Sa Pa khát nước sinh hoạt: Bài học đắt giá

PHẠM QUANG VINH 27/04/2019 18:04 GMT+7

TTCT - Các chủ khách sạn, homestay ở Sa Pa (Lào Cai) “ngồi trên lửa” cả tuần nay, khi mùa du lịch lễ 30-4 và 1-5 đến sát bên nhưng nhiều nơi đang rục rịch hủy hợp đồng vì khủng hoảng nước sinh hoạt! Câu chuyện thiếu nước sạch ở Sa Pa ngay cao điểm mùa du lịch xứng đáng được xem là một bài học đắt giá…

Các học sinh ở Trường dân tộc nội trú tại Sa Pa đang chuyền nước sạch do chính quyền phân phát với số lượng hết sức khiêm tốn. Ảnh: Bá Hiếu
Các học sinh ở Trường dân tộc nội trú tại Sa Pa đang chuyền nước sạch do chính quyền phân phát với số lượng hết sức khiêm tốn. Ảnh: Bá Hiếu

Đầu tuần, tổng thư ký Hiệp hội Du lịch Sa Pa Tô Bá Hiếu đăng trên trang Facebook của mình về việc giá nước sạch ở Sa Pa đã lên đến 500.000 đồng/m3 và không phải cứ có tiền là mua được.

Báo Lào Cai đưa tin: nguồn cấp nước sạch cho Sa Pa từ Thác Bạc, Suối Hồ và Nhà Pha đều đã cạn kiệt, người dân Sa Pa đang đi qua một mùa hè với những đợt gió Ô Quy Hồ khắc nghiệt từ bên kia dãy Hoàng Liên Sơn sang trong những cơn khát nước.

Anh Hiếu cho biết với tình trạng hiện tại, nếu phục vụ khách bằng nước mua từng mét khối chở bằng ôtô, chi phí nước sạch cho mỗi phòng lưu trú/ngày chắc sẽ lên đến 300.000 đồng và quan trọng là không chắc chắn mua được. Các khách sạn bắt đầu thông báo hủy phòng cho dịp lễ, hoàn tiền 100% cho khách đã đặt trước...

Du lịch bền vững: chỉ mới nói là hay!

Sa Pa vốn là một thị trấn quy mô rất nhỏ, nguồn nước từ dãy Hoàng Liên được phân chia một phần nhỏ cho sinh hoạt của cư dân thị trấn, một phần khác cho những thửa ruộng bậc thang của bà con người Mông, lúc này cũng đang vào mùa cấy.

Xung đột lợi ích giữa việc phục vụ khách du lịch và sinh kế của bà con bản địa đã bắt đầu, khi 24 hộ dân người Mông ở Suối Hồ 2 không muốn chia sẻ toàn bộ nguồn nước cho thị trấn lúc vụ mùa duy nhất của năm đã đến.

Nhưng Sa Pa giờ đây không chỉ có nước sinh hoạt cùng với việc xây dựng ầm ĩ và lộn xộn, bãi rác “tự nhiên” không chôn lấp gần tỉnh lộ 155 cũng là một nguy cơ khác, khi nó không thể đủ cho một thị trấn đang “phình” ra.

Và nguồn lực thiên nhiên giờ đây sẽ phải chia sẻ cho không chỉ cư dân của thị trấn, mà còn là khách du lịch ở trong hàng trăm khách sạn lớn nhỏ tại đó. Người dân Sa Pa cũng đã trải nghiệm cả nạn tắc đường, chen chúc, rác khắp nơi, không còn nữa sự hấp dẫn của một Sa Pa lặng lẽ trầm mặc bao năm nay.

Nhưng Sa Pa không phải là địa danh duy nhất đã và sẽ rơi vào tình trạng tương tự. Tuần trước, một người bạn tôi đã chia sẻ một bức ảnh phố cổ Hội An chen chúc người. Sự nổi tiếng của thị trấn xinh xắn này đã mang đến nhiều du khách, nhưng có lẽ sự hấp dẫn ấy cũng sẽ làm thị trấn này bớt dần đi sự thanh thản của cư dân và rồi sự đông đúc lại làm nó bớt dần sự hấp dẫn đi...

Cuối năm 2016, ở hội chợ du lịch hằng năm, một phụ nữ Mông ở Sa Pa, cô Tan Thị Shu, đã có mặt ở London khi O’chau Sa Pa của cô và các chị em người Mông được tiến cử cho giải thưởng Du lịch bền vững toàn cầu (World Responsible Tourism) của Tổ chức Du lịch thế giới (UNWTO).

Một sản phẩm du lịch khác đứng đầu trong lựa chọn của khách quốc tế đến Sa Pa là những chuyến trekking và trải nghiệm cuộc sống người Mông của Ethos Spirit do cặp vợ chồng Hoa và Phil Hollihan điều phối, do những phụ nữ Mông, Dao, Giáy... đang sinh sống quanh Sa Pa làm người hướng dẫn.

Những sản phẩm du lịch bền vững, dựa vào bản địa như vậy ở Sa Pa; hay cách khai thác nguồn lợi hang động ở Quảng Bình với những sản phẩm du lịch mạo hiểm do Oxalis tiên phong lẽ ra nên là những sản phẩm chủ lực, khuyến khích phát triển thì có vẻ như nhiều nơi, nhiều địa phương đang hướng nhiều hơn vào sự hoành tráng, vào du lịch số đông và quan trọng hơn là bỏ qua việc tính đếm đến khả năng đáp ứng của môi trường, của các nguồn lực tự nhiên.

Một khách sạn mua nước sinh hoạt với giá 500.000 đồng/m3 lúc 22h ngày 22-4-2019. Ảnh: Bá Hiếu
Một khách sạn mua nước sinh hoạt với giá 500.000 đồng/m3 lúc 22h ngày 22-4-2019. Ảnh: Bá Hiếu

Phát triển phù hợp với khả năng

Sự hấp dẫn của Sa Pa chắc chắn là điều gây tranh cãi, khi mà dường như hiện nay chủ yếu được khai thác như là nơi có khí hậu mát mẻ và đôi khi quên hẳn về gió Ô Quy Hồ đã được học trong các bài học địa lý phổ thông.

Cũng sẽ có những câu hỏi khác về khả năng phát triển hài hòa giữa công nghiệp du lịch và dân cư bản địa. Chính mâu thuẫn giữa nhu cầu lấy nước cung cấp cho thị trấn và nhu cầu lấy nước làm ruộng bậc thang của các hộ dân thôn Suối Hồ 2 đã góp thêm vào khó khăn trong mùa khô.

Nhưng dù mâu thuẫn ấy có được giải quyết thì cũng chẳng phải dễ dàng giải được bài toán nước sinh hoạt cho một thị trấn đang trở thành một trung tâm du lịch lớn với hàng loạt khách sạn mọc lên, kéo theo nhu cầu nước tăng vọt, trong khi nguồn nước cung cấp không đơn giản.

Và cũng chẳng bao lâu nữa, chúng ta sẽ được nghe về câu chuyện rác thải ở Sa Pa và nguy cơ ô nhiễm rác của những sông suối trong vùng.

Khách du lịch rõ ràng đã buộc thị trấn nhỏ bé trầm mặc phải chịu thêm mức tải khổng lồ của cư dân đô thị với những nhu cầu thiết yếu về điện, nước, giao thông, chất thải đô thị... Và có vẻ như đô thị này đã không sẵn sàng, không được chuẩn bị để đáp ứng cho những nhu cầu lớn như vậy.

Chưa kể sâu xa hơn, khi biến Sa Pa thành thứ ưu tiên phục vụ khách du lịch thì đồng thời mâu thuẫn với cộng đồng cư dân bản địa cũng sẽ xuất hiện và lớn dần, nhất là khi họ bị đặt ra ngoài chuỗi lợi ích mà các nhà đầu tư du lịch thu được từ chính địa phương này.

Giá như ít ra khi lập kế hoạch phát triển thị trấn nhỏ bé này, bất kỳ theo hướng nào, cơ quan chức năng đã tính đến khả năng đáp ứng về hạ tầng, về hài hòa văn hóa - xã hội bản địa và kiềm chế sự phát triển phù hợp với khả năng đáp ứng của địa phương.

Doanh nghiệp cũng vào cuộc cùng chính quyền trong việc đi tìm kiếm các nguồn nước sạch hiếm hoi để phát miễn phí cho người dân. Ảnh: Bá Hiếu
Doanh nghiệp cũng vào cuộc cùng chính quyền trong việc đi tìm kiếm các nguồn nước sạch hiếm hoi để phát miễn phí cho người dân. Ảnh: Bá Hiếu

Bài học kiểm soát lượng khách du lịch

Sau hàng thập kỷ thu hút khách du lịch, những người dân của các đô thị lớn trên thế giới giờ đây đã đòi hỏi chính quyền của họ phải có chính sách hạn chế khách du lịch, cho thấy người ta buộc phải tính đến việc du khách chia sẻ nguồn lực tự nhiên và xã hội bản địa cũng như khả năng đáp ứng cho du khách, cân bằng với nhu cầu của cư dân địa phương.

Mùa hè năm ngoái, tôi đọc một bài báo trên tạp chí Traveller về chuyện kiểm soát khách du lịch trở thành chủ đề chính trong cuộc bầu cử ở thành phố Amsterdam (Hà Lan). Các đảng phái thắng cử đã ngồi với nhau bàn về các biện pháp hạn chế khách du lịch đến thành phố vốn là một điểm đến chính ở châu Âu này.

Năm ngoái có 18 triệu du khách đến Amsterdam so với 11 triệu năm 2005, và sự bùng nổ các dịch vụ chia sẻ nhà ở như AirBnB và sự thành công của chiến dịch quảng bá I Amsterdam làm gia tăng khách du lịch đã mang đến nhiều phiền toái cho cư dân.

Một loạt biện pháp đã được thống nhất, bao gồm việc cấm các dịch vụ thuê nhà ngắn hạn AirBnB ở các khu bận rộn, chuyển hướng tàu du lịch ra khỏi thành phố, tăng thuế du lịch, hạn chế các dịch vụ thu hút khách như xe điện cá nhân segway hay xe đạp bia nổi tiếng...

Amsterdam không phải là thành phố châu Âu đầu tiên làm những việc này, trước đó Venice, Barcelona, Palma, Majorca đã phải áp dụng những biện pháp để kiểm soát số lượng khách du lịch, từ việc cấm dịch vụ cho thuê nhà ngắn hạn đến áp dụng giấy phép nghiêm ngặt, các điều kiện khắt khe hơn...

Cá nhân tôi cũng từng có những trải nghiệm với nạn đông đúc ở các thành phố du lịch châu Âu, chúng tôi chỉ chịu đựng được vài giờ ở Florence và không đủ kiên nhẫn cho việc xếp hàng vào Bảo tàng Ufizi, thành phố Prague, chúng tôi thấy chẳng giống gì sự hấp dẫn trong các câu chuyện bởi quảng trường và cầu đông nghẹt người... Roma đông nghẹt khách du lịch sẽ khiến bạn khó hình dung được một không gian cổ kính trong sách vở.

Từ những câu chuyện của thiên hạn, Sa Pa giờ đây nên được coi như một bài học đắt giá mà chúng ta còn chưa biết hết những gì sẽ phải/được học, nhưng còn nhiều đô thị, nhiều điểm du lịch khác buộc chúng ta phải cân nhắc, để không đến lúc phải ngồi nghĩ về những cơn khát như Sa Pa hôm nay.■

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận