23/03/2021 09:54 GMT+7

Sài Gòn bao dung - TP.HCM nghĩa tình: 'Ăn thì nhiều chứ ở bao nhiêu'

NGÔ CAO NGHĨA
NGÔ CAO NGHĨA

TTO - Không phải ngẫu nhiên mà người dân tứ xứ đổ về chốn này với những giấc mơ riêng của họ. Sài Gòn nhận hết, và vì nhận hết nên thành phố này trở nên chật chội với lối nghĩ "ăn thì nhiều chứ ở bao nhiêu".

Để rồi giữa lòng thành phố là bao nhiêu số phận, bao nhiêu mộng ước, một thành phố được cho là hối hả, nhiễu nhương nhưng sự thiện lương vẫn hoài trù phú.

Có một sự thật là không phải ai cũng yêu quý thành phố này. Vốn dĩ thành phố đã không đẹp từ trước khi họ tới, và vì rộng lòng với họ mà mất thêm chút vẻ đẹp tươi trong còn lại của mình.

Ấy thế mà người ta chỉ biết trách những cơn mưa bất chợt, dâng thứ nước đen ngòm mỗi bận chiều hôm sau cả ngày mệt nhoài với cuộc sống.

Họ đổ lỗi cho cát bụi đô thành gây nên nhiều bệnh tật, hờn cái ráo hoảnh giữa bộn bề phố xá khiến lòng người cạn cùng vô tâm. Hẳn nhiều người, chưa một ngày xem Sài Gòn là nhà, chỉ là căn trọ tạm bợ để che nắng che mưa cho kẻ tha phương một lòng nhớ thương về quê cũ.

Sài Gòn biết mình chẳng thể thay thế được miền quê trong trẻo của bất kỳ ai nên chấp nhận làm sân ga, bến tàu, hân hoan đón người xa xứ.

Trên đất này, người lớn tuổi gặp bất kỳ người trẻ nào cũng gọi "con", xưng "dì" hay "ngoại", gọi nhau như người thân trong gia đình, sự chân tình khiến chốn này chẳng có người lạ, chỉ có người quen, chẳng thể ghét, chỉ có thương, người thương người vì nhau mà sống.

Một thành phố nhanh nhảu đỡ lấy người té xe mà xức dầu, phủi đất, thân thiện mến khách với nụ cười trên môi các chị bán hàng rong hay chú xe ôm nhiệt tình chỉ đường giữa trời nắng đổ.

Từ đường Phan Đình Phùng để ra Trường Sa, ngõ hẻm 96 dẫu chỉ vài chục mét, nơi này có đến 6 dịch vụ miễn phí dành cho người nghèo và người khuyết tật: nước uống, bơm vá xe, xe ôm, tủ thuốc, cơm chay và mai táng.

Những người làm chuyện thiện lương ấy cũng là những người nghèo, đến từ mọi miền quê để rồi gặp nhau và cùng làm nên phép mầu cổ tích.

Hẻm được gọi với cái tên là hẻm Ông Tiên vì có những bà tiên, ông bụt thực sự giữa đời thường, niềm ủi an bé nhỏ dành cho những ai kém may mắn giữa Sài Gòn rộng lớn.

Đâu đó trong lòng thành phố phồn hoa, nơi dòng người ngày ngày vẫn vội vã là một thành phố vẫn luôn lấp lánh với những điều bình dị nhất về tình người.

Nhiều người cho rằng TP.HCM sống vội nhưng không phải lúc nào cũng thế. Có thể chỉ vội với công việc, còn sự bao dung lại chậm rãi, ân cần.

Những ngày thi đại học, thành phố hào hiệp với hàng trăm nhà trọ giá rẻ cho thí sinh từ các tỉnh về trú ngụ, các quán cơm, xe bánh mì sẵn sàng không lấy tiền bữa ăn của phụ huynh hay cô cậu học trò nghèo.

Và hàng ngàn bình nước miễn phí ven đường trong những ngày nắng nóng, những bữa cơm "Thạch Sanh" trong bệnh viện ngày một nhiều, các bạn trẻ thay nhau gom góp tặng bà con khẩu trang đắt như vàng những ngày dịch bệnh.

Ai trót thương Sài Gòn sẽ thương luôn những "xấu xí" mà thành phố cất giữ, thương góc phố có hàng lá me xanh, mùa chò nâu xoay tít rơi đầy, thương mảnh đất đã chỉ dạy cho bao người cách sống, cách làm, cách đi tìm hạnh phúc.

TP.HCM có thể rộng rãi như đại lộ, đón nhận và dung nạp mọi điều, nhưng thành phố cũng đủ sâu như lòng hẻm nhỏ, giữ lại những gì không được phép mất đi.

Tính đến ngày 22-3, địa chỉ email saigon@tuoitre.com.vn của cuộc thi viết "Sài Gòn bao dung - TP.HCM nghĩa tình" đã nhận được khoảng 230 email của bạn đọc khắp mọi miền đất nước cũng như ở nước ngoài gửi bài viết về dự thi.

Tuổi Trẻ trân trọng cảm ơn sự nhiệt tình hưởng ứng cuộc thi và mong tiếp tục nhận được những bài viết từ bạn đọc.

Sau đây là danh sách các bạn đã gửi bài từ ngày 20 đến 22-3: Tèo caominh, Minh Hoàng Nguyễn, ha le, Kiều Ngọc Trâm, Sinh Huynh, Thu Trang, lê cải, Hai Duong Thanh, van duongthi, Trang Bảo Trân, Thanh Huy, Tanthoi Le, Dieu Hoa Tran, Đỗ Thị Huỳnh Hoa, Dang Linh Phuong, Phương Thúy, Ny An, Khiem Thi Hoang, Bình Nguyễn, Tam tran van, Hoang Tran, Trung Mai...

Bài dự thi tối đa 1.000 chữ, chưa từng đăng trên các phương tiện truyền thông, mạng xã hội. Thêm điểm cộng khi có kèm ảnh và video phù hợp với nội dung bài viết.

Thời gian gửi bài dự thi: từ nay đến hết ngày 10-4-2021.

Cơ cấu giải thưởng gồm 1 giải nhất 30 triệu đồng, 1 giải nhì 20 triệu đồng, 1 giải ba 10 triệu đồng và 5 giải khuyến khích mỗi giải 5 triệu đồng.

Kết quả cuộc thi sẽ công bố trên đặc san kỷ niệm Ngày thống nhất đất nước 30-4. Lễ trao giải dự kiến diễn ra dịp 30-4-2021.

Báo Tuổi Trẻ cùng đơn vị đồng hành Hyundai Thành Công trân trọng cảm ơn các bạn đọc đã gửi bài dự thi.

TUỔI TRẺ

logo Sài gòn bao dung có tài trợ

Sài Gòn bao dung - TP.HCM nghĩa tình: Phiếu thịt mỡ và sự tử tế của Sài Gòn Sài Gòn bao dung - TP.HCM nghĩa tình: Phiếu thịt mỡ và sự tử tế của Sài Gòn

TTO - Quê tôi ở Tam Kỳ (Quảng Nam), 12 tuổi ra Đà Nẵng sinh sống, tháng 6-1975 tôi vào Sài Gòn, 1977 đi học, ra trường về Cần Thơ công tác. Sài Gòn trong tôi ăm ắp tình thương - nỗi nhớ...

NGÔ CAO NGHĨA
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên