24/10/2021 09:00 GMT+7

Sân Mỹ Đình đón 12.000 khán giả tiếp lửa cho tuyển Việt Nam

KHƯƠNG XUÂN
KHƯƠNG XUÂN

TTO - Ngày mai (25-10), Bộ VH-TT&DL sẽ tổ chức cuộc họp về công tác tổ chức hai trận đấu của đội tuyển VN với Nhật Bản và Saudi Arabia tại vòng loại thứ 3 World Cup 2022.

Sân Mỹ Đình đón 12.000 khán giả tiếp lửa cho tuyển Việt Nam - Ảnh 1.

COVID-19 vẫn rình rập, nhưng vé đã được bán để 12.000 khán giả vào sân Mỹ Đình cổ vũ cho đội tuyển bóng đá Việt Nam thi đấu với đội tuyển Nhật (11-11) và Saudi Arabia (16-11) ở vòng loại thứ 3 World Cup 2022 - Ảnh: NGUYỄN KHÁNH

Để đảm bảo an toàn trong việc phòng chống dịch, nhiều phương án và quy định khi vào sân sẽ được áp dụng với người hâm mộ dự khán trận đấu.

Theo lịch thi đấu, đội tuyển VN sẽ có 2 trận trên sân nhà tại vòng loại thứ 3 là: VN - Nhật Bản (19h ngày 11-11), VN - Saudi Arabia (19h ngày 16-11).

3 vòng an ninh được thiết lập

UBND TP Hà Nội đã đồng ý cho 12.000 khán giả vào sân trong mỗi trận đấu của đội tuyển VN vào tháng 11 tới. Đây là tin vui với đội tuyển VN nhưng cũng gây nên những áp lực không nhỏ về công tác y tế, an ninh đối với ban tổ chức trận đấu và cả TP Hà Nội.

Ngày 23-10, trao đổi với Tuổi Trẻ, một thành viên tiểu ban an ninh trận đấu cho biết Công an Hà Nội sẽ đảm bảo an toàn cho toàn bộ quá trình chuẩn bị và diễn ra hai trận đấu của đội tuyển VN. 

Sẽ có 3 vòng an ninh được thiết lập để đảm bảo an ninh, an toàn cho người hâm mộ đến sân vận động (SVĐ) Mỹ Đình. Ưu tiên lớn nhất của ban tổ chức trận đấu chính là đảm bảo an toàn cho 12.000 khán giả đến sân.

Vị này chia sẻ: "Ban tổ chức trận đấu đã có nhiều cuộc họp với Công an TP Hà Nội, đại diện Sở Y tế… về phương án an ninh, an toàn cho trận đấu. Sẽ có khoảng 1.000 người duy trì công tác an ninh (bao gồm công an, vệ sĩ) trên sân Mỹ Đình trong mỗi trận đấu".

Mở cửa sân Mỹ Đình trước 4 tiếng, phân làn cho khán giả

Liên quan đến các vòng bảo vệ an ninh và kiểm tra y tế trên sân, lãnh đạo này cho biết ban tổ chức trận đấu sẽ mở cửa SVĐ Mỹ Đình 4 tiếng trước khi trận đấu diễn ra. Điều này cho phép khán giả đến sân sớm để khai báo y tế, di chuyển đảm bảo giãn cách... 

Sẽ có 6 cổng được mở xung quanh SVĐ Mỹ Đình, trong đó 1 cổng dành cho ban tổ chức ở khu vực đường Tân Mỹ, 5 cổng được mở ở khu vực quảng trường Mỹ Đình, có phân làn để dành cho người hâm mộ đến sân.

Toàn bộ khán giả vào sân phải đáp ứng các yêu cầu: đã tiêm đủ 2 mũi vắc xin phòng COVID-19, thời gian hoàn thành mũi 2 là 14 ngày trở lên hoặc đã khỏi COVID-19 trong thời gian 6 tháng; có kết quả xét nghiệm âm tính với COVID-19 trong thời gian 72 giờ trước khi bóng lăn; thực hiện đủ 5K khi đến sân; thực hiện nghiêm các yêu cầu về việc ngồi giãn cách trên khán đài, đặc biệt phải đeo khẩu trang trong toàn bộ thời gian có mặt tại sân Mỹ Đình.

Sân Mỹ Đình đón 12.000 khán giả tiếp lửa cho tuyển Việt Nam - Ảnh 2.

Năm 2020, các giải thi đấu trên thế giới đều không có khản gỉả. Tại Việt Nam, do chống COVID-19 tốt, khán giả vẫn đến sân và là sự kiện lý thú với thế giới lúc bấy giờ. Trong ảnh: trận khai mạc Cúp quốc gia 2020 trên SVĐ Thiên Trường giữa CLB Nam Định - Hoàng Anh Gia Lai ngày 23-5-2020, với 10.000 khán giả cổ vũ - Ảnh: HỮU TẤN

Quy trình kiểm tra chặt chẽ

Vị này cho biết: "Người hâm mộ vào sân phải đi qua 3 vòng kiểm tra an ninh và y tế rất chặt chẽ. Vòng 1 mở ở phía ngoài quảng trường Mỹ Đình, người hâm mộ phải xuất trình vé, xác nhận đã hoàn thành 2 mũi vắc xin phòng COVID-19, giấy xét nghiệm COVID-19, khai báo y tế điện tử. 

Bộ phận y tế sẽ túc trực ở vòng 1 để đo thân nhiệt cho người hâm mộ, nếu dưới 37,2 độ và đã hoàn thành các thủ tục liên quan thì người hâm mộ sẽ được dán một sticker xanh để di chuyển vào vòng 2.

Ở vòng 2, người hâm mộ tiếp tục được kiểm tra cuống vé, kiểm tra xem có sticker xanh hay không, nếu đầy đủ sẽ được đóng dấu vào tay để vào vòng 3. 

Vòng kiểm tra thứ 3 là khu vực 56 cửa ở 4 khán đài SVĐ Mỹ Đình, lực lượng an ninh một lần nữa kiểm tra dấu đóng trên tay người hâm mộ, sticker xanh và cuống vé để cho vào khán đài. Người hâm mộ ngồi đúng vị trí giãn cách đã được đánh dấu trên khán đài và đeo khẩu trang nghiêm túc trong thời gian đến sân Mỹ Đình.

Khách sạn Grand Plaza - trung tâm quy trình "bong bóng"

Theo thông tin từ VFF, tuyển Nhật Bản và Saudi Arabia dự kiến mang đến VN khoảng 55 - 60 thành viên/đội.

Ngoài ra, sẽ có khoảng 55 thành viên là quan chức, giám sát AFC, đội ngũ trọng tài và trọng tài VAR, đối tác thương mại của AFC và VFF… có mặt tại VN để chuẩn bị cho hai trận đấu vào tháng 11 tới.

Hiện VFF đang phối hợp với Cục Xuất nhập cảnh (Bộ Công an), Cục Lãnh sự (Bộ Ngoại giao) để làm thủ tục xin phép nhập cảnh cho các thành viên này.

Khi đến VN, tất cả đều được áp dụng quy trình "bong bóng" ngay từ khi đến sân bay Nội Bài. Khách sạn Grand Plaza là nơi lưu trú của cả đội tuyển VN, Nhật Bản, Saudi Arabia và quan chức, trọng tài của hai trận đấu.

Sẽ có ba địa điểm mà các đội tuyển di chuyển khi chuẩn bị cho trận đấu gồm: Trung tâm đào tạo bóng đá trẻ VN (nơi đội tuyển VN tập luyện), SVĐ Hàng Đẫy (nơi tuyển Nhật Bản, Saudi Arabia tập luyện), SVĐ Mỹ Đình (địa điểm tập làm quen sân và thi đấu chính). Tất cả các địa điểm đều được đảm bảo an ninh, kiểm soát nghiêm ngặt phòng chống COVID-19.

Sở Y tế Hà Nội có trách nhiệm lấy mẫu xét nghiệm cho tất cả các thành viên thực hiện quy trình "bong bóng". Ngay sau khi đến sân bay Nội Bài, các thành viên này sẽ phải được xét nghiệm, khi có kết quả âm tính mới được thực hiện nhiệm vụ tiếp theo và tiếp tục xét nghiệm định kỳ trong quá trình chuẩn bị thi đấu.

Mặt cỏ sân Mỹ Đình đã đẹp hơn

co san mydinh

Bên trong sân vận động quốc gia Mỹ Đình (ảnh chụp chiều 23-10) - Ảnh: NGUYỄN KHÁNH

Trong cuộc thị sát SVĐ Mỹ Đình mới đây, ông Hoàng Đạo Cương - thứ trưởng Bộ VH-TT&DL - cho Tuổi Trẻ biết mặt sân Mỹ Đình giờ đã tạm ổn, đẹp hơn so với thời điểm tổ chức trận đấu với đội tuyển Úc vào ngày 7-9.

Trong hai ngày 27 và 28-10, bộ này và ban tổ chức trận đấu sẽ kiểm tra việc hoàn thiện sửa chữa 8 phòng chức năng của SVĐ Mỹ Đình phục vụ trận đấu với Nhật Bản, Saudi Arabia.

Các phòng thay đồ, VAR, họp báo, trọng tài… sẽ được sửa xong trước ngày 28-10. Hệ thống phòng cháy chữa cháy trên SVĐ Mỹ Đình cũng đang trong giai đoạn được sửa chữa sau nhiều năm hư hỏng không thể hoạt động.

Vì sao giá vé vào sân Mỹ Đình quá cao?

Trong số 12.000 vé được phát hành, dự kiến có khoảng 9.000 - 10.000 vé được bán cho người hâm mộ. Số vé còn lại được VFF dùng làm vé mời cho các đối tác, đặc biệt là đối tác thương mại của VFF, AFC.

Ông Lê Văn Thành - phó chủ tịch tài chính VFF - cho biết do việc bán, trả vé được tiến hành online và qua dịch vụ bưu điện nên sẽ đảm bảo an toàn cho người hâm mộ.

Toàn bộ số vé bán cho người hâm mộ sẽ được bán online trên ứng dụng VinID. Vé vào sân xem đội tuyển VN có 4 mệnh giá: 500.000 đồng, 700.000 đồng, 900.000 đồng, 1.200.000 đồng.

Đây là mức giá cao nhất mà khán giả từng phải bỏ ra để vào sân cổ vũ đội tuyển VN trong một giải đấu chính thức. Không ít người hâm mộ đã ngỡ ngàng trước mức giá vé này.

Trước đó, giá vé vào xem trận chung kết lượt về AFF Suzuki Cup 2018 trên sân Mỹ Đình giữa đội tuyển VN và Malaysia chỉ có các mệnh giá: 200.000 đồng, 350.000 đồng, 500.000 đồng, 600.000 đồng.

Trả lời câu hỏi của Tuổi Trẻ vì sao giá vé lại cao đến vậy, ông Lê Hoài Anh - tổng thư ký VFF - cho biết VFF đã có những tính toán, cân nhắc kỹ trước khi ban hành giá vé.

Theo tìm hiểu của Tuổi Trẻ, toàn bộ chi phí tổ chức các trận đấu của đội tuyển VN trên sân nhà tại vòng loại thứ 3 sẽ do VFF chi trả. Trong khi đó, AFC nắm toàn bộ thương quyền của các trận đấu (ngay cả các trận trên sân nhà của VN) như: bán biển quảng cáo, bản quyền truyền hình… Vì vậy, VFF có quyền quyết định mức giá vé và được thu toàn bộ tiền bán vé trận đấu.

Tiền bán vé trận đấu được VFF dùng để chi cho rất nhiều hạng mục liên quan đến việc tổ chức trận đấu như: 350 triệu đồng tiền thuê sân Mỹ Đình, chi phí an ninh, y tế, di chuyển… Trong đó, chi phí an ninh, theo lãnh đạo VFF, là rất lớn.

Ngoài ra, nếu tiền bán vé may mắn có "lãi" (số tiền VFF thu về từ việc bán vé trong mỗi trận đấu của đội tuyển VN vào tháng 11 có thể lên tới 7 - 8 tỉ đồng) thì VFF dùng để phục vụ đội tuyển VN, đội tuyển nữ, hệ thống các đội trẻ, futsal.

Ưu tiên đặc biệt cho đội tuyển

An ninh, an toàn với cầu thủ, người dân là ưu tiên số 1 đối với ban tổ chức trận đấu cũng như chính phủ của các quốc gia tổ chức các trận vòng loại World Cup trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến phức tạp. Vì điều đó, đội tuyển Trung Quốc đã không thể thi đấu trên sân nhà mà phải thuê sân ở nước ngoài để thi đấu vòng loại thứ 3.

Thế nhưng ở VN, Chính phủ rất quan tâm và có sự ưu tiên đặc biệt với đội tuyển. Lần đầu tiên đội tuyển VN giành quyền vào chơi ở vòng loại cuối cùng World Cup, thầy trò HLV Park Hang Seo đã được Chính phủ, Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch COVID-19 tạo cơ chế ưu tiên đặc biệt.

Đầu tiên là việc đội tuyển VN được phép thi đấu trên sân nhà Mỹ Đình. Kế đến, đội tuyển VN cũng như các đội tuyển nước ngoài đến VN thi đấu đều không phải thực hiện cách ly y tế theo quy định bình thường.

Toàn bộ quá trình di chuyển, ăn ở, tập luyện, thi đấu của hai đội bóng và các quan chức, trọng tài làm nhiệm vụ trong các trận đấu trên sân nhà của đội tuyển VN đều được bảo vệ an toàn tuyệt đối theo quy trình "bong bóng" khép kín.

Thời điểm này dù Chính phủ, người dân trên cả nước vẫn phải căng mình để chống dịch COVID-19 và thực hiện cuộc sống bình thường mới, Chính phủ vẫn cho phép người hâm mộ vào sân tiếp sức cho đội tuyển VN. 12.000 khán giả có mặt trong SVĐ Mỹ Đình sẽ là niềm động viên, khích lệ rất lớn với tuyển VN trong cuộc đối đầu với những đội bóng hàng đầu châu Á là Nhật Bản, Saudi Arabia.

Ngay sau trận đấu với tuyển Úc vào ngày 7-9, ông Trần Quốc Tuấn - phó chủ tịch thường trực VFF - cho biết AFC đánh giá toàn bộ quá trình di chuyển, ăn ở, tập luyện, thi đấu… được VN tổ chức tốt và an toàn. Đây là cơ sở để VN tiếp tục tổ chức 4 trận đấu tiếp theo của đội tuyển VN trên sân Mỹ Đình.

Đường đến khán đài của khán giả Anh

cdv anh

CĐV Anh phải đáp ứng rất nhiều điều kiện để được vào sân theo dõi các trận đấu - Ảnh: Reuters

Dù dịch COVID-19 tại Anh vẫn còn diễn biến phức tạp nhưng từ mùa giải 2021-2022, Chính phủ Anh đã cho phép các CĐV trở lại sân theo dõi các trận đấu bóng đá mà không hạn chế số lượng.

Đây là thành quả của quá trình tiêm chủng đạt mức cao. Tuy vậy, hành trình vào sân của các CĐV cũng rất gian truân khi họ phải đáp ứng hàng loạt quy định gắt gao.

Cụ thể, muốn vào sân, CĐV phải trình được chứng nhận tiêm phòng 2 mũi vắc xin hoặc có xét nghiệm âm tính trong vòng 48 giờ. Theo thông báo của các CLB ở Anh, do tình hình dịch bệnh nên CĐV được khuyến cáo đến sân trước khi trận đấu bắt đầu ít nhất 30 phút.

Khoảng thời gian này để thực hiện kiểm tra an ninh hay sàng lọc ca nhiễm trong các CĐV nếu có yêu cầu. Trong đó, quy định chặt chẽ nhất là những CĐV từ 11 tuổi trở lên phải đeo khẩu trang nếu hoạt động trong nhà.

Dù không bắt buộc đeo khẩu trang trên khán đài (đó là lý do tại sao nhiều CĐV không đeo khẩu trang khi xem trận đấu) nhưng các CĐV phải tuân thủ các quy định phòng dịch khác. Theo đó, mỗi CLB đặt ra các hướng dẫn riêng cho CĐV của họ khi vào sân.

Thực tế, sân vận động ở Anh có khán giả đã bắt đầu từ hồi Euro 2020. Ở các trận bán kết và chung kết Euro 2020 trên sân Wembley, Chính phủ Anh đã cho phép 65.000 khán giả vào sân (chiếm 75% sức chứa) mỗi trận. Ở thời điểm đó, ban tổ chức cũng yêu cầu các CĐV vào sân phải có xét nghiệm âm tính hoặc tiêm chủng 2 mũi đủ thời gian 14 ngày trước trận đấu.

Khi đưa ra quyết định này, tình hình COVID-19 tại Anh đang rất căng thẳng và Chính phủ Anh phải tuyên bố lùi ngày dỡ bỏ các biện pháp giãn cách xã hội đến ngày 19-7 (dự kiến ban đầu từ 21-6). Điều đó đã dấy lên những lo ngại về việc bùng phát dịch COVID-19 từ các trận đấu. Nhưng cuối cùng nước Anh đã tổ chức thành công các trận bán kết và chung kết Euro 2020.

Từ việc tổ chức an toàn các trận đấu ở Euro 2020, Chính phủ Anh mạnh dạn cho phép CĐV trở lại sân đầy đủ từ mùa giải năm nay. Đó là kinh nghiệm quý báu mà các quốc gia khác cần tiếp thu trong bối cảnh phải sống chung với đại dịch COVID-19.

Tuân thủ khuyến cáo của UEFA

Ngoài việc tuân thủ quy định riêng của ban tổ chức các trận đấu, khán giả vào sân xem các trận đấu ở Euro 2020 vừa qua cũng phải tuân thủ các khuyến cáo của LĐBĐ châu Âu (UEFA).

Khuyến cáo của UEFA ở mức độ rộng hơn, tập trung vào những hạn chế về đi lại, sức chứa sân vận động và phân bổ vé. Dựa vào tình hình dịch bệnh ở mỗi nước khác nhau mà UEFA và ban tổ chức nước sở tại quyết định số lượng CĐV vào sân. Tại vòng bảng Euro 2020 chỉ có sân Puskas Arena (Budapest, Hungary) là được phép đón 100% khán giả nhờ tỉ lệ tiêm chủng ấn tượng ở Hungary.

H.D.

Kinh nghiệm từ UAE

cdv viet nam o uae

Cổ động viên VN trên sân Zayed Sports trong trận UAE - VN ở vòng loại thứ 2 World Cup - Ảnh: ANH KHOA

Gần tròn 2 năm, người hâm mộ VN mới được quay trở lại sân Mỹ Đình tiếp lửa cho tuyển VN. Từng tham dự các trận đấu của tuyển VN ở vòng loại thứ 2 World Cup 2022, anh Ngọc Nguyễn - CTV của Tuổi Trẻ - đã chia sẻ những trải nghiệm của mình về phương thức tổ chức trận đấu của chủ nhà UAE:

"Theo quy định của Liên đoàn Bóng đá châu Á (AFC), khán giả muốn vào sân xem các trận đấu tại vòng loại cuối cùng World Cup 2022 phải đáp ứng đầy đủ các yêu cầu gồm: tiêm đủ hai liều vắc xin đã qua 14 ngày và phải có kết quả xét nghiệm RT-PCR âm tính với SARS-CoV-2 trong vòng 72 giờ trước khi trận đấu bắt đầu.

Thực tế, yêu cầu này đã được AFC áp dụng tại vòng loại thứ 2 khi đội tuyển VN thi đấu tại UAE. Khi đó, khán giả VN tại đây đã rất quen thuộc với việc đáp ứng những yêu cầu về phòng chống dịch được AFC ban hành.

Khi đó, ngoài những yêu cầu bắt buộc của AFC, những Việt kiều đang sinh sống và làm việc tại Dubai phải đến sân gần 2 giờ trước khi bóng lăn. Do quy trình kiểm tra thông tin tiêm vắc xin và kết quả xét nghiệm RT-PCR mất khá nhiều thời gian nên khán giả phải đến sân sớm, xếp hàng giãn cách để vào sân sau khi đáp ứng đầy đủ yêu cầu.

Yêu cầu của AFC sẽ giúp an toàn cho mọi người tham gia trận đấu. Tôi từng xếp hàng 4 tiếng để mua vé và đứng chờ gần 3 tiếng để được vào sân xem đội tuyển VN thi đấu hồi tháng 6 vừa qua tại Dubai nên tôi thấy việc này hoàn toàn bình thường.

Anh BÙI ĐỨC HẢI (Việt kiều sinh sống tại Dubai)


Sau khi được vào bên trong khán đài, người hâm mộ phải ngồi giãn cách theo hướng dẫn của nhân viên.

Tuyệt đối không được ngồi gần nhau, những chiếc ghế đã được ban tổ chức sân đánh dấu X thì tuyệt đối không được ngồi, mọi người ngồi cách nhau một chiếc ghế và bắt buộc phải đeo khẩu trang trong suốt quá trình theo dõi trận đấu.

Mới đây, khi đội tuyển VN sang làm khách tại Saudi Arabia và Oman, kiều bào Việt tại đây cũng phải đáp ứng đầy đủ và thực hiện đúng theo yêu cầu của AFC để được tiếp lửa cho thầy trò HLV Park Hang Seo từ trên khán đài.

Từ những kinh nghiệm mà cổ động viên VN đã trải qua từ vòng loại thứ 2 cho đến vòng loại cuối cùng này, tới đây người hâm mộ VN khi vào sân Mỹ Đình sẽ có thêm thông tin để thực hiện đúng với yêu cầu của AFC. Điều này sẽ giúp VFF và ban tổ chức sân Mỹ Đình dễ dàng hơn trong việc kiểm soát người vào sân, đảm bảo công tác phòng chống dịch".


NGỌC NGUYỄN

Sân Mỹ Đình có thể đón 12.000 khán giả trong trận Việt Nam tiếp Nhật Bản, Saudi Arabia Sân Mỹ Đình có thể đón 12.000 khán giả trong trận Việt Nam tiếp Nhật Bản, Saudi Arabia

TTO - Đội tuyển Việt Nam có thể sẽ nhận được sự tiếp sức của 12.000 cổ động viên trong các cuộc đối đầu với đội tuyển Nhật Bản, Saudi Arabia tại vòng loại thứ 3 World Cup 2022 diễn ra vào tháng 11 tới.

KHƯƠNG XUÂN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên