15/10/2019 19:36 GMT+7

Sau lời nhờ nâng điểm, những túi quà cả trăm triệu để lại

THÂN HOÀNG - DANH TRỌNG
THÂN HOÀNG - DANH TRỌNG

TTO - Các bị cáo ở Hà Giang khai sửa bài thi nâng điểm là do tình cảm quen thân và để ‘tạo phúc', còn hầu hết các bị cáo ở Sơn La đều khai nhận tiền từ vài trăm đến cả tỉ để nâng điểm.

Sau lời nhờ nâng điểm, những túi quà cả trăm triệu để lại - Ảnh 1.

Bị cáo Cầm Thị Bun Sọn trong phiên tòa xét xử vụ gian lận điểm thi - Ảnh: DANH TRỌNG

Kết thúc ngày xử đầu tiên, cuối chiều 15-10, phiên tòa vụ gian lận thi cử tại Sơn La đã thẩm vấn đến bị cáo thứ 6 trong số 8 người.

Ngoài việc khai nhận những cuộc bàn bạc lên kế hoạch sửa bài thi nâng điểm, những thủ đoạn tẩy xóa điền đáp án, bóc dán niêm phong đầy tinh vi, các bị cáo còn khai về những lần nhận tiền "đặt hàng" nâng điểm.

Giống như bị cáo Nga khai đầu buổi chiều, các bị cáo Cầm Thị Bun Sọn - phó phòng chính trị tư tưởng, Đặng Hữu Thủy - phó hiệu trưởng Trường THPT Tô Hiệu - vẫn còn nhớ khá chi tiết về những lần nhận tiền "cám ơn".

Là người thứ hai lên bục khai báo, bà Sọn tỏ ra khá bình tĩnh trả lời thẩm vấn. Bà khai, trước kỳ thi có nhận thông tin của một thí sinh là con bà Hoàng Thị Thành - chủ tịch Hội nông dân huyện Quỳnh Nhai.

Bà Thành là bạn học cao học, nhờ nâng điểm hai môn trắc nghiệm, một môn tự luận để đủ điểm xét tuyển vào trường công an.

"Quá trình này bị cáo không thỏa thuận gì, cũng không nói rõ cần nâng bao nhiêu điểm, nhưng Thành nói rằng nếu giúp sẽ đưa 400 triệu đồng để cảm ơn. Thực tế bị cáo đã nhận 400 triệu. Sau khi có kết quả, Thành đưa thêm 40 triệu đồng. Bị cáo đã nộp khoản tiền này cho cơ quan điều tra trước khi bị khởi tố", bà Sọn khai khá chi tiết.

Bị cáo Thủy khai có nhận thông tin của bốn thí sinh để nhờ xem điểm. Tuy nhiên, cả bốn thí sinh này đều được nâng điểm.

"Bị cáo nhận thức về xem giúp là như thế nào?", chủ tọa hỏi. "Khi có điều kiện thì sửa, nâng điểm giúp", Thủy đáp.

Thủy khẳng định không thỏa thuận gì, các phụ huynh cũng không hứa hẹn gì khi nhờ nâng điểm.

Chủ tọa nhắc lại lời khai tại cơ quan điều tra của Thủy về việc nhận tiền của các phụ huynh. Theo đó, cựu phó hiệu trưởng nhận của bà Nguyễn Thị Kim (kế toán Trường THPT Tô Hiệu) 150 triệu đồng, bà Nguyễn Thị Mai Hà (giáo viên Trường THPT Tô Hiệu) 150 triệu đồng, bà Nguyễn Thị Xuyên (giáo viên Trường THCS Mường Bằng 1) 200 triệu đồng để giúp sửa, nâng điểm cho bốn thí sinh.

Riêng bà Bùi Thị Xuân (Chi cục trồng trọt và bảo vệ thực vật tỉnh Sơn La) hứa hẹn sau khi giúp nâng điểm cho một thí sinh sẽ đưa cho Thủy 270 triệu đồng.

Thủy thừa nhận lời khai này, nhưng giải thích rằng trước khi nhờ không trao đổi gì, chỉ sau khi có kết quả thì những người trên mới đưa tiền để cám ơn. Theo đó những người này đã đến tận nhà Thủy để lại những túi quà. Sau thì Thủy thấy mỗi túi quà có từ 150-200 triệu đồng.

"Khi Bộ Giáo dục và đào tạo lên kiểm tra, bị cáo đã trả lại tiền cho gia đình các thí sinh", Thủy khai tại tòa.

Sau lời nhờ nâng điểm, những túi quà cả trăm triệu để lại - Ảnh 2.

Bị cáo Đỗ Khắc Hưng, nguyên cán bộ Công an tỉnh Sơn La, trong phiên xét xử chiều 16-10 - Ảnh: DANH TRỌNG

Cái tên Nguyễn Minh Khoa, thời điểm xảy ra vụ gian lận đang là phó trưởng phòng an ninh chính trị nội bộ Công an tỉnh, liên tục được nhắc đến tại tòa. Bị cáo Lò Văn Huynh và Đỗ Khắc Hưng đều khẳng định được Khoa nhờ nâng điểm cho một số thí sinh.

Bị cáo Huynh khai được ông Khoa chuyển thông tin nhờ giúp 3 thí sinh. Sau đó, bị cáo Huynh khai đã nhận của ông Nguyễn Minh Khoa số tiền 1 tỉ đồng để giúp sửa, nâng điểm cho 2 thí sinh. Đến nay, ông Huynh đã nộp lại số tiền này cho cơ quan điều tra. Ngoài ra bị cáo này còn nhận của một trường hợp khác 300 triệu đồng để nâng điểm cho một thí sinh.

Ông Khoa bị tòa triệu tập nhưng vắng mặt. Tòa cho rằng ông Khoa vắng không có lý do chính đáng nên ra quyết định áp dụng dẫn giải đến phiên xử để làm rõ nhiều vấn đề có liên quan. Ngoài ra tòa cũng ra quyết định dẫn giải các ông Lê Minh Loan, nguyên cán bộ công an đã nghỉ hưu; Nguyễn Hồng Hà, trưởng Phòng giáo dục huyện Phù Yên; Ngần Văn Lói, xã Chiềng Khoa, huyện Vân Hồ…

Cơ quan điều tra và Viện kiểm sát cho rằng hành vi nhận tiền, thỏa thuận sẽ nhận tiền để sửa nâng điểm cho thí sinh của các bị cáo có dấu hiệu của tội nhận hối lộ, đưa hối lộ và môi giới hối lộ. Tuy nhiên, ngoài lời khai của các bị cáo và số tiền đã nộp, cơ quan điều tra không có tài liệu nào khác để chứng minh nên không có căn cứ để truy cứu trách nhiệm hình sự.

Xuất lộ cuộc Xuất lộ cuộc 'ngã giá' tiền tỉ nâng điểm thi ở Sơn La

TTO - Bị cáo Nguyễn Thị Hồng Nga, chuyên viên phòng khảo thí và quản lý chất lượng giáo dục Sở GD-ĐT Sơn La, khai rành rọt những cuộc trao đổi nhờ sửa bài thi và cả mức tiền “cảm ơn” sau khi hoàn tất nâng điểm.

THÂN HOÀNG - DANH TRỌNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên