10/05/2013 00:01 GMT+7

Sapa - Nơi gặp gỡ của trời mây

Nguồn: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Nguồn: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch

Tin dịch vụ - Sapa được ví như cô gái đẹp trong buổi sớm mai đất trời còn ngái ngủ, với hàng mi rợp mát trên cặp mắt mơ màng của nàng thiếu nữ đang tuổi xuân thì.

Nằm ở phía Tây Bắc của tổ quốc, Sa Pa là một huyện vùng cao của tỉnh Lào Cai - cách Hà Nội 376 km - một vùng đất khiêm nhường, lặng lẽ nhưng ẩn chứa bao điều kỳ diệu của cảnh sắc thiên nhiên.

Chìm trong làn mây bồng bềnh, thị trấn Sa Pa như một thành phố trong sương huyền ảo, vẽ lên một bức tranh sơn thủy hữu tình. Đến với Sapa, người ta như quên đi mọi cảm giác ưu phiền, những lo toan bộn bề, những bụi bặm phố phường... chỉ còn mây, trời, cảnh sắc lãng mạn, hùng vĩ. Con người ở đây sống với mây, hòa trong mây. Chẳng thế mà, Sapa còn được gọi là thị trấn trong mây. Nơi đây, có thứ tài nguyên vô giá đó là khí hậu trong lành mát mẻ với nhiệt độ trung bình 15-18°C, nhiều khi xuống dưới 0°C và có năm có tuyết rơi. Cũng do đặc điểm về vị trí địa lý và khí hậu này nên hệ động thực vật trong vùng vô cùng phong phú và đa dạng.

Cảnh sắc Sapa ban ngày đã vô cùng rực rỡ, đến đêm lại càng trở nên lung linh huyền ảo. Những làn sương trắng theo gió phủ đầy những nóc nhà, con phố, tán cây... Dọc theo con đường dốc thoai thoải giữa thị trấn, trong ánh sáng lờ mờ của những chiếc đèn đường, làn hơi sương lan tỏa dịu dàng xua màn đêm sâu thăm thẳm. Càng về khuya “thị trấn trong mây” này lại càng lạnh giá và lạ lùng.

Đi xa một chút về phía đường Cầu Mây, người ta mới cảm nhận rõ vẻ hoang sơ của núi rừng Tây Bắc. Bên tai chỉ còn lại những tiếng gió thốc và hơi lạnh của sương. Những đôi tình nhân đi du lịch trên đường chốc chốc lại đưa hai bàn tay chà xát thật mạnh rồi áp lên má. Dù đã mặc tới ba bốn lượt áo, nhưng nhiều người vẫn không thể xua tan đi cái giá lạnh nơi đây.

Nhắc đến Sa Pa, nhắc đến núi rừng Tây Bắc, chúng ta không thể không nói tới mặt hàng vải thổ cẩm tuyệt đẹp do bàn tay khéo léo của những cô gái, những người phụ nữ người Mông và Dao tạo nên. Mấy năm gần đây, vải và các sản phẩm từ chất liệu thổ cẩm đã trở thành một mặt hàng xuất khẩu nổi tiếng trong và ngoài nước.

Sa Pa với nhiều dân tộc cư trú xen kẽ, mỗi tộc người có một nét văn hoá riêng nên mỗi năm có rất nhiều các lễ hội diễn ra ở đây, như lễ hội “Roóng pọc” của người Giáy Tả Van, lễ hội “Sải Sán” (đạp núi) của người Mông, lễ “Tết nhảy” của người Dao Đỏ, tất cả đều diễn ra vào tháng tết hàng năm.

Chợ phiên của Sa Pa họp vào ngày chủ nhật tại huyện lỵ (thị trấn Sa Pa). Người dân ở vùng xa phải đi từ ngày thứ bảy. Vào tối thứ bảy mọi người cùng thức vui với nhau bằng những bài hát dân ca của trai gái người Mông, người Dao, bằng những âm thanh của đàn môi, của sáo, của khèn Mông, bằng những bát rượu tràn đầy của những người có tuổi… và người ta đã đặt cho nó là “chợ tình”. Cảnh nhộn nhịp của những đôi trai gái dập dìu trong điệu khèn của người Mông, kèn môi của người Dao, múa xoè hoa của người Thái, người Mường…. cùng với những bát rượu tràn đầy góp phần tạo nên không khí vui tươi, náo nhiệt và mang đậm bản sắc văn hoá dân tộc vùng Tây Bắc.

Sa Pa còn có núi Hàm Rồng ở sát ngay thị trấn. Hiện nay, với bàn tay tôn tạo của con người, Hàm Rồng thực sự là một thắng cảnh đầy hoa trái của Sa Pa.

Nếu ai đã một lần đi Sapa chắc hẳn khó lòng quên được cảm giác khi được ngắm cảnh về đêm của thị trấn. Một vẻ đẹp đến nao lòng, khiến bất cứ ai khi ra về cũng phải luyến tiếc.

DryTIOct.jpg

Nguồn: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên