22/10/2021 08:01 GMT+7

Sài Gòn tháng 10 'sáng nắng chiều mưa', có người sổ mũi lại tưởng mình... COVID

THU HIẾN
THU HIẾN

TTO - Các triệu chứng như sổ mũi, nghẹt mũi, không thoát được mồ hôi, người mỏi nhừ, sốt nhẹ, lạnh run… thường xuất hiện vào những ngày chuyển mùa, sau khi đi mưa..., na ná như triệu chứng của F0.

Những ngày qua, một số nơi bắt đầu trở trời, sáng nắng chiều mưa kèm theo một số thay đổi về thời tiết, cơ thể có thể dễ mắc một số bệnh nếu không đề phòng.

ThS.BS Bùi Phạm Minh Mẫn và ThS.BS Tạ Nguyên Thảo Bình, cơ sở 3 Bệnh viện Đại học Y dược TP.HCM, cho biết sau khi TP trở lại bình thường mới sau một thời gian dài giãn cách xã hội, nhiều người hối hả giải quyết những công việc tồn đọng mà quên đi việc chăm sóc sức khỏe bản thân. 

Trong khi đó, thời tiết những ngày qua mưa nắng thất thường khiến cơ thể có thể mắc một số bệnh nếu không đề phòng. Dưới đây là một số bệnh thường gặp và cách phòng tránh.

Liệt mặt (liệt dây thần kinh VII do lạnh)

Đây là một bệnh khá phổ biến, chiếm khoảng 70% trường hợp liệt VII ngoại biên. Liệt mặt do lạnh thường tiến triển đột ngột và xuất hiện sau khi nhiễm lạnh (nguyên nhân khác như do virus, chấn thương…).

Bệnh thường xuất hiện về đêm gần sáng, có thể xảy ra cơn đau vùng chũm (phía sau tai). Khi ngủ dậy buổi sáng, người bệnh thấy một bên mắt nhắm không kín, mất nếp nhăn trán một bên... Có thể kèm rối loạn cảm giác ở mặt, rối loạn vị giác ở 2/3 trước lưỡi…

Để phòng bệnh, cần duy trì sinh hoạt điều độ, không tắm quá khuya, giữ ấm cơ thể, nhất là vùng đầu mặt khi ra ngoài vào thời tiết mưa lạnh. Tắm và rửa mặt bằng nước ấm. 

Có thể bổ sung chế độ ăn bằng một số loại gia vị có tính cay nóng như gừng, tỏi, sả… Tập vận động và xoa bóp nhẹ nhàng vùng cơ mặt sau ngày dài làm việc cũng giúp cho khí huyết lưu thông tốt hơn, giúp phòng ngừa các bệnh lý ở vùng mặt.

Đau nhức cơ - xương - khớp

Đau nhức thường xuất hiện ở người lớn tuổi hoặc người lao động quá sức. Cơn đau thường xuất hiện trước hoặc sau khi mưa, nhất là nửa đêm về sáng, hoặc sau khi đi ngoài trời mưa mà không che chắn bảo vệ kỹ.

Để phòng bệnh, cần giữ ấm các khớp khi chuyển mùa, thường xuyên tập luyện vận động tránh cứng khớp. Có thể ngâm chân hoặc tay trong nước ấm có kèm với một số vị thuốc giúp lưu thông khí huyết, tuy nhiên nên cân nhắc nếu đang bị giãn tĩnh mạch ở chi dưới.

Cảm lạnh

Các triệu chứng như sổ mũi, nghẹt mũi, không thoát được mồ hôi, người mỏi nhừ, sốt nhẹ, lạnh run… thường xuất hiện vào những ngày chuyển mùa, sau khi đi mưa. Việc lao động mệt mỏi, mất cân bằng sinh học hoặc cơ thể không được bổ sung đầy đủ các chất dinh dưỡng khiến hệ miễn dịch bị suy giảm, khiến cơ thể dễ bị nhiễm lạnh - cảm lạnh.

Tuy nhiên, cần phân biệt giữa cảm lạnh thông thường và nhiễm COVID-19 bằng cách khi thấy xuất hiện các triệu chứng trên, người bệnh cần đến ngay cơ sở y tế gần nhất để thực hiện xét nghiệm sàng lọc, tránh các biến chứng đáng tiếc do COVID-19 gây ra.

Phòng bệnh bằng cách giữ ấm cơ thể khi thời tiết chuyển mùa, nên ăn uống ấm nóng, duy trì chế độ vận động và sinh hoạt điều độ để giữ sức khỏe tốt, đủ sức để chống lại các yếu tố gây bệnh xâm nhập từ bên ngoài.

Viêm mũi dị ứng

Thay đổi thời tiết khi giao mùa thúc đẩy sự phát triển của các dị nguyên trong không khí, khiến niêm mạc mũi dễ bị kích ứng hơn vào những ngày chuyển mùa hoặc thời tiết trở nên lạnh hơn. Người bệnh thường có các triệu chứng ngứa mũi, mắt, chảy nước mũi trong, có thể kèm theo đau đầu và hắt hơi nhiều.

Phòng ngừa bằng cách thường xuyên dọn dẹp vệ sinh phòng ốc và môi trường xung quanh. Giữ ấm đường thở, vệ sinh mũi họng thường xuyên, có thể sử dụng một số vị thuốc để xông (tuy nhiên không lạm dụng).

Bệnh sốt xuất huyết: đừng mất cảnh giác khi mùa mưa vào cao điểm Bệnh sốt xuất huyết: đừng mất cảnh giác khi mùa mưa vào cao điểm

Bên cạnh dịch COVID-19, mùa mưa đến cũng là lúc phải nâng cao cảnh giác với nhiều dịch bệnh nguy hiểm khác, trong đó có sốt xuất huyết.

THU HIẾN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên