28/12/2017 16:05 GMT+7

Răng và những vấn đề liên quan

Nguồn: Trung tâm Truyền thông Giáo dục Sức khỏe Đà Nẵng
Nguồn: Trung tâm Truyền thông Giáo dục Sức khỏe Đà Nẵng

Ở người trưởng thành, răng mọc đầy đủ có đến 32 cái. Người xưa xác định tầm quan trọng của răng đối với con người trong câu thành ngữ: “Cái răng cái tóc là vóc con người”.

Răng và những vấn đề liên quan - Ảnh 1.

Sử dụng chỉ nha khoa thay tăm. Ảnh: deltadentalazblog.com

Việc tìm hiểu "gốc gác" và những vấn đề liên quan đến "vóc con người" qua những chiếc răng, thiết nghĩ cũng là điều thú vị.

1. Vị trí, cấu tạo và tên gọi của những cái răng

Trong đời mỗi người, bộ răng xuất hiện theo hai giai đoạn là răng sữa và răng vĩnh viễn. Mỗi chiếc răng được cấu tạo bởi 3 phần chính là chân, cổ và thân răng với 3 lớp gồm: men răng, ngà răng và tủy răng. Mạch máu và thần kinh nằm trong lớp tủy răng. Khu vực chân răng, men răng được ví như một lớp xi-măng giữ răng đứng vững trên xương hàm để làm nhiệm vụ của mình.

Nói chung, ở người trưởng thành, nếu mọc đầy đủ mỗi hàm răng có 2 răng cửa giữa, 2 răng cửa bên, 2 răng nanh, 4 răng hàm nhỏ (răng tiền hàm) và 6 răng hàm lớn (răng hàm). Tức là một bộ răng "hoàn chỉnh" có đến 32 cái răng. Những cái răng thường gây nhiều rắc rối là răng… khôn. Đây chính là răng hàm lớn thứ 3, thường mọc ở độ tuổi từ 18 đến 30 tuổi.

2. Sâu răng - nguyên nhân và phòng tránh

Nguyên nhân gây sâu răng là do vệ sinh răng miệng kém nên thức ăn bám lại trên bề mặt răng và quanh chân răng, tạo điều kiện cho vi khuẩn phát triển, tiết ra các chất làm hỏng lớp bảo vệ răng (gọi là men răng).

Sâu răng là một quá trình diễn ra kéo dài, từ đốm nhỏ trên răng đến khi hình thành lỗ sâu có thể từ một đến vài năm. Nếu được phát hiện sớm và điều trị tốt sẽ không xảy ra đau nhức hoặc xảy ra các biến chứng khác như viêm quanh chân răng, viêm tủy.

Để phòng tránh sâu răng, mọi người cần tạo cho mình thói quen vệ sinh răng miệng sau khi ăn và trước khi đi ngủ. Hạn chế thức ăn có nhiều đường. Trẻ em dưới 7 tuổi không cho dùng thuốc Tetracycline vì gây hỏng men răng. Trẻ trong thời kỳ mọc răng cần tập vệ sinh răng miệng và tập chải răng đúng cách. Dùng kem đánh răng Florine có chứa tác dụng diệt khuẩn. Định kỳ đi lấy cao răng (tức là các chất bám lại trên răng và hóa đá). Các bác sĩ nha khoa khuyên nên khám răng định kỳ 6 tháng một lần để xem "sức khỏe" của răng thế nào và có biện pháp điều trị thích hợp.

3. Hệ lụy của những chiếc răng khôn

Răng "khôn" có đến 4 chiếc, mọc lần lượt ở 4 góc hàm. Ở một người trưởng thành khi răng "khôn" chưa mọc thì có 28 chiếc răng chia đều cho 2 hàm trên và dưới. Trong quá trình tiến hóa từ vượn sang người thì xương hàm được thu nhỏ dần vì chức năng của các chiếc răng đã được "phân công" lao động hợp lý. Lúc răng "khôn" mọc, thông thường thì hàm không còn "đất" riêng dành cho nó nên nó đành mọc... lệch và gây ra các phiền toái như: sưng đau, viêm lợi, sâu răng...

Một người đã qua tuổi 25 mà chưa thấy răng "khôn" mọc hay chỉ thấy mọc lên chút xíu thì coi chừng nó đang mọc lệch và đang ngấm ngầm "gây sự". Nếu có điều gì bất thường ở răng miệng thì phải nhanh chóng đến với các nha sĩ. Rất nhiều trường hợp nha sĩ đành khuyên chủ nhân nói lời chia tay với những chiếc răng "khôn" mà không "khôn" này!

4. Nha chu - nguyên nhân làm răng rụng

Một nguyên nhân quan trọng làm rụng răng ở nhiều người, đặc biệt ở tuổi teen (13 – 19 tuổi) đó là bệnh nha chu. Đây là bệnh thường gặp, tác động đến mô nâng đỡ chân răng, ban đầu gây viêm nướu, về sau phá hủy tổ chức nằm sâu bên dưới nướu như hủy hoại xương ổ răng làm cho răng không còn điểm tựa, buộc phải "ra đi".

Bệnh thường diễn biến qua hai giai đoạn. Giai đoạn viêm nướu và viêm nha chu với các biểu hiện từ hồng hào chuyển sang đỏ thẫm, sưng đau, chảy máu khi đánh răng hoặc chảy máu tự nhiên trong trường hợp nặng. Nếu điều trị  sớm, hiệu quả bệnh sẽ khỏi hẳn. Nếu không điều trị bệnh sẽ chuyển qua giai đoạn viêm nha chu với các biểu hiện hơi thở hôi, răng lung lay, chảy máu chân răng, nướu sưng đau và không còn "ôm" chân răng nữa. Giai đoạn này nguy cơ mất răng rất cao. Việc điều trị khó khăn hơn và tất nhiên khó có thể hồi phục hoàn toàn vì các tổ chức giúp cho răng chắc khỏe (như xương, dây chằng nha chu, ciment) đã bị phá hủy. Cần phải đi khám bác sĩ ngay khi thấy có một trong các biểu hiện trên.

Tuy nhiên, có khi bệnh nha chu xảy ra rất âm thầm, không rõ triệu chứng. Vì vậy tốt nhất nên kiểm tra răng miệng định kỳ.

"Thủ phạm" gây ra bệnh nha chu chính là các vi khuẩn cư trú ngay trên các mảng bám răng (cao răng) và tấn công nướu răng bằng các độc tố mà chúng tạo ra. Hiện tượng viêm nướu sẽ bắt đầu.

Các yếu tố nguy cơ gây bệnh nha chu: Chế độ dinh dưỡng kém, thiếu chất; vệ sinh răng miệng kém hoặc không đúng cách; sức đề kháng giảm do bị stress, tâm lý luôn bất ổn, căng thẳng...; nghiện thuốc lá; cơ thể đang mắc các bệnh như tiểu đường, nhất là các bệnh làm suy giảm hệ thống miễn dịch như bạch cầu, nhiễm HIV/AIDS; một số thuốc gây tác động đến răng miệng như thuốc chống trầm cảm, thuốc tránh thai...

5. Vệ sinh răng bằng chỉ nha khoa

Trong những năm gần đây, chỉ tơ nha khoa dần được mọi người ưa chuộng và "thủ" sẵn bên mình để vệ sinh răng miệng ngay sau khi ăn thay cho que tăm.

Chỉ tơ nha khoa là loại chỉ được chế tạo đặc biệt, vừa mềm mại, lại vừa bền dai khó đứt. Nói đặc biệt là vì chỉ tơ nha khoa có "tẩm" các loại thuốc diệt khuẩn, ức chế sự lên men và chất chống ung thư. Ngoài ra, hương liệu cũng được sử dụng để cho sợi chỉ tơ có mùi vị dễ chịu khi đưa vào trong miệng làm vệ sinh răng.

Sau ăn uống, vụn thức ăn bám vào chân răng và thân răng. Nếu chỉ dùng tăm xỉa răng và đánh răng thì phần thực phẩm "thừa" này khó loại trừ hết được ở khu vực sâu bên trong chân răng và các phần thân răng bị khuất lấp. Chỉ tơ nha khoa nhờ sự mảnh mai, dễ uốn, có thể ‘tác nghiệp" theo ý chủ nhân ở mọi địa hình nên làm cho răng sạch triệt để hơn.

Cách sử dụng chỉ nha khoa: rửa sạch tay và lau khô. Lấy một đoạn chỉ dài khoảng 30 – 40 cm, quấn ở 2 ngón tay giữa để "neo" sợi chỉ. Rồi căng đoạn giữa của sợi chỉ bằng các ngón tay cái và trỏ sao cho có một khoảng cách khoảng 5cm. Đưa vào miệng, kéo nhẹ nhàng sao cho sợi chỉ lọt vào kẻ răng, điều khiển cho sợi chỉ ôm quanh chân răng và kéo lên xuống tạo lực ma sát để làm bong các mảnh vụn thức ăn bám dính trên răng. Xoay sợi chỉ sao cho phía nào của răng cũng được "dọn" sạch.

Người mới sử dụng chưa thành thạo có thể làm chảy máu chân răng. Nhưng điều này là bình thường. Khi quen dần, động tác vệ sinh răng bằng chỉ tơ nha khoa sẽ vừa nhanh, vừa đẹp mắt, lại vừa sạch răng.

Nguồn: Trung tâm Truyền thông Giáo dục Sức khỏe Đà Nẵng
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên