24/12/2014 09:57 GMT+7

Rà soát vụ Nguyễn Văn Chưởng kêu oan trong tháng 1-2015

TÂM LỤA - THÂN HOÀNG
TÂM LỤA - THÂN HOÀNG

TT - Dự kiến đầu tháng 1-2015, đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ có buổi làm việc tại Hải Phòng để rà soát về vụ án của tử tù Nguyễn Văn Chưởng.


Vợ chồng ông Nguyễn Trường Chinh và con gái của tử tù Nguyễn Văn Chưởng - Ảnh: T.L.

Ngày 23-12, ông Lê Đình Khanh, phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương, cho biết sáng 23-12 ông có báo cáo nội dung vụ việc tử tù Nguyễn Văn Chưởng và gia đình có đơn kêu oan kéo dài đến Ủy ban Tư pháp của Quốc hội. Đại diện Ủy ban Tư pháp cho biết đã nhận được hồ sơ và đang xem xét vụ việc.

Theo thông tin Tuổi Trẻ nắm được, đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đưa vụ án này vào chương trình làm việc tại các tỉnh thành phía Bắc. Dự kiến đầu tháng 1-2015 đoàn giám sát sẽ có buổi làm việc tại Hải Phòng để rà soát về vụ án của tử tù Nguyễn Văn Chưởng.

Ngày 23-12, thiếu tướng Đỗ Hữu Ca - giám đốc Công an TP Hải Phòng - đề nghị không đăng bài trao đổi giữa ông với PV Tuổi Trẻ về vụ tử tù Nguyễn Văn Chưởng kêu oan. Tôn trọng ý kiến của người trả lời phỏng vấn, Tuổi Trẻ dừng lại việc đăng bài trao đổi với thiếu tướng Đỗ Hữu Ca. Thành thật cáo lỗi bạn đọc.

Trao đổi với Tuổi Trẻ, lãnh đạo TAND tối cao cho biết nếu gia đình tử tù Nguyễn Văn Chưởng có đơn kêu oan gửi TAND tối cao thì đơn này sẽ được chuyển đến tòa chuyên trách để giải quyết theo thẩm quyền.

“Đối với những vụ án có mức án từ 20 năm tù đến chung thân hoặc tử hình mà có đơn kêu oan kéo dài đều đang được rà soát lại theo yêu cầu của Quốc hội” - vị lãnh đạo này nói.

Trước đó, ông Nguyễn Trường Chinh, bố của tử tù Nguyễn Văn Chưởng, có nhiều đơn kêu oan gửi lãnh đạo Viện KSND tối cao. Thừa ủy quyền viện trưởng, kiểm sát viên Đỗ Xuân Tựu ký công văn trả lời đơn gửi ông Chinh.

Theo đó, sau khi kiểm tra hồ sơ vụ án, Viện KSND tối cao thấy rằng bản án hình sự phúc thẩm của tòa phúc thẩm TAND tối cao tại Hà Nội kết án đối với Nguyễn Văn Chưởng về tội giết người và cướp tài sản là đúng pháp luật, không oan.

Tuy nhiên, quá trình xét xử vụ án còn có một số vi phạm và có vấn đề chưa được làm rõ nên viện trưởng Viện KSND tối cao có quyết định kháng nghị đề nghị TAND tối cao tuyên hủy án phúc thẩm, nhưng khi xét xử giám đốc thẩm TAND tối cao không chấp nhận kháng nghị của viện trưởng Viện KSND tối cao, giữ nguyên án phúc thẩm.

Trong một diễn biến khác, thông tin từ phía Công an Hải Phòng khẳng định cơ quan điều tra đã làm đúng trình tự thủ tục, kết luận điều tra đúng người đúng tội. Vụ án này xử đi xử lại nhiều lần, phiên giám đốc thẩm của TAND tối cao cũng kết luận xử đúng người đúng tội, không có oan sai.

Phía Công an Hải Phòng cũng nói việc công an đánh và ép Chưởng cùng các bị can khác phải nhận tội là hoàn toàn không có cơ sở. Cơ quan điều tra cũng tạo mọi điều kiện cho các luật sư làm việc. “Vụ này rất phức tạp nên cơ quan điều tra làm rất cẩn thận.

Thực chất đến giờ cơ quan điều tra không nhận thêm được đơn kiến nghị nào của các nhân chứng nữa” - một vị lãnh đạo Công an Hải Phòng nói. 

Cần xem xét mức án tử hình của bị cáo Chưởng

Trong nhiều năm qua, dư luận quan tâm khá nhiều đến trường hợp Nguyễn Văn Chưởng bị tuyên án tử hình về tội giết người và tội cướp tài sản.

Là người có điều kiện tiếp cận bản án sơ thẩm của TAND TP Hải Phòng và bản án phúc thẩm của tòa phúc thẩm TAND tối cao tại Hà Nội, tôi nhận thấy cả hai bản án đều chưa làm rõ nội dung bàn bạc của các bị cáo trước khi gây án nhằm xác định xem trong quá trình phạm tội có bị cáo nào vượt quá nội dung bàn bạc trước đó để làm cơ sở cho việc cụ thể hóa hình phạt đối với từng bị cáo.

Bản án sơ thẩm và bản án phúc thẩm đều xác định: “Khi bánh xe sau của Chưởng gần ngang với bánh trước xe anh Sinh (nạn nhân), cùng lúc đó Hoàng nhảy xuống rút dao khỏi bao, tay trái cầm vỏ bao, tay phải cầm dao vung lên chém liên tiếp hai nhát vào vùng thái dương bên phải anh Sinh...”.

Tại bản kết luận giám định pháp y của Tổ chức Giám định pháp y TP Hải Phòng thì kết luận: “Nạn nhân bị một số vết thương trên cơ thể, trong đó có một vết thương sọ não hở vùng thái dương phải gây choáng chấn thương sọ não nặng, không phục hồi, quyết định sự chết của nạn nhân”.

Như vậy, hành vi dùng dao chém vào đầu nạn nhân của Đỗ Trọng Hoàng là nguyên nhân chính gây ra cái chết của anh Sinh, hành vi đó có thuộc phạm vi bàn bạc, thống nhất giữa các bị cáo hay không cần phải được làm rõ.

Nếu hành vi của bị cáo Hoàng vượt quá sự thống nhất, bàn bạc của bị cáo Chưởng thì mức án tử hình dành cho bị cáo này là chưa có căn cứ vững chắc.

Thạc sĩ  NGUYỄN MINH SƠN

TÂM LỤA - THÂN HOÀNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên