Việt Khang cùng những người bạn làm nên dự án thiện nguyện kịch ảo thuật Ma án - Ảnh: HỒ LAM

Việt Khang cùng những người bạn làm nên dự án thiện nguyện kịch ảo thuật Ma án - Ảnh: HỒ LAM

Lợi nhuận của những dự án này bằng không, thậm chí còn phải tự bỏ tiền túi ra làm. Nhưng có sao đâu, trẻ mà, cứ mặc sức thả mình đi cùng đam mê.

Và thành quả nhận về lớn nhất chắc không gì ngoài niềm vui tinh thần, cả những giá trị mang đến cho cộng đồng từ chính đam mê và sáng tạo nghệ thuật của mỗi bạn. Vậy là đủ vui rồi.

Hỗ trợ dự án nghệ thuật của sinh viên, người giảng dạy nên kết hợp giữa lý thuyết với kỹ năng thực tiễn, nếu là chuyên gia lĩnh vực tổ chức sự kiện càng tốt. Nhà trường cần khuyến khích, hỗ trợ sinh viên mạnh dạn đi thi, cọ xát với các chương trình, dự án nghệ thuật vì cộng đồng khác.

TS HOÀNG DUẨN (đạo diễn)

Thỏa đam mê và giúp người khác

Ảnh nghệ thuật trong bộ hình Tĩnh do Đan sắc thực hiện. Trang phục lấy cảm hứng từ ngành nghề thủ công, đan lát truyền thống - Ảnh: NVCC

Ảnh nghệ thuật trong bộ hình Tĩnh do Đan sắc thực hiện. Trang phục lấy cảm hứng từ ngành nghề thủ công, đan lát truyền thống - Ảnh: NVCC

Đan sắc - một dự án sáng tạo nghệ thuật về văn hóa dân gian kết hợp màu sắc hiện đại - do bốn sinh viên Hoàng Lan, Quỳnh Trâm, Quỳnh Trang và Khánh Linh (Trường đại học FPT) cùng làm. Đan sắc gồm các hoạt động: Tĩnh - chụp ảnh nghệ thuật, Thanh - sản xuất MV, Động - tổ chức triển lãm.

Kết hợp với Phan Thanh Nhàn - quán quân Sing My Song 2018 và rapper RPT NASTEE, nhóm đã thực hiện MV Đồ quỷ. MV mang âm hưởng thể loại folktronica (thể loại âm nhạc có sự giao thoa giữa hiện đại và dân gian). Dù chỉ là MV trong khuôn khổ trường học nhưng Đan sắc đã đem đến sự tăng tiến cảm xúc cho khán giả qua việc nhìn, nghe, cảm nhận rõ hơn về văn hóa dân gian dưới lăng kính người trẻ.

Các hoạt động của dự án đều đã hoàn thành và tạo hiệu ứng khá tốt. Trong đó triển lãm trưng bày các sản phẩm văn hóa dân gian với chất liệu chính là tre, sen, lụa. Quỳnh Trâm - đại diện truyền thông của dự án - chia sẻ: "Khi thế giới phẳng hơn và hiện đại thì văn hóa chính là điều giúp các bạn trẻ định hình bản sắc cá nhân của mình một cách rõ nét nhất. Điều này thôi thúc chúng mình quyết tâm thực hiện dự án này".

Trong khi đó, Việt Khang - sinh viên năm thứ ba Trường đại học Văn Lang - đã chọn bộ môn ảo thuật vốn có chút sở trường. Khang khoe mình mê ảo thuật từ nhỏ, 5 tuổi đã mày mò các trò diễn. Vậy là bạn dùng chính tài lẻ này vào những buổi diễn với năng lượng tươi vui.

Kịch ảo thuật Ma án do Khang cùng các bạn diễn cuối tháng 10 nghe tên có vẻ ớn lạnh vậy thôi, thực ra là buổi diễn hài hước kết hợp giữa các trò diễn ảo thuật với tương tác cùng khán giả.

Hơn 70 vé được bán hết, nhiều người còn góp thêm. Thế là Khang và các bạn có hơn 10 triệu đồng mang tặng Trung tâm Kim Cương - nơi hỗ trợ các bệnh nhân xương thủy tinh. "Tụi mình dùng chút khả năng, đầu tư thêm công sức làm chương trình giải trí vui vẻ, được nhiều người ủng hộ và dùng chính số tiền ấy đi giúp người khác, vậy là ai cũng vui" - Khang cười.

Hay Thanh âm chữa lành là một dự án nghệ thuật cộng đồng khác được các sinh viên Trường đại học Văn hóa TP.HCM tổ chức. Trong đó, mục tiêu của chương trình là dùng âm nhạc hỗ trợ và chữa lành sức khỏe tâm thần cho các bạn trẻ và cộng đồng yếu thế.

Có bao nhiêu chơi bấy nhiêu

Cả ba dự án kể trên đều là dự án nghệ thuật phi lợi nhuận, nếu có cũng chỉ thu một khoản phí hỗ trợ rất nhỏ. Dù kinh phí tổ chức là rào cản lớn nhất với các bạn song như Việt Khang nói thật: "Làm vì đam mê là chính nên có bao nhiêu chơi bấy nhiêu, đôi khi bỏ cả tiền túi ra làm cũng được".

Chưa kể Đan sắc còn đối diện với yêu cầu phải đảm bảo được tính chuẩn mực trong văn hóa. Đó là thách thức lớn nhất của nhóm từ việc lên ý tưởng đến hiện thực hóa nó, làm sao chuỗi hoạt động vừa có ý nghĩa vừa mang hơi thở hiện đại mà không làm sai lệch giá trị văn hóa truyền thống.

Nhưng chính những trở ngại ấy lại giúp sinh viên ghi điểm khi làm chỉn chu, dự án thành công. TS Hoàng Duẩn - giảng viên Trường đại học Văn hóa TP.HCM - nhận định rằng sinh viên sẽ có nhiều kỹ năng mềm hơn sau mỗi dự án như thế, nhất là các dự án hướng về cộng đồng và "các bạn sẽ vững vàng hơn khi vào đời".

Từ góc độ người trực tiếp thực hiện, Khang đúc kết: "Nếu có ý tưởng, bạn hãy nhanh chóng thực hiện ngay". Đó hẳn cũng là lời khích lệ cho bạn sinh viên nào còn đang ấp ủ ý tưởng về một dự án nghệ thuật nào đó của riêng mình.

Sinh viên miệt mài lan tỏa tình yêu với nghệ thuật dân tộcSinh viên miệt mài lan tỏa tình yêu với nghệ thuật dân tộc

Giữa vô vàn loại hình nghệ thuật hiện đại, nhiều sinh viên vẫn đang miệt mài các dự án lan tỏa tình yêu với nghệ thuật dân tộc.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên