07/11/2017 15:41 GMT+7

Sáng kiến của Việt Nam được đánh giá cao tại CSOM

QUỲNH TRUNG - NHẬT ĐĂNG
QUỲNH TRUNG - NHẬT ĐĂNG

TTO - Chiều 7-11, Thứ trưởng thường trực Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn, Chủ tịch SOM APEC 2017, chủ trì buổi họp báo về Hội nghị tổng kết quan chức cấp cao APEC (CSOM) vừa kết thúc.

Thứ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn nhấn mạnh Việt Nam sẽ tiếp tục với TPP trong buổi họp báo về CSOM - Video: NGUYÊN HẠNH - TRẦN PHƯƠNG

Trưa 7-11 tại trung tâm báo chí quốc tế TP. Đà Nẵng, Thứ trưởng thường trực Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn, Chủ tịch SOM APEC 2017 chủ trì buổi họp báo về Hội nghị tổng kết quan chức cấp cao APEC (CSOM) vừa kết thúc. Khoảng 300 phóng viên trong nước và quốc tế đã tham dự.

Phát biểu mở đầu cuộc họp báo, ông Bùi Thanh Sơn điểm qua 5 kết quả chính đạt được trong hai ngày làm việc trước, bao gồm:

Đầu tiên, hội nghị thông qua báo cáo tổng kết hoạt động của 4 uỷ ban APEC về thương mại và đầu tư, kinh tế, hợp tác kinh tế kỹ thuật và uỷ ban ngân sách, tài chính.

Hai là, hội nghị thảo luận các nỗ lực duy trì thương mại mở và tự do, thuận lợi hóa đầu tư. Việc ủng hộ thương mại đa phương cũng được nhiều đại biểu đề cập.

Sáng kiến của Việt Nam được đánh giá cao tại CSOM - Ảnh 2.

Thứ trưởng ngoại giao Bùi Thanh Sơn, chủ tịch SOM APEC 2017, tại cuộc họp báo công bố kết quả Hội nghị tổng kết quan chức cao cấp APEC (CSOM) tại Trung tâm báo chí Đà Năng ngày 7-11 - Ảnh: TRẦN PHƯƠNG

Thứ ba, hội nghị đã được thông tin về kết quả của các hội nghị cấp bộ trưởng diễn ra từ SOM3 đến nay, trong đó có tuần lễ về an ninh lương thực tại Cần Thơ hồi tháng 8 vừa qua. Nổi bật nhất là thông qua Tuyên bố Cần Thơ về An ninh lương thực và nông nghiệp bền vững thích ứng với biến đổi khí hậu.

"Trong bối cảnh các tỉnh Nam Trung Bộ và TP. Hội An ở cách chúng ta 30 km đang chìm trong cơn lũ lịch sử, các đại biểu đánh giá cao ý nghĩa của tuyên bố này đối với phát triển bền vững và bao trùm của Việt Nam nói riêng, và các nền kinh tế APEC nói chung", ông Bùi Thanh Sơn nói.

Thứ tư, hội nghị thông qua kế hoạch hành động chung của uỷ ban kinh tế với tiến trình các quan chức cấp cao tài chính.

Thứ năm, hội nghị nhất trí trình lên hội nghị các bộ trưởng và hội nghị cấp cao APEC xem xét một số văn kiện mang tính chiến lược, định hướng cho sự hợp tác dài hạn của APEC trong những thập niên tới.

Ông Bùi Thanh Sơn cho biết các đại biểu tại CSOM vừa qua đã đánh giá cao tiến độ thực hiện các sáng kiến phát triển, tạo động lực mới do Việt Nam đưa ra.

Sáng kiến của Việt Nam được đánh giá cao tại CSOM - Ảnh 3.

Phóng viên Tuổi Trẻ đặt câu hỏi với Thứ trưởng ngoại giao Bùi Thanh Sơn - Ảnh: TRẦN PHƯƠNG

Trong phần hỏi đáp sau đó, trả lời câu hỏi của Tuổi Trẻ Online về sáng kiến để các thành viên APEC cùng thúc đẩy nguồn nhân lực trong kỷ nguyên số, Thứ trưởng cho biết: "Có rất nhiều sáng kiến liên quan tới việc này, trong đó có khuôn khổ tạo thuận lợi thương mại điện tử xuyên biên giới, vốn được các nền kinh tế rất quan tâm và ủng hộ".

Cũng theo Thứ trưởng Bùi Thanh Sơn, sở dĩ các sáng kiến của Việt Nam, đơn cử là sáng kiến liên quan tới phát triển nguồn nhân lực thời đại số, được ủng hộ một phần vì nó phù hợp với phát triển kinh tế bao trùm, phù hợp với vấn đề của thời đại.

Ông Bùi Thanh Sơn nhận định rằng trong xu thế chung của toàn cầu hóa, sẽ tồn tại tình trạng phát triển không đồng đều, và một số có thể bị tác động tiêu cực vì yêu cầu của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.  Vì thế trong bối cảnh mới, Việt Nam sẽ phối hợp với các nền kinh tế khác ở APEC thu hẹp sự phát triển, tạo cân bằng lợi ích, trên cơ sở đó đáp ứng lợi ích của các thành viên còn lại.

Sáng kiến của Việt Nam được đánh giá cao tại CSOM - Ảnh 4.

Phóng viên Papua New Guinea đặt câu hỏi tại buổi họp báo - Ảnh: TRẦN PHƯƠNG

Cuộc họp CSOM tại TP Đà Nẵng, hội nghị cấp SOM cuối cùng của năm APEC 2017, là nơi có hơn 200 đại biểu gồm các quan chức cao cấp (SOM) của 21 nền kinh tế thành viên APEC, đại diện Ban Thư ký Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), Hội đồng Hợp tác kinh tế Thái Bình Dương (PECC), Diễn đàn các đảo Thái Bình Dương (PIF), và Hội đồng Tư vấn doanh nghiệp APEC (ABAC).

Tại APEC 2017 ở Đà Nẵng lần này, Việt Nam đã lựa chọn 4 ưu tiên cho năm APEC gồm: 1. Thúc đẩy tăng trưởng bền vững, sáng tạo và bao trùm; 2. Đẩy mạnh liên kết kinh tế khu vực sâu rộng; 3. Nâng cao năng lực cạnh tranh, sáng tạo của doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa (MSMEs) trong kỷ nguyên số; và 4. Tăng cường an ninh lương thực và nông nghiệp bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu.

QUỲNH TRUNG - NHẬT ĐĂNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên