15/03/2019 14:21 GMT+7

Sẽ tăng nhập than cho các nhà máy nhiệt điện

NGỌC AN
NGỌC AN

TTO - Tập đoàn Công nghiệp than - khoáng sản Việt Nam sẽ xem xét nhập than để bù đắp số lượng thiếu hụt cho các nhà máy nhiệt điện với giá cả theo giá than của thị trường thế giới tại từng thời điểm.

Sẽ tăng nhập than cho các nhà máy nhiệt điện - Ảnh 1.

Ngoài việc tăng tốc khai thác than trong nước, TKV cho biết sẽ nhập khẩu than để đáp ứng nhu cầu của các nhà máy nhiệt điện - Ảnh: N.AN

Việc không cấp đủ than cho các nhà máy nhiệt điện Mông Dương, Vĩnh Tân 1 là do nhu cầu tiêu thụ than tăng cao đột biến vào cuối năm, lại đúng thời điểm nghỉ Tết Nguyên đán nên lượng than không cấp đủ theo hợp đồng để đảm bảo tăng lượng tồn kho, nhưng vẫn cấp than đủ để các nhà máy duy trì hoạt động.

Đó là thông tin được Tập đoàn Công nghiệp than - khoáng sản Việt Nam (TKV) trả lời, sau khi Tuổi Trẻ có bản tin phản ánh về tình trạng một số nhà máy nhiệt điện kêu thiếu than do TKV không cung cấp đủ theo hợp đồng đã ký ("Nhiệt điện lại kêu thiếu than, nguy cơ Chính phủ phải bồi thường", 13-3-2019).

Theo TKV, nhu cầu than của các nhà máy nhiệt điện trên đều tăng cao đột biến. Cuối năm 2018, TKV đã phải huy động hết tồn kho và tổ chức cung cấp than kịp thời đảm bảo cho các nhà máy duy trì hoạt động.

Nhiều nhà máy nhiệt điện khác cũng được huy động tối đa công suất, nhu cầu sử dụng than tăng cao vào cùng một thời điểm nên gây ra nhiều khó khăn cho TKV trong sản xuất, chế biến và huy động nguồn.

Chẳng hạn theo hợp đồng, Nhiệt điện Mông Dương 2 đăng ký 3,5 triệu tấn than (tăng hơn 500.000 tấn so với năm 2018), kế hoạch 3 tháng đầu năm sẽ cấp 1,020 triệu tấn. Với Nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân 1, nhu cầu là 3,88 triệu tấn than (tăng gấp 2,3 lần).

Trong ba tháng đầu năm, lượng than yêu cầu là 1,125 triệu tấn, bằng 29% khối lượng hợp đồng năm, dự kiến TKV thực hiện giao được 956.000 tấn.

Tuy vậy, TKV khẳng định dù không cấp đủ theo hợp đồng để đảm bảo có lượng tồn kho theo kế hoạch, nhưng vẫn đảm bảo cung ứng cho các nhà máy duy trì hoạt động.

TKV cũng cho rằng áp lực cung ứng điện đang dồn vào nhiệt điện than, các nhà máy phải huy động tối đa kéo theo nhu cầu than lớn. Đặc biệt khi giá than trên thị trường thế giới tiếp tục duy trì ở mức cao và còn tăng thêm, nên các nhà máy có xu hướng sử dụng than trong nước.

Cụ thể năm 2019, tổng nhu cầu than cho điện (do TKV cung cấp) dự kiến 35,55 triệu tấn, tăng 23% so với thực hiện cấp than cho điện năm 2018 và tăng hơn 3,65 triệu tấn so với kế hoạch dự kiến ban đầu báo cáo Chính phủ và Bộ Công thương.

Do đó, ngoài việc cố gắng đảm bảo cung ứng cho các nhà máy nhiệt điện duy trì ổn định hoạt động, tăng dần lượng tồn kho, TKV cho biết sẽ xem xét nhập khẩu để bù đắp số lượng thiếu hụt với giá cả theo giá than của thị trường thế giới tại từng thời điểm.

Về lâu dài, TKV cho biết sẽ tập trung các giải pháp như đầu tư mở rộng và nâng cao năng suất các mỏ, ký kết các thỏa thuận nguyên tắc về cung cấp than nhập khẩu dài hạn với các đối tác uy tín, gắn đầu tư mỏ ở nước ngoài; xây dựng kho bãi, hạ tầng đảm bảo việc pha trộn.

Theo đề nghị của TKV, Bộ Công thương cần sớm phê duyệt biểu đồ cung cấp than dài hạn để làm cơ sở đầu tư các mỏ than mới, hình thành phát triển thị trường than tại Việt Nam.

Ngoài ra, các nhà máy Mông Dương, Vĩnh Tân 1... xem xét phương án sử dụng nguồn than pha trộn giữa than sản xuất trong nước và than nhập khẩu, đảm bảo nguồn than theo yêu cầu.

TKV cũng sẽ đẩy nhanh tiến độ xin cấp giấy phép khai thác than cho các dự án mỏ than trong nước, đảm bảo điều kiện cho công tác pha trộn than, thành lập các tổng kho.

Xử lý rác hữu cơ, chuyển hóa thành điện năng hoặc nhiệt năng Xử lý rác hữu cơ, chuyển hóa thành điện năng hoặc nhiệt năng

Công nghệ 6R của Nhật Bản cho phép giải quyết bài toán xử lý rác hữu cơ để chuyển hóa thành điện năng hoặc nhiệt năng với hiệu suất cao.

NGỌC AN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên