06/08/2019 08:03 GMT+7

Sau rừng, biển là... đất?

TẤN VŨ
TẤN VŨ

TTO - Đã đến lúc ra tay 'dưỡng biển' là đòi hỏi bức bách, bởi như Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang Phạm Vũ Hồng, 'chỉ có cách làm hồi phục tài nguyên biển mới mong cứu vãn nghề đánh cá'.

Sự thật này đã diễn ra nhiều năm nhưng chúng ta chưa dám đối mặt.

Năm 2013 có dịp theo ngư dân Bình Định lênh đênh một tháng trời trên biển đánh cá. Hành trình kéo dài hàng ngàn hải lý từ vùng biển miền Trung kéo dọc xuống Trường Sa, khu vực nhà giàn Phúc Tần - Phúc Nguyên... nhưng cá vẫn biệt tăm. 

May mắn vào bốn ngày cuối của chuyến đi, tàu mới trúng mẻ cá ngừ vây vàng 35 tấn trị giá 1,4 tỉ đồng. Trừ chi phí, mỗi ngư dân được 20 triệu đồng. Đó là chuyến ra khơi có lãi duy nhất trong nhiều năm của con tàu hơn 900 CV trị giá 6 tỉ đồng. Chủ con tàu này sau đó đã bán và mua 2 chiếc tàu nhỏ hơn để đánh bắt gần bờ.

Dọc dài miền Trung từ Đà Nẵng đến Quảng Ngãi - Bình Định vào tận miền Tây với hàng vạn con tàu xa bờ đang ngày đêm bám biển. Chưa kể hàng vạn tàu nhỏ khác đang đánh lộng, lưới vây, lưới rút, giã cào... rất gần bờ. 

Hàng triệu ngư dân đang mưu sinh trên biển phụ thuộc rất nhiều rủi may trong từng chuyến vươn khơi. Sau sự cố Formosa, hàng loạt ngư dân bỏ biển chuyển đổi nghề, chính quyền địa phương cương quyết chuyển đổi cho ngư dân trong vùng có một cuộc sống ổn định hơn thay bằng nghề biển.

Đất nước với gần 3.500km bờ biển với hàng triệu kilômet vuông thềm lục địa, sản vật vô cùng phong phú nhưng những gì đang diễn ra khiến chúng ta giật mình rằng biển đã cạn.

Nhìn lại trên đất liền. Rừng với hàng triệu hecta từng phủ xanh 40% diện tích của đất nước bây giờ ra sao? 

Những cánh rừng ngày đêm đang bị băm nát và oằn mình gánh thủy điện, khai thác trái phép, di dân, đốt nương làm rẫy... và hệ lụy của nó là mỗi mùa bão lũ, nhiều sinh mạng phải mất đi vì lũ cuốn nhà tan. Nay chúng ta không còn được khai thác rừng nữa, phải nuôi rừng, tái tạo rừng, nếu không muốn tiếp tục trả giá.

Vậy mà con người có dừng lại đâu. Những cơn sốt ảo đất từ thành thị đến nông thôn, từ Quảng Bình đến Lý Sơn, Phú Quốc... khiến cuộc sống người dân đảo lộn và những giá trị khác cũng lật nhào theo đất. Đất ở nông thôn, các tỉnh giờ cũng không còn bình yên. 

Đất được thổi giá, người có đất đem bán, chưa rõ cuộc sống không còn đất sẽ ra sao. Đất giá cao nhưng để hoang hóa, vì người mua chỉ để đầu cơ kiếm lời. Vì tiền, vì giá đất tăng vọt, người ta sử dụng đất chẳng theo quy hoạch, thậm chí băm nát quy hoạch...

Sau rừng, biển, nay là đất đang bị khai thác cạn kiệt nhắc chúng ta rằng cái thời "rừng vàng biển bạc" không còn nữa. 

Chẳng có gì là vô tận. Chúng ta đã ăn vào tài nguyên của con cháu, chưa thể kiếm tiền bằng tri thức, sáng tạo, bằng sự tự lực trong mỗi con người. Sống bám vào thiên nhiên như ôm bầu sữa mẹ chỉ làm chúng ta yếu đi và say như đứa trẻ ngủ vùi.

Rừng đã cấm. Và biển của chúng ta cũng cần thời gian hồi phục. Dưỡng biển, cũng có nghĩa là nhịn ăn một lúc, để còn có khẩu phần cho con cháu đời sau. Còn đất? Nếu cứ để khai thác vô tội vạ như thời gian qua, đến lúc nào đó cũng chịu cảnh như rừng và biển mà thôi. Đừng để sau rừng, biển đến... đất cũng cạn kiệt.

Đã đến lúc ra tay Đã đến lúc ra tay 'dưỡng biển'

TTO - Hàng loạt địa phương chứng kiến cảnh tàu cá nằm bờ do hải sản cạn kiệt trong lúc chi phí tăng cao, thiếu nhân lực. Nhiều tiếng nói đề nghị phải hạn chế đánh bắt một số thời điểm để "dưỡng biển".

TẤN VŨ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên