17/10/2018 19:06 GMT+7

Rà soát phương án ứng phó sự cố giao thông

TUẤN PHÙNG thực hiện
TUẤN PHÙNG thực hiện

TTO - Ông Trần Hữu Minh - Phó Chánh văn phòng Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia - cho biết khi trao đổi với Tuổi Trẻ Online về câu chuyện 'Chật vật ứng phó sự cố trong đường hầm' cũng như trong các sự cố giao thông khác.

Rà soát phương án ứng phó sự cố giao thông - Ảnh 1.

Ông Trần Hữu Minh - Phó Chánh văn phòng Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia - Ảnh: KHÁNH DƯƠNG

*Thưa ông, qua những sự cố, tai nạn gây kẹt xe, tắc đường nghiêm trọng như sự cố sập mái che trước hầm Thủ Thiêm, tai nạn, sự cố trên đường cao tốc, có phải đang thiếu những phương án xử lý nhanh chóng các tình huống, sự cố giao thông xuất hiện trên đường cao tốc, đường hầm, đường trên cao?

- Về mặt hồ sơ, trong phương án thiết kế và phương án tổ chức khai thác vận hành các công trình giao thông đều có phương án xử lý sự cố giao thông. Tuy nhiên, tính thực tế, tính khả thi, khả năng ứng trực, các nguồn lực và điều kiện để thực hiện phương án ứng phó với sự cố trong từng trường hợp rất khác nhau. Về tổng thể, việc này vẫn còn nhiều bất cập.

Đây chính là những vấn đề cần được rà soát để tăng cường hiệu quả công tác ứng phó sự cố trong thời gian tới. Ví dụ cùng là diễn tập, nhưng nếu chúng ta diễn tập trong điều kiện quá thuận lợi, quá dễ thì trong những tình huống thực tế phức tạp hơn, công tác ứng phó cứu hộ sẽ không đáp ứng được yêu cầu.

* Có ý kiến cho rằng cần có những cơ chế cung cấp thông tin nhanh nhất về các sự cố gây ùn tắc giao thông để người dân, lái xe biết, không đi vào những tuyến đường đang xảy ra sự cố. Đồng thời, có cơ quan chịu trách nhiệm xử lý, điều hành ứng phó sự cố?

- Tôi cho rằng về tổng thể quy trình xử lý thông tin là hết sức quan trọng và cần được thiết kế nằm trong một hệ thống ứng phó cứu hộ chung.

Trong đó bao gồm việc tăng cường hệ thống giám sát của cơ quan quản lý để phát hiện sớm tình huống, đặc biệt đơn giản hóa đầu mối đường dây nóng (ví dụ có những số hết sức đơn giản trên toàn quốc tương tự như 911 hoặc 999 tại một số nước phát triển) để người dân có thể liên hệ khi cần thiết, có hệ thống ứng trực đường dây nóng 24/7 để tiếp nhận, có quy trình xử lý thông tin, báo cáo và ra quyết định kịp thời.

Đồng thời, cần có cơ chế phối hợp và chia sẻ thông tin giữa các lực lượng để cùng xử lý tình huống, có cơ quan chịu trách nhiệm có đủ quyền hạn, nguồn lực và trách nhiệm rõ ràng để điều phối công tác ứng phó sự cố...

Thông tin nhanh nhất tới người dân là một giải pháp quan trọng để người dân lựa chọn tuyến đường tránh các khu vực đang có sự cố nghiêm trọng. Tuy nhiên, cần nhấn mạnh thông tin tới người dân chỉ là giải pháp hỗ trợ, quan trọng nhất vẫn cần phải thiết lập một hệ thống có thể tiếp nhận thông tin phản hồi, phát hiện vấn đề sớm nhất, qua đó xử lý thông tin nhanh và điều phối các lực lượng chức năng để xử lý vấn đề một cách hiệu quả nhất.

Sau mỗi sự cố, cũng cần tiến hành đánh giá lại công tác ứng phó xem công tác tiếp nhận, xử lý thông tin, phối hợp đã tốt nhất chưa, nếu có vấn đề gì đang là rào cản làm chậm quá trình ứng phó thì cần có kiến nghị, giải pháp xử lý ngay.

* Ngoài phân luồng giao thông từ xa kịp thời, nên chăng có các giải pháp như dùng dải phân cách dễ dịch chuyển để thu hẹp phần đường chạy xe phía ngược lại, tăng diện tích đường cho phần đường bị tắc hoặc mở dải phân cách... trong các tình huống tắc đường cao tốc?

- Các giải pháp kỹ thuật trên đều có thể cân nhắc áp dụng trong những trường hợp cụ thể. Tùy từng trường hợp vị trí cụ thể mà cơ quan chức năng cần quyết định phương án phù hợp hiệu quả nhất. Đương nhiên, những giải pháp như vậy đều cần phải đưa vào phương án ứng phó, và được diễn tập thường xuyên.

Ngoài ra, tôi cho rằng việc kiên trì tuyên truyền cho người tham gia giao thông tuân thủ pháp luật về trật tự an toàn giao thông, đi đúng phần đường làn đường của mình cũng hết sức quan trọng. Chúng ta thấy có những sự cố giao thông nhỏ, nhưng do nhiều người không đi đúng phần đường làn đường, lấn sang làn đối diện khiến giao thông vốn đã tắc lại càng trở nên trầm trọng.

Để công tác tuyên truyền này đạt hiệu quả, tôi cho rằng phải có cách xử phạt nguội hiệu quả với những trường hợp như vậy.

Trong các sự cố vừa rồi, chúng ta có thể thấy, từ những vi phạm nhỏ tưởng chừng vô hại, đã dẫn tới những hậu quả rất lớn, ảnh hưởng tới hàng chục ngàn người trên diện rộng, gây bức xúc trong dự luận.

Bởi vậy, tôi cho rằng phải xử lý thật nghiêm những trường hợp như vậy và truyền thông thật sâu rộng tới tất cả các doanh nghiệp vận tải, hộ kinh doanh vận tải và người dân để phòng ngừa những sự việc tương tự có thể xảy ra.

Chật vật ứng phó sự cố trong đường hầm Chật vật ứng phó sự cố trong đường hầm

TTO - Hầu hết các điểm giao thông nhạy cảm như đường hầm, cao tốc... đều được xây dựng các kịch bản trong trường hợp xảy ra sự cố. Thế nhưng, khi có sự cố xảy ra thì các "kịch bản" giải quyết lại chưa được vận dụng trơn tru.

TUẤN PHÙNG thực hiện
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên