Sẽ có cửa hàng chuyên bán thực phẩm VietGAP

TTCT - Từ năm 2011, chúng tôi đã chủ động kết nối để những hợp tác xã sản xuất rau VietGAP như Phước An, Thỏ Việt, Phú Lộc... kết nối với các siêu thị để đưa rau VietGAP vào các hệ thống này.

Lo kỹ thuật, quên thị trường

Đến nay, hầu hết siêu thị và cửa hàng tiện dụng của họ đều đã bán nông sản VietGAP, thậm chí hàng VietGAP chiếm số lượng lớn hơn hàng thường. Tuy nhiên, cách bày bán sản phẩm có khác nhau, hiện siêu thị Co.op Mart có khu vực riêng dành cho rau VietGap, còn lại tại nhiều siêu thị vẫn để chung với các loại rau có nguồn gốc khác.

Chúng tôi đã tổ chức kết nối các nhà sản xuất và các nhà phân phối trên địa bàn thành phố vì biết biện pháp này hiệu quả để tiêu thụ sản phẩm VietGAP. Năm 2012, ban đầu chỉ có 46 hợp đồng bao tiêu do các sở ban ngành kết nối, sau đó các đơn vị tự gặp nhau nên số hợp đồng ký kết cuối năm lên đến gần 200.

Thời gian tới các nhà sản xuất phải đa dạng hóa chủng loại sản phẩm hơn nữa. Sở Công thương cũng đã làm việc với các chợ đầu mối để thiết lập các khu vực chuyên bán hàng VietGAP, từ đó phân phối đi các chợ lẻ và cửa hàng tiện lợi. Hiện một số thương nhân chợ đầu mối đã nhận đứng ra thu mua rau VietGAP để phân phối đến chợ lẻ.

Chợ đầu mối cũng sẽ vận động thương nhân tiếp tục nhập các loại rau VietGap với mục đích mở rộng đầu ra cho sản phẩm, giúp doanh nghiệp tăng sản lượng. Chúng tôi cũng khuyến khích các công ty tham gia chuỗi phân phối nông sản VietGAP từ nhà sản xuất đến nhà hàng, khách sạn, bếp ăn, chợ truyền thống. Đồng thời yêu cầu các siêu thị phải có khu vực bày bán rau VietGAP riêng.

Tổng công ty Nông nghiệp Sài Gòn sẽ xây dựng chuỗi cửa hàng Agrifood chuyên bán thực phẩm VietGAP. Đó chính là mô hình chuẩn cho các hệ thống cửa hàng khác cùng làm để hỗ trợ sản phẩm VietGap. Ngoài ra, để người dân hiểu và tin dùng, chúng tôi sẽ tăng cường quảng bá các sản phẩm VietGAP, các điểm phân phối bán lẻ và các công ty tham gia chuỗi phân phối này trong thời gian tới.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận