05/11/2020 07:44 GMT+7

Sách giáo khoa 'nóng' diễn đàn Quốc hội

TIẾN LONG
TIẾN LONG

TTO - Ngày 4-11, nhiều đại biểu Quốc hội tiếp tục có ý kiến về việc cần xem xét lại quy trình biên soạn, thẩm định và phê duyệt các bộ sách giáo khoa lớp 1 theo chương trình mới dẫn đến một số lỗi gây xôn xao dư luận thời gian qua.

Sách giáo khoa nóng diễn đàn Quốc hội - Ảnh 1.

Học sinh lớp 1 của một trường tiểu học tại TP.HCM học tiết âm nhạc trên bộ sách Cánh diều mới đưa vào giảng dạy năm học 2020 - 2021 - Ảnh: TỰ TRUNG

Đã có những tranh luận của đại biểu về việc nên dừng hay tiếp tục vừa sử dụng vừa sửa những sách giáo khoa (SGK) có lỗi, có "sạn" như SGK Tiếng Việt lớp 1 trong bộ Cánh diều.

Người lớn đã sai rồi, sai trong cách tiếp cận ngược, sai trong lối tư duy ngược, chẳng có nơi đâu làm sách cho trẻ nhưng lại mang ý chí và tham vọng của những người lớn, nó quá sức đối với sự tiếp thu của đứa trẻ.
Đại biểu Phạm Thị Minh Hiền (Phú Yên)

Trước mắt quá trình sử dụng SGK có các vấn đề như bài giảng, phương pháp dạy có thể sửa được sẽ sửa ngay, còn vấn đề gì cần sửa sau một năm thực hiện, tổng kết để sửa sau.
Đại biểu Nguyễn Ngọc Phương (Quảng Bình)

"Đã sai bắt buộc phải sửa"

Đại biểu Phạm Thị Minh Hiền (Phú Yên) nhận định không chỉ một bộ mà cả năm bộ sách đều dính các lỗi cơ bản về nguyên tắc biên soạn, bản quyền, ngữ liệu. Lỗi trong SGK không chỉ có sai hoặc đúng, mà nội dung chưa phù hợp. Điều này cho thấy quy trình thẩm định, phát hành sách còn lỏng lẻo, dễ dãi, vội vàng. 

Theo bà Hiền, giá trị một bộ SGK khác hoàn toàn một sản phẩm hàng hóa thông thường. Nếu chấp nhận một bộ sách như "một lốp xe đầy những mảnh chắp vá", tiếp tục vận hành là một thái độ thỏa hiệp rất nguy hại, xem nhẹ giá trị nhân văn trong sáng của tiếng Việt.

"Các cơ quan liên quan mạnh dạn nhìn thẳng sự thật, có thể cân nhắc dừng sử dụng những bộ SGK có chất lượng thấp. Thậm chí lùi thời gian lại để hoàn thiện chặt chẽ hơn về mọi mặt" - bà Hiền nói. Đại biểu Phú Yên kiến nghị cần phải xử lý thật nghiêm minh trách nhiệm ở từng khâu, từng cấp, từng bộ phận, xem xét, bổ sung, thay đổi, điều chỉnh Hội đồng thẩm định SGK, không thể dừng lại ở việc rút kinh nghiệm.

Phiên thảo luận chứng kiến phần tranh luận của đại biểu Đặng Thị Phương Thảo (Nam Định) và đại biểu Bùi Văn Phương (Ninh Bình) về quan điểm xử lý. Trước đó, tại phiên họp ngày 3-11, đại biểu Phương Thảo cho rằng SGK Tiếng Việt ở một số bộ sách còn có sự thiếu trong sáng về ngôn ngữ, thiếu hệ thống logic và chưa khai thác được kho tàng văn hóa dân gian của Việt Nam, dẫn tới giáo viên phải vừa dạy và vừa điều chỉnh. Điều đáng nói là những tồn tại này chỉ đến khi chính thức đi vào sử dụng mới bộc lộ và không được phát hiện sớm hơn từ quá trình biên soạn, thẩm định, phê duyệt để ban hành.

Theo bà Thảo, SGK đã sai bắt buộc phải sửa, không thể để một thế hệ học sinh trẻ phải học SGK sai sót. Do đó, bà kiến nghị Chính phủ chỉ đạo Bộ GD-ĐT tạm dừng sử dụng các bộ SGK lớp 1 đang lưu hành trên thị trường. Khẩn trương rà soát và cho thẩm định lại toàn bộ các SGK này. 

"Đối với từng môn học, cần thành lập một hội đồng thẩm định cấp quốc gia với tất cả các thành viên mới hoàn toàn để thẩm định lại khách quan, minh bạch từng bài học, từng nội dung. Chỉ khi nào thật sự kỹ lưỡng, chính xác mới đưa SGK vào sử dụng nhằm tạo sự yên tâm cho toàn xã hội" - đại biểu Phương Thảo nói.

Trong khi đó, đại biểu Bùi Văn Phương cho rằng sách Tiếng Việt lớp 1 có lỗi, có "sạn" nhưng việc đó không đến mức độ nghiêm trọng như một số ý kiến phát biểu. Sai sót là việc không tránh khỏi khi một chương trình mới bắt đầu, sách mới bắt đầu. Việc này khắc phục được, khi giảng dạy đến bài đó giáo viên lựa chọn ngữ liệu khác để phù hợp với bài giảng chứ không phải nghiêm trọng lắm.

Sách giáo khoa nóng diễn đàn Quốc hội - Ảnh 4.

Học sinh lớp 1 tại TP.HCM trong tiết học với sách giáo khoa Cánh diều - Ảnh: TỰ TRUNG

Đưa bản thảo lên sớm trước khi phê duyệt

Trao đổi bên hành lang, đại biểu Nguyễn Ngọc Phương (Quảng Bình) cho rằng ông không đồng tình với đề nghị dừng, không sử dụng bộ sách bị lỗi. Theo ông Phương, có sai sót, sơ suất nhưng có thể khắc phục được, dừng lại là cả vấn đề. Theo ông Phương, "trước mắt quá trình sử dụng SGK có các vấn đề như bài giảng, phương pháp dạy có thể sửa được sẽ sửa ngay, còn vấn đề gì cần sửa sau một năm thực hiện, tổng kết để sửa sau".

Trả lời các đại biểu, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam cho biết Chính phủ và Thủ tướng rất quan tâm vấn đề SGK. Ông Đam cũng thừa nhận cuốn Tiếng Việt 1 của nhóm Cánh diều đã được Bộ GD-ĐT thẩm định và phê duyệt có lỗi, có sai sót, có "sạn", cần phải được tiếp thu một cách rất cầu thị, khoa học. Bộ trưởng Bộ GD-ĐT đã nhìn nhận rõ sai sót, trách nhiệm và có những chỉ đạo khá cương quyết như thay chủ tịch hội đồng thẩm định.

Theo Phó thủ tướng, dù có một bộ sách hay nhiều bộ sách, chất lượng vẫn phải tốt, ít nhất là bằng hoặc tốt hơn trước đây. Trách nhiệm đó thuộc về Bộ GD-ĐT, nhưng bộ sẽ không thể nào hoàn thành nếu không có sự đóng góp đông đảo của đội ngũ giáo viên, các nhà khoa học giáo dục, đặc biệt là toàn thể nhân dân.

"Chúng tôi đã chỉ đạo Bộ GD-ĐT cần phải tận dụng công nghệ thông tin, đưa các bản thảo SGK lên sớm trước khi phê duyệt, thậm chí trong quá trình thẩm định để mọi người dân, trong đó có rất nhiều giáo viên và những người có kinh nghiệm dạy trẻ, góp ý để qua đó chắt lọc, tiếp thu những ý kiến đúng" - ông Đam nhấn mạnh.

Chính phủ, Thủ tướng đặc biệt quan tâm vấn đề sách giáo khoa Chính phủ, Thủ tướng đặc biệt quan tâm vấn đề sách giáo khoa

TTO - Phó thủ tướng Vũ Đức Đam khẳng định tại phiên thảo luận về kinh tế - xã hội của Quốc hội sáng 4-11.

TIẾN LONG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên