12/10/2021 12:56 GMT+7

Sài Gòn - những vòng xoay ký ức - Kỳ 3: Ở Cây Gõ mà nhớ Cây Gõ

QUỐC VIỆT
QUỐC VIỆT

TTO - Một thời Sài Gòn nhiều tượng đài soi bóng và là chứng nhân cho bao dâu bể thời cuộc. Ngay cửa ngõ về miền Tây, bùng binh Cây Gõ sừng sững tượng đài Lê Lợi tay cầm gươm, tay cầm cờ vươn lên trời xanh như tinh thần bất khuất của dân tộc Việt.

Sài Gòn - những vòng xoay ký ức - Kỳ 3: Ở Cây Gõ mà nhớ Cây Gõ - Ảnh 1.

Bùng binh Cây Gõ, cửa ngõ vào Sài Gòn - Chợ Lớn trước năm 1975 - Ảnh: Laurie John Bowser

Sang thập niên thứ hai thế kỷ 21, tượng đài lịch sử này phải chuyển dời để nhường chỗ cho cầu vượt. Rồi ngày ngày người qua lại cầu cao không còn mệt mỏi vì nạn kẹt xe từng trầm kha nơi đây, nhưng nhiều người vẫn hoài nhớ về cái bùng binh và tượng đài hùng anh trăm năm soi bóng...

Nhà tôi từ Bến Tre lên định cư gần bùng binh Cây Gõ này từ năm 1952, nhưng vẫn là dân mới vì nhiều nhà đã truyền đời ở đây từ thời ông bà cố sơ. Tên Cây Gõ thân thuộc lắm, ngay trước 1975 dân xích lô, lơ xe đã rành rẽ như bàn tay.

Ông Nguyễn Văn Hùng ở đường Minh Phụng

Thời hậu chiến khó quên

Ở bùng binh Cây Gõ, giao lộ giữa ba con đường xưa cũ Hồng Bàng - Minh Phụng - Ba Tháng Hai, cửa ngõ vào Chợ Lớn hay về miền Tây, tôi có nhiều kỷ niệm khó quên. 

Những năm hậu chiến sau 1975 phải sấp mặt lo miếng cơm manh áo, nhà tôi ở quận Tân Bình nhưng đi kinh tế miệt bưng biền biên giới Long An hết hai phần ba gia đình và trong đó có thằng nhỏ còn mặc quần đùi dầm mưa dãi nắng như tôi.

Mỗi đầu hè về với mẹ ở Sài Gòn, rồi ngày tựu trường trở lại xóm quê bưng biền, tôi có hai con đường để chọn đi mà ngả nào cũng phải nhảy xe, nhảy đò cực dữ thần như nhau. 

Lối thứ nhứt, tôi đi xe lam ở ngã tư Bảy Hiền ra An Sương, rồi xuôi về Củ Chi mà tiếp tục đón xe vô Hậu Nghĩa, Trà Cú, tỉnh Long An và ngồi đò vào xóm bưng của dân kinh tế mới. 

Lối thứ hai, tôi ra bùng binh Cây Gõ, nhảy xe đò xuôi quốc lộ 1 về Tân An. Đến đầu lộ quẹo vào miệt Thủ Thừa, Long An, tôi lại tiếp tục ngoắc xe lam vào doi sông Vàm Cỏ và ngồi thêm mấy tiếng đò khách mới tới căn nhà lá vách đất của mình. 

Bây giờ hồi tưởng những chuyến đi ngả bùng binh Cây Gõ, tôi luôn khoái hơn vì được ngồi xe đò lớn dù chúng đã rất cũ kỹ, thủng lỗ chỗ cả sàn xe nhìn rõ xuống mặt đường..

Sở dĩ tôi không thể quên bùng binh Cây Gõ vì cái vòng xoay này chính là cửa ngõ đưa tôi trở lại thành phố Sài Gòn đèn xanh đèn đỏ đông vui, hay tiễn tôi về miệt bưng biền hoang vu, suốt ngày chỉ bầu bạn với đám tràm rừng đầy muỗi mòng. 

Giờ nghĩ lại, những năm cuối thập niên 1970 và trải suốt thập niên 1980 đó, bùng binh Cây Gõ thiệt sự là nhếch nhác, hai mùa mưa nắng đều nặng mùi bùn, mùi rác, kể cả chất thải của con người ở các cống rãnh, vỉa hè nhưng sao vẫn thân quen ấm áp với tôi đến kỳ lạ.

Dù tôi có qua lại hàng trăm lần, chưa kể những ngày lót dép ngồi ê mông đợi xe đò thời khó, nhưng lần nào tới bùng binh tấp nập người xe ở cửa ngõ Sài Gòn này, thằng nhóc nửa quê nửa thành như tôi cũng đều tròn xoe mắt ngắm nhìn tượng đài ông Lê Lợi. Người quanh năm suốt tháng đứng sừng sững oai phong trên đỉnh đài cao, tay cầm kiếm, tay cầm cờ giương lên bầu trời xanh. 

Thế hệ cha mẹ tôi vẫn quen gọi chỗ ông Lê Lợi đứng là Công trường Duy Linh, nhưng lứa tụi tôi lớn lên trong thời hậu chiến hay gọi dân dã hơn là bùng binh Cây Gõ khi nói chỗ cho ông xích lô chở đến hay anh lơ xe đò biết mà tính tiền.

Theo các bậc cao niên ở khu vực, có mấy giả thuyết về địa danh cây gỗ rừng này. Thuyết thứ nhất cho rằng từ thế kỷ 19 trở về trước, thậm chí sang đầu thế kỷ 20, cửa ngõ lục tỉnh (cách gọi ngày xưa) này đa phần còn hoang vu với nhiều cây gõ rừng lẫn người trồng bên đường, đặc biệt là trong các chùa chiền ở khu vực. 

Giả thuyết thứ hai cho rằng địa danh Cây Gõ được quen miệng gọi chính từ nhiều tiệm bán gỗ từng làm ăn phát đạt ở vùng cửa ngõ này, trong đó tất nhiên có loại gỗ quý như gõ rất được ưa chuộng để làm chùa chiền, nhà cửa và đồ gia dụng.

Nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Tư, người nghiên cứu sâu sắc về đường phố và địa danh Sài Gòn, từng cho rằng giả thuyết bùng binh Cây Gõ bắt nguồn từ chính cây gõ ở khu vực có phần đúng hơn như nhiều nơi ở Sài Gòn mang tên Cây Da Sà, Cây Me, Cây Điệp, Cây Gạo... 

Nhưng thế hệ mẹ tôi, người gắn với Sài Gòn từ năm 1954, kể rằng khi bà lớn lên không còn thấy cây gõ hay ít ra là không còn nhiều ở nơi này nữa, kể cả trên vỉa hè lẩn khuất trong khu dân cư.

Sài Gòn - những vòng xoay ký ức - Kỳ 3: Ở Cây Gõ mà nhớ Cây Gõ - Ảnh 3.

Cầu vượt trên giao lộ Cây Gõ tháng 10-2021 - Ảnh: TỰ TRUNG

Những con lộ đổi thay danh phận

Thôi chuyện xưa qua rồi, dù đổi thay thế nào thì địa danh bùng binh Cây Gõ vẫn thấm sâu vào lòng người dân bao thế hệ. Tôi chỉ bắt đầu thật sự "làm bạn" với tượng đài Lê Lợi, các bến xe, quán nước, sọt bánh mì... ở cửa ngõ này từ cuối thập niên 1970 nhưng cũng đã đọng lại nhiều ấn tượng đặc biệt khó quên. 

Những năm đó, cửa ngõ chính của Sài Gòn đi miền Tây vẫn còn lộ rõ nét người nghèo khó, nhà cửa xập xệ từ mặt đường lẫn sâu trong hẻm nhỏ. Mỗi lần tôi đón xe, đều thấy láo nháo cảnh người bốc vác, người ăn xin, kể cả dân anh chị bến bãi lẫn dân Sài Gòn đi kinh tế mới không trụ nổi phải quay lên ở tạm bợ vỉa hè. 

Nhiều ngày vừa xuống xe, tôi đã chứng kiến cảnh các tay anh chị đánh nhau ở bãi xe đầu đường Minh Phụng đâm ra bùng binh. Rồi cảnh dân hai ngón (móc túi) bị rượt chạy, kể cả đám nghiện ngập ngồi nép sau xe tải chích choác như chốn không người.

Hồi ấy, thằng bé như tôi sợ xám mặt. Nhưng sau này được trải đời thêm một chút, tôi nghĩ chuyện lộn xộn đó cũng là điều khó tránh của thời kỳ nghèo khó, "gạo châu củi quế". 

Thật ra, bên cảnh sự phức tạp một thời, bùng binh Cây Gõ có rất nhiều nét rất dễ thương của dân lao động thật thà, chất phác, ưa làm chuyện trượng nghĩa. Khu vực đường Minh Phụng xưa từng là cổ thôn. 

Sách Gia Định thành thông chí của Trịnh Hoài Đức soạn năm 1818 viết thôn Minh Phụng thuộc tổng Tân Phong, huyện Tân Long. Khi người Pháp chiếm Sài Gòn, địa chính đổi thay nhiều nhưng người dân vẫn quen nếp sống thôn quê, đôi khi thô mộc bề ngoài mà ẩn chứa đức hiền lành bên trong.

Đường Minh Phụng thời Pháp mang tên số 47. Sang năm 1955 trong phong trào "hạ bệ" tên Pháp, con đường này được trả lại tên đúng địa danh cổ thôn Minh Phụng cho đến nay. Còn đường Hồng Bàng, trục chính tạo thành bùng binh Cây Gõ, cũng nhiều lần thay đổi danh phận theo thời cuộc. Thời Pháp, nó mang tên Charles Thomson, đến năm 1955 được chính quyền ông Ngô Đình Diệm đổi tên Hồng Bàng. Sau năm 1975, đường này lại tiếp tục hai lần thay đổi danh phận khi tháng 8-1975 đổi tên thành Hùng Vương, rồi tháng 7-1999 nó lại trở về tên cũ Hồng Bàng ở đoạn hiện nay.

Không chỉ các nhà nghiên cứu văn hóa, mà cả người dân truyền đời ở quanh bùng binh Cây Gõ đều tự hào kể rằng nơi này từng có nhiều thôn xóm trù phú người Hoa, người Việt từ xa xưa. Chính các đình, chùa san sát nhau là minh chứng chắc chắn cho bao lớp trầm tích đời người hiện diện nơi này. Đình Phú Lâm, đình Minh Phụng, chùa Sùng Đức, chùa Gò, Linh Quang Tự, chùa Tuyền Lâm... thay lời xác tín đây là vùng đất thiêng, lành để người xưa dừng bước phiêu bạt, làm nơi an cư và xây dựng đình, chùa nương tựa tâm linh...

Có nhiều điều khiến tôi không thể quên về bùng binh Cây Gõ, nhưng ấn tượng nhất với tôi giờ chính là tên lộ Lục Tỉnh vẫn đang in đậm ở cổng chùa Sùng Đức. Cái tên xưa cũ mà thân quen khiến thời gian như dừng lại.

**************

Bùng binh Cây Gõ giờ không còn nữa, nhưng nếp sống, nếp nghề nơi đây vẫn kể lại chuyện xưa như là một điển hình của thời cuộc đổi thay, phát triển dùng dằng với bao điều xưa cũ, khó quên.

>> Kỳ tới: Vẫn còn cây gõ soi bóng thời gian

Sài Gòn - những vòng xoay ký ức - Kỳ 2: Bùng binh Sài Gòn và đại lộ phồn hoa Sài Gòn - những vòng xoay ký ức - Kỳ 2: Bùng binh Sài Gòn và đại lộ phồn hoa

TTO - Bùng binh Sài Gòn hay ngã tư Bồn Kèn là địa danh đã được cụ Vương Hồng Sển khắc ghi trong sách Sài Gòn năm xưa. Cụ Vương kể những năm 1920 cụ thấy tận mắt vào chiều thứ bảy, lính kèn chơi nhạc trên bục cao hình bát giác.

QUỐC VIỆT
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên